Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

ĐỘC HÀNH VÔ CÔ





ĐỘC HÀNH VÔ CÔ
Thơ xưng danh

獨 行 無 孤
英 籬 詩 題

獨 遊 遍 遠 方
行 花 了 無 常
無 生 必 不 滅
孤 村 正 故 鄉


ĐỘC HÀNH VÔ CÔ
Anh Ly Thi Đề

Độc du biến viễn phương
Hành hóa liễu vô thường
Vô sinh tất bất diệt
Cô thôn chính cố hương


Dịch nghĩa:

KẺ SỐNG VUI MỘT MÌNH
Anh Ly đề thơ


Một mình trôi nổi khắp phương xa
Ra đi vì hiểu hết lẽ vô thường như vậy
Tình không từ đâu có tất không từ đâu mà mất
Cô thôn chính là quê hương nguồn cội.


Dịch thơ:

RONG CHƠI MỘT MÌNH
Anh Ly đề thơ

Một mình dong ruổi viễn phương
Đi là đi mãi vô thường cuộc chơi
Tình không ôm trọn đất trời
Hoa thôn mặc khách vọng lời hoang liêu.


TỰ TÌNH: KẺ SỐNG VUI MỘT MÌNH

KẺ SỐNG VUI MỘT MÌNH: tức NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH


Đấy là đề tựa của một bài kinh Phật. Kinh đại ý dạy cho ta ý thức sự hiện hữu quý báu của đời sống trong giây phút thực tại, không bị hoài niệm quá khứ chi phối, không bị viễn cảnh tương lai thôi thúc, không bị ám ảnh của thực tại bức bách. Sống một mình trong sáng hòa nhập vào sự sống của con người và thế giới tuân theo quy luật của tự thân và tự nhiên.

ĐỘC HÀNH: Đi một mình

Có hai cách nói:

Một:

Chẳng ai đi được một mình bao giờ. Tự thân bạn chứa đựng cả vũ trụ rồi. Bạn đi là mang theo vũ trụ vì sự sống chứa đựng đủ đầy trong bạn: MỘT LÀ TẤT CẢ, TẤT CẢ LÀ MỘT. Khi bạn nhìn bầu trời, tức khắc bầu trời hiện ra, thông qua bạn bầu trời hiện hữu. Khi bạn tiếp xúc với một cô gái, cô gái hiện ra với đầy đủ sự hiện hữu với biết bao ý niệm. Không có bạn cô gái chẳng thể nào hiện hữu được. Cứ thế khi bạn có mặt là thế giới hiện hữu. Nhưng bạn đã bao giờ hiện hữu chưa? Đấy là câu hỏi thú vị.

Khi bạn đau khổ bạn sẽ bị câu thúc bởi địa ngục trong bạn, nhiều tầng nhiều lớp tùy theo mức độ khổ đau. Vậy là bạn đang ở địa ngục của tự thân bạn làm ra. Vậy là ý niệm có mặt bị đánh mất. Bạn chỉ còn cách ghi nhận nó và từ từ thoát ra. Thoát ra bằng cách nào? Bạn nhìn lên bầu trời và mỉm cười cho bầu trời hiện hữu. Giây phút đó bạn tức khắc hiện hữu và buông bỏ khổ đau. Nhiều cách để cho bạn thoát ra từ tù ngục tự thân mình thông qua sự tiếp xúc và ý thức hiện hữu. Nghĩa là sự bình an có mặt thì bạn sẽ hiện hữu. Còn không có sự bình an thì tâm thức bạn sẽ biến hóa để dìm bạn vào bóng tối khổ đau.

Hai:

Ai rồi cũng phải một mình mà đi. Đây là ý nghĩa khuyến cáo. Người ta biện luận rằng con người sinh ra, trưởng thành, thay đổi và chết đi (SINH, TRỤ, DỊ, DIỆT) đấy là vòng xoay khắc nghiệt và là quy luật không thay đổi. Sinh ra và chết đi chẳng mang theo được gì ngoài nghiệp thức đầy tội lỗi. Trông có vẻ bi quan quá. Ý niệm về viễn cảnh xây dựng hạnh phúc thấy nhỏ bé quá. Chỉ có lối suy diễn duy nhất mà bạn khả dĩ chấp nhận được là bạn ôm chính mình vào lòng thôi. Chính mình là nỗi cô đơn heo hút. Nhưng bạn phải biết cách ôm mới ôm trọn vẹn được. Không thì bạn chỉ ôm hụt và rơi vào hố thẳm tuyệt vọng. Bạn nên ôm như thế này, mình chấp nhận mình đã, thân thể, tâm hồn và nguồn cội mình. Dù bạn là ai, sinh ra ở đâu lúc nào cũng cũng phải yêu thương, trân quý chính thân thể, tâm hồn và nguồn cội mình trước. Nỗi cô đơn hay cô độc là độc tố mà cũng là dưỡng chất.Nó như nọc độc của rắn, nếu mình biết vận dụng đúng đắn thì chính nọc độc lại chữa lành đươc rất nhiều thứ bệnh nan y. Nỗi cô đơn cũng vậy, bạn phải tiếp nhận nó, bạn phải đối diện không trốn chạy, khi bạn sống một mình được một giờ, hai giờ hay một ngày, hai ngày, ...và thấy yên ổn được là bạn bắt đầu biết cách ôm nó. Khi bạn vui được với chính mình trong cô đơn là bạn đã chuyển hóa được nó. Chỉ có con đường đó bạn mới nắm được vận mệnh của mình và làm thay đổi nó, hướng nó vào mục đích sống của bạn.

Bạn phải có bình an trước lúc đó bạn mới mong đem bình an cho người khác được. Rất buồn cười khi một người chẳng có tí nào hạnh phúc lại có khả năng mang hạnh phúc tới cho người khác. Bạn nhìn quanh mình xem, rất nhiều người sống như thế. Bạn phải có hạnh phúc thật sự đã trong ngày sống tự khắc những cái khác sẽ có. Vậy hạnh phúc là gì? Câu hỏi rộng quá, lớn quá, khó trả lời quá! Chính bạn phải trả lời câu hỏi này, khi bạn ôm được cô đơn vào lòng bạn, bạn sẽ có câu trả lời chân thực: bạn sẽ sống như thế nào để có hạnh phúc.

Cô đơn hay cô độc là nguồn năng lực lớn và vĩ đại, nếu bạn biết khai thác chúng.

Khi bạn sống một mình bạn sẽ làm được rất nhiều việc và đạt được hiệu quả cao.

Khi bạn sống được một mình không gì có thể lay chuyển và làm bạn đảo điên được.

Chắc chắn như thế!






CHÚ THÍCH:

BẢN KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH

Kinh Người Biết Sống Một Mình

(I)

Sau đây là những điều tôi được nghe lúc đức Thế Tôn còn lưu trú ở tịnh xá Kỳ Viên trong vườn Kỳ Đà tại thành Xá Vệ; Ngài gọi các vị khất sĩ và bảo:

- Này quý thầy.
Các vị khất sĩ đáp:
- Có chúng con đây.
Đức Thế Tôn dạy:
- Tôi sẽ nói cho quý thầy nghe thế nào là người biết sống một mình. Trước hết tôi nói đại cương, sau đó tôi sẽ giải thích. Quý thầy hãy lắng nghe.
- Thưa Thế Tôn, chúng con đang lắng nghe đây.

Đức Thế Tôn dạy:

Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi.
Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.
Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình.

"Này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì người đó đang tìm về quá khứ."

"Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người đó đang không tìm về quá khứ."

"Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang tưởng tới tương lai."

"Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia, nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì người đó đang không tưởng tới tương lai."

"Này quý thầy, thế nào gọi là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Bụt, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại."

"Này quý thầy, thế nào gọi là không bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người có học, có biết về Bụt, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này... thì người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại."

"Đó, tôi đã chỉ cho quý thầy biết về đại cương và giải thích cho quý thầy nghe về thế nào là người biết sống một mình."



Bụt nói xong, các vị khất sĩ đồng hoan hỷ phụng hành. (CCC)

(Bhaddekaratta Sutta, Majjhima Nikaya, 131)

(II)

Đây là những điều tôi nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây Kỳ Đà ở thành Vương Xá. Lúc đó có một vị khất sĩ tên là Thượng Tọa (Thera) chỉ ưa ở một mình một chỗ, vị này thường ca ngợi hạnh sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai xong đi về một mình và ngồi thiền một mình. Bấy giờ có một số các vị khất sĩ tới nơi Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên ngồi, và bạch với Người:

- Thế Tôn, có một vị tôn giả tên Thượng Tọa, vị này ưa ở một mình, ưa ca ngợi hạnh sống một mình, một mình vào xóm làng khất thực, một mình từ xóm làng đi về trú xứ, một mình tọa thiền.

Đức Thế Tôn bèn bảo một vị khất sĩ:

- Thầy hãy tới chỗ mà khất sĩ Thượng Tọa cư trú và bảo với thầy ấy là tôi muốn gặp.

Vị khất sĩ vâng mệnh. Lúc ấy vị khất sĩ Thượng Tọa liền đến chỗ Bụt ở, làm lễ dưới chân Bụt, lui về một bên mà ngồi. Lúc ấy đức Thế Tôn hỏi khất sĩ Thượng Tọa:

- Có phải là thầy ưa ở một mình, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền phải không?

Khất sĩ Thượng Tọa đáp:
- Thưa Thế Tôn, đúng vậy.
Bụt bảo khất sĩ Thượng Tọa:
- Thầy sống một mình như thế nào?
Khất sĩ Thượng Tọa đáp:
- Bạch Thế Tôn, con chỉ sống một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền, thế thôi.

Bụt dạy:

- Thầy đúng là người ưa sống một mình, tôi không nói là không phải. Nhưng tôi biết có một cách sống một mình thật sự mầu nhiệm. Đó là quán chiếu để thấy rằng quá khứ đã không còn mà tương lai thì chưa tới, an nhiên sống trong hiện tại mà không bị vướng mắc vào tham dục. Kẻ thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận, xa lìa hết mọi tham dục ở đời, cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc và sai sử mình. Đó gọi là thật sự sống một mình. Không có cách nào sống một mình mà mầu nhiệm hơn thế.

Rồi đức Thế Tôn nói bài kệ sau đây:

Quán chiếu vào cuộc đời
Thấy rõ được vạn pháp
Không kẹt vào pháp nào
Lìa xa mọi ái nhiễm
Sống an lạc như thế
Tức là sống một mình.

Bụt nói xong, tôn giả Thượng Tọa lấy làm vui mừng sung sướng, cung kính làm lễ Bụt và rút lui. (CCC)

Thích Nhất Hạnh dịch, (Tạp A Hàm, kinh số 1071, tạng Kinh Đại Chánh)





Không có nhận xét nào: