Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

THI TỬU VÀ PHỤNG HIẾN CỦA THI SĨ BÙI GIÁNG

THI TỬU VÀ PHỤNG HIẾN CỦA THI SĨ BÙI GIÁNG

Tôi quen biết Thi sĩ Bùi Giáng qua Thầy Nhất Thanh, Họa sĩ Nguyễn Thiên Chương và Nhà Thư pháp Bùi Hiến (họ hàng với Thi sĩ). Trong nhóm "Văn Nghệ sĩ Quảng Nam-Đà Nẵng" này với tên gọi là "ĐỒNG NỘI" hay một từ tương tự như thế lấy trong ý nghĩa: Khúc Nhạc Đồng Quê (truyện của André Gide) để đặt tên và diễn tả xu hướng chung của nhóm. Trong nhóm trí thức nghệ sĩ này quy tụ rất nhiều thành phần dưới sự chỉ giáo và nâng đỡ của Đại sư Quảng Hạnh. Có sinh hoạt giao lưu định kỳ tại một quán cà phê ở ngã tư Bảy Hiền và hằng năm về sinh hoạt tại Tu viện Từ Nghiêm tại Long Thành, Đồng Nai, nơi ở của Đại sư Quảng Hạnh.

Một điều dễ nhận thấy khi tiếp xúc với nhóm này là rất đầm ấm và tình cảm. Mỗi khi nhắc đến Thi sĩ Bùi Giáng ai ai trong nhóm cũng yêu quý và trân trọng. Tôi ngạc nhiên là tại sao không ai đứng ra để lo toan và bảo vệ cuộc sống cho Thi sĩ khi tôi nghe những câu chuyện đau lòng xảy ra cho Thi sĩ, đói khát và bị côn đồ đánh đập dã man?

Sau đó tìm hiểu kỷ mới biết mình trách móc sai lầm. Thi sĩ là người tự do hoàn toàn và đó là cách rong chơi kỳ vĩ của Thi sĩ. Một cuộc chơi vô tiền khoáng hậu, xưa nay không một ai nhập cuộc đươc. Càng tìm hiểu tôi càng ái ngại và thương quý đời sống của Thi sĩ: chưa thấy ai sống với rượu và thơ được như Thi sĩ. MÁU LÀ RƯỢU VÀ HƠI THỞ CHINH LÀ THƠ! Tôi chắc chắn một trăm phần trăm như vậy.

Một vài thế kỷ trôi qua, lịch sử mới sinh ra được một kỳ nhân. Chữ kỳ này nó bao gồm là tư tưởng lớn và vượt lên trên mọi thứ khuôn phép bình thường.
Rượu làm nóng tâm can, thiêu rụi đời sống, nhưng đối với một vài người dị biệt, rượu trở thành dưỡng chất trần gian, nâng thượng tầng cảm xúc, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật là tinh hoa thời đại, Như một đạo sĩ, họ dâng hiến cách khác, tác phẩm làm thăng hoa đời sống được đánh đổ bằng chính đời sống ngắn ngủi của mình.

"Anh cứ tưởng đùa vui trong thoáng chốc
Đâu ngờ rằng đùa mãi tới điêu linh "(BG)

Đấy là lời giải thích gọn gàng của Thi sĩ Bùi Giáng khi bàn đến chuyện điên khùng của mình. Chuyện đùa vui trở thành chuyện thật, chuyện điêu linh trở thành lối đạo, dám chấp nhận như một kẻ tử vì đạo, hoặc còn hơn thế nữa: chẳng bao giờ màng tới một danh hiệu gì mà đời ban cho hoặc gán ép.

Chúng tôi lớn lên như những đứa trẻ bị xô dạt bên lề đời, què quặc đi tìm lẽ sống chết. Đối với Bùi Giáng, Phạm Công thiện, Tuệ Sỹ, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, ... là ảnh tượng của một thời xa tít tắp không bao giờ với tới được. Những đứa trẻ mang lòng tự ti, hay tủi hỗ và luôn lo sợ đủ thứ đứng trước ngã ba đường mù mịt bụi khói của đói nghèo xơ xác, tim thì trống rỗng vì mất phương hướng.

Những câu thơ sầu đau của thi sĩ, những cung bậc thảm não cất lên rầu rỉ, những chén rượu cay nồng đắng chát nốc vào có cảm giác như mình tự uống đời mình, tự ru mình cheo leo bên bờ vực nhưng kỳ lạ lại có hy vọng được cứu vớt, sẻ chia.

Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Bổng thấy trong ta hiện bóng con người (TCS)

hay câu hát này:

Một chiều ngồi say nghe đời thật nhẹ, ngày qua (TCS)

Đấy là một hướng nhìn kỳ lạ và có tính nhân bản rất lớn, nó làm mồi cho những đứa trẻ ham lang thang, liêu lỗng biết đường mà về. Nơi tận cùng ký ức, chúng tôi hàm ơn họ, bằng những mỹ cảm trần tục nhưng lại có sức lay động và dung chứa rất lớn. Họ chính là thiên tài dù hiểu ở khía cạnh nào.

Bằng sự quý kính như người được giao nhận châu báu, hôm nay chúng ta thử bàn đôi chút về một vài khía cạnh của cuộc đời Thi sĩ Bùi Giáng liên quan đến THƠ và RƯỢU.

Thi sĩ sinh ra trong gia đình trung lưu vọng tộc, nơi miền đất Duy Xuyên, Đà Nẵng có truyền thống hiếu học, sính võ nghệ, văn chương. Tuổi thanh xuân trôi qua như bao người, có thể nói là Thi sĩ khá thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp. Thi đỗ và tốt nghiệp Tú tài 1, tham gia kháng chiến chống Pháp, Thi đỗ Tú tài 2 Văn chương, vào Đại học Văn Khoa Sài Gòn, đi dạy học. Đấy là sự thành đạt rất lớn của thời bấy giờ. Có một khía cạnh ta phải lưu ý rằng: Ông thường bỏ ngang đường công danh mà tự tìm hoạn nạn. Như một chiến sĩ tự do (hay như Đạo sĩ:) đi tìm con đường huyết mạch của mình, bất chấp gian nguy, khốn khó.

PHỤNG HIẾN

Bùi Giáng

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và không biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu

Cây và cối bầu trời và mặt đất
Đã nhìn tôi dưới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi gió bay bát ngát
Dừng bên sông bến cát buổi chia lìa

Hoàng hôn xuống, bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Đón chào tôi chung cười khóc bao lần

Tôi đã gửi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong

Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm giông

Những giòng lệ tuôn mấy lần khoắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàn

Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi

Trần gian hỡi?Tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen

Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em

Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là ủy mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh

Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi!cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn

Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiểng chân cao

Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
Ta chết lặng bó tay đầu lắc
Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi

Đêm ứa lệ phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo móc
Đỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi

Ta gửi lại đây những lời áo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu lên trang giấy hão
Em bảo rằng
-Đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng

Bùi Giáng











CHÚ THÍCH:

Bùi Giáng
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
________________________________________
Bùi Giáng (1926-1998), là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi, Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê, Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ...Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn.
Tiểu sử
Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiều. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiều, nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.
Năm 1933, ông bắt đầu đi học tại trường làng Thanh Châu.
Năm 1936, ông học trường Bảo An (Điện Bàn) với thầy Lê Trí Viễn.
Năm 1939, ông ra Huế học tư tại Trường trung học Thuận Hóa. Trong số thầy dạy ông có Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Đào Duy Anh.
Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, nhưng sau đó ông cũng kịp đậu bằng Thành chung.
Năm 1949, ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm bộ đội Công binh.
Năm 1950, ông thi đỗ tú tài đặc biệt do Liên khu V tổ chức, được cử tới Hà Tĩnh để tiếp tục học. Từ Quảng Nam phải đi bộ theo đường núi hơn một tháng rưỡi, nhưng khi đến nơi, thì ông quyết định bỏ học để quay ngược trở về quê, để đi chăn bò trên vùng rừng núi Trung Phước.
Năm 1952, ông trở ra Huế thi tú tài 2 ban Văn chương. Thi đỗ, ông vào Sài Gòn ghi danh học Đại học Văn khoa. Tuy nhiên, theo T. Khuê thì sau khi nhìn danh sách các giáo sư giảng dạy lại, ông quyết định chấm dứt việc học và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục [1].
Năm 1965, nhà ông bị cháy làm mất nhiều bản thảo của ông.
Năm 1969, ông "bắt đầu điên rực rỡ" (chữ của Bùi Giáng). Sau đó, ông "lang thang du hành Lục tỉnh" (chữ của Bui Giáng), trong đó có Long Xuyên, Châu Đốc...
Năm 1971, ông trở lại sống ở Sài Gòn. Thi sĩ Bùi Giáng mất lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh, tức Sài Gòn cũ) sau những năm tháng sống "điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang" (chữ của Bùi Giáng).
Tác phẩm
Theo thống kê chưa đầy đủ, tác phẩm của Bùi Giáng có (tạm phân theo thể loại):
Tập thơ
• Mưa nguồn (1962)
• Lá hoa cồn (1963)
• Màu hoa trên ngàn (1963)
• Ngàn thu rớt hột (1963)
• Bài ca quần đảo (1963)
• Sa mạc trường ca (1963)
• Mười hai con mắt (1964)
• Rong rêu (1972)
• Thơ vô tận vui (1987)
• Mùa màng tháng tư (1987)
• Mùi Hương Xuân Sắc (1987)
• Đêm ngắm trăng (1997)
• Thơ Bùi Giáng (Montréal, 1994)
• Thơ Bùi Giáng (California, 1994)…
Nhận định
• Nhận xét về Bà Huyện Thanh Quan
• Nhận xét về Lục Vân Tiên
• Nhận xét về Chinh Phụ Ngâm và Quan Âm Thị Kính.
• Nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần.
Tất cả đều được xuất bản năm 1957.
Giảng luận
• Giảng luận về Nguyễn Công Trứ
• Giảng luận về Cung oán ngâm khúc
• Giảng luận về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
• Giảng luận về Phan Bội Châu
• Giảng luận về Chu Mạnh Trinh
• Giảng luận về Tôn Thọ Tường
• Giảng luận về Phan Văn Trị
Tất cả đều được xuất bản năm 1957-1959.
Triết học
• Tư tưởng hiện đại (1962)
• Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại I và II (1963)
• Sao gọi là không có triết học Heidgger? (1963)
• Dialoque (viết chung, 1965)
Tạp văn
Các sách xuất bản năm 1969, có:.
• Đi vào cõi thơ
• Thi ca tư tưởng
• Sa mạc phát tiết
• Sương bình nguyên • Trăng châu thổ
• Mùa xuân trong thi ca.
• Thúy Vân
Các sách xuất bản năm 1970, có:
• Biển Đông xe cát
• Mùa thu trong thi ca.
Các sách xuất bản năm 1971, có:
• Ngày tháng ngao du
• Đường đi trong rừng
• Lời cố quận
• Lễ hội tháng Ba
• Con đường ngã ba-Bước đi của tư tưởng…
Sách dịch
Các sách xuất bản năm 1966, có:
• Trăng Tỳ hải
• Cõi người ta
• Khung cửa hẹp
• Hoa ngõ hạnh
• Othello
Các sách xuất bản năm 1967, có:
• Bạo chúa Caligula
• Ngộ nhận
• Kim kiếm điêu linh
Các sách xuất bản năm 1968, có:
• Con đường phản kháng
• Mùa hè sa mạc
• Kẻ vô luân
Các sách xuất bản năm 1969, có:
• Nhà sư vướng luỵ
• Ophélia Hamlet
• Hòa âm điền dã
Các sách xuất bản năm 1973 và 1974, có:
• Hoàng tử Bé (1973)
• Mùa xuân hương sắc (1974)...
Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản và xuất bản trong và ngoài nước.
Đánh giá
Trước và sau năm 1975, đã có nhiều bài viết về ông và sự nghiệp văn chương của ông. Ở đây chỉ trích giới thiệu thêm ý kiến của nhà nghiên cứu T. Khuê được in trong Từ điển văn học (bộ mới):
Bùi Giáng viết rất nhiều, nhưng những gì còn lại chính là thơ. Thơ ông, ngay từ thuở đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng, hóm hỉnh, luôn là những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du, dâu bể, ẩn khuất khía cạnh dục tình khép mở của Hồ Xuân Hương...Từ Nguyễn Du, ông tạo nên một môtip bạc mệnh hiện đại, có màu sắc siêu thực qua tính cách tạo hình, có chất hoang mang của con người bất khả tri về mình, về người khác trong cuộc sinh tồn hiện hữu...
Bùi Giáng đã tái dựng lục bát trong bối cảnh mới của thời đại hiện sinh. Nguồn thơ của ông phát tiết trong khoảng thời gian ngắn, chỉ hai năm 1962-1963 đã có tới 6 tập thơ…Chuyện hạ bút thành thơ của ông được xác định như là một hiện tượng độc đáo…Tuy nhiên bi kịch của Bùi Giáng là ông lập lại chính mình, ngay cả trong thơ, cho nên những hình ảnh đẹp, những tư tưởng tân kỳ, nhiều khi được dùng lại nhiều lần trở thành sáo và vô nghĩa...
Nhưng dù sao chăng nữa, ông cũng đã tạo được một mẫu ngông thời đại, sáng tạo một kiểu say sưa, chán đời của thế kỷ 20, khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ 19 hoặc Tản Đà ở đầu thế kỷ 20[2].

Không có nhận xét nào: