Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

VIỆT NAM TỬU ĐẠO

VIỆT NAM TỬU ĐẠO

"Một rượu, một trà, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó hại ta"
(TÚ XƯƠNG)

RƯỢU, TRÀ và ĐÀN BÀ là ba lĩnh vực rất lớn của nhân loại, nói hoài chẳng đủ. Ở đây, chúng ta bàn cũng chẳng đủ dù cho thêm vài kiếp sống. Lần lượt chúng ta sẽ bàn sâu từng lĩnh vực một, riêng chuyện ĐÀN BÀ thì xin lỗi, chào thua. Đơn giản vì tôi là ĐÀN ÔNG, chẳng biết gì, để chuyện ấy dành cho các bà, các cô chính hiệu tự nguyện tỏ bày.

Tôi biết uống rượu từ đêm xa nhà lần đầu tiên tại đèo Đuôi Tôm, Thị trấn La Hai, Quy Nhơn, ngồi uống rượu trong rừng và say ngủ vùi trong rừng ướt át để quên đi đói lạnh và sầu khổ tủi nhục. Cái thời đấy nó thảm như vậy.

RƯỢU có mặt rất lâu từ thời cổ đại cùng với sự hình thành sơ khai của xã hội loài người. RƯỢU được phát minh chỉ sau LỬA. Cũng là một thứ lửa như nhau: một thứ thì đốt thân, một thứ thì đốt tâm. Đây là một phát hiện tai hại của nền Văn minh cổ đại! (hay ngược lại đối với kẻ nghiện ngập, vì cho rằng RƯỢU là nhu cầu thiết yếu hằng ngày). RƯỢU là đề tài có nhiều xu hướng đối lập nhau. Chúng ta phải công nhận là RƯỢU có mặt khắp nơi, trãi dài trên từng trang sử lẫm liệt của nhân loại. Ở Trung Quốc hình thành cả Đạo Uống Rượu mà Lưu Linh là giáo chủ, có cả Tửu Kinh để ngâm nga tụng đọc hằng ngày. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, hình tượng Tế Điên Hòa thượng cũng là nhân vật độc đáo, chuyên uống rượu, ăn thịt, trà trộn vào thành phần trộm cướp để cứu độ.

Trong văn học sử, nước nào cũng có những trước tác về RƯỢU, đủ biết RƯỢU là loại hình văn hóa đặc thù rất hấp dẫn nhiều thành phần xã hội, từ vua chúa đến quan dân mạt hạng. Chúng ta phải tiếp nhận nó như một sinh hoạt thuần túy thôi.

Đối với người Việt, RƯỢU cũng đi sâu vào các mặt sinh hoạt, tín ngưỡng, có cả các bài kệ ngâm dâng tửu, không có ngoại lệ. Văn học về RƯỢU cũng hình thành từ cổ chí kim. Nhất là trong lĩnh vực thơ ca có những bài rất sảng khoái, thoát tục. bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác là một ví dụ điển hình. Đọc bài này rợn cả tóc gáy.

HỒ TRƯỜNG

thơ Nguyễn Bá Trác

Đại trượng phu
Không hề xé gan, bẻ cật
Phủ cương thường
Hà tất tiêu dao
Bốn bể luân lạc tha phương
Trời Nam, nghìn dặm thẳm
Non nước, một màu sương
Chí chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lăm, mà đầu bạc
Trăm năm thân thế, bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang
Ai người tri kỷ…
Lại đây cùng ta
Chung cạn một hồ trường!
Hồ trường, hồ trường
Ta biết rót về đâu…
Rót về Đông phương
Nước biển Đông chảy xiết
sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương
Mưa Tây sơn từng trận
chứa chan!
Rót về Bắc phương
Ngọn Bắc phong vi vút
đá chảy cát vương!
Rót về Nam phương
Trời Nam mù mịt…
Có người quá chén
như điên, như cuồng…
Nào ai tỉnh…
Nào ai say…
Chí ta, ta biết
Lòng ta, ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư…
Hồ thỉ
Hà tất
cùng sầu với cỏ cây.




Tôi từng đi nhiều nơi, giao tiếp nhiều thành phần, từng uống rượu trên núi tuyết với các nhà sư, vào nhà thờ thưởng thức rượu nho (rượu lễ) với các Cha, xuống biển uống rượu với dân chài, uống nhiều với các văn nghệ sĩ từ Bắc chí Nam, đủ các thành phần, uống khắp mọi nơi với đủ các loại rượu, ..

Sao uống nhiều thế! Chẳng biết.

Một lần tôi gặp một Đại gia mê rượu, có cả hầm rượu hẳn hoi, sưu tập và chưng bày hàng trăm loại rượu Tây có Ta có. Tôi cũng bị ấn tượng với gả mê rượu này. Một lần về uống rượu ờ Hà Tây, trong một vườn cây cảnh rộng lớn với nhiều mái chòi trông rất mỹ cảm. Vườn cây cảnh bạc tỷ, ngồi uống rượu với tri kỷ ngắm cây cỏ, đúng là cảnh tiên thoát tục.

Tôi suy nghĩ như thế này: RƯƠU là văn hóa mà cũng là tệ nạn của xã hội. Xã hội hiện đại đang tìm cách bài trừ nó mà chưa được. Chi bằng mình tìm cách hướng con người tới một phong cách uống rượu thú vị, gọi là có văn hóa khi uống rượu. Bạn nên nhớ là RƯỢU có mặt khắp hang cùng ngỏ hẻm, tác động rất lớn đến con người. Chúng ta không thể phủ nhận. Vậy thì, xin mời các bạn thưởng thức cùng tôi chung rượu tình người. Chỉ thế thôi! Xin mượn câu thơ của Nguyễn Đức Sơn để mở đầu cho cuộc rượu, tạm gọi là " TỬU ĐẠO THI NGÂM", gồm 100 bài, giới thiệu nơi chốn, thành phần và đủ các loại rượu trên đất nước Việt Nam ta.

Đêm Phù Cát dù ngoài trời rất lạnh
Nhưng trong nhà của thiếu úy Hồ Bang
Có tình bạn nồng nàn như rượu cần chôn nhiều năm dưới đất
Có câu chuyện tình thi vị mang mang

Nhiều lúc nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Bởi đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để quàng vai ấm áp cuộc rong chơi! ...

(Thơ Nguyễn Đức Sơn)

越 南 酒 道
獨 行 無 孤 詩 題

飲 酒 開 心 兮 道 人
提 生 子 笑 風 塵
鴈 過 長 空 無 反 影
閒 遊 酒 道 豁 然 安


VIỆT NAM TỬU ĐẠO
Độc Hành Vô Cô thi đề

Ẩm tửu khai tâm hề đạo nhân
Túy đề sinh tử tiếu phong trần
Nhạn quá trường không vô phản ảnh
Nhàn du tửu đạo hoát nhiên an

Dịch nghĩa:

Uống rượu mở cửa tâm hồn ra kìa, bậc đạo nhân
Say rồi viết lên kiếp sống của chính mình: mỉm cười với cuộc đời chìm nổi
Cánh chim nhạn bay qua bầu trời không lưu bóng dáng
Vui chơi nhàn nhã uống chén rượu đạo lý bổng tâm hồn rộng mở thênh thang

Dịch:

Chuốc chén tâm không kìa đạo nhân
Say vùi sinh tử phủi phong trần
Lưng trời cánh nhạn đâu lưu bóng
Men đạo nhàn tâm khổ lụy tan







CHÚ THÍCH:

1. Tế Điên Hòa Thượng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tế Ðiên Hòa Thượng hay Tế Điên Hoạt Phật (chữ Hán: 濟癫和尚、濟公活佛) ( tên thật Lý Đạo Tế) là một nhân vật có thật và cũng là nhân vật trong tác phẩm văn học dân gian Trung Quốc, kể lại sự tích một vị Thiền sư thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống (khoảng 1150 – 1209) người Lâm Hải (Chiết Giang), họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ Ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu sống tại vùng Chiết Giang, Trung Quốc. Ông là một tăng sĩ nhưng ham uống rượu, ăn thịt chó nên người đời gọi ông là Tế Điên. Sau này dân gian gọi ông là Tế Công.



Tượng Tế Điên và các nhân dáng phổ biến

Tiểu sử

Cuộc sống của vị Thiền sư này có nhiều điều kỳ bí khác đời và cũng khác với đời sống tu hành của Tăng chúng đương thời. Tính tình ông cuồng phóng, thích rượu, thích thịt chó người đời gọi ông là “Tế Ðiên”, nhưng ông lại là người rất “tỉnh”, từ bi và ưa giúp đời[1]. Tế điên sống ở núi Thiên Thai, sau đó đi đến Hàng Châu (cách Thiên Thai 300km). Tại Hàng Châu có chùa Linh Ẩn là nơi hòa thượng Tế Điên xuất gia năm 18 tuổi. Ông lần lượt tham học với các vị: Pháp Không Nhất Bản ở chùa Quán Âm. Sau sư vào núi Hổ Khâu làm môn hạ ngài Hạt Ðường Huệ Viễn và nối dòng pháp này. Sư lại đến ở chùa Tịnh Từ, chùa này bị thiêu hủy vì hỏa tai, Sư đi hành hóa ở Lăng Nghiêm trùng tu lại. Cư dân ở vùng Tần Hồ ăn ốc thường chặt đuôi ốc để ăn. Sư xin những con ốc này thả lại trong nước, ốc phần lớn sống lại mà không có đuôi.
Năm 1209, sư thị tịch, thọ 60 tuổi, nhục thân của sư nhập vào tháp tại Hổ Bào.
Nhân dáng
Tế điên được mô tả mặc quần áo rách rưới, gầy guộc xương và tay cầm quạt mo. Các thế tượng Tế Điên đều được miêu tả nhân dáng thế này, nhưng thực tế - theo truyền thuyết tay ông còn cầm đùi chó, nhưng trong chùa không tiện thờ những hình dáng thế này. Có khi Tế Điên lại được tạc theo thế tay cầm bình rượu nhưng bị chó cắn gấu quần. Lý giải cho việc tại sao mình ăn thịt chó, theo truyện Tế Điên Hòa Thượng thì ông nói:
Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không.

[2]
Tế Điên và tư tưởng Tâm Thức

Tế Điên theo truyền thuyết giống như đến cõi trần vui chơi, để đùa giỡn và cũng để giáo hóa cho con người thấy tất cả đều chỉ là trò ảo giác của sắc thân, của chữ nghĩa, của tư tưởng, chúng đều là chuyện đáng để đùa giỡn.

Từ chân Tháp Lục Hòa, Tế Công viết thư :
Ức tích diện tiền dương nhất tiễn
Chí Kim do giác cốt mao hàn
Chỉ nhân diện mục vô nhân thức
Hạ vãng xưa từng đón mũi tên
Lông Xương nay vẫn chưa yên
Chỉ vì mặt thật không ai hiểu
Về núi Thiên Thai lại một phen
"Đó là các vị giết hại sinh vật nhưng “mặt thật” của vô sinh là vô tử - quan trọng là tư tưởng đều là vọng thức , chẳng can gì đến tâm, con người thường lầm thức là tâm, thậm chí gọi chung là tâm thức. Ý là nhớ , đối cảnh khởi vọng đều là vọng thức, chẳng can gì đến tâm. Tâm chẳng phải có không, có không chẳng nhiễm. Tâm chẳng cấu tịnh, cấu tịnh chẳng nhơ, chẳng nhơ. Cho đến mê ngộ phàm thánh, đi đứng ngồi nằm đều là vọng thức, chẳng phải tâm vậy. Tam xưa chẳng sinh, nay chẳng diệt."

[3]

Trong lĩnh vực điện ảnh

Tế Công là nhân vật được khai thác của đề tài phim võ hiệp cũng như phim hài. Nhiều bộ phim của Hồng Kông và Đài Loan và ngay cả Singapore có đề cập đến ông. Tuy nhiên hầu hết được sửa đổi theo nguyên tác truyện dân gian và diễn viên chưa lột tả hết được tính cách phức tạp của nhân vật.

2. LƯU LINH:Một trong bảy vị thuộc nhóm TRÚC LÂM THẤT HIỀN

Trúc lâm Thất Hiền là bảy ông Hiền ở rừng trúc.
Bảy ông Hiền nầy có cùng một chí hướng, tu theo đạo Tiên, thường tụ nhau nơi rừng trúc đàm đạo quanh một cái bàn, vào thời nhà Tấn bên Tàu, tức là vào thời Tư Mã Chiêu, con của Tư Mã Ý, trong truyện Tam Quốc.

Trúc lâm Thất Hiền có tên kể ra sau đây:


1. Nguyễn Tịch (210-263)
2. Kê Khang (223-263)
3. Lưu Linh (220-300)
4. Sơn Đào (205-283)
5. Hướng Tú (221-300)
6. Vương Nhung (234-305).
7. Nguyễn Hàm

Đây là nhóm Thanh đàm của Đạo gia, bàn về những vấn đề thanh cao, những tư tưởng siêu việt.
Đây cũng là nhóm đại diện cho phong trào sống nghệ thuật phong lưu theo tự nhiên, để cho tình cảm lãng mạn nẩy nở tự do, không chịu gò ép trong lễ nghi hay giới luật.

Trúc lâm chứa đặng bảy ông Hiền,
Vì bỏ tục trần mến cảnh Tiên.
Hồng cấu đã chui thân phải vấy,
Hơn thua cười kẻ biết nơi tiền.

Sau đây là tiểu sử sơ lược của mỗi ông Hiền trong Trúc lâm Thất Hiền:

1. NGUYỄN TỊCH (210 - 263):

Nguyễn Tịch, tên chữ là Tự Tông, người đất Trấn Lưu, con của Nguyễn Vũ, một trong Kiến An Thất tử.
Nguyễn Tịch có dung mạo khác thường, chí khí mở rộng, tự nhiên, một mình độc lập, phóng túng tự do, mà mừng giận không hiện ra nét mặt, thường đóng cửa ở trong nhà đọc sách, có khi hàng tháng không bước chân ra ngoài, có khi trèo lên núi ngao du sơn thủy hàng mấy ngày quên trở về.
Nguyễn Tịch đọc rất nhiều sách mà thích nhứt là sách Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Nam Hoa Kinh của Trang Tử.
Ông thích uống rượu, biết thổi sáo, giỏi đàn cầm, đương khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần nhập hóa. Người đời cho ông có si tính hay máu điên.
Vì có cái cuồng danh đó mà Tư Mã Chiêu (con của Tư Mã Ý) đem lòng ngưỡng mộ, muốn kết thân với Nguyễn Tịch, nhưng ông không chịu nên cố ý say sưa luôn 60 ngày đêm để khỏi gặp Tư Mã Chiêu.
Bề ngoài của Nguyễn Tịch trông rất phóng đãng, nhưng bên trong rất thuần chính. Hành động phóng đãng là giả vờ để tránh tai họa, bảo trọng lấy thân mà thôi.
Ông nhìn thấy triều đình càng lúc càng suy yếu, quan lại chuyên quyền, dua nịnh, ông rất đau lòng, nên đã kết tinh vào tác phẩm "Vịnh Hoài" của ông, một tập thơ bất hủ gồm 82 bài thi, một kiệt tác của thời bấy giờ. Tấm lòng của ông bao la, tầm mắt rộng lớn mà không gặp được người đồng khí tương cầu nên đã phát tiết bi thương trong thơ văn đến độ mãnh liệt.
Nguyễn Tịch có viết sách "Đạt Trang Luận", trong đó, ông xác định Triết lý tự nhiên, luôn luôn ý thức cái lý đồng nhứt trong sai thù.
Nguyễn Tịch có cặp mắt rất đặc biệt, khi vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt xanh, còn không vừa lòng ai thì nhìn với đôi mắt trắng. Khi mẹ Nguyễn Tịch mất, ông Kê Hỷ mang đồ lễ đến viếng, Nguyễn Tịch tiếp nhìn với đôi mắt trắng dã. Hỷ ra về mà bụng không bằng lòng. Em của Kê Hỷ là Kê Khang nghe biết chuyện đó, mới mang rượu và cắp đàn đến, thì Tịch rất vui, vừa ý lắm, tiếp Kê Khang với đôi mắt xanh.
Năm thứ tư đời Cảnh nguyên, tức là năm 263, Nguyễn Tịch mất, hưởng được 54 tuổi.
Kê Khang thường ca tụng Nguyễn Tịch rằng: Nguyễn Tự Tông, miệng không bàn lỗi của người. Ta mỗi khi bắt chước điều ấy mà không kịp được, cùng cực bẩm tính hơn người, với sự vật không thương tổn, chỉ có cái uống rượu quá mức thôi.

2. KÊ KHANG (223 - 263):

Kê Khang, tự là Thúc Dạ, ở Tiêu Quận, sớm mồ côi, có kỳ tài, thân hình cao lớn, có phong nghi, thiên chất tự nhiên, tánh tình điềm đạm, ít ham muốn, khoan dung giản dị.
Ông tự học mà giỏi, sở trường về cái học Lão Trang.
Ông trước tác được hai bộ sách: Thích Tứ Luận và Thanh Vô Ai Lạc Luận. Trong hai cuốn sách nầy, ông lấy chủ nghĩa tự nhiên để bài bác học thuyết của Nho gia.
Ông quan niệm nhân cách của người quân tử có được không phải lấy lễ giáo bên ngoài mà uốn nắn con người, đẽo gọt thiên nhiên. Ông cũng chống lại tất cả các suy luận trí thức về phải trái, đúng sai. Ông chỉ cốt làm sao cho được Tâm hư để noi theo Tánh mà sống, vì tự nhiên chính là đạo lý.
Sách Thế Thuyết có kể chuyện rằng: "Chung Hội (225-264) làm quan, làm tướng, có viết sách, lấy làm tiếc vì chưa có dịp gặp Kê Khang, cho nên ngày kia, Chung Hội cùng với vài người thân tín đến viếng Kê Khang.
Sở thích của Kê Khang là rèn đồ kim khí. Chung Hội đến thì thấy Kê Khang đang rèn sắt dưới gốc cây lớn. Hướng Tú thì giúp Kê Khang thổi ống bể, còn Kê Khang thì vẫn tiếp tục đập sắt như không có khách đến. Chung Hội bị bẽ mặt, đứng nhìn một lát rồi bỏ đi.
Kê Khang hỏi: - Đã nghe gì mà tới? Đã thấy gì mà đi?
Chung Hội đáp:
- Tới vì nghe cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy."
Người đời Tấn rất thích cái vẻ đẹp thể chất và tinh thần của Kê Khang. Người ta sánh ông với núi ngọc hoặc cây tùng.
Có lẽ vì vậy mà Chung Hội mới nói đã nghe và đã thấy.
Trước kia, có một hôm, Kê Khang đi chơi ở đất Lạc Tây, trọ ở Hoa Dương Đình, đêm ngồi khảy đàn, chợt có một người khách đến tự xưng mình là người thời cổ, rồi cùng Kê Khang bàn luận âm luật, lời lẽ rành rọt thấu đáo lắm. Nhân đó, ông khách truyền cho Kê Khang khúc nhạc Quảng lăng tán, dặn Kê Khang không truyền cho ai khác.
Về sau, khi Kê Khang bị Tư Mã Chiêu đem ra hành hình ở phía chợ đông, Kê Khang quay nhìn bóng mặt trời rồi cầm đàn gảy nói rằng:
- Trước kia khúc Quảng lăng tán nầy có người tên Viên Hiếu Nê thường theo ta để học nhưng ta không truyền được, nay khúc Quảng lăng tán nầy từ nay mất đi.
Kê Khang bị Tư Mã Chiêu ra lịnh giết chết năm ông được 40 tuổi.
Các nhà phê bình đều cho rằng: thơ của Nguyễn Tịch và của Kê Khang ý tứ rất khác nhau. Thơ của Nguyễn Tịch thì ý chỉ thâm thúy, của Kê Khang thì khí vận tuấn thanh. Tài hoa của Nguyễn Tịch thì như mùa Xuân thơm ngát, còn tâm tình của Kê Khang như mùa Thu trong trẻo. Nhưng có điều, là Nguyễn Tịch dùng cái cuồng để làm kế bảo toàn tấm thân, còn Kê Khang lại bị cái cuồng mà phải sát thân.

3. LƯU LINH (220 - 300):



Lưu Linh, tự là Bá Luân, người đất Bái, thân hình xấu xí, phóng tình tứ chí, thường lấy sự coi nhỏ vũ trụ xem bằng muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du, cùng với Nguyễn Tịch và Kê Khang tương ngộ, tinh thần hớn hở, dắt tay vào rừng. Lúc đầu không chút ý kiến gì về tài sản có không nói: "Ta chết chôn cho ta." Đấy khinh bỏ thân thể đến thế.
Lưu Linh hay uống rượu, nổi tiếng về rượu hơn hết trong Trước lâm Thất Hiền, uống rượu bao nhiêu cũng không say.
Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng:" Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi." (Nhiếp sinh là thu nhiếp tinh thần để nuôi sức khỏe).
Lưu Linh nói: "Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để thệ nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!"
Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ.
Xong, Lưu Linh bèn quì mà khấn rằng:
"Thiên sanh Lưu Linh,(Trời sanh Lưu Linh),Dĩ tửu vi danh,(Lấy rượu làm danh),Nhất ẩm nhất hộc,(Mới uống một vò),Ngũ đẩu giải tỉnh,(Năm đấu giải tỉnh),Phụ nhân chi ngôn,(Lời nói đàn bà),Thận bất khả thính.(Cẩn thận đừng nghe.)
Khấn xong thì đem rượu thịt ra, ăn uống li bì, say say tỉnh tỉnh.
Tuy Lưu Linh mê man phóng túng, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai, ít khi thác ý vào văn thơ, duy có làm bài phú "Tửu đức tụng" nổi tiếng, ca tụng người uống rượu.

Bài phú :TỬU ĐỨC TỤNG, diễn nôm ra sau đây:

1.

Chàng là một người đầy cao quí,
Đối với chàng, Trời Đất chỉ là một buổi sáng,
Và vĩnh hằng chỉ là một thoáng chốc.
Mặt trăng và mặt trời chỉ là những cánh cửa sổ,
Tám sa mạc là sân nhà chàng.
Chàng đi không để lại dấu vết,
Không ở tại một ngôi nhà nào.
Lấy trời làm nhà, lấy đất làm chiếu,
Chàng theo đuổi sự phóng túng của mình.
Khi dừng lại chỉ là để nâng lên chén rượu hay ôm bầu rượu,
Khi đi chỉ là để mang theo một bình rượu hay lấy đi chai rượu.
Rượu là công việc duy nhứt của chàng,
Chàng chẳng biết gì hơn nữa.

2.

Một ông chúa trẻ thuộc nhà cao quí, và một quan về hưu,
Nghe nói đến những thói quen của ta,
Đã bài bác cách sống của ta.
Họ vung tay áo, nắm tay lại,
Mắt dữ dằn đảo qua đảo lại và răng thì nghiến chặt lại,
Họ dạy ta những phép tắc xã giao,
Phải thế nầy và không được thế kia, nghe như tiếng bầy ong,
Nhưng vào lúc đó, ông thầy kia,
Nắm lấy một cái vò, cầm lên một cái chén,
Đưa chén lên miệng nốc hết rượu, rồi vuốt râu nằm thẳng cẳng,
Lấy men làm gối, lấy cặn rượu làm gối dài.

3.

Chẳng suy nghĩ gì, chẳng lo âu gì,
Hạnh phúc của chàng thật là toàn vẹn!
Thoắt thấy chàng say mèm, thoắt thấy chàng tỉnh rượu.
Lắng tai nghe, chàng không nghe thấy sấm rền,
Chú mắt nhìn, chàng chẳng thấy hình núi Thái sơn,
Không thấy lạnh giá và nóng bức cắn xé da thịt mình,
Cũng không thấy thành công và ham muốn gây những đam mê.
Chàng cúi nhìn đám người đông như kiến cỏ,
Họ giống như bèo tấm trôi trên sông Giang sông Hàn,
Hai vị cao sang kia đứng cạnh,
Với chàng, chỉ giống con ong hay con sâu.

(Lê Diên dịch)

Đây là những tư tưởng tự nhiên rút ra ở hệ thống xuất thế của Lão Trang, đem vào đời sống nghệ thuật đến mức cực đoan. Lưu Linh mượn rượu để quên đời, quên cả hình hài để sống với một tâm trạng siêu thần nhập hóa giả tạo. Phải chăng hoàn cảnh lịch sử xã hội thời đó đã gây ra không khí quá bi quan như thế?
Lưu Linh thường hay quá chén, phóng túng, cởi bỏ quần áo, trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy thì chê cười.
Lưu Linh nói: "Ta lấy Trời Đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, các ông sao lại chui vào quần áo của ta?"
Lưu Linh dẫu sống phóng túng, buông thả, nhưng vẫn ý thức cái gì là của Trời Đất, cái gì là của thiên hạ.

4. SƠN ĐÀO (205 - 283):

Sơn Đào, tự là Cự Nguyên, người ở huyện Hoài, đất Hà Nội, đời nhà Tấn (nay thuộc tỉnh Hồ Nam). Từ nhỏ, tánh tình ông rất chất phác, nhưng học thức hơn người, được nhiều học giả danh vọng trong vùng kính trọng, thế mà đến 40 tuổi, Sơn Đào vẫn là một viên quan nhỏ giữ chức Chủ Bạ trong quận.
Sơn Đào chơi thân với Nguyễn Tịch và Kê Khang.
Vợ Sơn Đào là Hàn Thị thấy ba người chơi thân với nhau thì hỏi dò chồng. Sơn Đào đáp:
- Đó là hai người riêng ta có thể chơi thân.
Hàn Thị muốn biết rõ hai người bạn đặc biệt nầy của chồng, nên sửa soạn một tiệc rượu để chồng đãi đằng hai bạn, còn Hàn Thị thì núp trong màn nhìn ra quan sát, buổi tiệc kéo dài suốt đêm, Hàn Thị cũng thức suốt đêm để theo dõi.
Sáng hôm sau, Sơn Đào vào phòng hỏi vợ:
- Nàng nghĩ sao về hai người bạn đó?
Hàn Thị đáp: - Về tài hoa thì chàng không bằng họ, nhưng về trí thức thì chàng đáng là bạn của họ.
Sơn Đào nói:
- Chính họ cũng cho cái biết của ta là cao hơn.
Về sau, Sơn Đào cũng được điều về kinh đô, giữ chức: Thượng Thư Lại Bộ Lang. Lúc ấy Ngụy đế là Tào Phương vừa nhỏ tuổi vừa bất tài, triều chính lọt vào tay Thái Úy Tư Mã Ý và Đại tướng Tào Sảng. Hai người nầy kết bè kết đảng định tiêu diệt phía đối phương mà độc chiếm quyền hành.
Sơn Đào nhìn thế cuộc biết chắc thế nào Tào Sảng cũng phải thua Tư Mã Ý, vì Tào Sảng lỗ mảng ngang ngược, kém mưu trí hơn Tư Mã Ý nhiều.
Sơn Đào không muốn dính vào vòng đấu tranh của hai người ấy, nên thường ẩn cư, ít giao thiệp với các triều thần.
Mỗi khi cao hứng, Sơn Đào thường mời các danh sĩ như: Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Hướng Tú, Vương Nhung vào trong rừng trúc rong chơi, uống rượu và bàn lẽ huyền vi của Trời Đất, gác ngoài tai mọi việc ở đời.
Trong Trúc lâm Thất Hiền thì Kê Khang là người có tiếng tăm và tài hoa cao nhứt, dám khinh miệt cả bọn quyền quí, làm Sơn Đào rất bội phục.
Sau nầy, khi Sơn Đào làm ở Bộ Lại, có dâng thơ tiến cử Kê Khang. Kê Khang chán ghét bọn quan lại tham ô nên không hề có ý muốn ra làm quan, nay biết được Sơn Đào dâng thơ tiến cử mình, Kê Khang nổi giận liền viết một bức thơ "Tuyệt giao Sơn Đào", mỉa mai Sơn Đào còn ham danh lợi và tuyên bố tuyệt giao với Sơn Đào. Sơn Đào rất hiểu rõ tánh ý của Kê Khang nên không hề hờn giận.
Sau nầy, Kê Khang bị Chung Hội và Lữ Tấn vu oan, Tư Mã Chiêu tin Chung Hội nên giết chết Kê Khang. Con của Kê Khang là Kê Thiệu bơ vơ không nơi nương tựa, được Sơn Đào lo lắng chăm sóc.
Năm 265, con của Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm chiếm lấy chánh quyền, phế bỏ triều Ngụy của họ Tào, lên làm vua, lập ra nhà Tấn, Sơn Đào lại dâng thư tiến cử Kê Thiệu: "Cha có tội không liên quan gì đến con, Kê Thiệu gồm đủ đức tài, xứng đáng được trọng dụng." Tư Mã Viêm chấp nhận, phong Kê Thiệu chức Bí Thư Thừa.
Sơn Đào giỏi nhận xét nhân tài, trong hơn 20 năm ông làm việc ở Bộ Lại, ông tiến cử lên triều đình nhiều hiền tài. Trong triều có quyền thần Giả Sung, thường kéo bè kết đảng để củng cố thế lực, khen ngợi tên tâm phúc Lục Lượng trước mặt Tư Mã Viêm, rằng Lục Lượng có tánh tình trung hậu, chí công vô tư, nên xin cho Lục Lượng được cùng với Sơn Đào làm chức Tuyển Quan. Tư Mã Viêm đồng ý.
Sơn Đào thì phản đối việc nầy, vì biết Lục Lượng chỉ là tên có tài nịnh hót chớ không có thực tài, không xứng đáng với chức Tuyển Quan. Ít lâu sau, quả nhiên tên Lục Lượng nhận hối lộ, bị phát hiện nên bị cách chức. Do đó, Tư Mã Viêm càng trọng tư cách của Sơn Đào.

5. HƯỚNG TÚ (221 - 300):

Hướng Tú, tự là Tử Kỳ, người ở đất Hoài, nay là Hồ Nam, thuở nhỏ đã quen biết Sơn Đào. Hướng Tú rất thông tuệ, hiểu biết rất sâu xa, theo cái học của Lão Trang. Ông cùng với Quách Tượng đã chú giải sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử, vì lâu nay trải quan nhiều thế hệ của Đạo gia, nhưng chưa có ai luận bàn về tôn chỉ và hệ thống hóa sách ấy cả.
Hướng Tú bàn và giải thích thêm những ý nghĩa sâu kín, phát minh thêm ý lạ, làm nổi dậy phong trào Huyền học.
Người đương thời đọc sách ấy thì siêu nhiên tâm ngộ, chẳng ai không mãn nguyện.

6. VƯƠNG NHUNG (234 - 305):

Vương Nhung có một đứa con vừa mới chết, bạn của Vương Nhung là Sơn Giản đến viếng. Vương Nhung không cầm được nước mắt. Sơn Giản nói:
- Chỉ là đứa bé con, cớ sao lại khóc?
- Thánh nhân thì quên tình, thứ dân thì không biết tới, chỉ như bọn ta mới có nhiều tình.
Sơn Giản tán đồng, rồi cũng khóc theo.
Lời nói của Vương Nhung cắt nghĩa rất rõ tại sao nhiều Huyền học gia lại rất lưu tâm đến thuyết Chủ tình.
Trong nhiều trường hợp, không phải vì sự được mất của bản thân mà họ tỏ ra vui buồn, mà chính trong cái cảnh tượng chung của cuộc sống hay của Trời Đất.

7. NGUYỄN HÀM:

Nguyễn Hàm là cháu của Nguyễn Tịch, gọi Nguyễn Tịch bằng chú. Hai người họ Nguyễn nầy đều thích uống rượu. Mỗi khi gặp nhau, họ không cần lấy chén mà uống, chỉ ngồi quanh vò rượu mà uống trong vò. Có khi mấy con heo khát nước chạy đến, thì họ cho heo cùng uống với họ.
Đấy là tình cảm cốt yếu của hạng người phong lưu, muốn sống với tinh thần nghệ sĩ, với ý thức bình đẳng, không phân biệt giữa họ và vật trong Trời Đất.
Tóm lại, Trúc lâm Thất Hiền là bảy ông Hiền nơi rừng trúc. Họ là những nhà văn nhà thơ, vừa đi dạo, vừa bàn luận trong một khu rừng trúc nhỏ, dừng lại để uống rượu, rồi lại đi dạo tiếp tục, rồi lại bàn luận, làm thơ, cho đến lúc say mèm.
Họ bàn luận chỉ trích Khổng giáo, đề cao Lão Trang, mỗi người có một cách, làm dẫy lên một trào lưu tư tưởng lãng mạn gọi là Phong lưu, ngụ ý sống tự do theo tự nhiên, mà tư tưởng triết học thì chủ ở Lão Trang. Sống Phong lưu là sống hòa nhịp với cảm xúc bồng bột hồn nhiên, không chờ trí thức kịp xen vào. Cảm xúc ấy là của một tánh tình đã cảm thông với tạo vật thiên nhiên chớ không phải cái tánh tình nhỏ hẹp hữu hạn tầm thường.

Cụ NGUYỄN DU cũng có cảm tác một bài về LƯU LINH

LƯU LINH MỘ
của Nguyễn Du

Nguyên văn chữ Hán

劉伶墓

劉伶之子不成才
荷插揚言死便埋
醉裡已能齊萬物
死時何必念遺骸
天年古墓長荊棘
萬里官道多風埃
何似清醒看世事
浮萍擾擾更堪哀

Phiên âm Hán Việt

Lưu Linh chi tử bất thành tài
Hạ sáp dương ngôn tử tiện mai[1]
Túy lí dĩ năng tề vạn vật[2]
Tử thời hà tất niệm di hài
Thiên niên cổ mộ trường kinh cức
Vạn lí quan đạo đa phong ai
Hà tự thanh tinh khan thế sự
Phù bình[3] nhiễu nhiễu cánh kham ai

Dịch nghĩa:

Gã họ Lưu không nên tài cán chi
Vác cuốc rêu rao "chết đâu chôn đó"
Trong cơn say đã có thể coi muôn vật ngang nhau
Đến lúc chết hà tất phải nghĩ tới hình hài
Mộ cổ nghìn năm gai góc mọc đầy
Đường quan muôn dặm nhiều gió bụi
Sao lại lấy trong sạch, tỉnh táo mà nhìn việc đời
Để như cánh bèo trôi giạt thật đáng thương thay

Không có nhận xét nào: