Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

CAFE VIỆT DU HÝ

CAFE VIỆT DU HÝ


BẮC KINH, TRUNG QUỐC - 2009 


 
PHẬT SỐNG TÂY TẠNG - 2009



Nhân phục vụ cho Văn hóa Trà Việt, tôi có viết 99 bài thơ chữ Hán  "Viên Như Việt Trà" và một số bài hướng dẫn về cung cách, phương pháp làm "Trà Đạo Việt", thiết kế một số phòng trà theo phong cách người Việt, ... sau đó triển khai hệ thống Việt Trà Quán một số cơ sở: Viên Như Việt Trà Quán ở Quận 3 - Sài Gòn, Hoa Lư Việt Trà Quán ở Hoa Lư - Ninh Bình, ....





Sau một thời gian dài, tôi có nhân duyên gặp gỡ, giao lưu một số văn nghệ sĩ gạo cội, có dính dáng ít nhiều là "đệ tử của Lưu Linh" như: Bùi Giáng, Trần Đới, Trịnh Công Sơn, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Loan, Võ Quê, Trần Vàng Sao, Xuân Lư, Nguyễn Đức, Phạm Thư Cưu, Văn Nho, Phương Xích Lô, Ly Giang, ... suốt mấy chục năm ròng, sau đó tôi có viết một tập, cũng thơ chữ Hán "Việt Nam Tửu Đạo". Cũng chỉ để tìm cách tiếp nhận trọn vẹn những loại hình văn hóa đang tồn tại trong đời sống, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hằng ngày của mọi tầng lớp con người trong xã hội đương đại.


Bây giờ lại có nhân duyên với :"Phin Cafe", cũng một loại hình văn hóa ẩm thực rộng khắp và tràn lan dung chứa đủ mọi chủng loại, thành phần. Trên bước đường viễn du của Lãng Tử, tôi ghi nhận những dấu tích sống động của đời sống hiện sinh: không gian cảnh trí, nhu cầu mưu sinh vật chất, các lĩnh vực nghệ thuật, tâm linh và sau cùng là tình yêu.

Phin Cafe là điều kiện kết nối tốt nhất để bạn hẹn hò và giao tình. 
Không có cặp đôi nào thời nay không dính líu tới một quán Cafe nào đó, nơi ghi dấu kỷ niệm chứa đựng đầy ắp những hoài niệm đẹp. Ở đó bạn tìm thấy: đỉnh cao của âm nhạc, dance, hội họa, không gian trữ trình, kiến trúc thẩm mỹ, văn hóa ẩm thực đa dạng, ... và quan trọng: nơi gặp gỡ của tình yêu.




    
越 南 茶 道

地 利 古 峰 生 寶 茶
天 時 結 聚 貉 鴻 花
無 慰 含 情 越
茶 道 精 英 載 萬 家

VIỆT NAM TRÀ ĐẠO
Địa lợi cổ phong sinh bảo trà
Thiên thời kết tụ Lạc Hồng hoa
Nhân hòa vô úy hàm tình Việt
Trà đạo tinh anh tải vạn gia
Dịch:
VIỆT NAM TRÀ ĐẠO
Địa lợi xưa tồn giống bảo trà
Thiên thời kết tụ Lạc Hồng hoa
Nhân hòa vô úy tâm tình Việt
Trà đạo tinh anh khắp vạn nhà


越 南 酒 道

飲 酒 開 心 兮 道 人
 提 生 子 笑 風 塵
過 長 空 無 反 影
閒 遊 酒 道 豁 然 安

VIỆT NAM TỬU ĐẠO
Ẩm tửu khai tâm hề đạo nhân
Túy đề sinh tử tiếu phong trần
Nhạn quá trường không vô phản ảnh
Nhàn du tửu đạo hoát nhiên an
Dịch:
VIỆT NAM TỬU ĐẠO
Chuốc chén tâm không kìa đạo nhân
Say vùi sinh tử phủi phong trần
Lưng trời cánh nhạn đâu lưu bóng 
Men đạo nhàn tâm khổ lụy tan
 



PHIN CAFE BUỔI SỚM








Sương sớm đọng cành lan
Anh còn đang mơ màng
Em tôi đã trở dậy
Pha trà hương nhẹ lang

Ấm nước cười reo vang
Phin cafe trên bàn
Trung Nguyên hương ngào ngạt
Chan hòa mùi tóc bay.




Những giọt tình đen nhánh
Hay màu mắt đắm say?
Nhỏ xuống hồn buốt lạnh
Lửa tình cháy ... sáng nay.

Tay Anh hay tay Em?
Một mình, đâu mộng - thực?
Em có thực, Anh đếm
Một, hai, ba...
Tình say.

HTLT






PHIN CAFE BUỔI SỚM 2










Mưa khuya ướt sân thiền
Chuông ngân bước chân êm
Cành sung chim hót dậy
Trời hừng đông hồn nhiên




Em dậy pha ấm trà
Phin cafe mở ra
Một giấc mơ vạn dặm
Ngủ cành sen đêm qua

Tiếng người – tan trống lạnh
Mùi cafe thoảng qua
Cơn mưa vừa dứt tạnh
Bóng Em khuất trời xa


Đây một vườn hoa lá
Tình nồng rồi phôi pha
Anh ngồi ôm chiếc lá
Giữa trần gian xa lạ

Em là hương ngọc lan
Anh – Lãng Tử muộn màng
Nắng lên đồi vàng vọt
Tình yêu cười, hoang mang

Anh đi giữa vườn Hoàng!

HTLT










PHIN CAFE BUỔI SỚM 3







 

Chim câu đậu thềm Sài
Giục giấc hoang, mê mãi
Hương trà vươn tự tại
Ngày lên mở Thiên Thai

Đời vui bước độc hành
Anh và Em – mộng ảnh
Tay hiền nâng ngày sống
Phin cafe Tình không

Giọt huyền nhỏ thinh thinh
Miền chân không, diệu hữu
Tình yêu chung vũ trụ
Tiết điệu vạn sắc hình




Ngọt nồng hay đắng đậm?
Tay nắm lấy bàn tay
Tâm tình trao nồng ấm
Đại bi Quán Thế Âm


Phin cafe tỉnh an
Hồn cô tan hòa tan

Diệu âm, hải triều âm
Đại bi Quán Thế Âm


HTLT








PHỤ LỤC:

Văn hóa Cà Phê Việt

Người ta nói: Thêm đường hết đắng.
Nhưng ngọt ngào đâu có phải Cà Phê?
Giọt đắng này, giọt của si mê.
Như giọt đời, giọt mưa, giọt nắng…

Thật lạ, con người thường đam mê những thứ đắng cay, không mấy ai nghiện ngập ngọt bùi. Có phải cuộc đời nhiều mặn nồng, nhiều thăng trầm cay đắng, cho nên con người tìm đến những thứ đắng cay để dung hòa cảm xúc? Còn hơn thế, Cà Phê có đủ vị đắng để giúp ta suy tưởng, có đủ độ nồng để tạo cảm giác bồng bềnh, có đủ độ chua để nghĩ về thất bại, có đủ độ mặn để nhớ về đất mẹ, và có đủ độ ngọt ngào để ta cảm thấy được yêu thương…


Cảm ơn các vị linh mục Tây phương đã đem cây Cà Phê từ cao nguyên Ethiopia xa xôi mãi tận Phi Châu vào đất Việt. Nghe nói ban đầu loại cây quý giá này chỉ được trồng tại vườn của các nhà thờ Phía bắc Việt Nam từ khoảng cuối những năm 1880. Sau này, tức là đến khoảng những năm 1920 cây Cà Phê mới được trồng đại trà ở Đak Lak và Gia Lai - Kon Tum. Giống như tại hàng trăm quốc gia uống Cà Phê trên thế giới, văn hóa Cà Phê đã hình thành ở Việt Nam như một điều tất yếu từ món quà tuyệt vời do tự nhiên ban tặng.

Hoàn cảnh sống đã tạo nên văn hóa Cà Phê Việt. “Cà Phê nhanh” dành cho những người bận rộn, được đựng trong các ly cốc sử dụng 1 lần, thường đi kèm với “nhạc đệm” là bánh mỳ Pa-tê, bánh mỳ ốp la, họ uống nó như một loại Food cung cấp dinh dưỡng và khoáng chất cho cơ thể thêm khỏe mạnh và năng động. Loại này thường là Cà Phê đá, hoặc Cà Phê sữa đá.


“Cà Phê đường phố”, thường là Cà Phê đen, loại Cà Phê bình dân nhất và cũng có đông “đệ tử” nhất, chỉ đông vào buổi sáng, trước giờ làm. Cà Phê loại này thường được pha phin trong những chiếc ly thủy tinh bình dị, xinh xinh nho nhỏ. Bên cạnh không bao giờ thiếu một ấm trà nóng sẵn sàng…

“Cà Phê tự tình” dành cho các đôi nam nữ chuyện trò tâm sự. Ly Cà Phê ấy, nếu là Cà Phê đen thì phải pha vào tách kiểu ưa nhìn một chút. Người pha phải dùng một loại chong chóng quậy mạnh để tạo bọt, trang trí chút kem, hay bọt của Cà Phê Master hình chiếc lá hoặc trái tim. “Cà Phê tự tình” thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ tối đến tận đêm khuya.

“Cà Phê tự sự” là uống một mình, suy tưởng, hoài niệm. Người uống biệt riêng những phút giây tự đối diện với cuộc sống nội tâm của mình…

Đa dạng là văn hóa Việt. Nhưng ngày nay nó đã bị mai một, biến dạng vì mất đi cái gốc rễ cội nguồn. Nhưng rất may là “văn hóa Cà Phê Việt” vẫn là điều đáng để người đời trân trọng. Dường như có một sức mạnh thần bí nào đó đã làm cho bất kỳ ai khi đang ngồi trước ly Cà Phê đều trở nên nhã nhặn, hiền lành, dễ mến. Người ta thường quên mất tuổi tác, địa vị, cũng như giai cấp của mình khi trước mặt là một ly Cà Phê bốc khói đang tỏa mùi hương quyến rũ. Đó thực sự là triết lý, và là sức hút hữu hình của Cà Phê.

Không giống như phong cách Cà Phê Starbuck của Mỹ, hay phong cách Milan của Ý. Hoặc kỳ lạ là đổ đường, Cà Phê vào đun chung như phong cách Thổ Nhĩ Kỳ. Cà Phê Việt hầu hết được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin. Thích thú và hồi hộp chờ từng giọt Cà Phê rơi tí tách, là sở thích đặc biệt của dân “ghiền” Cà Phê. Muốn cho Cà Phê giữ được độ hấp dẫn, người ta thường ngâm chiếc ly của mình trong một cái chén (bát) nước nóng…

Khi những giọt đắng cuối cùng trên phin ngưng chảy, cũng là lúc chúng ta sắp sửa có quyền thưởng thức ly Cà Phê tuyệt vời. Một chút đường trắng, chiếc muỗng nhỏ xíu như đồ chơi trẻ em trên tay, ta khuấy nhẹ, thật nhẹ thôi, thả lỏng toàn thân cho tâm hồn thư thái. Và khi nâng ly Cà Phê lên môi, một mùi thơm ngất ngây pha chút ngai ngái, ngầy ngậy lan tỏa trong khoang mũi, cộng với vị đắng dịu dàng trên môi, ta cảm nhận hương vị Cà Phê đang tan ra trong miệng, thấm sâu vào tận trái tim khối óc. Lâu lâu nhấp một ngụm nhỏ để lặp lại cảm giác tuyệt diệu này, đó quả là những phút giây hạnh phúc…

Công năng kỳ diệu đến thần bí của Cà Phê có lẽ là nhờ nó đã làm cho con người thư thái. Chính vì vậy trước ly Cà Phê, một gã giang hồ cộm cán cũng trở nên hiền lành. Người đang nóng giận cũng trở nên mềm mại. Người đang buồn chán cũng trở nên yêu đời. Và người mệt mỏi bỗng thấy tràn đầy sinh lực. Chính điều đó đã giúp cho văn hóa Cà Phê Việt đứng vững trước những băng hoại của lối sống gấp gáp, hối hả, vội vàng…

Ở Việt Nam, nói đến Cà Phê thì phải nghĩ ngay đến Sài Gòn và các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở vào. Văn hóa Cà Phê đã gắn liền với đời sống đa dạng của người Miền Nam, giống như Trà (Chè) của Miền Băc vậy. Sài Gòn có hàng ngàn quán Cà Phê khác nhau. Người ta có thể mua được Cà Phê bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào không quá phạm vi bán kính vài trăm mét.

Sở thích buổi sáng của người dân Sài Thành chính là "Cà Phê đường phố", vừa uống Cà Phê vừa ngắm dòng người xe qua lại, có lúc nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe. Người ta cũng có thể biết được kết quả bóng đá cúp Champions league tối qua ra sao, nhà ông nọ mới bị trộm đột nhập, một diễn viên nổi tiếng dính Scandal tình ái, biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, hay công an vừa bắt giữ Giáo Dân tại Vinh. Tất tật tin thời sự có thể biết được quanh ly Cà Phê buổi sáng.

Ở Sài Gòn còn có những quán Cà Phê “xịn” cả về phong cách cũng như chất lượng. Rất tiếc nó lại thường chỉ mở cửa về chiều và ban đêm. Có thể kể đến hệ thống tiệm Cà Phê Trung Nguyên, mà ở đó người ta uống Cà Phê theo số từ 1 đến 8; nhưng đã là dân ghiền thì dứt khoát chỉ uống số 6 mà thôi. Nổi bật là số 2A Nguyễn Huệ, Quận Nhất, và hàng chục địa điểm khác bố trí rải rác trong thành phố. Tìm chút phong cách nghệ sỹ, văn thơ, ta có thể đến “Cà Phê Du Miên” Hẻm Trịnh, Giọt Đắng, Mưa Chiều, Đợi, Lối Về vv.., hàng trăm cái tên đầy màu sắc. Nhưng có vẻ như những chốn ấy chỉ hợp với dân chơi và khách du lịch, phù hợp phong cách “tự tình”, “tự sự”...

Những người thích thoáng đãng thường chạy xe ra bờ sông Sài Gòn uống Cà Phê Bến Nghé, Thủ Thiêm. Vừa thưởng thức Cà Phê, hít thở khí trời, vừa cảm nhận cái mùi mặn nồng tanh tanh của sông nước, trải hồn theo những con sóng nhỏ nhấp nhô. Xa xa phía Quận 2; những con phà đêm đang cần mẫn đưa người qua sông đến với Quận Nhất và Quận 3; là trung tâm náo nhiệt nhất Sài Gòn.

Dù là ta đang ngồi ở quán Cà Phê tầng thứ 33 của Sài Gòn Central Quận Nhất, hay Cà Phê Chiều Tím Quận 5, hoặc trong một quán cóc rêu phong gần cầu Xóm Củi Quận 8, thì hàng đầu vẫn phải nhắc đến, đó là chất lượng một ly Cà Phê Việt. Ly Cà Phê Việt phải có phong cách Việt. Nếu phong cách “Tây” quá thì hẳn là nó chỉ phù hợp với người phương tây. Nhưng nói đến Cà Phê Việt thì nhất thiết phải nhắc đến Cà Phê đen, và không thể không nhắc đến Tây Nguyên là thủ phủ của Cà Phê Việt Nam.

Tuy một vài năm gần đây cũng xuất hiện nhiều các quán Cà Phê phong cách tại Ban Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt. Nhưng giới uống Cà Phê nhiều nhất và sành uống nhất vẫn là dân lao động và công chức Tây Nguyên có gốc gác di dân từ các tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Cái mà không đâu có được, chính là người uống Cà Phê ở Tây Nguyên có thể ngồi ngay cạnh vườn Cà Phê để uống. Nhất là vào mùa Cà Phê ra hoa, hoa Cà Phê nở rộ trắng ngần, tỏa hương thơm ngát, quyến rũ bao loài ong bướm lạ mắt từ đâu đổ về lấy nhụy làm mật, làm cho những nhành hoa cứ luôn lay động, như có hơi gió sớm thoảng qua. Những cảnh đẹp đẽ thơ mộng ấy nếu muốn thì có thể tìm thấy ngay tại ngoại ô các thành phố như Pleiku hay Ban Mê Thuột, chứ chẳng cần phải chạy xe đến tận các biệt khu trồng Cà Phê xa xôi...

Phải chăng văn hóa Cà Phê Việt tồn tại và phát triển là do tâm hồn người Việt? Điều đó rất đúng. Nhưng còn một yếu tố khác làm nên văn hóa Cà Phê, đó là nhờ triết lý Cà Phê và sức mạnh quyến rũ đầy nhân tính của hạt Cà Phê. Sự kỳ diệu đó là món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. May mắn cho người dân Việt là họ được thiên nhiên ưu đãi cho những vùng đất đỏ Bazan thật là thích hợp với cây Cà Phê như Cao Nguyên Trung Phần. Trải qua bao nắng mưa dầu dãi, thấm đượm mồ hôi người trồng. Trải qua đau đớn trong lửa, nước, xay nghiền, không giống như Gạo sau xay giã thì trắng như ngà ngọc. Cà Phê tuy mang màu đen sẫm, nhưng trong lòng lại chan chứa bao thi vị cuộc đời…

Lê Nguyên Hồng

Văn hóa “cà phê cóc” xứ Huế
(Dân trí) - Cà phê cóc trên hè phố ở Huế là một trong những nét đặc trưng văn hóa mới của đất và người dân xứ Huế: cởi mở, thân thiện và khoáng đạt từ con người, ly cà phê đến chỗ ngồi uống cà phê.
Không biết cà phê cóc ở Huế có từ khi nào nhưng giờ nó đã quá quen thuộc với với Huế và trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây. Các tên đường như Trương Định, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ, bờ hồ bên đường Tôn Đức Thắng… (TP Huế) là những “phố cà phê” chính hiệu “cóc”.
Lý dải về nguồn gốc cà phê cóc ở Huế, anh Nguyễn Ngọc Minh, một người có thâm niên hơn 20 năm bán cà phê cóc ở Huế cho biết: “Cách đây khoảng hơn 20 năm về trước ở Huế chỉ xuất hiện một vài quán cà phê sân vườn nho nhỏ, sau đó do lượng người dân thưởng thức cà phê ngày càng nhiều nên các quán bắt đầu kinh doanh ra cả lề đường khu vực gần nhà rồi kéo dài dọc theo vỉa hè và cuối cùng hình thành cà phê cóc từ lúc nào cũng không hay”. Cũng có cách lý giải khác rằng “cóc” là bắt nguồn tư tư thế ngồi uống trên chiếc ghế nhựa nhỏ, người uống phải ngồi trung xuống, chồm hổm hệt như chú cóc.
Buổi sáng, buổi chiều, dạo quanh một vài con đường trong TP Huế là người ta có thể bắt gặp ngay hình ảnh những quán cà phê cóc đông nghịt người. Cà phê cóc cũng được phân theo thời gian của những lớp người khác nhau như: Sáng sớm là những người đạp xích lô, xe thồ, thợ nề; 6 -7 giờ là thời gian của những người làm việc theo giờ hành chính; từ 7 giờ đến gần trưa là thời gian của những người làm việc không phụ thuộc vào thời gian như sinh viên, khách du lịch…
Cafe cóc xứ Huế
"Mình rất thích uống cà phê cóc vì nó thoáng mát, rẻ, phù hợp với túi tiền. Ngồi cà phê cóc không gian thoáng đãng, tự do thoải mái nói chuyện mà không bị người khác để ý và vừa được ngắm cảnh đường phố với những dòng người ồn ào đông đúc lúc đi làm…".  Đó là những lời nhận xét rất thường gặp của người dân xứ Huế khi ngồi thưởng thức cà phê cóc.
“Cà phê cóc ở Huế rất ngon mà lại rẻ, một ly cà phê cóc chỉ 4-5 nghìn nên sinh viên bọn mình cứ có việc gì tập trung đông người là lại hẹn nhau ra quán cà phê cóc vừ nhâm nhi cà phê, vừa nói chuyện thoải mái mà không sợ bị chủ nhà la như ở phòng trọ”, bạn Trần Thị Hạnh, một bạn sinh viên cho biết.
Nhiều người sẽ thấy các quán cà phê cóc ở Huế có nét tương đồng với các quán nước chè đầu phố của Hà Nội hay cà phê cóc Sài Gòn bởi vì cũng được bày bán tại những vỉa hè. Gọi là quán cho thuận miệng, chứ thật ra cà phê cóc chỉ có một chiếc ghế nhỏ, vài chai cà phê đã pha sẵn, đường, hộp sữa đặc, ít đá và vài cái ly nhựa hoặc thủy tinh được xếp trên các vỉa hè hay góc phố; có những quán ở đường Tôn Đức thắng thậm chí không có cả ghế, cứ trải một tờ giấy báo (người dân thường gọi vui là “ghế xoay”) là đã có một chỗ ngồi "ngon lành".
Mở cửa từ 4,5 giờ sáng đến tận tối mịt, mỗi quán có những khách quen riêng, có giờ cao điểm riêng, nhưng tất cả đều nhằm phục vụ mục đích uống cà phê nhanh, gọn, lẹ của người dân xứ Huế. Câu chuyện quanh bàn cà phê sáng có thể bao gồm từ chuyện nghề nghiệp, chuyện con cái, gia đình đến các vấn đề thời sự, giáo dục, thể thao hay cả chính trị thế giới. Một hình ảnh thường gặp ở các quán cà phê cóc là mỗi người một tay cầm ly cà phê, tay kia cầm tờ báo.
Uống cà phê cóc cũng là một cách để bạn khám phá khẩu vị cà phê của người Huế. Cà phê cóc hè phố là một trong những đặc trưng của đất và người Huế, cởi mở và khoáng đạt từ con người, ly cà phê đến chỗ ngồi cà phê. Nếu các bạn có ghé thăm cố đô, một buổi sáng nào đó hãy dành thời gian đi bộ ra quán cà phê góc phố ngồi và tự thưởng thức một chút nếp sống Huế nhé!

Mới hơn 6 giờ sáng nhưng nhiều quán cà phê cóc đã chật cứng người.

Các bà chủ quán cà phê cóc luôn trong tư thế chạy thật nhanh để đưa ghế ngồi cho khách.

Những vỉa hè rộng rãi, thoáng đáng là nơi lý tưởng để mở một quán cà phê cóc.

Vừa ngồi uống cà phê vừa thư giãn và ngắm dòng sông Hương nơi gần cầu Trường Tiền.

Thói quen uống cà phê vào mỗi buổi sáng đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người dân xứ Huế từ người già cho đến trẻ nhỏ.

Ngồi uống cà phê không thể thiếu một tờ báo để đọc mỗi lúc rảnh rỗi.

Một người con gái Huế khi biết được chụp ảnh đã vui vẻ tạo dáng trước ống kính của PV


Cà phê cóc là một địa điểm lý tưởng thu hút đông đảo bạn trẻ Huế.

Rất nhiều khách nước ngoài cũng rất thích thú với cà phê cóc ở Huế.

Tâm trạng

Vỉa hè đầy lá vàng và những phút miên man

Các bạn gái tha hồ nói cười thoải mái khi ngồi ngoài cafe cóc

Nhiều người thậm chí còn ngồi cả ra vỉa hè mà không cần ghế

Đường Trương Định và Phạm Hồng Thái luôn tấp nập cảnh người ra, người vào thưởng thức cà phê, xe máy để kín vỉa hè

Bạn Nguyễn Tiến, sinh viên tại Đà Nẵng cho biết, “mình rất thích ngồi uống cà phê cóc ở Huế, không những nó rẻ, ngon mà không gian thoáng đãng giúp mình thư giãn những lúc căng thẳng. Chính vì vậy mình hay về quê và ghé qua những quán cà phê cóc ngồi uống cà phê”.

Nhiều gia đình còn đưa con đến những điểm cà phê cóc để thưởng thức cà phê, thư giãn dịp cuối tuần.

Nhiều nhóm bạn trẻ thường tổ chức sinh nhật, vui chơi ca hát ở cà phê cóc khuôn viên bờ hồ cạnh đường Tôn Đức Thắng

Nhiều đôi tình nhân cũng hẹn hò tại những quán cà phê cóc

Cà phê sữa hay được các bạn nữ lựa chọn.

Ở đâu có quán cà phê cóc là ở đó có những người bán vé số…
...hay bán báo dạo để mưu sinh. 
Ngọc Thụ - Đại Dương

Văn hoá cà phê
1.Hôm rồi, có người bạn bên Úc gởi qua điện thư cho tôi một "sưu tập" khá thú vị. Đó là những mẩu chuyện so sánh rất tinh tế về Sài Gòn và Hà Nội, từ thời tiết như mưa nắng cho đến đường phố, cây cối và nhiều nhất là những sinh họat hàng ngày như ăn, uống, vui chơi, giải trí v.v... Trong đó, có một mẩu so sánh về việc "uống cà phê" như sau:
Uống Cà phê

Ở Sài Gòn: thường uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà Nội: thường uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối trước khi... đi ngủ


Nếu bạn gọi một ly nâu

Ở Sài Gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà Nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa


Nếu bạn muốn uống cà phê sữa

Ở Sài Gòn: cho xin 1 ly bạc xỉu

Ở Hà Nội: nếu bạn gọi 1 ly bạc xỉu bạn sẽ nhận được câu trả lời - không có, hoặc bạn bị coi là... hâm.

Đọan so sánh về ly "bạc xỉu" làm sống lại trong tôi những quán cà phê Tàu, những quán cà phê đã làm nên một đặc tính "văn hóa cà phê" rất Sài Gòn. Thực ra, chữ "bạc xỉu", gọi tắt của cụm chữ "bạc tẩy xỉu phé". Mấy chữ đó là âm từ tiếng Quan Thọai, thứ tiếng Tàu khá phổ thông trong số những người Tàu sống ở Sài Gòn. Bạc là màu trắng, Tẩy là cái ly không, Xỉu là một chút, và Phé là cà phê. Rõ nghĩa hơn, đó là một thức uống theo ý khách hàng : Sữa nóng thêm một chút cà phê. Sữa đặc pha với nước sôi thường có mùi hơi khó uống, nên chút cà phê thêm vào sẽ làm cái mùi ấy mất đi. Ở những quán cà phê bình dân của người Tàu (những năm 50s, 60s, Sài Gòn đầy dẫy những quán cà phê bình dân kiểu này, chúng thường chiếm vị trí thuận lợi ở mỗi đầu con hẻm), khi khách hàng Việt gọi một món thức ăn, thức uống bằng tiếng Việt, phổ ky (người hầu bàn) thường có thói quen đứng từ bàn của khách nói vọng vào bếp (cũng được đặt ngay trong một góc gần ngay chỗ thực khách ngồi ăn uống) món thức ăn, uống ấy bằng tiếng Tàu. Dần dà, người khách Việt thuộc lòng món ăn, uống ưa thích bằng tiếng Tàu và sau đó, đã sử dụng luôn chúng trong lúc gọi thực đơn. Và từ đó, ngôn ngữ Việt đã đồng hóa một số từ thức ăn, thức uống trong tiếng Tàu thành ngôn ngữ riêng của mình, trong đó có từ "bạc xỉu". Vì đó là đặc tính "văn hóa cà phê" riêng của Sài Gòn nên Hà Nội làm sao biết được. Ngay cả Sài Gòn bây giờ, có mấy người trẻ hiểu được thói quen của mấy ông bà lớn tuổi, vào quán cà phê bình dân đầu hẻm, khi vừa ngồi xuống đã vội kéo một chân lên ghế (đẩu), vừa lớn tiếng gọi "cho cái xây chừng coi !" (xây chừng : ly cà phê đen nhỏ), hay "sang"hơn một chút : "Phổ ky ! cho cái xây nại !" (xây nại : ly cà phê sữa nhỏ).

Để nói về "văn hóa cà phê" của Sài Gòn những năm đó, người ta cần cả một pho sách.

2.
Nhưng, "văn hóa cà phê" là gì ? *


Để "nắm bắt" được khái niệm mơ hồ ấy, rất đơn giản. Một buổi sáng đầu thu nhàn rỗi nào đó, với chút không khí se lạnh đầu ngày, bạn mở cửa bước vào một nhà sách quen thuộc(Barnes & Noble chẳng hạn). Điều đầu tiên bạn chú ý là mùi cà phê ngào ngạt "quánh" lại giữa không gian, phát ra từ một góc (trái hoặc phải, hoặc ngay chính giữa) của tiệm. Đó là quán cà phê mang cái tên khá quen thuộc với người Mỹ : Starbuck hay có thể là một cái tên nào khác. Điểm chính là một quán cà phê nằm ngay trong tiệm sách. Khách đến mua sách (hay chỉ đến để xem "cọp" như các cô cậu sinh viên cần tài liệu nào đó cho homework của mình, hay đơn giản, thói quen đi dạo hàng sách của những con mọt chữ - như kẻ viết bài này) có thể cầm vài quyển sách của các tác gỉa quen thuộc, ngồi xuống một góc bàn, mua ly cà phê, vừa nhâm nhi vừa say mê trên những trang sách thánh hiền. Cà phê và sách vở. Hai thứ ấy thường đi chung với nhau. Nhiều văn hào lừng danh trên thế giới (như vợ chồng triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir) khi ngồi xuống bàn viết, ngòai xấp giấy trắng phải luôn luôn có ly cà phê nóng trước mặt. Từ thế kỷ 15, 16 ở Châu Âu đã xuất hiện khái niệm "văn hóa cà phê", ám chỉ những quán cà phê thường có sự lui tới của các văn nghệ sĩ, các triết gia. Họ đến đó, trước hết như là nơi thường xuyên gặp gỡ hàng ngày, để ăn uống, trao đổi bàn bạc những bản thảo họ đang thai nghén, hay để chia sẻ những ý kiến riêng về các vấn đề văn hóa thời sự nóng hổi. Nhiều tác phẩm quan trọng có tầm vóc thay đổi thế giới đã ra đời từ những quán cà phê như thế. Franz Kapka, nhà văn gốc Do Thái, đã đọc lại bản thảo tác phẩm lừng danh "Hóa Thân" (Metamorphosis) tại quán cà phê Café Stefan ở Prague (thủ đô Tiệp Khắc). Tiệm cà phê cổ nhất ở Paris, khai trương năm 1686 (và đến nay vẫn còn họat động (?)), Le Procope, với vị trí thuận lợi tọa lạc gần hí viện La Comédie-Francaise, đã được sự chiếu cố đặc biệt của các nghệ sĩ, các nhà viết kịch (Molìere, Racine v.v..) nên đã tồn tại một thời gian kỷ lục. Lịch sử về văn hóa cà phê tại châu Âu đã ghi nhận sự ra đời của gần 40 quán cà phê, đến nay vẫn còn họat động tại 20 thành phố, từ Budapest (Hung Gia Lợi) diễm lệ sang trọng đến một góc phố tồi tàn của St. Petersburg (Nga). Ở Sài Gòn, trước năm 1975, có quán cà phê La Pagode, nằm trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi), chỗ đối diện với công viên Hòa nhạc phía bên kia đường, cũng là nơi tụ tập của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của miền Nam. Cái tên La Pagode đã có chỗ đứng rất trang trọng trong nhiều tác phẩm văn, thơ xuất bản cả trước lẫn sau 1975. Cũng từ quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), một nhóm các nhà văn, nhà thơ lúc ấy đã "lăng–xê" mốt "trí thức thời thượng": kính trắng và ống vố (pipe). Và tất nhiên, trước mặt phải có ly cà phê bốc khói, và cái lọ đựng những viên đường thẻ trắng tinh.


Từ năm 1983, nước Mỹ, vốn bị các trí thức Châu Âu gọi mỉa mai là "anh trọc phú" (anh nhà giàu ngu dốt), đã xuất hiện hệ thống tiệm cà phê Starbuck, mà chỉ hơn 20 năm sau nó đã trở thành hiện tượng "văn hóa" đáng chú ý không những chỉ ở nước Mỹ, mà còn ở các quốc gia có "nền văn hóa cà phê" lâu đời ở châu Âu. "Rót cả tâm hồn vào đáy cốc" (tôi muợn câu chuyển ngữ tuyệt vời của Trần Kiêm Đòan từ nhan đề quyển sách viết bởi người sáng lập nên hệ thống cà phê Starbuck : Pour Your Heart into It : How Starbucks Built a Company One Cup at a Time của Howard Schultz), đó là triết lý chảy qua từng giọt cà phê Starbuck sóng sánh. Thứ triết lý đi từ đáy cốc đến từng tế bào não bộ của khách mộ điệu đứng xếp hàng mỗi buổi sáng trước 12 ngàn quầy cà phê Starbuck có mặt khắp nơi trên thế giới, từ thành phố Wichita nhỏ bé ở một tiểu bang nông nghiệp quê mùa của nước Mỹ đến những khu phố tráng lệ của Nữu Ước, sang trọng của Seattle, cổ kính của Boston, đến cả thủ đô Paris, cái nôi của văn hóa châu Âu, thành trì kiêu hãnh một thời của giới trí thức châu Âu.

Ngày nay, khi nói đến văn hóa cà phê, người ta (giới trí thức châu Âu) đã không thể bỏ qua "văn hóa cà phê Starbuck”. Dù vậy, vẫn có kẻ ganh tị với anh "trọc phú Mỹ", biện luận rằng Starbuck vốn có gốc gác từ một quốc gia châu Âu khác là Ý, mà người sáng lập ra nó là Howard Schultz đã mang nó về từ một chuyến du lịch thành phố Milan. Nhưng nếu không có anh trọc phú Mỹ nhúng tay vào thì liệu cái thứ cà phê có gốc gác từ Milan ấy đến nay có bao nhiêu người biết. Cũng như cái món Pizza (cũng có gốc gác từ Ý) lừng danh thế giới, nếu không được giới thiệu đầu tiên ở nước Mỹ từ một cái Lều (Hut) nằm khiêm tốn trong một khu hẻo lánh của khuôn viên trường Đại Học Wichita State University (Wichita –Kansas) năm 1958 thì ngày nay mấy ai biết đến Pizza Hut. Mặt khác, phải khâm phục óc sáng tạo kinh tế nhưng lại mang màu sắc văn hóa của những người đầu não Starbuck. Họ đã kết hợp thành công hai tính cách tưởng chừng như đối nghịch nhau, như sao Hôm, sao Mai không bao giờ gặp.Đó là tính cách khoan thai, tà tà, nhàn nhã của châu Âu, biểu tượng qua những giọt cà phê phin (filter) chậm rãi vào buổi đầu ngày và tính cách "Fast Food" của người Mỹ, mọi chuyện đều phải "ăn liền" (instant), ngay tức thì, kể cả ly cà phê buổi sáng, biểu tượng qua bình cà phê Folgers hay Maxwell đầy ắp đủ uống cho nhiều người chỉ trong 1, 2 phút sau khi bấm nút máy pha (coffee maker). Hãy thử so sánh, khỏang thời gian trung bình của một người Mỹ từ lúc họ ghé xe vào trạm "Drive-thru" để đặt mua bữa ăn trưa cho đến khi họ trả tiền và nhận gói thức ăn từ tay người bán : từ 2 cho đến 4 phút. Có khi nhanh hơn : dưới 2 phút. Bây giờ, trong những buổi sáng ngày làm việc, họ sẵn sàng đứng xếp hàng chờ mua ly cà phê Starbuck với khỏang thời gian chờ đợi từ 7 đến 15 phút. Có thể nói, với ly cà phê Starbuck, người Mỹ đã "tự điều chỉnh" nhịp độ hối hả của họ, và sống "nội tâm" hơn.

Nói cách khác, cà phê, ngòai tính cách "văn hóa" còn đóng vai trò tác động vào lối sống (lifestyle). Nó có thể làm trì trệ thêm lối sống vốn đã trì trệ của một số người, nhưng cũng có thể có tác dụng tích cực, như ly cà phê Starbuck và lối sống Mỹ.

3.
Sáng nay cà phê một mình
Sài Gòn chợt mưa chợt mưa
(Cà phê một mình- Ngọc Lễ)


Câu hát thật dễ thương. Lại nhớ đến Sài Gòn và những quán cà phê buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Người Sài Gòn lúc nào cũng uống cà phê được. Bạn bè gặp nhau là rủ nhau ra quán cà phê. Tình nhân hẹn hò là lấy điểm hẹn ở một quán cà phê quen thuộc. Giới làm ăn hẹn nhau ra quán cà phê để trao đổi những điều cần thỏa thuận cho công việc mà các bên cùng quan tâm. Ngay đến hình thức quán cà phê cũng đã rất đa dạng. Từ quán cóc vỉa hè có thể bắt gặp ở bất cứ góc đường nào của thành phố, đến những quán cà phê Tàu có bình trà bằng thiếc to tướng (ngày xưa chúng tôi hay gọi đùa là trà Thiếc Quan Âm), rồi đến những quán cà phê lộ thiên trang nhã dưới một gốc cổ thụ (như cà phê Bạch Tùng Diệp đối diện với Dinh Gia Long cũ), những quán cà phê cửa kính có máy lạnh, có nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là Sài Gòn ngày xưa, với không khí văn hóa cà phê, trí thức hay bình dân tùy theo hình thức của quán.

Dù bình dân hay trí thức, thì không khí của quán là thứ không khí mà, nói theo nhà văn quá cố Hòang Ngọc Tuấn, ở nơi đó ai cũng quen nhau. Ở đó, những người khách xa lạ ngồi cùng bàn (thậm chí khác bàn) có thể nói chuyện với nhau tự nhiên như đã quen nhau từ trước. Ở đó, một bác xích lô có thể tranh luận kịch liệt với ông giáo sư trung học về một sự kiện thời cuộc nào đó vừa được đăng trên nhựt trình (báo ngày). Kể cả những lời ta thán, rủa xả một cách hành xử mất lòng dân của chính quyền đương thời v..v…

Nói cách khác, thời đó, quán cà phê là một bức tranh xã hội sinh động, giúp những người thực sự quan tâm đến dân chúng bắt mạch được nhu cầu đích thực của một thành phần công chúng.

Ngày nay, theo lời của nhiều người am hiểu trong nước, quán cà phê vẫn là một hình thức sinh họat văn hóa, nhưng phức tạp hơn, đa dạng hơn và "trần tục" hơn.

Dân Sài Gòn bây giờ gọi những hình thức khác nhau của những quán cà phê là "phong cách". Phong cách càng lạ, càng sang trọng, càng thu hút khách. Vẫn còn những quán cà phê vỉa hè, nhưng "phong cách nghèo nàn, bình dân" ấy không phải là đầu đề để dân sành điệu cà phê Sài Gòn chuyện trò bù khú. Phải là quán cà phê Panorama tọa lạc ở từng thứ 33, từng cao nhất, của Sài Gòn Center. Người ta đến đây không phải để uống cà phê, mà là để mua chỗ ngồi ngắm thành phố từ trên cao chót vót. Hay cà phê Skyview tại tầng thứ 13 của Diamond Plaza (khu gần Vương Cung Thánh Đường), nơi dành cho những vị khách chuộng không gian lịch sự, lặng lẽ. Hoặc cà phê Highlands dưới chân tòa nhà Metropolitan ở đường Tự Do. Chỉ cần ngồi ở đây một hai tiếng đồng hồ, người ta có thể bắt đúng được nhịp tim đập của thành phố. Từ bảnh sáng đến khuya khoắt mịt mù, hiếm khi nào quán vắng khách. Có mặt đủ lọai các celebrities (những người nổi tiếng) ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu, đại gia, công tử, dân chơi v.v… Ở những quán cà phê "đầy phong cách" như thế, không khí của nó là biểu hiện cho một lối sống, chắc hẳn là không thuộc về đại đa số người dân kiếm ăn từng bữa. Vì thế, khi nói về văn hóa cà phê, người ta vẫn phải nhìn vào những nơi tụ họp đông đảo giới lao động cùng với những lo âu, vui buồn bày tỏ trong lúc họ ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá cả phải chăng.

Ở Hà Nội, trước đây cũng có những quán cà phê ra đời từ những năm 50s như cà phê Giảng, cà phê Nhân. Cà phê Giảng, theo lời những người lớn tuổi, là điển hình cho cà phê phố cổ Hà Nội. Cà phê Nhân, năm 1954 đã di cư vào Sài Gòn, và mở lại ở một căn nhà nhỏ xinh xắn mặt tiền đường Lý Thái Tổ, kế bên tiệm phở Tàu Bay và gần nhà thờ Bắc Hà. Sau này, theo giới sành điệu cà phê của Hà Nội, đất ngàn năm văn vật có thêm các quán cà phê đầy "phong cách văn hóa trữ tình và lãng mạn" như cà phê Ánh ở đường Quán Sứ, chung quanh tường được trang trí bằng những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Hòai Linh, hay cà phê Lâm, cà phê Tùng Hậu cũng trang trí bằng những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam. Và cũng như Sài Gòn, Hà Nội không thiếu những quán cà phê nhạc sống, dưới hình thức nhạc thính phòng.

Xem ra, văn hóa cà phê của Sài Gòn, của Hà Nội cũng không thiếu những đặc trưng cơ bản của văn hóa cà phê thế giới.

4.
Trong ly cà phê có hương vị của cuộc sống. Vì cà phê vốn đắng, nên người ta phải cho thêm đường. Bỏ bao nhiêu đường, thì lại tùy khẩu vị mỗi người. Giới sành điệu bảo rằng, chớ nên hâm lại cà phê nguội, vì sẽ làm vị cà phê đắng thêm. Cũng như hãy để những gì thuộc về quá khứ lãng quên trong quá khứ, đừng khơi lại, chỉ chuốc lấy thêm nhiều dư vị không lấy gì làm ngọt ngào.

Văn hóa cà phê còn nhắc nhở người ta rằng, hãy uống cà phê khi ly cà phê còn nóng, tức là hãy sống hết mình cho hiện tại. Đừng bận tâm ngỏanh mặt nhìn ngày hôm qua, đừng cố kiễng chân nhìn về ngày sắp tới, vì làm thế chỉ khiến ly cà phê trước mặt nguội dần, mất ngon.

Triết lý cà phê cũng ngụ ý rằng, cuộc đời đôi khi đắng chát như một ly cà phê đen thiếu đường. Nhưng cà phê đắng còn có hộp đường bên cạnh. Còn cuộc đời chẳng may chát đắng, thì phải làm sao ?

Lại nhớ câu thơ được nghe từ những ngày còn lưu đầy đất Bắc. Nói lên cảnh ngộ của vợ những người tù cải tạo năm xưa.

Cà phê đắng cho thêm đường thì ngọt.
Đời đắng cay em biết bỏ thêm gì ?

Văn hóa cà phê thật đa dạng. Triết lý cà phê cũng đủ sâu để luận bàn. Vậy, xin mời bạn, chúng ta hãy "rót cả tâm hồn vào đáy cốc... cà phê". Hay, nếu ly cà phê đời của bạn đã có quá đủ chất đắng, thì chúng ta vẫn có thể thưởng thức vị ngọt của ly bạc xỉu, với một chút cà phê đen trong ly sữa trắng, như một chút mặt trời trong ly nước lạnh của Francoise Sagan**.

T.Vấn
viet.no

Vốn là người tham cái lạ , cái đẹp . Nay blue sưu tầm trên một số trang mạng những quán cà phê đẹp và chất lượng cho các yumer có dịp hội tụ và ghé ngang . Cùng trải nghiệm của giọi đắng cà phê bạn nhé !    
* Cà Phê trắng và đen  * 47 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Thiết kế có chút cổ điển , tông màu trắng đen là gam màu chính.

Và nội thất bên trong :

 Có nhiều phong cách khác nhau cho mọi người lựa chọn 

Nếu bạn nào thích những không gian xanh thì Miền Đông Thảo là nơi thích hợp dành cho bạn :
221A Nguyễn Trọng Tuyển, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
   Nhấp vào đây để phóng to hình ảnh này       
Nhấp vào đây để phóng to hình ảnh này Nhấp vào đây để phóng to hình ảnh này Nhấp vào đây để phóng to hình ảnh này
Với thiết kế hiện đại và sử dụng gam màu nóng làm chủ đạo Filtre đã lôi cuốn nhiều người :
437 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.

Hình ảnh trước cửa quán .
Và hình ảnh bên trong quán : 


Vẫn rất gần gũi với thiên nhiên đúng không ? 




Ngộ nghĩnh với thiết kế bắt mắt .

Dần về đêm filtre lãng mạn 1 cách khó tả . 
Với cảm hứng chủ đạo như 1 bản sonate . Sonate Xanh với sắc thái trong xanh , dịu nhẹ .
84 Trần Huy Liệu, P.15, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.

Ấn tượng ngay lần đầu với hồ nước xanh biếc .

Như 1 con sông uốn khúc . 
                         
Và không gian bên trong của quán : 


                   

            
Ngoài Sonate xanh ở Trần Huy Liệu , còn có nhiều "bản sonate" ở các địa chỉ : 
Nhẹ êm một Khúc Ban Chiều ...
6D Ngô Thời Nhiệm, P.7, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.
Bản Sonate giữa lòng thành phố ...
52 Đặng Dung, P. Tân Định, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.
Sonate Xanh
84 Trần Huy Liệu, P.15, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Serenata piano cafe
329/15 Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh                                                             Từng góc nhõ cỏi riêng                                                                                                                      334A Nguyễn Trọng Tuyển, P.2, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Một màu trắng tinh khôi và sắc xanh thiên nhiên , tạo nên 1 phong cách sang trọng . Không đâu khác là Pergola 28A Trần Cao Vân, P.12, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
               
                
                           
                             
Ấm cúng với không gian bên trong . 
             
Lãng mạn cho các đôi tình nhân đây ... hihi !
Kế tiếp , 1 sự trải nghiệm thanh tịnh trong tâm hồn . 
The Fig - Lounge & Cafe - 15 Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Q.Phú Nhuận, TP. HCM.
Những quán cà phê phong cách của Sài Gòn
Ấn tượng ngay lần đầu vào quán là hình tượng Phật . 
Những quán cà phê phong cách của Sài Gòn
Không gian ấm áp và khác lạ của những hoạ tiết .
Đó là những quán cà phê Blue đã , đang và sẽ đi . Về phần giá cả thì giá giao động từ 20.000đ đến 45.000đ tuỳ vào mỗi món ăn , thức uống các bạn lựa chọn . Riêng the fig and lounge có giá là .....140.000đ nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo bạn nhé vì Blue đã đi the fig rồi . 


Cà phê Huế


Huế nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay. Các con đường ở Huế ngắn như những nhát cắt chia Huế thành những mảnh nhỏ. Và bạn sẽ không khó để tìm cho mình một điểm dừng thoải mái, ngồi nhâm nhi một tách cà phê đậm đà và ngắm Huế.

Khung cảnh đẹp cộng với không gian rộng rãi là yếu tố lý tưởng để mọi người nghĩ đến việc mở một quán cà phê. Các quán cà phê ở Huế rất đa dạng. Từ phong cách cho đến hình thức, có rất nhiều quán cà phê sang trọng mang phong cách hiện đại như: Queen Park, Newspace, Lotus, Hoàng Cung… nhưng cũng có những quán mang kiểu kiến trúc nhà rường như: Nam Giao Hoài Cổ, Vỹ Dạ Xưa, Thưởng Nguyệt; lại có những quán là đặc trưng của cà phê vườn Huế: Xóm cà phê Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tôn… Cũng không thiếu những quán bình dân mà vẫn thu hút được nhiều khách, người Huế thường gọi là cà phê “cóc” hay cà phê “vỉa hè”.

Không gian rộng rãi và thoáng mát của một quán cà phê HuếNgười Huế có thói quen uống cà phê rất đậm. Họ cho rằng uống như thế mới cảm nhận hết được cái vị nguyên chất của một tách cà phê. Khác với người miền Nam, họ thưởng thức cà phê như một thức uống giải khác, cà phê được pha loãng và chế trong những tách rất lớn.

Không phải khách hàng sang là mặc định phải vào những quán sang, thưởng thức cà phê là phải tùy tâm trạng lúc vui lúc buồn… để rồi người ta định hình và tìm kiếm cho mình một địa điểm hợp tình hợp cảnh. Vào mỗi buổi sáng, người Huế có thói quen thích dừng chân ở những quán vỉa hè vì không khí sôi nổi của đầu ngày mới, vì cái mát dịu của nắng ban mai và vì những âm thanh lao xao bắt đầu một ngày mà chỉ ở những địa điểm này mới cảm nhận được...cuối cùng có lẽ là vì sự tiện lợi cũng như giá cả hợp lý của loại hình cà phê này. Quan trọng hơn hết có lẽ là bởi không gian thoáng đãng cùng với sự bình dân vốn có của con người Huế đã tạo nên phong cách giản dị này.

Phong cách cà phê nhà rườngTrên mỗi con đường ở Huế, đâu đâu cũng có quán cà phê. Nhiều nhất là ở các góc đường Nguyễn Công Trứ, dọc đường Nguyễn Trường Tộ hay Trương Định…. Nguyễn Công Trứ có nhiều quán rất đơn sơ nhưng ai cũng thích đến bởi nơi đây có dòng sông Như Ý chảy ngang qua. Những ngày mùa hè, ngồi bên bờ sông mát rượi và thưởng thức một tách cà phê đá hay một ly cocktail thì có lẽ cái nóng của ngày hè cũng tan biến theo làn hơi nước của dòng sông. Nếu là ngày đông thì cũng không phải lo lắng vì trên các đường Võ Thị Sáu hay Nguyễn Thái Học có rất nhiều quán ấm cúng như Chery, Saphie, Queen Park…Ở đây cũng mọc lên nhiều quán Bar, đáp ứng cho nhu cầu của giới trẻ. Nhưng có lẽ những kiểu quán như vậy được mở ra để phục vụ cho khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài vì khu phố này còn được mệnh danh là khu phố “Tây”. Các quán Bar này tuy nhỏ nhưng rất hay, được thiết kế độc đáo. Từ bàn ghế cho đến thể loại nhạc cũng khác với các quán khác, có lẽ để cho phù hợp với phong cách Tây hay những vị khách có cá tính mạnh mẽ.

Huế không có những quán cà phê “trên mây” như Sài Gòn hay Hà Nội, lên đến tầng 30 để thưởng thức một tách cà phê hay một ly kem khiến cho ta có cảm giác như đang treo lơ lững trên chín tầng mây. Thế nhưng, ngồi ở sân thượng tầng thứ mười một của khách sạn Hoàng Cung hay Camellia cũng cho ta cảm giác choáng ngợp không kém. Ngồi trên cao, thưởng thức một tách cà phê và ngắm nhìn thành Huế về đêm thật tuyệt vời, vẻ đẹp lung linh huyền ảo của Huế làm không ít người phải xuýt xoa ca ngợi. Đặc biệt là những vị khách lần đầu đến Huế.

Một góc nhỏ ấm cúngNếu bạn muốn một không gian thoáng mát, lãng mạng thì hãy đi dọc hai con đường Lê Lợi và Trần Hưng Đạo, hàng loạt quán cà phê nằm hai bên bờ sông, bạn sẽ dễ dàng chọn cho mình một vị trí ưng ý. Đêm đến, thành phố Huế mờ ảo dưới ánh đèn vàng nay lại trở nên lung linh, huyền bí hơn nhờ những ánh đèn lấp lánh, nhiều màu sắc của các quán cà phê hai bên sông. Dòng Hương như được quyện vào mình chiếc cầu vồng 7 sắc, trông thật lộng lẫy và quyến rũ.

Có dịp đến Huế, bạn hãy tranh thủ tận hưởng vẻ đẹp mà không nơi nào có được, ghé thăm một vài quán cà phê để rồi khi đi xa ắt hẳn bạn sẽ thấy nao lòng trước sự kỳ diệu của cảnh vật, con người và cả sự đậm đà khó quên của những tách cà phê Huế “Xin chào Huế một lần anh đến, để ngàn lần anh nhớ trong mơ”.

Ngọc Diệp (Khám Phá Huế)

"Chấm điểm" 10 quán café ngon tại Hà Nội

 
10 quán cafe này đâu là quán "ruột" của bạn? Hãy thử cùng aFamily "chấm điểm" nơi thư giãn yêu thích của bạn nhé.
Ở Hà Nội rất nhiều các quán café độc đáo và thú vị từ bình dân như café Giảng, Nhân, Nuôi… cho đến cao cấp như My Way, Highland hay Ciao… Mỗi người đều có thể chọn cho mình một quán yêu thích để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng cũng như tìm kiếm một địa điểm lịch sự ấm cúng dành cho những buổi hẹn mang tính riêng tư.
Ở giới hạn bài viết này, aFamily muốn giới thiệu và đánh giá cho độc giả một số quán café mang phong cách lịch sự và hiện đại, rất phù hợp cho những buổi gặp gỡ với bạn bè cũng như công việc.
Chuỗi Café và Nhà hàng My Way
Tại thời điểm hiện tại My Way là chuỗi café và nhà hàng cao cấp nhất tại Hà Nội. My Way có 5 cơ sở tại 60 Lý Thái Tổ (2 quán), Trung Hòa Nhân Chính (2 quán) và một nhà hàng chuyên đồ Nhật tại toà nhà Pacific.
Tại My Way Hanoi Opera 60 Lý Thái Tổ bạn có thể vừa nhâm nhi cocktail và ngắm nhìn Nhà hát lớn qua khung cửa sổ và trải nghiệm bản thân trong cái lạnh đến se lòng của Hà Nội. Nội thất của My Way hiện đại, lung linh với ánh sáng được bố trí bởi nhóm kiến trúc sư hàng đầu tại Việt Nam. Tại đây ngoài các đồ uống và đồ ăn đặc sắc thì bạn sẽ phải phân vân khi chọn hơn 100 loại bia nổi tiếng đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Ưu: Nội thất đẹp, đồ uống và đồ ăn đặc sắc, phong phú.
Khuyết: Giá khá cao so với các quán café khác.
Giá: Từ 25000-60000 VNĐ
Điểm: 9/10
Chuỗi café Highlands
Café Highland là chuỗi café đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện một cách bài bản. Hiện café Highland thường xuất hiện ở hầu hết các building lớn cũng như những địa điểm có góc nhìn đẹp. Đồ uống ở Highland được pha chế khá ngon. Những dịp lễ hội Highland thường có những đồ uống dành riêng cho dịp lễ hội đó. Các địa điểm Highland đẹp như Highland Nhà hát lớn, Highland Cột cờ hay Highland Hàm Cá Mập nơi bạn có thể nhìn được toàn cảnh Hồ Gươm.
Ưu: Góc nhìn, địa điểm đẹp đồ uống ngon và phong phú.
Khuyết: Phục vụ còn hơi chậm
Giá: Từ 25000-50000 VNĐ
Điểm: 8.5/10
Café I-Box
Những đường nét hoa văn trang trí trên tường, cùng một không gian êm đềm, sang trọng là đặc điểm nổi bật của I–Box Café mà không phải quán café nào cũng có. Nằm trên con phố đẹp nhất nhì Hà Nội, café I–Box có cách trang trí vừa nghệ thuật vừa, lãng mạn thật tương xứng với một con phố bên Hồ Gươm. Những nét vẽ trên tường - phong cách trang trí đặc trưng của I-Box Không gian của I-Box Cafe là sự sang trọng đẳng cấp. Khu vực quầy bar với nhiều loại đồ uống hấp dẫn.
Địa điểm 32 Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm
Ưu: Nội thất đẹp, sang trọng với rất nhiều đồ uống và thực đơn phong phú.
Khuyết: Giá khá cao 
Giá: Từ 30000-60000 VNĐ
Điểm: 8.5/10

ILU Bar
ILU Bar nằm trên tầng 7 tòa nhà ILU 18 Yên Phụ. Quán được bố trí gọn gàng đơn giản. Quán rất phù hợp cho những buổi hẹn hò lãng mạn của các bạn trẻ. Đồ uống không nhiều thứ đặc sắc nhưng bù lại bạn có thể nhìn toàn cảnh Hồ Tây qua cửa kính.
Ngoài đồ uống mang phong cách Châu Âu, đồ ăn Tây Ban Nha đặc trưng quán Ilu lounge thường xuyên tổ chức những sự kiện , party của quán dành cho khách hàng . Không gian chia làm 2 phần tách biệt: Trong nhà cho những ai ưa thích sự ấm cúng , sang trọng , tĩnh mịch và sạch sẽ. Bởi nằm ở tầng 7 nên quán rất thoáng đãng , không khí trong lành. Quán cực đẹp và có thể nhìn ra bãi giữa sông hồng , nhìn được cả Hồ Tây , Hồ Trúc Bạch.
Ưu:Góc nhìn đẹp, không gian thú vị và lãng mạn.
Khuyết: Không nhiều đồ uống lạ  
Giá: Từ 20000-50000 VNĐ
Điểm: 8/10
La Place Nhà Thờ Lớn
Quán La Place nằm tại số 2 Ấu Triệu cạnh Nhà Thờ Lớn. Quán đa phần là khách du lịch nước ngoài. La Place được thiết kế nội thất khá thú vị với các bức tranh cổ động của Việt Nam. Bạn có thể ngồi hý hoáy vẽ lên bàn bằng bút sáp khi chờ đồ uống. Có cả 2 thực đơn đồ ăn Âu và Việt Nam với rất nhiều món ngon cho bạn lựa chọn. Giá cả tại đây rất mềm.
Ưu: Nội thất thú vị, món ăn và đồ uống ngon, giá hợp lý.
Khuyết: Ngồi tầng 2 hơi buồn và yên tĩnh quá trừ khi bạn muốn có không gian để đọc sách.
Giá: Từ 20000-50000 VNĐ
Điểm: 8/10

Café Ciao
Tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố ở số 2 Hàng Bài. Quán được thiết kế khá hiện đại với rất nhiều đồ uống và thực đơn ngon cho bạn lựa chọn. Ngồi sát cửa kính tầng 1 nhấp một ngụm Capuchino nhìn ra đường bạn có thể cảm nhận được cuộc sống cứ chảy gấp gáp qua bạn. Buổi trưa quán rất đông khách đến ăn, thậm chí có những hôm không còn chỗ trống. Tuy nhiên nếu bạn không phải là tuýp người thích những nơi ồn ào náo nhiệt thì Ciao không phải là lựa chọn hàng đầu.
Ưu: Đồ uống và thực đơn phong phú, ngon.
Khuyết: Quán hơi đông và ồn ào.
Giá: Từ 30000-50000 VNĐ
Điểm: 8/10
Café Hot Life
Nằm tại 65 Quán Sứ với mặt bằng rất rộng Hot Life là một địa điểm cho các bạn trẻ họp “offlined”. Ngồi thư giãn trong không gian rộng rãi và mát mẻ, thiết kế nội thất sặc sỡ bạn có thể chọn cho mình nhiều loại đồ uống khác nhau với giá rất mềm. Chính vì vậy các nhóm bạn thường chọn quán này để hội họp.
Ưu: Giá cả hợp lý, không gian rộng
Khuyết: Không có điểm nhấn đặc biệt của quán và hơi ồn.
Giá: 10000-40000 VNĐ
Điểm: 7.5/10
Café Align
Địa điểm: 1B Mã Mây
Align Cafe được giới đam mê 3D coi như “trụ sở” của 3D Việt Nam tại Hà Nội và bất cứ ai có hứng thú hay yêu thích 3D đều có thể đến đây để vừa nhâm nhi một tách café vừa tìm hiểu hoặc chia sẻ kiến thức về 3D. Nếu như Align 18 Chả Cá với một không gian ấm cúng đã trở nên quen thuộc với giới trẻ trong những năm gần đây thì Align 1B Mã Mây mới được mở lại mang một góc nhìn mới, một phong cách mới. Gốc cây sưa xù xì, những hàng cột điện liêu xiêu, những mái nhà lô xô chen lấn...tất cả đã tạo nên điểm độc đáo khác lạ của quán.
Ưu: Giá cả hợp lý, thiết kế nội thất lạ và đẹp
Khuyết: Quán café ngồi bệt ở sàn gỗ nên không hợp lắm cho những cuộc hẹn mang tính chất công việc.
Giá: 10000-40000 VNĐ
Điểm: 7.5/10 
Café Z
Ở đây ẩm khách có thể chọn cho mình một món có những cái tên bắt đầu bằng chữ "Z" như : Z beer, Z Ice- cream, Z cocktail, Z coffee......để thưởng thức những đam mê mà người pha chế đã thể hiện trong đó. Hay một chút nông nàn, ấm cúng nhằm xoa dịu cái lạnh trong những đêm trở trời Hà Nội. Các chương trình sinh hoạt khác của Z cafe cũng rất hấp dẫn với những đêm nhạc theo chủ đề, những đêm karaoke dành cho ẩm khách muốn trở thành ca sỹ, hay sự xuất hiện thường xuyên của các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng trong nước. Đặc biệt các tay Snocker có thể thoả mãn niềm đam mê của mình ở những bàn Billiards chất luợng cao ở một phòng riêng ngay cạnh.
Địa điểm: 17 Tông Đản Hà Nội.
Ưu: Quán đẹp, lạ mắt, có chương trình ca nhạc mỗi tối.
Khuyết: Trần quán thấp nhiều người hút thuốc sẽ làm những người không chịu được khói thuốc cảm thấy ngột ngạt
Giá: 20000-50000 VNĐ
Điểm: 8/10
Relax Bar
Khó để định nghĩa quán Relax là quán café hay là bar vì Relax là tổng hợp của cả thứ trên. Tại Relax Bar vào ban ngày bạn có thể ăn cơm văn phòng hoặc uống café. Buổi tối mọi người thường đến đây để uống bia tươi Tiger hoặc uống rượu. Hàng đêm đều có chương trình ca nhạc với sự trình diễn của ban nhạc đến từ Philipine với những giai điệu sôi động sẽ giúp bạn xua đi sự căng thẳng và mệt mỏi trong cuộc sống thường nhật. Hiện Relax Bar có 2 địa điểm. Relax 1 tại 60 Lý Thường Kiệt. Relax 2 có nhạc sống nằm tại 36 Quang Trung.
Ưu: Có ban nhạc Philipine mỗi tối rất sôi động.
Khuyết: Giá khá cao.
Giá: 30000-70000 VNĐ
Điểm: 8.5/10

Bút chì 


Top 5 quán cà phê đẹp ngắm Hà Nội từ trên cao

Không gian thoáng đãng, yên tĩnh và có view đẹp, đó chính là điểm cộng của những quán cà phê trên cao đang ngày càng được yêu thích.
1. Avalon Cafe Lounge
Để đến được với quán, bạn sẽ phải chịu khó tìm một chút khi quán có mặt tiền khiêm tốn và nằm lẫn giữa các ngôi nhà khác trên con phố cổ Cầu Gỗ. Avalon Cafe Lounge mở ra trước mắt bạn với một không gian êm dịu và thư thái. Từ trên cao, thưởng thức một món ăn truyền thống, hay nhâm nhi ly trà nóng, bạn sẽ thấy trọn vẹn cả hồ Gươm, ngấm hơn tình yêu dành trọn cho Hà Nội.

quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
Thu mình tại một góc nhỏ nơi lan can của quán, bạn sẽ tận hưởng được cảm giác sống chậm, nhưng lại không bị tách ra khỏi nhịp sống hối hả, nhộn nhịp của phố phường khi được theo dõi từ trên cao. Cách decor khéo léo cùng ánh đèn nhè nhẹ, từng khoảng không gian của Avalon tạo nên những góc thư giãn riêng ấm cúng mà hẳn khi bạn đã bước chân vào, sẽ chẳng muốn rời đi.
2. The Rooftop
Hẳn bạn sẽ bắt gặp cảm giác hồi hộp, khi phải đứng thang máy lâu một chút mới có thể tìm thấy Rooftop "lơ lửng" trên tầng 19.

quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
Những khung cửa kính lớn được thay cho các bức tường, giúp Rooftop tràn ngập ánh sáng và không khí thoáng đãng. Hướng đến sự sang trọng và đẳng cấp, quán cầu kỳ đến từng chi tiết trong nội thất và mang dáng dấp phong cách rất Tây.
3. ILLy Café
Không ở vị trí quá cao khi chỉ tọa lạc ở tầng 5, nhưng Illy mang lại cảm giác thú vị, khi bạn vừa có thể thưởng thức một ly espresso đặc trưng kiểu Italy mà vẫn được ngắm nhìn Hà Nội cổ kính. Không gian châu Âu giữa lòng Hà Nội, với tách cà phê nhỏ, sẽ giúp bạn tìm được hương vị lạ, khi đã quá quen với café vỉa hè đặc trưng ở những con phố cổ.

quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
Với không gian hẹp nhưng lại trải dài dọc suốt mặt tiền của tòa nhà, nên dù ngồi ở vị trí nào trong quán, bạn cũng có thể ngắm nhìn hồ Gươm thơ mộng. Nếu muốn một lần thay đổi thói quen với quán cà phê cũ cùng hương vị quen thuộc, Illy sẽ là địa điểm bạn nên tham khảo và tìm đến.
4. Summit Lounge
Quán nằm trên tầng 20 của khách sạn Sofitel Plaza và bạn sẽ phải đi thang máy hai lần để đến nơi. Summit Lounge có được tầm nhìn đẹp nhất tại Hà Nội, nhưng cũng là một trong những quán đắt đỏ nhất. Từ Summit Lounge, bạn sẽ có thể nhìn được trọn vẹn và bao quát hồ Tây, hồ Trúc Bạch, sông Hồng và đường Thanh Niên.

quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
Điểm khác biệt và còn hơi bất tiện, khi Summit Lounge chỉ mở cừa từ 16h mỗi ngày. Nếu để thưởng thức trà hay cà phê, bạn nên đến trước 20h, vì sau đó, Summit Lounge sẽ chỉ phục vụ các loại rượu và cocktail. Những cũng với chính khoảng thời gian đó, bạn sẽ chỉ được ngắm nhìn hồ Tây lặng sóng trong buổi hoàng hôn, hay ánh đèn lung linh rực rỡ trên con đường Thanh Niên thơ mộng. Nếu một lần được ngắm khoảnh khắc kỳ diệu và lãng mạn đó cùng người mình yêu, hẳn Summit Lounge sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho ngày Valentine sắp tới của bạn.
5. Zodi café
Mang phong cách xì tin, trẻ trung, Zodi có vị trí nổi bật so với các quán khác. Quán nằm trên tầng 11 là một vị trí lý tưởng để tránh được sự ồn ào và khói bụi từ con phố tấp nập Triệu Việt Vương. So với các quán trên, Zodi không có view đẹp bằng khi phóng tầm mắt xuống, bạn sẽ nhìn thấy các mái nhà nhấp nhô, san sát nhau.

quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
quán cafe ngắm Hà Nội từ trên cao
Đối với dân văn phòng, quán sẽ là một địa chỉ thích hợp cho những phút nghỉ trưa ít ỏi với các món ăn nhanh và đồ uống được chế biến đơn giản, Đối với giới trẻ, Zodi thu hút các bạn bởi những góc decor lạ mắt và cầu kỳ để chụp ảnh. Một quán cà phê lý tưởng nếu bạn là người ưa hình thức.
 

1 nhận xét:

Nguyễn thị thanh thủy nói...

HƯƠNG CÀ PHÊ PHỐ NÚI.
Nơi xa
Sớm mai cà phê phố núi
Gửi về
Nơi em ngào ngạt hương thơm
Bình minh
Gió vờn ríu rít tiếng chim
Ngày mới
Chúng mình véo von chào cuộc đời tươi đẹp.
Dẫu rất xa...chưa một lần gặp mặt
Mình vẫn hiểu nhau qua những vần thơ
Cuộc đời đáng yêu bởi những ước mơ
Tri kỷ tri âm đâu phải gần anh nhỉ
Ta vẫn cùng nhau sớm ngày thủ thỉ
Bên ly cà phê ngào ngạt hương đời.