Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CHA MẸ CỬA NGÕ HUYẾT THỐNG VÀ TÂM LINH

CHA MẸ
CỬA NGÕ HUYẾT THỐNG VÀ TÂM LINH
Tác giả: ANH LY – HỒ DU BIỆT




A. VỀ VỚI GIA ĐÌNH VÀ CỘI NGUỒN HUYẾT THỐNG 

1. Ý NIỆM VỀ TỔ ẤM
2. GÁC LẠI MỌI CHUYỆN ĐỂ TRỞ VỀ VỚI GIA ĐÌNH
3. CỬA NGÕ HUYẾT THỐNG
4. CỬA NGÕ TÂM LINH
5. HÔM NAY CHÍNH LÀ NGÀY MAI AN BÌNH 

B. CHA MẸ LÀ SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG HẠNH PHÚC 

1. CHA MẸ VÀ CON CÁI
2. SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG
3. SUỐI NGUỒN HẠNH PHÚC
4. VƯỜN HOA CỘNG ĐỒNG

HUẾ - THÁNG 10. 2011

CHA MẸ
CỬA NGÕ HUYẾT THỐNG VÀ TÂM LINH (PHẦN 1)

Tác giả: ANH LY – HỒ DU BIỆT

A.VỀ VỚI GIA ĐÌNH VÀ CỘI NGUỒN HUYẾT THỐNG

1. Ý NIỆM VỀ TỔ ẤM

Gia đình là yếu tố quan yếu tác động trực tiếp lên xu hướng đời sống con người và nó là bộ phận quan trọng hình thành nên cộng đồng xã hội. Người ta hay dùng từ “Tổ Ấm” để mô tả tới một gia đình lý tưởng: Cha mẹ, con cái, anh chị em thương yêu nâng đỡ, đùm bọc nhau vui sống.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình không đạt chuẩn như thế, có khi thì ấm áp, có khi lạnh lẻo. Những yếu tố tác động nên tình trạng “ấm lạnh” của gia đình chính yếu vẫn là cha mẹ, huyết thống tâm linh, biến chuyển thời cuộc, kiến thức kinh nghiệm, kinh tế tài chính, phúc báu tổ tiên, ..
Với nhiều yếu tố tác động như thế nên các bậc cha mẹ thường hao hơi, tổn khí nhiều trong quá trình nuôi dạy con cái trưởng thành và chống chọi với đủ thứ áp lực bao vây xung quanh đời sống của họ.
Do hiểu biết như thế nên từ nhỏ, với địa vị là chị cả anh đầu, tôi đã sát cánh cùng với cha mẹ để đỡ đần mọi việc và chăm nom nuôi dạy em út, hướng dẫn đủ thứ chỉ mong sao anh chị em vui vẻ, hòa đồng chung cùng xây dựng “Tổ Ấm”.
Sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian để làm việc này, đôi khi phải hy sinh phần đòi hỏi quyền lợi riêng mình mà chỉ chăm chú tới nghĩa vụ trách nhiệm mới xây dựng được một gia đình khả dĩ: có truyền thống đạo đức tốt đẹp, dĩ hòa vi quý, hiểu biết thương yêu, làm chỗ dựa cho nhiều thành phần và nhiều thế hệ tiếp nối.
Ở đây tôi chỉ đi sâu vào hai yếu tố chính: HUYẾT THỐNG và TÂM LINH, để nhận chân ra sự thật: Mình là ai? Mình cần gì ở cuộc đời này? Muốn trả lời được câu hỏi này bắt buộc phải tìm về nguồn cội: cha mẹ, ông bà tổ tiên có đời sống như thế nào?
Đó là một hành trình không dễ phát hiện nhưng rất quan yếu đối với việc hình thành nên hai chữ “Tổ Ấm” mà mình phải có trách nhiệm xây dựng, gìn giữ.

THỰC TẠI NHIỆM MẦU



Thực tại luôn mối quan tâm lớn của tất cả mọi người vì nó mang tính quyết định cho ngày mai.
Tôi sẽ chia sẻ từng giây phút thực tại với mọi người bằng chính đời sống của chính tôi: lẽ sinh diệt diễn ra hằng ngày liên quan đến rất nhiều vấn đề nóng bỏng, hấp dẫn: liên hệ cha mẹ con cái, tình yêu thương ruột thịt, sinh ly tử biệt, không gian tâm linh, đường hướng giải quyết, … mà Cha Mẹ chính là cửa ngõ để dẫn ta vào cội nguồn huyết thống và tâm linh, mở ra con đường chân thật mà các thế hệ từng hoài vọng tha thiết.
Thực tại, quán sát, tư duy và hành động khế hợp với hoàn cảnh để đạt được sự hài hòa và hiệu quả, đó là nguyên tắc của cuộc sống. Tôi sẽ bắt đầu câu chuyện của mình, nhưng tôi chắc chắn sẽ liên quan mật thiết đến mọi người vì mọi người chính thực là tôi đấy và ngược lại.
Chúng ta bắt đầu nhé!

2. GÁC LẠI MỌI CHUYỆN ĐỂ TRỞ VỀ VỚI GIA ĐÌNH

NHẬT KÝ CẬP NHẬT HẰNG NGÀY

NGÀY ĐẦU VÀ NGÀY THỨ HAI NHẬP VIỆN

(Thứ Hai, 03.10.2011 va Thứ Ba, 04.10.2011)


Được tin Ba ốm nặng đã nhập viện từ tối hôm qua và đã chuyển về bệnh viện Trung Ương Huế cấp cứu đã qua một đêm nguy cấp. Sớm nay dậy từ 3g sáng, tôi quyết định gác lại mọi thứ, từ Hà Nội bay vào Huế. Tranh thủ từng phút giây khi ngồi ở phòng cách ly sân bay Nội Bài, lúc yên vị trên máy bay, cả lúc rỗi rãnh khi ở Huế nữa, … và tôi cũng tự hứa với chính mình: sẽ dành thì giờ và sức lực cho Ba Mạ nhiều hơn để hướng về nguồn cội.
Trước đây, tôi có dự định sẽ viết tập: Ngàn Hoa Dâng Cha Mẹ (THIÊN HOA PHỤNG PHỤ MÂU), 1000 câu thơ lục bát viết dâng Cha Mẹ, và một tập sách có phần hướng dẫn về các bài kệ dâng, văn chúc, văn tế, … để sử dụng cho việc chúc thọ, xướng lễ hiến cúng trong các dịp ma chay, kỵ giỗ, tưởng niệm, … đến nay mãi vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện được. Thời gian này tôi dành trọn vẹn cho chuyện này.
Con người xã hội hôm nay bị hai chứng bệnh nan y thời đại: bận rộn và không có thì giờ.
Phần lớn là do xã hội đang trên đà phát triển về vật chất, thứ hai con người bị bao vây bởi ngũ dục: sắc, tài, danh, thực, thụy. Người nhỏ thì kẹt chuyện nhỏ, người lớn thì kẹt chuyện lớn. Chuyện buồn cười là ngay cả em bé học mẫu giáo cũng không có thì giờ rỗi. Áp lực xã hội đang đè nặng lên con người đủ mọi thành phần. Tìm được không gian tĩnh lặng và gặp gỡ con người điềm đạm trở thành chuyện hiếm hoi, xa xỉ.
Nếu một đứa trẻ sinh ra và lớn lên như vậy sẽ dễ trở thành con người máy móc, phù phiếm, hình thức và đầy rẫy sân hận bạo động. Đấy là con người công cụ chứ không phải con người tỉnh tại.
Ai ai cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó. Chúng ta phải tập nhìn lại mình, nhìn lại môi trường sống với các mối quan hệ: giáo dục, công sở, nhà ở, giao du, thực phẩm hằng ngày, xu hướng tâm linh, … để thấy rằng chúng ta đang bị bức bách đủ thứ khi đi ra ngoài. Trở về nhà để tìm giây phút yên nghỉ, buông xả stress, lấy lại hơi sức. Đấy là nhu cầu cấp thiết. Vậy là gia đình chính là lối thoát cho con người hiện đại. Chúng ta có ước muốn trở về gia đình không? Và gia đình thật sự là “Tổ Ấm” chưa để cháu con dùng làm chỗ dựa dẩm, nghỉ ngơi, sum vầy?
Có một chuyện đau lòng là ngay các vùng quê yên bình, nay đã không còn mang ý nghĩa tốt đẹp đó nữa. Bắc Ninh là vùng đất mang tính cổ xưa nhất của dân Việt, nay nổi tiếng có nhiều khu công nghiệp hiện đại, bao nhiêu ruộng vườn, đất cát đều bị quy hoạch làm đường sá và khu công nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đền bù tương đối thỏa đáng khi giải phóng mặt bằng. Người dân quê đành chấp nhận bán ruộng vườn ủng hộ chính sách mới của Nhà Nước.
Sau khi được đền bù bằng tiền, người dân hý hững vì có một khoản tiền rất lớn, mỗi gia đình chí ít được vài tỷ đồng VN. Họ đua nhau xây dựng lâu đài trên cát. Bởi vì có nhà đẹp nhưng chẳng có ruộng vườn để bám đất, bám làng. Các Khu Công Nghiệp thì chỉ tuyển dụng người trẻ có trình độ chuyên môn, thành thử chỉ một thời gian ngắn họ đành khóa trái cửa lâu đài phù phiếm nọ, kéo nhau lên các thành phố lớn, tìm thuê các nhà trọ hôi hám, bẩn thỉu ở tạm. Ban ngày thì đi làm thuê, làm mướn kiếm cơm, tối về chui rúc vào căn nhà ổ chuột cho qua ngày đoạn tháng.
Đấy còn may, nhiều trường hợp lớp trẻ lang thang tìm việc làm ở các thành phố, sa sẩy vào hầm hố, cạm bẩy của tệ nạn xã hội, sống đời lầm than. Tai hại là còn mang thứ văn hóa tệ nạn ấy về gieo rắc ở các làng mạc xa xôi. Tôi từng về các vùng quê như vậy để công tác, ở cây đa, bến nước đầu làng, ngay ngôi đình làng cổ kính thấy vứt đầy kim chích, còn tổ chức bài bạc, các phòng karaoke, gái đếm, …
Tôi có tiếp xúc với các đại diện chính quyền thôn, xã, các cụ Hội người cao tuổi, tôi đề nghị thế này: Hãy cứu lấy người trẻ bằng cách khai thác, giúp đỡ các làng nghề truyền thống tạo công ăn việc làm cho lớp trẻ, xây dựng lại đình, chùa, nhà văn hóa, … tổ chức sinh hoạt lễ hội tạo môi trường cho lớp trẻ trở về làng sinh hoạt, vui chơi lành mạnh. Có nhiều làng, tổ chức Thanh thiếu niên không còn hoạt động được nữa vì chẳng còn người trẻ ở làng. Còn tệ hơn thời kỳ kháng chiến, gian khổ chết chóc nhưng vẫn lành mạnh.
Làng quê yên bình nay còn đâu!





3. CỬA NGÕ CỦA HUYẾT THỐNG
NGÀY THỨ BA

(Thứ Tư, 05.10.2011)


Khi gác lại được mọi chuyện và tức tốc về ngay với gia đình, thấy lòng nhẹ bỗng.
Tôi về nhà bảo mẹ mua hoa quả trang trí lại bàn thờ Tổ tiên và buổi lễ dâng hương được tiến hành nhanh gọn.
Năng lực của Ông Bà Tổ Tiên luôn có mặt trong ta, đây là cơ hội để chứng tỏ điều đó. Tôi bắt đầu khấn nguyện: Con kính lạy Tổ tiên họ Hồ nhiều đời, nhất là chư vị có đời sống khang kiện khỏe mạnh có tuổi thọ cao, xin chư vị phò hộ độ trì cho con cháu được sống an lành, khỏe mạnh như chư vị từng sống. Kính xin chư vị gia hộ nhiều hơn cho người đang lâm bệnh nặng: Tên: HỒ TẤN ANH, Sinh năm Ất Hợi (1934), 77 tuổi, hiện ở tại số nhà … được hồi phục sức khỏe vượt qua tật bệnh hiểm nghèo sống đời tự tại. Kính xin chư vị Tổ tiên nhiều đời chứng giám!
Tôi đã khấn cầu như vậy và tôi tin chắc Tổ tiên sẽ nghe thấu tấm chân tình của tôi để ra tay cứu giúp. Bởi niềm tin đơn giản; “Con cháu ở đâu thì Ông Bà ở đó”. Trong tôi đang mang theo huyết thống và tâm thức của Tổ tông nhiều đời.
Sau đó tôi về bệnh viện thăm Ba.


HIẾU KÍNH


Hiếu kính Cha Mẹ là tình cảm tự nhiên và chân thật. Tên đao phủ cũng phải quỳ gối dưới chân Mẹ nó. Đây là lĩnh vực thiêng liêng của huyết thống con người, ai cũng như ai. Nếu các bậc Cha Mẹ biết vận dụng để quy tụ con cháu xây dựng Tổ Ấm thì đây là nguồn sức mạnh tiềm tàng. Tinh thần hòa hợp là phương thuốc kỳ diệu để các thành viên ca bài kết đoàn. Vì ích kỷ cá nhân mà biểu lộ kỳ thị và chia rẽ nhau là chuốc độc dược cho nhau sẽ đi đến hũy hoại hoàn toàn một gia đình. Xu hướng yêu thương, nương tựa, nâng đỡ nhau sống đời lành mạnh, mang tính “Thiện Niệm An Gia” là thành quả tốt đẹp, xứng đáng đóng góp vào sự an bình chung của cộng đồng xã hội. Đây là việc chính yếu làm nền tảng để xây dựng Tổ Ấm hòa hiếu an vui.
Vào phòng bệnh nặng, chào hỏi và nhìn ánh mắt Ba mới biết là Ba chờ mình từ mấy hôm khi vừa hay tin mình sẽ về. Và có lẽ Ba đã chờ lâu lắm rồi những đứa con một thời ba gần gủi chăm nom bồng bế giờ xa cách tứ phương biền biệt.
Nét mừng vui thể hiện rõ trên khóe mắt chực lăn nhào những giọt lệ đỏ hoe. Tôi bình tĩnh, chậm rãi đến bên Ba và nở nụ cười bảo: Sao Ba lại được về nằm dưỡng bệnh nơi thoáng mát thế này. Tôi đánh trống lãng như thế. Và bắt đầu trao cho ba những món quà được gởi từ miền Bắc, miền Nam của rất nhiều người để Ba có cảm giác mọi người luôn hướng về Ba.
Rất nhiều trường hợp xảy ra cho các gia đình mà tôi từng tiếp xúc, quan hệ, dù bố mẹ có sinh nhiều con hay chí ít thôi thì cuối cùng hai ông bà phải tự chăm sóc nhau hoặc thui thủi một mình khi tuổi già bệnh hoạn cận kề. Đây là vấn đề nặng nề của xã hội, càng hiện đại thì sự xa cách giữa cha mẹ và con cái càng lớn, các trại dưỡng lão bắt đầu ra đời để giải quyết vấn đề nan giải này. Gia đình tôi cũng không nằm ngoại lệ.
Tôi đã có mặt tức thời bên Ba với sự bình an trong tâm và một tình yêu vô bờ đối với Ba.
Ba tôi đã có mắc bệnh tiểu đường từ lâu, cọng theo áp huyết cao. Căn bệnh này thường biến chứng làm suy yếu nhiều thứ: bệnh phổi, đau khớp, suy thận, suy gan, hen suyển,… cọng theo tuổi già, sức yếu nên rất khó chống chọi với bệnh tật.
Khi một người đang ốm bệnh, tâm trạng đang cơn khổ bệnh nặng nề, điều mà họ nghĩ đến trước tiên là những người thân yêu nhất của họ. Nếu người thân ở xa tìm đến, sẽ làm cho người bệnh nhẹ lòng mà từ đó thuyên giảm bệnh mấy chục phần trăm. Đó là năng lực hấp thụ tự nhiên. Nếu năng lượng bình an của người thân càng lớn thì sự lan tỏa và ảnh hưởng càng tốt cho sức khỏe người bệnh. Ta phải tìm cách về ngay với người thân khi họ lâm bệnh nặng.
Tôi hỏi ba đau nhức nhiều nhất ở đâu và bắt đầu vận dụng phương pháp truyền năng lượng bình an cho Ba. Xê dịch cho thân thể Ba nằm thật thẳng, thoải mái, thở đều nhẹ và niệm thầm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, năng lượng từ bi và cứu khổ bệnh. Phương pháp này tôi học với các nhà sư Tây Tạng. Niệm thần chú và mở các luân xa (các huyệt đạo cơ yếu), sau đó tôi trì tụng kinh chú và bắt đầu truyền năng lượng. Mất khoảng 60 đến 90 phút thì xong. Trước đây tôi cũng từng giúp cho nhiều người thoát khỏi các căn bệnh thời đại: mất ngủ, tim mạch, dạ dày thậm chí bị tà nhập, quỷ ám, vợ chồng chia cách… nhưng phải áp dụng cả hai cách chữa về thân bệnh và về tâm bệnh. Có dịp tôi sẽ trình bày kỷ về phương pháp trị liệu này. Thường thì thân bệnh đều phát xuất do tâm không ổn định. Làm cho tâm an tịnh thì bệnh về thân chóng khỏi. Tất nhiên ta song hành điều trị Đông Y hoặc Tây Y.
Sau khi truyền năng lượng thông qua các huyệt đạo thì Ba tươi tỉnh hẳn, đêm hôm qua Ba ngủ yên lành một giấc dài, ba khoe như thế, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn chưa ổn định. Tôi phải tiếp tục dùng phương pháp này trị bệnh cho Ba và kêu gọi toàn thể anh chị em trở về bên Ba để hỗ trợ dù ở xa hay ở gần.


4. CỬA NGÕ TÂM LINH

NGÀY THỨ TƯ

(Thứ Năm, 06.10.2011)


Buổi sáng mọi chuyện tiến triển tốt, đến trưa tôi về thăm và truyền năng lượng tiếp tục cho Ba. Ba rất hớn hở chuyện trò, mặt mày tươi tỉnh. Đứa em gái liên hệ với bác sĩ Trưởng khoa Tim Mạch và đề nghị xin chuyển đến Khu điều trị Dịch vụ để tiện việc theo dõi tình trạng bệnh nhân và có nơi điều trị bệnh tốt hơn. Bác sĩ hẹn sáng mai sẽ chuyển.
Buổi chiều 18g tôi về thăm thì Ba bị sốt nhẹ, tôi tiếp tục áp dụng phương pháp cũ, mất nhiều năng lượng hơn, kéo dài 120 phút Ba mới đi vào giấc ngủ. Ba có triệu chứng chuyển sang hen suyển, mệt mỏi và đau nhức nhiều hơn. Ba bảo: ngày mai con cái đủ mặt Ba mới nói chuyện hệ trọng. Tôi lái câu chuyện sang việc khởi công xây dựng Nhà Thờ Phái. Có vẻ Ba mệt và đau nhức lắm nhưng cố gắng chịu đựng, vẫn mỉm cười và bắt chuyện nô đùa, hài hước. Thấy thương Ba quá khi phải cố gắng vượt qua cơn khổ bệnh.
Sau đó tâm trạng Ba không được tốt cho lắm, có hơi lú lẫn, bụng và mặt sưng húp, nước da xanh hơn. Tôi gia tâm gia lực nhiều hơn nên trở về nhà rất mệt.
Tôi nghĩ, sống chết chỉ là một vì nó nằm trong vòng tròn của vô thường sinh diệt. Ngày mai mọi người sẽ có mặt đủ đầy cho Ba, cũng có thể Ba sẽ không ở lại lâu với chúng tôi nhưng đó chỉ là ý niệm. Tôi biết cách để giữ Ba lại lâu hơn và mãi mãi: đó là ngày sống trong tôi thật nhẹ nhàng tĩnh lặng, tôi có sự an bình nên Ba sẽ có mặt với tôi, tôi sống và làm những việc mà Ba yêu thích, bằng lòng. Tôi sẽ đi với Ba chặng đường như vậy, và Ba con tôi có nhau không hề mảy may chia cắt. Đấy là một hành trình hạnh phúc và thú vị thật sự. Tôi sẽ nuôi dưỡng tình yêu với Ba như vậy!

NGÀY THỨ NĂM

(Thứ Sáu, 07.10.2011)


Tôi viết những dòng này khi Ba đã có những hiện tượng của bệnh nhân mê sảng. Đêm qua Ba yếu hơn mọi đêm, đi tiêu chảy nhiều và không điều khiển các động tác như há miệng uống nước, nhận biết người thân. Đủ biết từ chiều hôm qua Ba rất đau đớn nhưng vẫn gắng nằm im mỉm cười và chuyện trò với con cháu.
Tôi thường nhắc Ba khi đau quá nên niệm danh hiệu Ngài Quán Thế Âm để bớt đau nhức hoặc danh hiệu Đức A di đà để định tỉnh. Ba thường thực hành ngay.
Trong lý thuyết nhà Phật về Cận Tử Nghiệp, nếu khi người bệnh trong giây phút lâm chung, nhớ nghĩ đọc tụng danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” thì tinh thần sẽ được định tỉnh, thân thể bớt đau nhức. “Nam mô A Di Đà Phật” có nghĩa là một lòng hướng về thế giới vô lượng quang (ánh sáng chiếu khắp), vô lượng thọ (sống lâu không có sự chết), vô lượng công đức (hiệu quả quý báu của công sức). Nói rõ ra: Con xin một lòng hướng về sống trọn vẹn trong thế giới đầy đủ ánh sáng để không mê mờ tội lỗi, thế giới sống hoài không có sự hũy diệt chết đi, thế giới là thành quả cao nhất của công lao bỏ ra: sự thanh tịnh và trang nghiêm.
Người bệnh nếu làm được như vậy thì sau khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, được các Đức Phật hộ trì và giúp đỡ hết mình. Khi tâm người bệnh đặt trọn niềm tin như vậy họ sẽ mỉm cười được và sẵn sàng ra đi vào thế giới an lành đó.
Khi ta quan sát kỷ một chiếc lá dù nhỏ, ta cũng nhận chân ra được sự an lành ngự trị trong bản chất chiếc lá, màu xanh non tươi mát, rung rinh lay động giữa thế giới tĩnh lặng, điềm nhiên sinh sôi. Chiếc lá cũng có thể chứa đựng đủ tính chất đặc thù của cõi Cực Lạc. Chúng ta có thể xây dựng niềm tin vững chắc ngay trong sự sống đang dâng tỏa quanh ta. Thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà sẽ thấy gần hơn, dễ chấp nhận hơn khi tâm ta tĩnh lặng, an bình và có một niềm tin vững chắc.
Tôi vừa điện thoại thử cho Ba nhưng Ba không cầm máy, tôi sẽ tìm cách liên lạc với Ba cách khác. Cách liên lạc như thế này: tôi điện thoại Bạch với Thầy tôi ở Sài Gòn là Ba con rất yếu, kính nhờ Thầy cầu nguyện và giúp đỡ hết lòng nếu có hậu sự xảy ra, Thầy tôi đã hứa giúp. Sáng nay, sau khi uống một ấm trà tỉnh tại, tôi sẽ tụng kinh, trì chú cầu nguyện cho Ba bớt đau nhức và định tỉnh tâm thức để hướng về thế giới an lành.
Và như vậy tôi sẽ liên lạc mật thiết được với Ba, tôi vẫn gặp được Ba trong xu hướng tâm linh, cha với con là một, đồng điệu hiểu biết, thương yêu. Môt thế giới an lành chân thật vượt ra khỏi ngôn ngữ dị thường và hình tượng sắc thân bất thường trước đây. Một thế giới thường tại vô ngôn.
Trưa nay một số họ hàng cô bác con cháu thân ruột từ Sài Gòn và Đà Nẵng ra với Ba. Đến thăm Ba thấy sắc diện Ba tỉnh táo hơn có thể tiếp chuyện được. Vậy là mừng. Tôi tiếp tục làm các công việc hỗ trợ Ba với nhiều phương cách: Trực tiếp truyền năng lượng, nhờ các đạo tràng từ Bắc chí Nam tụng kinh cầu nguyện, liên lạc với các nơi kêu gọi con cháu sắp xếp công việc để về bên Ba, …
Tối nay tôi thiết lễ cúng Phật sám hối cầu an đảo bệnh, tiến cúng Gia tiên, Thần linh và Chúng sinh Cô hồn để cầu nguyện cho Ba vượt qua cơn khổ bệnh ngặt nghèo.
Buổi lễ hoàn thành xong vào lúc 21giờ đêm. Cả nhà đều thấy nhẹ lòng và tôi bảo: Chư Phật, thần linh và Chúng sinh Cô hồn đã nghe thấu, Ba chắc sẽ được hỗ trợ mà lành bệnh. Ai cũng hoan hỷ khi nghe tôi bảo thế.
Nỗi tuyệt vọng tận cùng đôi khi ra hoa hoa kết trái. Khi những dòng nước mắt tuôn chảy vì quá đau đớn trước cuộc sinh cuộc tử của những người thân yêu còn cách nào tốt hơn là vận dụng năng lực cầu nguyện.
Tôi đã khóc và tôi cầu nguyện.
Nỗi đau đớn là có thật và niềm tin thể hiện bằng sự nguyện cầu khẩn thiết cũng có thật.
Tôi thay Ba để sám hối tất cả những tội lỗi, nghiệp chướng của Ba nhiều đời, nhiều kiếp trước Phật đài, cầu xin các đức Phật từ bi chứng minh và gia hộ. Tôi thay Ba để phát tâm rộng rãi hiến cúng Tổ tiên Ông Bà nhiều đời, hiến cúng Thần linh bổn cảnh, bổn xứ, bổn mạng và cúng thí thực cô hồn chúng sinh các loại, triệu thỉnh về đây, thính pháp văn kinh, thọ tài hưởng thực sớm siêu thoát khỏi u đồ, siêu sinh Tịnh cảnh. Một lòng hồi hướng công đức đó, năng lượng từ bi đó cho Ba giải trừ nghiệp chướng mà sinh được thuận, tử được an.
Sự khẩn thiết và kính thành là cơ sở để chúng ta cầu tha lực, không gian tâm linh luôn tồn tại quanh ta. Khi một đứa trẻ chào đời nó mang theo trong mình huyết thống đặc thù của dòng họ và cả hạt giống tâm thức (tâm linh) nhiều đời được Tổ tiên phụng hành kết tụ. Sắc thân và Tâm thức có mặt cùng lúc khi sự sống phát khởi. Chẳng cái nào có trước, chẳng cái nào có sau. Tâm với vật là một. Một điều phi lý bằng lối suy diễn giải thích: Khi một sự sống tồn tại lại chỉ thuần tồn tại vật chất. Một đám mây bay, một cánh chim trời, một cục đá bên đường, một chiếc lá nghiêng mình, …sao ta dám quả quyết tự thân nó không chứa đựng tâm thức trong đó? Sao tâm thức chỉ chứa đựng duy nhất ở trong thân thể con người khi có sự sống? Đấy là một câu hỏi lớn ta cần phải nghiêm túc quán sát và thể nhập mới mong tìm ra được một nhận thức khả dĩ chấp nhận được.
Tôi nhận thức như thế này: Tôi rồi cũng phải chết, chắc gì khi hồn lìa khỏi xác (tạm cho là như thế) tâm thức tôi có thể rơi vào một chiếc lá nào đó theo nghiệp thức đã định sẵn. Hằng tỷ tỷ tâm thức của con người đi đâu hết? Không thể nào siêu sinh Tịnh độ hết được. Mình ví như hạt bụi, thì hạt bụi chắc chắn sẽ rơi về (hoặc an trú cũng được) một nơi chốn nào đó không cố định, vì hạt bụi sẽ chịu rất nhiều tác động xung quanh nó mà bay nhảy liên hồi. Tôi cho đó là cuộc viễn du vô tận, không đầu không cuối thì thấy vui hơn, chấp nhận được.
Khi ví mình như chiếc lá, đấy là hành trình thể nhập, mình cũng có thể là cục đá bên đường, không phải chứng minh cụ thể và bắt buộc phải chỉ cho người ta thấy sờ sờ trước mắt lúc đó mới xác thực đó là sự thật. Nhiều hiện tượng tự nhiên chẳng cần mắt thấy tai nghe mà ta vẫn tin như thường: không khí có hình hài đâu, mây tan có hình hài đâu, tia nhìn có hình hài đâu, uy đức có hình hài đâu, … rất nhiều hiện tượng trong đời sống như thế mà ta tin là có thật. Mà mắt ta là gì, trí óc phán xét của ta là gì, cảm nhận của ta là gì, hoàn toàn nông cạn, phản diện và mù tối.
Khi tâm có sự bình an chân thật, mắt ta sẽ sáng ra, trí óc minh mẫn, quan trọng là năng lựợng của lòng bi mẫn (yêu thương vô bờ bến) sẽ giúp ta nhìn nhận mọi thứ gần với sự thật hơn. Vậy ta làm gì để vận dụng năng lực tâm thức (được xem như những hạt bụi bay trong không gian). Đường bay của những hạt bụi phụ thuộc chính yếu vào năng lực cầu nguyện của mình. Không gian tâm thức luôn có mặt trong sự sống với nhiều tầng nhiều lớp chằng chịt. Nghi thức hiến cúng là tạo cơ hội tiếp xúc và sự thành tâm có khả năng đánh những năng lượng có sẵn trong tự thân mình. Năng lượng có dồi dào hay không, hiệu lực hay không tùy thuộc vào sự hành trì của mỗi người hằng ngày. Nếu ta sống lành mạnh, hành xử chân thực, đi đúng hướng, khi cần ta sẽ sử dụng được năng lực này.
Tôi từng làm việc này nhiều năm nay, giúp cho nhiều người thoát khỏi nhiều tai chướng, ác nghiệp xảy ra trong đời sống bằng năng lực cầu nguyện. Tôi có niềm tin vững chắc về chuyện này.
Buổi tối tập trung một số anh chị em chủ chốt trong gia đình, chúng tôi bàn chuyện chọn đất mộ phần cho Ba và phân công trách nhiệm khi Ba nằm xuống, đằng nào cũng phải chuẩn bị không sớm thì muộn. Tất cả đều vững tâm chấp nhận như thế.









NGÀY THỨ SÁU
(Thứ Bảy, 08.10.2011)


Sáng nay khi trở dậy hay tin Ba đã tỉnh táo và ổn định: nhịp tim, lượng đường, mạch đập tốt, ăn được, thở đều, … các y bác sĩ gật đầu và đã có hướng điều trị cho Ba.
Như vậy là lời cầu nguyện đã có hiệu lực nhất định!
Cả nhà đều mừng vui nhưng vẫn tiếp tục ở bên cạnh Ba để hỗ trợ Ba chiến đấu với bệnh tật.
Trời hôm nay nắng ấm, bầu trời trong xanh rợp mát, đám mây kia, ngọn tre phơ phất, chén trà tỏa hương, … đều chứa đựng không gian tâm thức. Tâm ta trong lành, ta có thể nhìn suốt thấu vạn vật để thể nhập như một tương quan mật thiết, nhiệm mầu. Cuộc viễn du vẫn tiếp diễn, vô tận không đầu không cuối. Lòng trời đất mở ra diệu vợi. Sao mình có thể khép lại kín mít?
Hãy bước ra cửa trước hiền hòa trông quanh, lòng ta cũng lồng lộng như lòng trời đất. Như vậy mới tiếp tục thênh thang được. Tấm lòng rộng mở có thể chứa đựng được tất


5. HÔM NAY CHÍNH LÀ NGÀY MAI AN BÌNH


Sau khi đã được trở về gia đình thân yêu, trở về nguồn cội của huyết thống và tâm linh chúng ta đã xác lập được vị trí mang yếu tố căn bản cho một thực tại vững vàng với nhiều hứa hẹn cho cho một tương lai tươi sáng.


Tấm lòng Hiếu Kính là tính chất đầu tiên của bậc Thánh hiền, là nấc thang để chúng ta bước tiếp lên đài cao của thành đạt xứng đáng sống đời hiền thiện, hữu ích. Phúc báu của một gia đình khi sinh ra được một người như thế, nhiều người như thế. Hiếu Kính là châu ngọc nhiệm mầu, có sức tỏa sáng làm lay động lòng người, chuyển hóa khổ đau, mang lại yếu tố hạnh phúc chân thật cho cả cha mẹ và con cháu quay quần tận hưởng.


Người biết giữ gìn Ân Nghĩa cao sâu cũng phát xuất từ lòng Hiếu Kính. Chúng ta mang ơn sâu nghĩa nặng của trời đất, tổ tiên, cha mẹ, cộng đồng xã hội nên luôn thắp sáng tâm nguyện đền trả hết lòng. Bằng cách vượt qua mọi chướng ngại, gìn giữ đời sống thiện nguyện, làm điểm tựa chính mình và cho mọi người. Khi có nhiều hạnh phúc trong ngày sống là có phúc báu đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, lúc đó chúng ta mới có cơ hội để đền trả.
Hiếu kính và Ân Nghĩa là hai cánh cửa để chúng ta mở ra con đường tương lai xán lạn. Đấy chính là Đạo, con đường dẫn tới vui hưởng an bình thịnh vượng. Nếp nhà được đoàn viên, con cháu kết tụ, đơm hoa kết trái dâng đời, dâng người. Niềm tin nào lớn hơn bằng thắp sáng ngôi nhà tương lai rạng rỡ bằng chính niềm tin, hy vọng trong trái tim mình.


Như một niềm hân hoan vô bờ khi vượt qua thác ghềnh sinh tử vô thường, xin trân quý gởi đến mọi người những khúc hoan ca dưới đây: thi, thư, họa về ba lĩnh vực vừa nêu trên. Hẹn ước một ngày mai an bình tiếp nối.


Huế, cuối Thu năm Tân Mão – 2011
ANH LY – HỒ DU BIỆT





Không có nhận xét nào: