Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

TỤNG CA HOA HỒNG (TIẾP THEO) - ĐÓA HỒNG ĐẦU ĐỜI


ĐÓA HỒNG ĐẦU ĐỜI







Tôi có một kỷ niệm về hoa hồng đầu đời!
Tôi hay lang thang một mình ở đồi núi Dương Xuân (Phía Nam Tp. Huế). Đấy là vùng đồi thoai thoải trải dài hết hai phần xã Thủy Xuân, một phần xã Thủy Biều, Tp. Huế. Trong khu vực này còn lại nhiều đi tích thời nhà Nguyễn: chùa chiền, đền đài, miếu mạo, ... còn phần lớn là đồng ruộng, nghĩa trang.
Nơi tôi thường rong ruổi là vùng đồi hoang dại, được hình thành là loại đất trộn lẫn sỏi đỏ (bazan), thỉnh thoảng còn sót lại vài khoảnh rừng nguyên sinh. Vùng này có rất nhiều loài hoa cỏ dại, mọc um tùm trên các lối đi sỏi đỏ dọc theo suối nước chảy róc rách và trên các nghĩa trang. Tới mùa hoa sim nở tím ngát cả vùng.
Đi dọc theo khe nước nhỏ  (từ đỉnh đồi Dương Xuân chảy ra sông Hương), gồm: đình làng Dương Xuân Hạ, Giếng cổ, đền thờ Sơn Thần, miếu Âm Hồn,... Xa hơn chút là miếu thờ Chế Bồng Nga, Thành Lồi, đền Voi Ré, khu Hổ Quyền, ... đâu cũng đầy âm khí.
“Thứ nhất là đỉa Bầu Va, thứ nhì là ma Thành Lồi”
Đầu năm 1973, tôi đi thả rông ở khu rừng Thành Lồi (Huế) đến tối mịt mới lần hồi mò về nhà. Tôi mãi xem “cầu cơ” ở khóm rừng hoang do một nhóm thanh niên nam nữ  bày chơi trò ú tim.
Tôi nói sơ lược một ít về trò này.
“Cầu Cơ” là một loại hình giao tiếp “âm dương”. Dụng cụ: gồm một tấm ván rộng như bàn cờ tướng, trên đó ghi các mẫu tự a, b,c ... gồm 24 chữ cái, và một con trược có hình con cơ (trái tim). Cả 2 dụng cụ đều được lấy từ ván đóng hòm (hòm đựng xác chết), mà phải là loại hòm chôn xác trinh nữ (con gái còn trinh tiết), mộ được khai quật để di dời, hoặc được nhặt nhạnh tại các nghĩa trang.
Trò “cầu cơ” để tiếp xúc cõi âm ít nhất 3 người, cả 3 phải tịnh thân (không được ăn thịt chó, không được ngủ với phụ nữ trước đó ít nhất 3 ngày, không đeo tượng Phật và Thánh giá trên người). Có thêm một bàn nhỏ để đặt lễ: hoa quả, nước lã, trà bánh và đèn hương. Một người làm chủ lễ để đọc lời khấn dâng hương cầu thỉnh thánh đức, quỹ thần, vong hồn, ma mị, ... chứng giám.
Người thứ hai tắm rửa sạch sẽ, rửa tay bằng rượu đế, đặt tay lên con cơ, ngồi im lặng cầu nguyện và chờ đợi. Người thứ 3 đọc lời cầu khẩn vong hồn nhập cơ hiện về và tiếp khách có nhu cầu tìm vong.  
Ví dụ: mình cần gặp người thân đã mất: họ hàng, bố mẹ, thân hữu, người yêu, ... thì ghi tên tuổi, ngày tháng năm mất.
Khi vong nhập cơ, tự động cơ sẽ chạy trên bàn chữ cái một cách vô thức với người cầm cơ, để giới thiệu vong là ai, tên gì, chết ở đâu, ngày nào, có nguyện vọng gì, ... theo câu hỏi của người khấn.
Khách có thể yêu cầu gặp ai, thông qua người khấn để được đáp ứng.
Đây là một trò chơi quỹ mị, huyền bí, có khi đúng, có khi chẳng thiêng.
Tôi chỉ đứng tò mò xem các anh chị cầu cơ chứ không tham gia gì.
Đến khi trời tối mịch vẫn chưa dứt.
Khi tôi trở về nhà trời đã tối, lòng lo sợ sẽ bị mắng và nỗi sợ hãi về các vong hồn, quỹ mỵ vẫn còn ám ảnh.
Tôi tránh mặt ba mẹ không dám chào vì sợ bị mắng đi chơi về trễ. Tôi lần vào thì va phải một người ngồi ru rú góc bếp. Giật mình nhìn lại, thì ra một bé gái, độ tuổi tôi (khoảng 10, 11 tuổi), cô bé giương mắt sợ hãi nhìn tôi không nói gì? Tôi kinh ngạc nhưng không hỏi gì chỉ cất lời xin lỗi rối rít.
Một hồi, tôi lên nhà trên, ba mẹ tôi xuất hiện, không la rầy gì, gọi tôi lại và bảo: Nhà ta hôm nay có một thành viên mới, ba mẹ nhận làm con nuôi. Rồi ba tôi cất tiếng gọi: - Bé Hương ơi!
Không nghe tiếng trả lời, mẹ tôi lần dò xuống bếp tìm và dẫn cô bé lên, tôi bẽn lẽn nhìn thoáng qua.
Hương có khuôn mặt trái soan, da trắng hơi tái, đôi mắt buồn ủ rũ, mặc bộ đồ xám đen kiểu nhà quê có vài miếng vá. Trông cô bé đang run lẫy bẫy.
Mẹ bảo: Con đến đây, hai đứa nhỏ cùng tuổi, đo xem, đứa nào cao hơn làm anh hoặc chị. Tôi xấu hỗ tần ngần xích lại gần Hương.
Mẹ bảo nắm tay em cho thân thiện, tôi không dám cầm, tìm cách chạy đi.
Từ đó, tôi có có thêm đứa em gái cùng tuổi, trong khi hiện ở nhà, Ba Mẹ tôi đã sinh 8 người con (mất 3 đứa khi còn bé). Tính thêm Hương là 6, chưa kể 3 đứa đã mất.
Khi mất người con thứ 3, mẹ tôi đi xem bói, thầy bảo: nhà bị phạm phong thủy, và có bà cô tam đợi (ba đời) không có chồng con, hay về bắt con cháu đi theo hầu hạ nên phải chuyển nhà gấp. Thứ hai, sau khi chuyển nhà phải cưới vợ hai cho chồng hoặc phải nhận thêm con nuôi. Mẹ tôi sắm sửa lễ vật và làm lễ tạ rất lớn, sau đó thực hiện theo lời thầy bói.
Hương có mặt là vì lý do này, tôi chỉ hiểu thế.
Tôi và Hương cùng tuổi, tính tình gần như giống nhau: hay rụt rè, hiếu động, u buồn và thui thủi một mình.
Tôi thường nhìn Hương với đôi mắt tò mò và muốn kết thân. Nhưng Hương lặng lẽ quá, tôi ngại.
Sau này tìm hiểu, tôi mới biết, Hương sinh tại làng quê nghèo tên là Mỹ Lợi, một vùng ven biển thược xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, Huế. Làng nỗi tiếng sinh con gái giỏi giang, chăm làm, nết na vì gieo trồng cây gì ở vùng đất này cũng phải tưới nước một ngày hai, ba bận, vùng ven biển toàn cát, phải tưới nước lên tục kẻo cây chết. Con gái ở vùng này chuyên gánh nước hằng ngày tưới ruộng, tưới hoa màu, tưới cây ăn quả trong vườn. Nhà Hương nghèo, bố mất sớm, có năm anh chị em, Hương là con thứ hai như tôi.
Hương tuy bé mà đã tập làm bếp, đi chợ, làm việc nhà, ... với cô osin trong nhà. Hương không cùng ăn tại bàn ăn với chúng tôi. Cả nhà ăn xong, Hương phụ dọn bát đĩa sau đó cùng ăn với cô giúp việc. Tôi để ý thấy áy náy, chẳng biết làm gì, thỉnh thoảng lén để dành thức ăn cho Hương: quả ngô luộc, củ khoai nướng, chén chè đậu xanh, ...
Hương học việc rất nhanh, chẳng bao lâu đã thành thạo. Có thể thay osin để quán xuyến việc nhà. Hương có biệt tài nấu nướng, chăm làm và khéo tay, khi nhìn Hương thái rau cả hai tay tôi mê mẩn, thán phục. Hương làm thức ăn cũng vậy, khéo sắp đặt và mâm cơm nhìn sạch sẽ, tươm tất và rất đẹp.
Hương không biết đọc và không biết viết, nhưng thông minh lạ kỳ, tôi thường bỏ thì giờ kèm cặp cho em, Hương học nhanh, chẳng mấy chốc đã thuộc bảng chữ cái và bảng cửu chương.
Một đôi lần gì đó, tôi rủ Hương lang thang cùng tôi khắp núi đồi Dương Xuân, tôi tìm hái sim cho Hương, bẻ những bông hoa mua cho em chơi và chỉ cho em những tổ chim cút, chim chích trên cao. Hoặc chỉ cho Hương con đường kiến đi, những tổ mối đùn đất cao, Hương tỏ ra thích thú.
Lần đầu tiên tôi nắm bàn tay Hương để viết những chữ cái tên hai đứa: Thu Hương, Anh Ly lên đất mịn, bàn tay em mềm và lạnh, em cười vui và đôi mắt sáng long lanh khi viết được tên mình. Lúc về, ngoài những bông hoa hái được, hai đứa còn nhổ những cành hoa dại về ươm ở vườn nhà. Trong đó, có một cây hoa hồng dại, non nớt, bé xíu như một biểu tượng của tình yêu thời bé bỏng.




Vào một đêm rằm giữa tháng, khoảng 9g đến 10g tối tôi bước ra sân trăng, thoáng thấy một bóng trắng ngồi trên tấm bình phong, tôi ngờ ngợ là bóng hắt của đèn neon. Nghĩ vậy, tôi liền gọi Hương ra xem ma. Hương sợ không dám ra, tức thì bóng trắng bay ngược lên tàng cây khế, tung một vùng sáng lóa như hỏa châu. Tôi sợ khiếp vía, bà nội tôi chạy ra ôm tôi vào lòng đưa vào nhà. Có ông hàng xóm say rượu gọi ơi ới ngoài ngõ: “Chị Ba, chị Ba, ai bắn pháo sáng à, làm chi sáng rực rứa?!”. Một cơn đau bụng quằn quại xuất hiện như có ai chà xát da thịt, tôi phát hoảng ôm bụng, vừa khấn niệm sám hối vừa rên la nức nở. Một hồi thì đỡ.
Sau đó mấy phút, bà nội tôi biết chuyện, dẫn tôi ra miếu nhỏ trước cửa nhà, lên nhang đèn hoa quả khấn vái, bắt tôi lạy xì xụp. Hương cũng chạy ra cùng quỳ lạy với tôi, hai đứa chụm đầu lạy một hồi, mặt mày tái xanh lo sợ.
Một vài lần sau đó, tôi có dịp, cũng tình cờ thôi, lúc thấy thường chẳng tin, những bóng ma thấp thoáng trong vườn, ngoài ngõ, nhất là vào đêm trăng. Có khi một hoặc hai xuất hiện. Từ tuổi bé thơ tôi đã tin là có cõi âm.
Một lần, tôi trêu Hương bằng cách gọi Hương ra xem cái này hay lắm! Hương hý hửng chạy ra sân sau vườn nhà, thấy một bé trai đang ị, Hương tái mặt khóc òa nức nở vì tổn thương. Tôi kinh hoảng hối lỗi, nhưng không biết làm sao dỗ dành Em. Tôi đành khóc theo.
Sau đó mấy ngày Hương không thèm nhìn mặt tôi.
Lần đó, tôi tự hứa với mình, suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ làm gì để Hương buồn nữa. Tôi tự hứa, mình sẽ quan tâm, chăm sóc em nhiều hơn nữa, tôi biết mình đã yêu thương Hương như ruột thịt.
Nhưng định mệnh không cho tôi thực hiện lời hứa đó.
Chúng tôi cùng lớn lên bên nhau, chậu hồng dại đã lên cao, chỉ có những nụ hoa bé tí, hương nhẹ phảng phất đâu đó.
Hương càng lớn càng xinh xắn, môi hồng, nụ cười có má lún đồng tiền, da trắng mịn màng. Nhất là đôi mắt Hương, thừa hưởng của mẹ, đen nhánh và u buồn. Hương hay đứng tựa cửa nhìn ra bầu trời xa xăm, chắc Hương nhớ nhà, những người thân yêu, mảnh vườn, đồng ruộng. Tôi lặng lẽ nhìn Hương. Giây phút Em càng đẹp mơ màng, trinh tuyết.
Sau 1975, gia đình tôi chuyển về miền quê, đời sống xuống dốc trầm trọng theo hoàn hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước. Nghe tin là bố Hương không mất, chỉ đi tập kết miền Bắc, vì sợ tai họa nên chỉ báo tử giả. Gia đình Hương xin Hương về quê thăm bố.
Sau đó, Hương có lên nhà tôi ở lại một thời gian. Khoảng năm 1978 thì Hương được gia đình lên xin ba mẹ tôi về hẳn, không có dịp gặp nhau nữa. Đất nước càng khó khăn thêm.
Từ đó tôi thất lạc Hương hoàn toàn.
Tôi có lặn lội về quê tìm Hương mấy lần, lần cuối hỏi ra mới biết gia đình Hương chuyển đi vùng Kinh tế mới tận Đăklăk vào năm 1979. Vô vọng.
Mãi đến năm 1990, tại Phong Sơn, Huế, tình cờ gặp một người cùng quê với Hương, tôi liền hỏi thăm. Anh ta kể về gia đình Hương gặp khó khăn về kinh tế, túng quẩn, lam lũ. Hương đã lấy chồng ở Đăklăk, sinh 3 đứa con. Chồng Hương nát rượu, phá tán, đánh đập Hương hoài.
Tôi nghe chuyện xót xa, gởi một ít quà cho Hương. Chẳng biết tới tay Hương không?
Chậu hoa hồng dại tôi đem về quê, tưới tẩm hàng ngày, không chịu ra hoa.
Sau đó cũng thất tán như Hương.




Một lần, tôi nằm mơ thấy Hương về, một bóng đen chạy từ một hành lang sâu thẳm rồi nhô lên, hai tay bám vào song cửa gào thét dọa tôi. Tôi bảo: Anh nhìn ra Hương rồi, đừng hù dọa nữa, em vào nhà đi. Hương lặng lẽ bỏ đi, tôi gọi: Hương! Hương!.. chới với, ... rồi tỉnh ngủ.
Giấc mơ làm tôi lo lắng rất nhiều về Hương. 
Tôi vẫn mang hoài vọng gặp Hương trong một dịp nào đó...
Dịp Xuân vừa rồi, tôi tìm mua rất nhiều hoa hồng tại phố Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội, trong đó có một chậu hồng bé tí, cũng loại hoa hồng dại, tôi đem về chăm bẳm.
Tôi sẽ nhớ Hương khi tưới tẩm chậu hoa. Mong mỏi chậu hồng ra hoa, tỏa hương thầm.
Mong mỏi Hương bình an, thoát khỏi tai ách, khổ não.
Sống đời hạnh phúc.
Lòng tôi ấm lại.



17. HNG HƯƠNG 1

Em là nụ hoa huyền
Hương trinh tròn mười sáu
Anh làm chim vành khuyên
Hót bên trời thơ ấu


Em là người em gái
Vương mộng tím đồi sim
Như cỏ cây hoang dại
Sinh sôi rồi lặng thinh


Lạc Em giữa vô biên
Nụ hồng hương tinh khiết
Biết bao giờ đoàn viên?


18 . HNG HƯƠNG 2

Mắt Hương dưỡng chất u hoài
Buồn thương ngây dại thoảng vài đợi trông
Anh tìm dịu ngọt lén trông
Đôi lần Hương cũng như chừng nghe ra
Rồi Xuân Hạ Thu ...qua
Đông hàn ngóng đợi, tình xa khôn cùng
Quảng đời kỳ bạt mông lung
Hương Em ảo giác chập chùng tìm đâu?

19 . HNG HƯƠNG 3

Sóng đời xô dạt hồn anh
Xuôi theo dòng chảy bao lần nổi trôi
Nào cơm nào áo rối bời
Câu thơ nghe cũng ngậm ngùi xót xa.
Mong có Em được cười òa
Mặc nghìn sóng dội, ngọc ngà: còn Em!

Hà Ni, 22. 4.2012
HTLT




CHÚ THÍCH:

• PHANXIPĂNG
Bí ẩn
Thành Lồi
Thuở bé, ở Huế, tôi sống cùng gia đình trong ngôi nhà vườn bên hữu ngạn dòng Hương, tại khu vực Phường Đúc, chỉ cách Thành Lồi một quãng ngắn. Hồi đó, thường cùng chúng bạn chơi “độn” Thành Lồi suốt, nên tôi khá thuộc địa hình địa vật nơi này. Lớn lên, tò mò tìm hiểu về Thành Lồi, tôi được nghe nhiều chuyện ly kỳ do bà con địa phương kể, lại được biết thêm lắm điều thú vị thông qua sách báo. Bây giờ đi xa, thỉnh thoảng mới về thăm cố xứ, song lần nào về thì tôi đều không quên ghé Thành Lồi vì những lý do riêng. Thoạt trông ngỡ chẳng có gì đặc biệt, nhưng phế tích ấy cho tới nay vẫn là một tồn nghi của lịch sử và là nguyên nhân gây bao cuộc tranh luận học thuật.
   







LỒI LÀ GÌ?

     Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7km về phía tây nam, trên địa bàn hai xã Thuỷ Xuân và Thuỷ Biều cùng một phần Phường Đúc, hiện còn một luỹ đất vắt ngang đường Huyền Trần Công Chúa (1). Đó là dấu tích sót lại của Thành Lồi.

     Sao gọi là Lồi? Chỉ riêng cái địa danh nghe khá lạ lẫm cũng đủ làm nẩy sinh nhiều kiến giải.

     Học giả Léopold Cadière (1892 - 1955) nhận xét rằng từ Lồi nếu “dùng để chỉ thành quách thì người Việt không tìm ra cách giải thích nó” nhưng nếu dùng để chỉ tượng thì “hầu như khắp nơi người ta giải thích là từ đất trồi lên” (2). Ví dụ: tượng Phật Lồi, tượng Bà Lồi. Tuy nhiên, qua cách dịch Thành Lồi là Remparts Chams (BEFEO, 1905) hoặc Mur Cham (BAVH, 1925), ắt hẳn L. Cadière hiểu từ Lồi trỏ dân tộc Chăm, còn gọi Chàm / Chiêm / Chiêm Thành / Hời / Cam / Căm / Chămpa.

     Tự vị Annam Latinh (3) do Pierre Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc soạn năm 1772 - 1773, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên (NXB Trẻ, 1999), ghi: “Lồi: giô ra. Quân Lồi: người nước Chàm”. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của in năm 1895 cũng ghi: “Lồi: trồi lên, nổi lên. Người Lồi: người Chiêm Thành thuở trước”. Loạt từ điển của G. Hué (1937), J. L. Taberd (1838), B. Bouin (1957), J. F. M. Génibrel (1858), J. Bonet (1899), v.v., đều ghi nhận và cắt nghĩa tương tự.

     Trên tập san Sử Địa số 17 - 18 (Sài Gòn, 1970), Tạ Chí Đại Trường đưa cách giải thích khác: “Các nông phu Việt làm ruộng gần núi, hằng năm phải nhặt một lượng đá trong ruộng ném lên bờ. Họ không hiểu rằng mưa lũ cuốn đá trôi xuống ruộng họ hay xâm thực cuốn bùn, trơ đá ra, mà họ cứ cho rằng đá dưới ruộng cứ tự động trồi lên nên họ gọi là hiện tượng đá mọc, đá lồi. Bởi vậy, nếu họ có thấy trong đống gạch đổ nát sau cơn binh lửa lâu đời, lồi ra một tượng thần Civa hay Ponaga… rồi hoặc đem về chùa miễu thờ, hoặc xây ngay am miếu nơi đó để gọi là Phật Lồi, Bà Lồi, chùa (Phật) Lồi, miễu (Bà) Lồi… thì ta cũng không nên lấy làm lạ mà tìm nghĩa ở đâu xa”.

     Trên tờ Thông tin khoa học và công nghệ số 2 (Huế, 1991), Hoàng Dũng cho rằng: “Dù sao, lý giải của Tạ Chí Đại Trường chỉ thuần tuý giả định, mà hoàn toàn không dựa trên cứ liệu cụ thể xác đáng nào”. Tra cứu Từ điển Việt - Bồ - La (4) của Alexandre de Rhodes tức A Lịch Sơn Đắc Lộ in năm 1651 tại Roma, thấy ghi: “Mlồi, nước Mlồi: vương quốc Chàm”. Từ đó, Hoàng Dũng lập luận: “Ta biết rằng ml của tiếng Việt trung đại theo quy luật sẽ rụng m để chỉ còn l trong tiếng Việt bắc Trung bộ và Nam bộ. Ví dụ: mlầm - lầm, mlời - lời, mlớn - lớn (…). Một khi đã xác định được hình thức ngữ âm của Lồi (Chàm) xưa là Mlồi thì đồng thời cũng khẳng định được nguồn gốc của từ này: Lồi là sản phẩm của người Việt, dùng để chỉ người Chàm, chứ không phải là người Việt vay mượn một từ Chàm nào đó. Lý do là hệ thống ngữ âm của tiếng Chàm tuy có âm m l nhưng không thể có tổ hợp phụ âm ml và cũng chưa có tài liệu nào chứng minh tiếng Chàm trong lịch sử từng có tổ hợp phụ âm ml”.

     Thế nhưng, bài văn cúng tá thổ (thuê mướn đất) trong dân gian từ Thừa Thiên tới Quảng Nam lại có những câu:

     Lồi, Lạc thương vong
     Chàm, Chợ, Mọi rợ
     Đăng chủ hương hồn
     Đồng lai cộng hưởng.


     Căn cứ vào đấy, Nguyễn Văn Xuân nêu ý kiến đáng chú ý trong sách Địa chí Đại Lộc (NXB Đà Nẵng, 1992): “Vậy Lồi là một sắc dân có thật, không phảỉ là Chàm, chỉ bị người sau vì thói quen đồng hoá với Chàm. Văn tế minh xác điều ấy, không thể lầm lẫn được”.

_________________________________

(1) Tên đường Huyền Trân Công Chúa mới đặt từ ngày 17-5-1996 theo quyết định số 787/QĐ của UBND TP Huế. Chứ trước kia, giai đoạn 1956 - 1976, đường Huyền Trân Công Chúa là đường Bùi Thị Xuân ngày nay.
(2) Sortir de terre
(3) Dictionarium Annamitico Latinum
(4) Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum

Một đoạn luỹ nam Thành Lồi hiện tại (1)
Photo: Phanxipăng

 
 Một đoạn luỹ nam Thành Lồi hiện tại (2)
Photo: Phanxipăng 

 Một đoạn luỹ nam Thành Lồi hiện tại (3)
Photo: Phanxipăng 


MẤY CHUYỆN KHẨU TRUYỀN

     Bao đời nay, cư dân quanh vùng Thành Lồi ở Huế vẫn lưu truyền chuyện kể rất hấp dẫn về sự xuất hiện phế tích này. Người ta kể đi kể lại hoài, không chán. Chuyện như sau.

     Vào năm Bính Ngọ 1306, thời Trần, nhờ cuộc hôn nhân chính trị giữa công chúa Huyền Trân với quốc vương Chăm là Chế Mân tức Jaya Simhavarman III, nước Đại Việt nhận được sính lễ vô giá gồm hai châu Ô - Ry (5). Năm sau, vua Trần Anh Tông cử tướng Đoàn Nhữ Hài chính thức tới tiếp quản và đổi tên hai châu là Thuận Hoá. Cũng năm đó, Chế Mân đột tử. Theo tục lệ nước Chăm, vua chết thì hoàng hậu lẫn phi tần đều phải lên giàn hoả thiêu chết theo. Nghe tin, vua Trần Anh Tông rất lo ngại cho tính mạng em gái mình, liền sai tướng Trần Khắc Chung cầm đầu sứ bộ qua Chăm thác cớ phúng điếu rồi tương kế tựu kế cứu Huyền Trân đưa về Thăng Long. Sự kiện nọ làm triều đình nước Chăm nổi giận. Vị tân vương là Chế Chi tức Jaya Simhavarman IV điều 5 vạn binh mã, giao cho một viên tướng mặt đen, râu xồm, tên Lồi, chỉ huy quyết tái chiếm phần lãnh thổ đã nhượng.

     Quân Chăm ào ạt tiến sát bờ sông Trong tức sông Hương thì không thể nào dấn thêm vì vấp phải sức kháng cự uy mãnh của quân dân Đại Việt. Sau một thời gian giao tranh bất phân thắng bại, tướng Lồi đề nghị hưu chiến để thương lượng với tướng Đoàn Nhữ Hài. Đôi bên đàm phán khá lâu, rốt cuộc chấp nhận thoả ước: “Nội trong một đêm, mỗi bên xây một luỹ thành, bên nào cao hơn thì thắng, bên thua phải tự rút quân ngay để khỏi sát hại sinh linh”. Thoả ước đó khiến quân dân Đại Việt lo lắng, bởi ai cũng biết xây thành đắp luỹ là sở trường của người Chăm. Thế mà tướng Đoàn Nhữ Hài tỏ vẻ quá ung dung, quá tự tin.

     Khi chiều buông, hồi trống thu không vừa điểm, đó cũng là tín hiệu cuộc so tài bắt đầu, toàn bộ quân Chăm hối hả kẻ đào người đắp, cố tạo bức tường đất trên mấy ngọn đồi gần bờ sông. Nhòm qua bên kia, thấy quân Việt vẫn nhởn nhơ đùa giỡn hoặc thong thả uống ăn, quân Chiêm không khỏi nực cười. Hừng đông, chiêng trống vang rền, báo hiệu cuộc so tài kết thúc. Tướng Lồi cùng toàn thể quân Chăm quá đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy bên phía quân Việt đã mọc lên toà thành đồ sộ và cao ngất bằng vôi gạch, có cả cổng chính lẫn cổng phụ cùng vọng lâu cắm đầy cờ xí. Trên vọng lâu, tướng Đoàn Nhữ Hài ngồi chễm chệ giữa đám lính hầu.

     Quân Chăm buồn rầu rút lui đúng theo thoả ước. Họ đâu ngờ toà thành của quân Việt cấp tốc dựng lên trong đêm toàn bằng phên tre được sơn phết, trang hoàng y như thật. Còn dấu tích luỹ thành đắp bằng đất bên mạn nam sông Hương được dân chúng gọi Thành Lồi nhằm ghi nhớ viên tướng từng đốc thúc quân Chăm dốc sức đào đắp suốt đêm. Đất đào chủ yếu ở gần đó, nay là hồ nước to trước miễu Long Châu tức điện Voi Ré, cạnh đồi Long Thọ.

     Chuyện trên đã được Nguyễn Chí Thành sưu tầm rồi viết nên “truyện ký” mang tiêu đề Gốc tích Thành Lồi ở Huế đăng trên tập san Khai Trí Tiến Đức số 4 (Hà Nội, 1941). Dựa vào tư liệu ấy, Nguyễn Đổng Chi soạn Sự tích Thành Lồi để đưa vào tập I bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã được in đi in lại nhiều lần từ năm 1957 đến nay. Sự tích Thành Lồi cũng được thuật lại trong cuốn Văn học dân gian Bình Trị Thiên do Đại học Sư phạm Huế ấn hành năm 1988.

     Điều lý thú là qua bộ sách vừa nêu, học giả Nguyễn Đổng Chi (1915 - 1984) đã dày công “khảo dị”, thu thập nhiều dị bản của Sự tích Thành Lồi mà trong đó có cả truyện của dân tộc Chăm như Sự tích tháp NhạnSự tích vua Kơlong Garai xây tháp thi. Truyện sau kể rằng vua Kơlong Garai tức vua Lác chiến thắng một vị vua Tây Nguyên là Pô Tầm rồi chiến thắng luôn người Kơru / Chân Lạp nhờ thi xây tháp và mưu mẹo dựng công trình bằng giấy. Nguyễn Đổng Chi phát biểu:

     - Tôi ngờ rằng Sự tích Thành Lồi Sự tích Tháp Nhạn phần nào bắt nguồn từ Sự tích vua Kơlong Garai xây tháp thi.

     Nếu đúng thế thì chuyện kể về nguồn gốc Thành Lồi ở Huế vốn là một tác phẩm văn học dân gian của người Chăm xưa đã được tái tạo và phát triển qua quá trình Việt hoá / Kinh hoá. Cũng không loại trừ khả năng tiến trình kia diễn biến theo chiều ngược lại: chuyện của người Kinh đã được người Chăm tiếp thụ rồi phóng tác.

     Bài viết này sẽ trở lại với tác phẩm folklore ấy. Bây giờ, chỉ xin nêu thêm đôi mẩu chuyện truyền miệng tại địa phương liên quan đến phế tích Thành Lồi với sự đối chiếu thư tịch khi cần thiết. Đó là chuyện kể về miếu Hời, mụ Hời và… ma Hời.

_________________________________

(5) Châu Ry còn được gọi Rý và Lý

Quang cảnh nhìn từ "độn" Thành Lồi
Photo: Phanxipăng


  
Quang cảnh nhìn từ "độn" Thành Lồi
Photo: Phanxipăng


   Rằng xưa, tại Thành Lồi có ngôi miếu thờ quốc vương Chăm các đời. Dân quanh vùng gọi đó là miếu Mọi, miếu Hời, miếu Chiêm Thành. Miếu do chính vua Minh Mạng cho lập năm Quý Tị 1833, thường niên đều cử quan văn hàm tòng tam phẩm đến tế lễ xuân thu nhị kỳ. Chi tiết này đã được thể hiện qua vài tài liệu khả tín, chẳng hạn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.

     Giai đoạn thuộc Pháp, kiến trúc sư Bossard thiết kế đồ án nhà máy nước Vạn Niên ở gần lăng Tự Đức. Công trình đó được xây xong vào năm Tân Hợi 1911. Sau đấy, chính phủ bảo hộ quyết định phóng trục lộ từ bến Chung bên bờ sông Hương, cạnh giáo đường Trường An tức nhà thờ Phường Đúc, lên Vạn Niên. Ấy là con đường Huyền Trân Công Chúa hiện nay.

     Tuyến đường xuyên qua Thành Lồi và băng ngang miếu Hời nên ngôi miếu bị triệt giải. Sự kiện đó lập tức khiến đồng bào dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam phản ứng dữ dội. Không chỉ số ít người Chăm, mà cả những người Katu, Tàôi (Pacoh) và Bru (Vân Kiều) kéo nhau về biểu tình trước Toà Khâm phía đầu cầu Trường Tiền. Chính quyền thực dân đương thời buộc phải xây một ngôi miếu khác tại vùng Thành Lồi để đền bù thay thế. Trước niên điểm 1945, miếu thường xuyên được một mệnh phụ người Chăm trông nom chu đáo. Dân chúng vẫn gọi bà là mụ Hời.

     Trong trang phục Chăm truyền thống kiểu quý tộc với nhiều trang sức bằng quý kim, mụ Hời ngày ngày thường xuống chợ Hổ Quyền tức chợ Long Thọ để mua sắm nhu yếu phẩm. Người ta nhớ lại: mụ Hời vóc dáng nhỏ nhắn, lúc nào cũng nghiêm nghị, đi đứng thong thả, ít khi nhìn ai hoặc trò chuyện với ai. Ắt túng bấn quá nên đôi lần mụ Hời dạm bán vòng vàng xuyến bạc đang đeo, song chẳng người nào dám mua vì thiên hạ ngại rằng nếu dùng của nọ thì sẽ bị… ma Hời ám!

     Năm 1959, mụ Hời lặng lẽ từ trần và được an táng ở âm phần đã xây sẵn gần miếu Hời theo lối kiến trúc khác hẳn lăng mộ người Kinh. Nghe đồn thỉnh thoảng giữa đêm hôm khuya khoắt, mụ Hời hiện hồn khóc rấm rứt cùng cả đám ma Hời trên “độn” Thành Lồi (?!).

     Gần đây, chuyện miếu Hời và chuyện ma Hời được Thân Trọng Tuấn hồi tưởng trong tuyển tập Tiếng sông Hương (Texas, 1994) rồi được bác sĩ Bùi Minh Đức đưa vào Từ điển tiếng Huế (NXB Tâm An, California, 2001). Ngoài việc liên hệ tục lệ cúng xà lẹc (tiếng Chăm là talek) tức thức ăn bỏ trong bẹ chuối gập lại và đặt nơi cổng nhà dành cho ma Hời, từ điển này còn tô điểm cho mục từ ma Hời bằng đôi câu thơ rờn rợn ấn tượng trích từ thi tập Điêu tàn (1937) của Chế Lan Viên:

     Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
    Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi


  
 Núi Kim Phụng nhìn từ "độn" Thành Lồi.
Photo: Phanxipăng

  
Nhà máy vôi - ximăng Long Thọ nhìn từ "độn" Thành Lồi.
Photo: Phanxipăng

Hồ nước trước miễu Long Châu tức điện Voi Ré, cạnh đồi Long Thọ.
Photo: Phanxipăng

MIẾU HỜI VỚI “ĐỘN” THÀNH LỒI

    Phế tích Thành Lồi nằm trên dãy gò đồi có độ cao dao động 30 ~ 50m so với mặt biển. Do đó, bà con quanh vùng quen gọi nơi đây là “độn” Thành Lồi. Từ “độn”, nếu ký âm sát hơn phải ghi “độộng” - phương ngữ Huế dùng chỉ những nơi cao như gò, đồi, thậm chí cả núi. Ví dụ: ngọn núi cao 1.448m lừng danh về du lịch sinh thái ở Cầu Hai (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vẫn được người địa phương gọi “độn” Bạch Mã. Có lẽ do lỗi ấn công, mấy chỗ trong Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức (như các trang 297 và 310) đã in nhầm ra “đồn” Thành Lồi. Thực tế tại đây chẳng có đồn bót.

    Xét câu chuyện dân gian giải thích sự xuất hiện Thành Lồi ở Huế, dễ thấy rằng từ Lồi chưa hẳn là tên riêng có thật của viên tướng Chăm xưa từng đốc thúc ba quân đào đắp luỹ thành này. Ngay phương ngữ Huế có cụm từ “nổi ma Lồi” nhằm chỉ thái độ nóng giận; “trạng Lồi” nhằm diễn tả tính chất khoác lác. Quảng Nam lại có phương ngôn “nhớp như Lồi” dùng để nói lên tình trạng dơ bẩn, mất vệ sinh. Lại thêm hàng loạt di tích, di vật gắn liền với từ Lồi như chùa và tượng Phật Lồi, miếu và tượng Bà Lồi phân bố trên địa bàn khá rộng, trải dài khắp nhiều tỉnh thành duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình trở vào. Ấy là cương vực vương quốc Chăm từng tồn tại trong quá khứ với một nền văn hoá nghệ thuật phát triển đầy bản sắc, đến năm Quý Dậu 1639 thì sáp nhập hoàn toàn vào lãnh thổ Đàng Trong dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, rồi hoà nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Riêng Bà Lồi có khi được tôn xưng là Ngọc Phi hoặc Lồi Phi phu nhân, hiện vẫn được người Việt thờ cúng đó đây, như đôi miếu trong động Huyền Không ở thắng cảnh Non Nước (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Danh xưng Bà Lồi còn được dùng để gọi Thánh Mẫu Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, tức nữ thần Po Nagar hoặc Muk Juk, một “hoá thân" của Bà Chúa Ngọc hay Bà Chúa Xứ. Ở Huế, nữ thần này không chỉ được thờ phụng rất trang trọng nơi điện Hòn Chén, mà còn “toạ vị” trong nhiều am miễu lớn bé. Không xa phế tích Thành Lồi, giữa vạt đất rợp bóng cổ thụ tại đầu dốc Nam Giao, có toà miếu cổ với lối kiến trúc gỗ ngói truyền thống khá độc đáo, trong thờ bài vị: “Phụng thỉnh Bà Chúa Ngọc Dương Di Lân Tiên Nương toạ vị”. Đặc biệt, ngay khu vực Thành Lồi hiện còn ngôi miếu nhỏ thuộc ấp Sơn Điền (nay thuộc thôn Thượng 4, xã Thuỷ Xuân), trên vách hương án có đôi chữ Hán “Tiên Nương” kiểu đại tự khải thư, song nhiều người vẫn gọi là miếu Bà Lồi. Trong sách Tục thờ thần ở Huế (NXB Thuận Hoá, Huế, 1998), Huỳnh Đình Kết đã xếp “miếu Tiên Nương cạnh Thành Lồi thuộc ấp Sơn Điền” vào hệ thống “miếu thờ các thần thuộc văn hoá Chămpa”.

    Liệu miếu Tiên Nương hoặc miếu Bà Lồi có dính dáng gì với nhân vật mụ Hời chăng? Chứ lăng mộ mụ Hời, theo lời dân chúng truyền khẩu thì mới xây ngoài 40 năm, nay đà mất dấu. Các bãi tha ma quanh “độn” Thành Lồi có mấy mộ vô chủ, mang đặc điểm là xây vôi vữa bằng phẳng sát mặt đất, khác hẳn lăng mộ bình thường vun nấm. Dân địa phương gọi mấy mộ cổ kia là “mả Hời”. Âu cần điều nghiên kỹ mới rút kết luận chắc chắn.

    Thậm chí, miếu Hời thờ các đời quốc vương Chăm từ lâu cũng chẳng còn tăm dạng. Trong Từ điển lịch sử Thừa Thiên - Huế (NXB Thuận Hoá, Huế, 2000), Phan Thanh Hải viết về Chiêm Thành quốc vương miếu: “Địa điểm miếu toạ lạc đến nay vẫn chưa xác định được, nhưng có lẽ nó nằm trong khu vực Thành Lồi”. Dựa theo hồi ức Thân Trọng Tuấn (tlđd), Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức chỉ ra rằng miếu ấy vốn được vua Minh Mạng cho lập năm 1833 “tại Nguyệt Biều, chênh chếch Hổ Quyền” với cấu trúc được mô tả thế này: “Miếu gồm một toà nhà ba gian, vách vôi, lợp ngói, cửa cột gỗ mít. Xung quanh xây tường gạch, trổ một cửa trông ra hồ Con Voi Ré. Năm Thành Thái thứ XV (1903), vua cho trùng tu cùng lúc xây xây mộ con voi một ngà kế cận, gần đồn (độn) Thành Lồi, sau đồi Long Thọ”.

    Trong tập 4 Nghiên cứu Huế ấn hành năm 2002, Nguyễn Phước Bảo Đàn và Tôn Nữ Khánh Trang trình bày các thông số đo đạc qua đợt điền dã năm 2001 tại khu vực Thành Lồi rồi nêu ý kiến: “Cách luỹ thành nam 50m về hướng bắc là miếu quốc vương Chiêm Thành - miếu Bà Chăm theo cách gọi dân gian - nằm trong khu mộ táng, nhưng ngày nay đã được dời đi nơi khác, thay vào đó là Đài Phật Địa Tạng cao gần 1,8m, xung quanh Phật Đài và rải rác trong khu mộ táng là những tảng đá lớn có dấu vết gia công, dài 50cm, rộng 40cm, cao 20cm. Có lẽ trước đây là đá kiến trúc dùng trong miếu quốc vương Chiêm Thành”.

    Cách định vị miếu Hời ngày trước như thế mang tính ức đoán, chẳng rõ căn cứ vào đâu. Và miếu Hời “ngày nay đã được dời đi nơi khác” thì đó là địa điểm nào? Đừng quên sự kiện nhà cầm quyền Pháp từng triệt hạ miếu Hời để phóng trục lộ từ bến Chung lên Vạn Niên đã khiến đồng bào dân tộc thiểu số phản đối nên chính phủ bảo hộ phải xây đền miếu mới trong vùng. Bản đồ của Sở Địa lý bấy giờ (6) (do L.Cadière in trong BAVH 1925) ghi trục lộ ấy là “route vers Tu Duc” (đường đến lăng Tự Đức), dân gian một thuở vẫn gọi “đường Thành Lồi”, hiện tại là đường Huyền Trân Công Chúa. Vậy có thể suy ra: miếu Hời nguyên thuỷ toạ lạc trên phần đất Thành Lồi mà bây giờ đường Huyền Trân Công Chúa chạy qua. Còn miếu Hời được xây thay thế về sau nằm ở đâu? Tổng hợp các nguồn tư liệu đã thu thập được, tam đặt nghi vấn: phải chăng miếu tái lập lân cận đấu trường Hổ Quyền và điện Voi Ré?

    Mặc dù miếu Hời thờ quốc vương Chiêm Thành mang niên đại muộn, song đấy là hạng mục có ý nghĩa đối với phế tích Thành Lồi. Tiếc thay, ngay cả miếu nọ chỉ mới tái lập xấp xỉ nửa thế kỷ mà đã bị xoá nhoà bởi muôn dâu bể!

________________________________

(6)
Carte du quartier Arènes

Phanxipăng trước Đài Phật Địa Tạng trong nghĩa trang Phật giáo Dương Biều.
Photo: Ngô Đình Hải 

Trên Thành Lồi . Photo: Phanxipăng






1 nhận xét:

Nguyễn thị thanh thủy nói...

Tình yêu thương gắn liền với những kỷ niệm thật thân thương và xúc động!Hình ảnh hai anh em hồi nhỏ thật đẹp và đáng yêu làm sao?Đọc trang viết TT chảy tràn nước mắt...Nơi xa người em gái có hiểu tấm lòng anh?
Thương chúc và mong sao có sự đoàn viên thì hạnh phúc biết bao?