Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN

 

CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN  

 


HOÀNG THIÊN LÃNG TỬ - NGỌ MÔN HUẾ - 1974


 




 

CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN

 

Cafe Việt chia ra nhiều loại hình, nhiều hình thức kinh doanh, nhiều hình thức thể hiện, đôi khi trái ngược nhau vẫn thu lợi nhuận cao vì biết điều chỉnh, khai thác và phục vụ theo nhu cầu từng thành phần con người trong xã hội từ xưa tới nay.

Ở đây tôi cũng trình bày nhiều cặp đôi trái ngược về lĩnh vực Cafe Việt. Tất nhiên đây là điều chủ quan của tôi, từ tuổi thơ cho đến quá nửa đời người tôi từng sống và đi quán. Tôi không nói giỡn về những gì mình đã trải nghiệm. Tôi nói chân tình về mục đích của tôi, cũng chỉ để rong chơi và in lại dấu chân của chàng Lãng Tử, những nơi tôi đã từng đi qua và biết chắc một ngày nào đó sẽ phai nhạt dấu tích và đi vào quên lãng mù thẳm.

 

 

Có ba lĩnh vực tôi đề cập tới Cafe Việt trải dài từ Bắc chí Nam, không có tính chất ca ngợi hay phê phán, chỉ đơn thuần là một biểu hiện người từng có cơ hội dong ruổi các quán cafe. 

Tôi xin trình bày cụ thể ba cặp đôi, chuyện kể về Cafe Việt:

1. CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN

  CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE ÁC QUỸ

2. CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE LỢI NHUẬN

  CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE PHI LỢI NHUẬN

2. CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE KINH DOANH

  CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE SIÊU KINH DOANH

Tất nhiên Cafe Việt đa dạng không bao giờ nói hết, tôi chỉ trình bày những cảm giác thú vị rất mực của tôi khi có dịp đến quán cafe trải dài trên lộ trình viễn du của mình.

 

 

Tôi đi quán từ rất nhỏ vì sinh ra ở thành phố nên có điều kiện tiếp xúc "nắng gió" hàng quán nhiều.

 

 

 

CAFE - TRĂNG HUYỀN - MA NỮ

Tôi nhớ ly cafe đầu đời của tôi liên hệ với những bóng ma kinh dị. 

Vào khoảng năm 1973, tôi có người anh họ từ Tháp Chàm - Phan Rang ra Huế để ở trọ đi học. Nơi trọ là nhà tôi, anh được xem là thành viên mới của gia đình tôi với tư cách anh cả.

Trong một dịp anh bị sốt xuất huyết, tôi một dạ ngồi 'trực chiến" bên anh vì thương anh và muốn anh biết tình cảm đó của tôi đối với anh. Khi cơn sốt dâng cao, anh bị mê sảng và nói nhảm ú ớ kêu cứu, như người sắp bị quỹ dữ ám hại, anh gào thét suốt đêm rất hoảng loạn. Tôi đến bên giường tự nguyện chăm anh và giặt khăn ướt đắp lên vầng trán hiền hòa ướt đẩm mồ hôi của anh, pha một ly chanh muối cho anh, một hồi anh tỉnh táo đôi chút lại gào to hơn. Cứ thế suốt đêm. 

Bà nội tôi biết chuyện, đi mua sắm lễ vật và cúng cầu đảo giữa trời, xoay bàn thờ về hướng Tây (hướng cõi âm) để khấn vái cho anh ba đêm. Bà nội bảo: anh đi chơi khuya bị "vương" (tức là bị ma nữ theo, hành xác anh).

Sau đó khi lành bệnh, anh mới cảm nhận được những gì tôi đã dành cho anh.

Từ đó hai anh em như bóng với hình.

Anh luôn dẫn tôi theo trong những buổi giao tiếp bạn bè, những thú chơi của tuổi dậy thì, ... hấp dẫn vẫn là trò cầu hồn, anh lúc đó 16 tuổi, còn tôi chỉ 10 tuổi. 

Thế giới người lớn thật hấp dẫn, trong đó có cafe với những đêm trăng sáng, đàn ca, thiếu nữ, những trò chơi kỳ dị và những bóng ma.

Ở khu vực tôi sống là địa danh Phường Đúc, vùng ngoại ô (nay đã thuộc Thành phố Huế), hình thành khoảng gần 700 năm. Quanh khu vực rộng lớn cây cối cao to xòe tán lá um tùm, âm u. Đạo giáo phát triển hầu khắp vùng này, với nhiều loại hình tín ngưỡng pha tạp dị kỳ. Am miểu rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có, trong xóm "Bòn" có hai miểu lớn để hầu đồng, nhảy bóng, các xóm khác đều có như vậy. Trong các xóm nhỏ như vậy, 10 nhà thì hết 5 nhà là người "có bóng". Vì vậy, từ ấu thơ, không gian đầy âm khí đã gieo vào trí óc tôi nỗi ám ảnh về cõi âm rất nặng.

CHUYỆN LONG VƯƠNG CƯỚI NGƯỜI HẦU GÁI

Nửa khuya nghe tiếng la hét, chửi bới om sòm từ xóm trên vang dội xóm dưới. Đó là tiếng gào của một người đàn bà điên gọi đòi con. Sau đó là tiếng nhiều người dọa nạt, văng tục, tiếng người đàn bà càng gào to: "Ôi trời ơi cứu tôi! Ôi trời ơi cứu tôi! Một lúc lâu sau thì im ắng trở lại.

Sáng ra, từ rất sớm khi trời còn hơi sương, các hàng gánh bắt đầu lục tục kéo đến bày hàng ở góc miểu xóm. Nào bún giò heo, bánh canh cua, xôi đậu xanh, cơm hến, ... những gánh hàng rong phục vụ điểm tâm cho cả xóm. Một bà điên xuất hiện, lửng thửng đi từ đầu dốc xuống. Lần đầu tiên tôi thấy một người đàn bà trần truồng vừa đi vừa lẩm bẩm chửi rũa. Cô bán mủng xôi đậu xanh thương tình, gói vội một nắm xôi gọi lớn: "Mệ Hào, mệ Hào, tui cho mệ đây, cầm lấy". Người đàn bà điên vừa lẩm bẩm vừa trố mắt đưa tia nhìn về phía cô gái, hoang dại ngơ ngác, không nhận ra gì xung quanh. Cô gái dúi nắm xôi gói lá chuối xanh vào tay bà: "Mệ ăn đi!" Bà cầm lấy và ngoan ngoãn mở nắm xôi đưa lên miệng nhai ngấu nghiến, mắt hoang dại.

Sáng nào cũng hình ảnh đó. Khuya nào cũng tiếng gào thét đó. Như các khu dân cư ở gần ga xe lửa: tiếng còi hụ, tiếng xình xịch của đoàn tàu nghiến đường ray, ... lúc đầu thì khó chịu, khó ngủ, nhưng sau đó quen dần, trở thành tiếng ru vào nhanh giấc ngủ. 

Tiếng gào của người đàn bà điên cũng vậy, trở thành tiếng ru, đêm nào vắng tiếng gào thét, lối xóm có nhiều nhà mất ngủ.

Tôi là người nhạy cảm và khó chấp nhận, với những âm thanh và hình ảnh kỳ dị đó, nên cố tìm hiểu nguyên nhân. Đó là câu chuyện: "Long Vương Cưới Người Hầu Gái".

Chuyện này được kiểm chứng từ bà nội tôi, ông bác ruột, và một số người lớn tuổi hàng xóm.

Chuyện kể rằng: Từ thời vua Hời ngự trị đất này, dòng họ Pha (Trưởng giả Cửu Long) giàu có sinh ra một người con gái rất đẹp, đẹp đến nỗi tiếng đồn đến tai Long Vương. Long Vương ngỏ ý cưới nàng về làm thiếp tức hầu gái, mới sai người tới dạm hỏi. Vì thương con, gia đình họ Pha tìm cách từ chối, lấy cớ đã hứa "đưa con vào nội" nên đòi sính lễ rất cao.

Long Vương biết ý nên tức khắc hóa phép dâng nước lũ lên cao, và trên dòng lũ cuốn biết bao sính lễ trôi dạt vào nhà họ Pha. Gia đình họ Pha không còn cách từ chối nên liều đưa con lên ngựa, ngõ sau trốn lên núi tìm vua Hời cầu cứu. Khi đi qua dòng suối bị nước lũ cuốn mất. Người ta đồn rằng, bắt nàng về cung Long Vương, nàng bị Long Vương trừng phạt rất nặng và chết oan dưới đó. 

Sau khi từ chối hôn nhân, dòng họ Pha cũng bị Long Vương đùng đùng nổi giận, lấy hết của cải và trừng phạt bằng cách bắt hóa rồ cả dòng họ. Kể từ đó, gia đình họ Pha xuống dốc, đến nay đã mấy trăm năm, con trai thì chết yểu, con gái thì hóa rồ.

Câu chuyện huyền hoặc được truyền miệng từ đời này sang đời khác như vậy. Bao quanh tuổi thơ tôi là những câu chuyện cổ tích, thần thoại kinh dị, kỳ bí, mang màu sắc ảnh hưởng văn hóa của dân tộc Hời (Chàm) hòa trộn với dân ngụ cư, mang văn hóa từ nhiều vùng miền quy tụ về mảnh đất này làm nghề đúc đồng, tạo thành một phong cách dân dã, hoang dại và đầy tính chất ma quái, âm u, kinh hải.

MAI và NHỮNG BÓNG MA XUẤT HIỆN 

Mai là tên một thiếu nữ ở xóm ngoài, học cùng lớp với anh tôi. Mai mất bố từ biến cố Tết Mậu Thân 1968. Bố mất để lại Mai, đứa em trai và mẹ Mai. 

Cố đô Huế bị tổn thất rất nặng nề và oan khiên qua các biến cố đẩm máu của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Thất thủ Kinh đô vào năm 1885 và Tết Mậu Thân 1968. Tổn thất lớn về của cải và nhân mạng. Nhưng theo tôi, tổn thất lớn nhất vẫn là di chứng để lại trong lòng người những vết thương: thù hận ngút ngàn, đánh mất niềm tin và hốt hoảng lo sợ. Những oan hồn uẩn khúc không phải như hồn ma bóng quế thường hay xuất hiện phá phách, mà là con người thực tại, những bóng ma của thương tâm đau đớn, nỗi trống vắng hoang lạnh, nỗi sợ hải và sự kỳ thị.

Gia đình Mai nằm trong những hoàn cảnh thương tâm đó.

Mai có đôi mắt to, sâu thẳm, lông mi dài và u uẩn. Mai hay ngồi lờ đờ, tư lự nhìn về xa xăm. Trong số những cô đồng, Mai là người trẻ nhất. Xóm của nhà Mai ở gọi là xóm "Am". Tôi có lần ra đấy chơi vào dịp hè, "Am" gần bờ sông Hương, có nhiều cây cổ thụ to lớn nên rất mát, nhưng đầy âm khí, hoang lạnh và trơ vơ.

Một lần, anh tôi dẫn tôi đến nhà Mai chơi, vườn cây âm u, ẩm thấp, rêu phong mọc đầy lối đi và trên chiếc bình phong long phụng chầu trước ngôi nhà chính, không khí ẩm ướt, nhìn hoang vắng, lạnh lẻo.

Ngôi nhà chính chỉ có bà nội Mai ở, mấy mẹ con Mai ở biệt lập tại ngôi nhà khuất sau vườn cây. Phía trước ngôi nhà chính có một cái miểu lớn có mái hiên rộng lợp tole. Tôi nghĩ, lại một nhà hầu bóng.

Đúng vậy, bà nội Mai là nhà hầu bóng kỳ cựu từ khi mất chồng và hai con trai yêu quý của bà, việc này như chiếc phao cứu bà thoát khỏi nỗi mất mác quá lớn. Thì ra, Mai là con gái của người con trai út. Đó là lúc Mai dẫn hai anh em tôi qua khu nhà hoang khuất phía sau vườn cây. Có một ngôi nhà to lớn bỏ hoang và ba ngôi mộ được tráng ciment láng, rêu phủ mờ. Nhìn cảnh hoang tàn thấy chạnh lòng. Anh tôi hỏi: "Ngôi nhà lớn vậy sao bỏ hoang". Mai thản nhiên trả lời: "Vì nó có ma!". Bia mộ ghi rõ: "Phần mộ gia đình Docter Tôn Đức Trang". Đây là bi kịch của một gia đình trí thức của biến cố Tết Mậu Thân 1968. Cái chết oan ức của hai vợ chồng một bác sĩ và cô con gái 16 tuổi. Do một nữ bệnh nhân của ông làm liên lạc cho cách mạng chỉ điểm vì một lần tới khám bệnh ông bác sĩ để cô chờ hơi lâu. Ông nội Mai sau đó tìm con cũng bị chết thảm. Mộ ông phía trên gò đất cao nhưng chỉ để mộ vọng không tìm thấy xác để tán.

Mai dẫn hai anh em tôi đến chỗ bia đá có hình cô gái 16 tuổi rồi cười khanh khách: Chị Tường Nhi chính là Mai, Mai cũng là chị và là của mọi người quanh khu mộ này. 

Anh tôi và tôi chẳng hiểu gì, Mai giải thích thêm: Khi lên đồng họ nhập vào Mai. Ha ha! ...

Tiếng cười thật ma quái, sởn cả tóc gáy.

Thông qua Mai, bà nội Mai mới nguôi ngoai được là những người thân của bà đã ra đi có dịp nhập xác đồng của Mai để nói chuyện, tiếp xúc với bà, bảo rằng: họ yêu thương bà, rất nhớ bà!

Giao tiếp âm dương diễn ra với ý nghĩa và mục đích như vậy. Có thật hay không thật, cuối cùng là đưa tới kết quả: xoa dịu nỗi đau mất mác "tử biệt sinh ly" của con người.

Những con ma xuất hiện, thoắc hiện thoắc biến, những con ma nhập đồng nhảy nhót, la hét, ăn trầu, uống rượu, gieo tiền, phát lộc, chúc phúc, ... rồi sau đó tỏ bày: thương lắm, nhớ lắm, lúc nào cũng đi theo người thương hộ trì, giúp đỡ, ... những con ma nhân nghĩa, biết vỗ về người thương, làm cứu cánh cho người thương tiếp tục đứng dậy, sống tốt hơn.

Những con ma kiểu đó cũng cần nên gặp, nên thấy, nên tiếp xúc.

Và tôi thấy những bóng ma trở thành thiết thực, thân thiện. Qua đó, tôi thấy mình cần tiếp xúc với ma gần hơn nữa, thân thiết hơn nữa. Nhờ vậy tôi bớt đi nỗi sợ về thấy ma, gặp ma.

Không hiểu sao, tôi bắt đầu tò mò, ước muốn dấng thân tìm hiểu và cảm thấy thật hứng thú cho việc tiếp xúc kỳ dị này.

 


 

 



PHỤ LỤC:

Điện Hòn Chén

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Điện Hòn Chén
Điện Hòn Chén1.jpg
Điện Hòn Chén
Tên gọi: Điện Hòn Chén
Người tạo nên: vua Minh Mạng



Kiến trúc: Điện
Vị trí: Quần thể di tích cố đô Huế




Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Núi Ngọc Trản xưa có tên là Hương Uyển Sơn, sau mới đổi tên là Ngọc Trản (có nghĩa là chén ngọc), dân gian vẫn quen gọi là Hòn Chén vì nó có liên quan đến giai thoại về vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc.

Mục lục

Giai thoại

Trong quần thể di tích cố đô Huế, có lẽ điện Hòn Chén gắn với nhiều giai thoại nhất. Dân gian còn lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, vì vua Minh Mạng trong một lần lên đây đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Song, trong các văn bằng sắc phong chính thức của các vua Nguyễn, thì ngôi điện vẫn xuất hiện với tên chính thức “Ngọc Trản Sơn Từ” (đền thờ ở núi Ngọc Trản). Đến thời Đồng Khánh (1886-1888), ngôi điện mới được đổi tên là Huệ Nam Điện (ý là mang lại ân huệ cho vua nước Nam) và cũng gắn với nhiều giai thoại khác nữa. Qua bao nhiêu năm tháng gắn với bao truyền thuyết, dân gian vẫn gọi điện là Điện Hòn Chén hay Điện Hoàn Chén đều đúng .

Đặc điểm

Ðiện Hòn Chén là nơi ngày xưa người Chàm thờ nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà dưới xưng Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
Điện Hòn Chén nguyên là ngôi đền thờ nữ thần PoNagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Theo truyền thuyết dân gian Chăm, nữ thần PoNagar là con của Ngọc hoàng Thượng đế được sai xuống trần gian, bà có công lao tạo ra trái đất và các loại gỗ trầm, lúa gạo. Hương mộc và kỳ nam là thứ gỗ tượng trưng cho sự linh hiển của Nữ thần. Bà còn làm tỏa hương gạo ngọt ngào, cổ vũ dân trồng cây bồ đề.
Tiếp nhận từ người Chăm một di tích tôn giáo độc đáo như điện Hòn Chén, người Việt dễ dàng dung hợp được cả một tín ngưỡng thần linh mang sắc thái riêng của người Chăm. Có lẽ vị Nữ thần của dân tộc Chăm xét trên bình diện tâm linh có nét tương đồng với các Nữ thần của người Việt. Đây được xem là sự hòa nhập về tôn giáo hay còn gọi là bản địa hóa . Để ký âm cho danh từ PoNagar bằng Hán văn, các Nho sĩ ngày xưa đã phải tạo ra một âm hưởng hao hao và mang một ý nghĩa tương đương nhất định bằng bốn chữ Hán: Thiên Y A Na. Tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi của người Việt hay còn gọi là mẹ Xứ Sở theo tín ngưỡng của các vùng khác như Nha Trang - Khánh Hòa , v..v..
Từ năm 1954, Liễu Hạnh Công Chúa, tức là Vân Hương Thánh Mẫu cũng được đưa vào thờ ở đây. Ngoài ra, tại điện Hòn Chén, người ta còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 vị thần thánh khác thuộc vào hàng đồ đệ của các thánh thần nói trên. Vua Ðồng Khánh cũng là một trong những đồ đệ ấy. Điện Hòn Chén được vua Minh Mạng cho tu sửa và mở rộng vào tháng 3/1832. Sau đó hai năm, đền lại được trùng tu. Như vậy, xét về mặt tín ngưỡng, điện Hòn Chén bối cục thờ không theo nguyên tắc, mà phối thờ nhiều tín ngưỡng khác nhau .

Lịch sử

Từ năm 1883 đến năm 1885, vì gặp một giai đoạn éo le của lịch sử triều Nguyễn, vua Ðồng Khánh chờ đợi mãi vẫn chưa được lên nối ngôi cha nuôi là vua Tự Ðức. Ông nhờ mẹ là bà Kiên Thái Vương lên đền Ngọc Trản cầu đảo và hỏi Thánh Mẫu Thiên Y A Na xem mình có làm vua được không. Mẫu cho biết ông sẽ toại nguyện.
Bởi vậy, sau khi tức vị, năm 1886, vua Ðồng Khánh liền cho xây lại đền này một cách khang trang, làm thêm nhiều đồ tự khí để thờ, và đổi tên ngôi đền là Huệ Nam Ðiện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu. Huệ Nam nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam, vua Nam. Có một điều kỳ lạ, chính vua Ðồng Khánh đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ và tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu, mặc dù nhà vua chỉ gọi thánh mẫu bằng "Chị". Theo nguyên tắc xưa, ông vua nào cũng đứng trên các thánh thần trong cả nước, nhưng ở đây vua Ðồng Khánh lại hạ mình xuống làm "em" của Mẫu. Hiện nay trong đền vẫn còn thờ vài bức tranh ảnh của chính nhà vua được treo ở đây .

Mô tả

Ngày nay, điện Hòn Chén được nhiều người biết đến không phải vì đó là một di tích tôn giáo cho bằng đó là một di tích kiến trúc phong cảnh. Công trình kiến trúc tôn giáo ấy đã được người xưa lồng vào trong một cảnh thơ mộng hữu tình của núi sông xứ Huế.
Có một dãy núi thấp ăn từ chân Trường Sơn chạy về phía đồng bằng của Huế, bị một đoạn của sông Hương chặn đầu tả ngạn. Cả dãy núi như bị dồn ép nguồn sinh lực ở đây, tạo thành một ngọn núi có vẻ biệt lập, cây cối mọc xanh um, đứng cheo leo bên bờ vực thẳm, đó là chỗ sâu nhất của sông Hương. Người xưa đã chọn hòn núi Ngọc Trản ấy để dựng đền thờ.

Trên đỉnh núi có một chỗ đất trũng xuống, đường kính vài mét, chung quanh có vòng đá dựng như bờ giếng, hễ gặp mưa thì nước đọng lại trông như cái chén đựng nước trong. Cho nên từ xa xưa, hòn núi được đặt tên Ngọc Trản (núi Chén Ngọc) và dân gian gọi là Hòn Chén.
Trong một tờ thần sắc ban cho đền năm 1886, vua Ðồng Khánh đã ví toàn cảnh thiên nhiên ở đó như hình thế một con sư tử đang nằm thò đầu xuống sông uống nước.
Khoảng 10 công trình kiến trúc xinh xắn của ngôi đền đều nằm ở lưng chừng sườn đông nam thoai thoải của ngọn núi, ẩn mình dưới bóng dâm của một khóm rừng cổ thụ tán lá xum xuê. Những hệ thống bậc cấp chạy từ đền cao xuống tận bến nước trong xanh. Mặt sông phẳng lặng như gương, được dùng cho toàn cảnh thiên nhiên và kiến trúc nghiêng mình soi bóng. Dù thuyền cập bến, đứng nhìn lên, khách dễ tưởng mình đang lạc vào chốn thần tiên.
Mặt bằng kiến trúc của toàn bộ ngôi đền không rộng, gồm điện thờ chính là Minh Kính Ðài nằm ở giữa, mặt hướng ra sông; bên phải là Nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Chùa Thánh; bên trái là Dinh Ngũ Vị Thánh Bà; bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ - con cọp), Am Ngoại Cảnh. Dưới bờ sông, cuối đường bên trái là Am Thủy Phủ. Trên mặt bằng kiến trúc ấy, còn có một số bệ thờ và am nhỏ khác nằm rải rác đó đây, như Am Cô Ngọc Lan, Am Trung Thiên...
Minh Kính Đài được xây dựng năm 1886 dưới thời vua Ðồng Khánh với mặt bằng 15mx17m, nó được chia làm 3 cung (theo thứ tự từ cao xuống thấp và từ sau đến trước căn cứ vào chức năng thờ phụng).
  • Minh Kính Cao Ðài Ðệ Nhất Cung, còn gọi là Thượng Cung hay Thượng Ðiện, chia làm 2 tầng. Tầng trên thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Ðồng Khánh và một số thần thánh cao cấp khác trong tôn giáo; tầng dưới dùng làm chỗ tiếp khách và nơi ở của người thủ từ...
  • Minh Kính Trung Ðài Ðệ Nhị Cung, còn gọi là Cung Hội Ðồng, giữa xây bệ thờ cao và lớn, cung này thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, có cả tượng Phật nữa, và dùng làm nơi thiết trí các đồ thờ dùng để rước sắc trong những dịp lễ lớn: Võng Cung Nghinh Mẫu, Phụng Liễn, Long Ðình.
  • Minh Kính Tiểu Ðài Ðệ Tam Cung, còn gọi là Tiền Ðiện - nơi có xây một hương án lớn, hai bên đặt trống chuông, là chỗ cử hành tế lễ. Nơi đứng cúng lạy của khách hành hương còn được nới rộng thêm bằng một mái hiên và cái sân ở mặt trước tòa nhà.
Trên bờ nóc quyết của Minh Kính đài cũng như các công trình kiến trúc khác ở chung quanh, hình ảnh con phụng được dùng nhiều để trang trí, vì con phụng tượng trưng cho đàn bà, ở đây là các nữ thần. Nó cũng được dùng để trang trí rất nhiều trên các đồ tự khí.
Phần lớn các đồ thờ quý báu ở Minh Kính Ðài đều ghi rõ là làm ra dưới thời vua Ðồng Khánh. Nhìn chung thì thấy trang hoàng rất bề bộn, nhưng có nhiều thứ lạ mắt đối với người xem.

Điện Hòn Chén nhìn từ sông Hương

Giá trị

Điện Hòn Chén ngoài giá trị là một nơi phục vụ tín ngưỡng, tâm linh tôn linh tôn giáo mà nó là một trong những điễm thu hút khách tham quan . Chính kiến trúc của đền cùng với dòng sông, làng mạc, núi non, tạo nên cho bức tranh của điện Hòn Chén thêm hữu tình.
Gần nhất bên phải là hòn núi Kim Phụng uy nghi đồ sộ. Ngay bên trái đền, vách đá cheo leo trên bờ dốc thẳm, cùng với tượng cọp trừng mắt, dường như được dùng làm mối nguy hiểm đe dọa thường xuyên đối với những người yếu bóng vía và làm tăng thêm vẻ linh thiêng thần bí của các thần thánh đối với "con tôi đệ tử" của Thiên Tiên Thánh Giáo.
Có một điều thú vị nữa đối với du khách, nhất là các nhà nghiên cứu dân tộc học, là trong khi ở Hổ Quyền bên kia sông Hương, con cọp phải đưa ra đấu trường để bị tiêu diệt, thì ở điện Hòn Chén bên này sông, con cọp lại được thờ cúng kính cẩn như một vị thần linh. Một sự khác nhau rất lớn khiến cho con cọp bên trong đền được nâng lên là một vị thần tương tự con " Bạch Hổ" của miền Nam mà người người tôn thờ .
Điện Hòn Chén là ngôi điện duy nhất có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân xứ Huế và đó cũng là ngôi điện duy nhất ở Huế có sự kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian; giữa lễ hội và đồng bóng; giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan. Đây cũng là nơi trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Điện còn là sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng tôn giáo mang sắc thái đa dạng .
Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Lễ Hội Điện Hòn Chén

Ðiện Hòn Chén thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, từ thế kỷ 16, hàng năm cử hành lễ hội vào hai kỳ: tháng ba và tháng bảy.
Tại Huế, Thánh Mẫu được thờ tại điện Hòn Chén, làng Hải Cát, huyện Hương Trà. Nghi lễ tại Ðiện Hòn Chén rất long trọng. Dân làng tổ chức tế tại đình, trước ngày chánh tế có lễ nghinh thần để rước tất cả các vị thần trong làng về đình. Ðám rước Thiên Y A Na Thánh Mẫu từ Huệ Nam đến đình làng Hải Cát tổ chức trọng thể hơn cả.
Lễ hội giống như một festival về văn hóa dân gian trên sông Hương, tấp nập những chiếc “bằng” (thuyền kết đôi) với cờ phướn, hương án đủ màu sắc, hành hương về điện Hòn Chén, nơi thờ Thánh Mẫu. Tại khu vực điện sẽ diễn ra Thánh Mẫu tuần du làng Hải Cát, lễ tế làng Hải Cát, lễ cung nghinh Thánh Mẫu hồi loan về điện, lễ phóng sanh, phóng đăng...
Ðám rước cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên mỗi bằng có bàn thờ Thánh Mẫu cùng với long kiệu. Trên long kiệu có hòm sắc của vua ban Thánh Mẫu, liền kế đó là một bằng khác có bàn thờ, kiệu và hòm sắc của nhị vị Thượng NgànThuỷ Cung Thánh Mẫu. Sau đó là những chiếc bằng chở các tự khí, tàn tán cờ quạt.
Long kiệu của Thánh Mẫu là kiệu thêu, do các trinh nữ ăn mặc sặc sỡ khiêng, còn các bà, người mang bình hương, ống trầu, bình trà, hòm đựng đồ trang sức, kẻ mang cờ, biển, tàn, lọng, gối, quạt... Các thanh niên thì vác các đồ lễ bộ, bát bửu và các tự khí khác. Ðám rước đầy màu sắc rực rỡ, không khí trang nghiêm. Khi đoàn ghé bến, đám rước chuyển từ sông lên bộ, đi cho đến đình làng Hải Cát, có phường bát âm đi sau kiệu.
Trong lúc đoàn bằng khởi hành từ bến trước Huệ Nam điện, các bà đồng đã cùng nhau lên đồng ngay ở chiếc bằng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ. Những cuộc lên đồng có bàn thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu. Những cuộc lên đồng hầu bóng tiếp tục cho đến khi đoàn bằng đi tới bờ, nơi đám rước chuyển từ sông lên bộ.
Dân làng đi theo đám rước cùng với các thiện nam tín nữ. Nghinh thần xong, dân làng làm lễ Túc Yết (tức yết kiến kính trọng) theo nghi thức cổ truyền.
Suốt đêm, trên mặt sông Hương và có khi ở trước đình làng là các cuộc hát thờ, hầu đồng, hầu bóng. Sáng ngày hôm sau là lễ chánh tế, tổ chức từ 02g – 05g00 sáng. Sau đó là lễ Tống thấn. Mặt sông Hương lại bùng lên với âm nhạc, pháo nổ tưng bừng, hàng trăm chiếc thuyền, bằng chen chúc, những bộ lễ phục rực rỡ.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây lễ hội này đã được phục hồi theo các tập tục truyền thống mang đậm màu sắc văn hóa dân gian địa phương. Lễ hội điện Hòn Chén còn được gọi là Lễ Vía Mẹ, không chỉ là của những tín đồ Thiên Tiên Thanh Giáo, mà còn là của những người theo đạo thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người. Theo ý nghĩa đó, việc phục hồi lễ hội điện Hòn Chén là phục hồi một giá trị văn hóa truyền thống .
Lễ hội không chỉ dừng lại là một lễ hội văn hóa dân gian mà nó còn thu hút một lớn số lượng du khách trong nước lẫn nước ngoài . Lễ hội pha trộn nhiều màu sắc tín ngưỡng và không biệt tín ngưỡng, lễ hội đưa mọi người đến gần nhau hơn .
Đến thăm thành phố Huế đúng dịp diễn ra lễ hội, xuôi thuyền ngược dòng Hương Giang đến núi Hòn Chén, du khách sẽ được tham gia vào lễ tế điện Hòn Chén . Vậy mới biết , sức hút của Huế không chỉ ở những công trình đền đài lăng tẩm, mà còn có cả những lễ hội linh thiêng như lễ điện Hòn Chén hằng năm.

Tham khảo

  • Nhiều tác giả - Di tích cố đô Huế - Nhà xuất bản Thừa Thiên - Tr83 .
  • Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế - Đồ Cổ Pháp Lam - Sách của trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế .
  • Di tích cố đô Huế - Báo điện tử của Việt Báo .
  • Phạm Đức Thành Dũng - bài viết về điện Hòn Chén tại báo điện tử của Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế .

Đồng bóng với điện Hòn Chén – Phanxipăng


Là một tín ngưỡng dân gian cổ truyền, khi công khai, khi lén lút, đồng bóng, còn gọi đạo Mẫu hoặc Thiên Tiên Thánh giáo, hiện hữu khắp mọi tỉnh thành ở nước ta. 
Trong các am, miếu, đền, phủ, vào những ngày mùng 1, 14, rằm, 29 hoặc 30 hằng tháng âm lịch, thêm các lễ vía nữa, con nhang đệ tử tụ tập cúng cầu, hầu giá, số lượng thường chỉ dăm bảy người, nhiều lắm cũng chỉ vài mươi. Một số di tích đặc thù – như phủ Dầy ở Nam Định, phủ Tây Hồ ở Hà Nội, đền Bà Đế ở Hải Phòng, đền Mẫu ở Hưng Yên, đền Sòng ở Thanh Hoá, đền Cờn ở Nghệ An, điện Hòn Chén / điện Huệ Nam ở Huế, tháp Bà ở Nha Trang, núi Bà ở Tây Ninh, miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc - thì đều đặn mỗi năm có đôi vài nhật điểm thu hút hàng nghìn ông đồng bà cốt gần xa nô nức đổ về trẩy hội với bao nghi thức hết sức lạ thường.

Ông lên, ông nhảy lom xom
Bạn chứng kiến hiện tượng hầu đồng bao giờ chưa?Năm 1915, một người Pháp là H. Délétie đã tường thuật trong bài La fête du Ruoc-sac de la Déesse Thiên-Y-A-Na au temple Huê-Nam-diên / Lễ rước sắc của nữ thần Thiên Y A Na ở điện Huệ Nam đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: Tập san Đô Thành Hiếu Cổ). Cảnh tượng ấy diễn ra hồi đầu thế kỷ XX cũng chẳng khác hôm nay bao nhiêu. Thoạt tiên thì xông trầm, đốt nhang, hiến cúng lễ vật, tuyên đọc sớ điệp, sì sụp bái lạy và “lầm rầm khấn vái nhỏ to”. Dàn bát âm – gọi là cung văn – bắt đầu sửa soạn nhạc cụ: đàn nhị, đàn nguyệt, kèn sona, trống bản, sênh tiền. Sau khúc tiền tấu đầy kích động, đồng cô bóng cậu nhập vào một con nhang đệ tử nào đấy rồi, tức thì cung văn chuyển giọng ừ ứ ư:
Khói hương nghi ngút án tiền,
Mời cô Bơ giáng hạ, giã non Tiên, cô về.
Cô Bơ linh hiển ai bì…
Cô Bơ là cách gọi kiêng cô Ba, hồn thiêng đồng nữ ở cõi “tứ phủ công đồng”. Có nhiều cô Ba lắm: cô Ba Ngoại Cảnh này, cô Ba Chín Suối này, cô Ba Thoải / Thuỷ Phủ này, v.v. Đó là 1 trong 12 giá phụ, sau các giá chính gồm “ngũ vị thánh bà” và “lục vị tôn ông”. Vì thế, ốp đồng còn được gọi hầu giá hoặc hầu bóng.
Người lên đồng, dù nam hay nữ, đều phục trang cực kỳ đặc biệt. Áo mớ ba mớ bảy nhiều màu. Thắt lưng kim tuyến. Quần thắt chẽn ống. Giày vải hoặc hài nhung. Tóc chít khăn xếp xanh đỏ. Vai khoác lụa là. Tai, tay, cổ và cả cườm chân đều đeo vàng bạc ngọc ngà lấp lánh. Mặt nhồi phấn. Môi tô son. Mắt kẻ chì. Có trường hợp phải bôi mặt đen sì, vai quàng dây leo, eo đóng khố, tay cầm khèn hoặc quấn luôn con… rắn (làm giả bằng rễ cây) nếu nhập vai ông Bảy hay ông Chín Thượng Ngàn. Lại có lúc họ còn đội lốt cọp để làm Hạ Ban, tức thần Hổ.
Trong ánh sáng đèn nến, hương khói trầm nhang và lời ca tiếng nhạc, xác đồng ngồi trước án thờ, đầu và mặt trùm khăn che kín. Chợt xác đồng rùng mình, lắc qua lắc lại rồi đột ngột đứng phắt dậy, thét vang một tiếng cùng lúc giật bỏ chiếc khăn trùm và nhảy cà tưng. Ví như đó là nữ đệ tử hầu giá cô Ba thì sao? Chân cô nhún. Tay cô múa. Vai cô giật giật. Ngực cô phập phồng. Cô đánh mắt lúng liếng nhìn quanh và nhoẻn miệng cười, chao ôi là tình tứ. Lát sau, cô tiến sát án thờ, rút chiếc quạt cầm tay, vừa nhảy, vừa phe phẩy. Lập tức, cung văn hát bài múa quạt:
Đôi tay phấp phới ánh hồng,
Quạt cô yểu điệu mát lòng tôi con.
Quạt cô, chiếc quạt vàng son,
Miệng cô chúm chím, cô giòn, cô xinh.
Bỗng cô trao quạt cho các đệ tử chầu rìa. Đoạn, cô rút mái chèo và khoắng ào ào trong không khí. Cung văn chuyển sang lời ca chèo đò:
Bỏ quạt, cô múa chèo loan,
Thuyền trôi nhè nhẹ, cô khoan thai chèo.
Buông mái chèo, cô cầm nón mà ngắm nghía, rồi uốn éo lượn lờ theo bài hát chầu văn múa nón:
Tay cô cầm nón bài thơ,
Nón nhân, nón ngãi, nón chờ đợi ai?
Cô thơm như thể hoa nhài…
Nói cho đúng thì các cung văn phải theo bóng đồng mà ứng tác lời ca và điều chỉnh nhịp phách thích hợp. Điều này hoàn toàn trái ngược với khiêu vũ: người không nhảy theo nhạc, mà nhạc phải nhót theo người. Thật ra, các cung văn chuyên nghiệp đã thủ sẵn cả kho tàng văn nghệ dân gian để vừa tận dụng vốn cũ, vừa cải biên hoặc sáng tác mới, kịp thời bám sát các vũ điệu khá quen thuộc của quý ông bà cô cậu: múa quạt, múa nón, múa bài bông, múa độc kiếm, múa song kiếm, múa thiết bản, múa chuỳ, phi ngựa, bắn cung, v.v.
Một vũ điệu khá phổ biến trong hầu giá là múa mồi: dùng tay kẹp ống giấy tròn nhỏ đã tẩm sẵn paraffin / paraffine / thạch chá, đốt cháy phừng phừng, mà uốn éo. Trò múa lửa này trông khá ngoạn mục, nhất là về đêm, tuy nhiên chính nó là nguyên nhân gây ra không ít vụ hoả hoạn làm thiêu rụi miếu đền nhà cửa!
Con nhang đệ tử phần đông là dân thợ thuyền và giới tiểu thương, chưa học qua vũ đạo cùng quyền cước lẫn binh khí gì cả, do đó mỗi người lên đồng thì nhảy một kiểu, miễn sao hao hao các vũ điệu những kẻ khác nhập đồng. Sau các màn múa, tuỳ từng giá đồng, người hầu bóng sẽ cất tiếng dạy bảo đủ điều cho các “thằng nam con nữ” tham dự buổi lễ. Nếu ông Chín Thượng Ngàn thì hú hét quát tháo ầm ĩ. Còn cậu Hoàng Mười lại răn đe từ tốn, nhẹ nhàng. Lắm phen hứng khởi, vai đồng lấy các vật phẩm cúng trên án thờ như hoa quả, bánh kẹo, xôi chè, kể cả tiền thật để ban lộc cho quan khách. Thậm chí có tay mới xoá nạn mù chữ nhưng nhập đồng rồi là cầm bút son vẽ ngoằn ngoèo và viết cả Hán tự (sai bét!) lẫn Pháp ngữ (trật lất!) mí lị Anh văn (hỏng toét!) lên giấy, bảo đấy là bùa, phát cho thiên hạ đem về dán trước cửa hoặc trong nhà nhằm trừ ma yểm quỷ!
Tôi sở dĩ biết khá tỉ mỉ những chuyện trên nhờ ấu thời từng nhiều phen cùng lũ bạn nhóc tì lân la am này phổ nọ xem thiên hạ ốp đồng. Chẳng những được thưởng thức hát múa miễn phí mà thỉnh thoảng còn được chén ê hề lộc thánh. Dù nghe con nhang đệ tử đồn thổi bao chuyện thần tiên linh hiển, nếu ai đó thiếu nghiêm cẩn trong ngôn ngữ hoặc hành vi thì sẽ bị các đấng vô hình trừng phạt, cả bọn “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nào có ngán gì. Thoạt đầu là trêu ghẹo cung văn bằng cách kiếm me hoặc khế chua chấm muối ớt, nhai nhóp nhép chọc thèm, khiến tay thổi kèn nhểu nước bọt, không hoạt động nổi, còn gã chầu văn thì ngắc ngứ cà lăm! Tiếp theo là tương kế tựu kế để các thứ vàng mã, hình nộm cúng trong buổi lễ bùng cháy bất ngờ, làm Xích Lân tiên nữ hốt hoảng quăng cả kiếm cung mà kêu la í oé! Một thằng nhãi tinh mắt phát hiện ra rằng thánh thần sao cũng bất công, hễ ngài ban lộc thì con cháu xác đồng hưởng lắm quà cáp ngon lành, trong khi người dưng chỉ nhận lèo tèo quả ổi xanh hoặc chùm dâu chua lét. Thế là hắn bí mật dùng dây câu nguyên con gà luộc béo múp ngay giữa án thờ, đem đãi cả bọn chúng tôi một chầu thoả thích. Lại có vị người lớn bày cho mấy bài ca dao châm chích. Lũ trẻ khoái chí tập hát theo làn điệu chầu văn rồi chĩa loa đồng ca oang oang buộc cậu Bốn cô Ba chưa kịp giáng đã phải thăng. Hát rằng:
Ông lên, ông nhảy lom xom,
Bà lên, bà nhảy trúc om nước chè.
Ông lên, ông… đái xè xè,
Bà lên, bà tưởng nước chè, bà xơi.
Thiên Tiên Thánh giáo
Những trò nghịch ngợm tuổi thơ rồi cũng qua. Vì nhiều lý do, tôi nay lại muốn tìm hiểu hiện tượng đồng bóng với thái độ và góc độ khác. Một số câu hỏi được đặt ra: Tín ngưỡng này đã phát sinh và phát triển như thế nào? Sự nhập đồng có thật không và mang ý nghĩa gì? Trong đời sống xã hội hiện đại, việc hành lễ của con nhang đệ tử là tích cực hay tiêu cực?Chưa xác định rõ thời điểm hình thành các nghi thức cúng quảy nhảy vọt. Trong tác phẩm Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) từng thuật lại một buổi lên đồng mà ông tình cờ quan sát tại xã Kim Khê (hiện thuộc TP. Vinh, Nghệ An) trên đường ra Thăng Long vào năm Tân Sửu 1781. Trước đó, năm Quý Sửu 1553, Dương Văn An soạn Ô châu cận lục đã ghi nhận sinh hoạt hiến tế có chầu văn tại đoạn sông Kim Trà, tức sông Hương ở Huế ngày nay. Có ý kiến cho rằng việc đồng bóng xuất xứ từ đền Sòng ở Thanh Hoá, nơi thờ thánh mẫu Vân Hương – tên gọi khác của công chúa Liễu Hạnh, một nhân vật huyền thoại trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Thực tế thì bà chúa Liễu được dân ta phụng thờ nhiều nơi, như phủ Dầy / Dày / Giầy / Giày ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và phủ Tây Hồ ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội.
Tiếp xúc với ông đồng bà cốt tại nhiều tỉnh thành, tôi biết họ rất sùng kính mẫu và chư vị. Theo quan niệm dân gian, mẫu / Mẫu là 1 trong 4 vị thánh bất tử, gồm Tản Viên sơn thần, Phù Đổng thiên vương, Chử Đồng Tử, và công chúa Liễu Hạnh.
Tương truyền Mẫu vốn là công chúa Quỳnh Nương, nữ thần hàng đầu trên thiên cung, vì lỡ tay làm vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng thượng đế đầy giáng trần. Cũng theo lời kể, Mẫu từng hiển hiện ở nhiều địa phương và thi triển nhiều phép lạ, do đó được triều đình nhà Lê tôn vinh “Thượng đẳng phúc thần” và sắc phong “Mã Cái công chúa” (Mã Cái nghĩa là mẹ) rồi được thăng “Chế Thắng Hoà Diệu đại vương”. Riêng sử sách nhà Nguyễn còn ghi rõ: năm Thiệu Trị thứ VI, tức Ất Tị 1845, nhà vua đã ban cho Mẫu chức “Thần hoàng nhất phẩm”.
Mẫu đây cũng còn là Thiên Y A Na, nữ thần vĩ đại của dân tộc Champa với tên gọi Po Nagar hoặc Muk Juk, bấy nay được thờ tại Tháp Bà ở Nha Trang. Sự tích Thiên Y tiên nữ đã được nhiều thư tịch ghi chép, chẳng hạn Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Trong quá trình Nam tiến, người Việt kế tục việc thờ cúng của cư dân Chăm bản địa và tôn làm “thượng đẳng thần”. Năm Nhâm Tuất 1802, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long tấn phong cho Mẫu danh hiệu “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”. Dân gian quen gọi bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, ngắn gọn là Mẫu, và lập phủ, điện, am, miếu để cung thỉnh phụng thờ.
Điều buồn cười là phần đông ông đồng bà cốt và con nhang đệ tử chẳng mấy ai rành rẽ sự tích Mẫu, dẫu họ tự nhận là tín đồ thuần thành của Thiên Tiên Thánh giáo. Khác nhiều người nghĩ, với tên gọi này, Thiên chẳng phải trời, Tiên chẳng phải nhân vật yên vui và có nhiều phép mầu. Chuyên luận Tín ngưỡng dân gian Huế của Trần Đại Vinh (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995) ghi nhận: “Cách đặt tên Thiên Tiên Thánh giáo được giải thích là: Thiên là huyện Thiên Bản, Tiên là làng Tiên Hương, tức thôn Vân Cát, làng An Thái, là nơi giáng trần lần thứ hai của Liễu Hạnh công chúa. Hai chữ Thánh giáo thể hiện một nguyện vọng của Tổng hội xin thừa nhận tín ngưỡng này như một tôn giáo thiêng liêng.”
Mấy địa danh mà sách vừa nêu đều thuộc tỉnh Nam Định. Theo Địa chí Nam Định của nhiều soạn giả (NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, 2003) thì huyện Thiên Bản đã đổi thành huyện Vụ Bản từ cuối thời Nguyễn. Ở huyện này, 2 làng Tiên Hương và Vân Cát nay là 2 thôn tại xã Kim Thái, nơi quần thể phủ Dầy toạ lạc, trong đó có lăng mộ Liễu Hạnh, đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia ngày 21-2-1975. Sách Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh của Bùi Văn Tám (NXB Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2001) còn cho hay rằng xã An Thái cũ là thôn Tiên Hương bây giờ,
Thực chất, Thiên Tiên Thánh giáo chẳng được tổ chức quy củ như đạo Phật, đạo Hồi, đạo Kitô. Thiên Tiên Thánh giáo lại chẳng có kinh điển cùng luật lệ chính thức. Sinh hoạt của tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo mang tính tự phát, tự túc, tự nguyện. Dăm bảy hoặc vài chục người họp thành phổ, cứ đến ngày 14, rằm, 30, mùng 1 âm lịch mỗi tháng thì tới một am miễu nhất định để dâng lễ, cúng cầu, hầu giá. Xong, ai về nhà nấy, tiếp tục làm lụng sinh nhai như tất cả chúng ta. Khác chăng là họ cữ kiêng vài loại thực phẩm vì “ăn sợ mắc tội”: thịt chó, thịt trâu, bồ câu, cá chép / cá gáy.
Có lúc, có nơi, do áp lực của dư luận xã hội hoặc chủ trương của chính quyền sở tại, đệ tử của Mẫu phải lên đồng âm thầm lén lút. Chẳng hạn thời gian Nhà nước phát động phong trào “bài trừ mê tín dị đoan” khá rầm rộ tại Huế, mà đỉnh cao là việc triệt phá am miếu diễn ra vào năm 1985, đố đồng cô bóng cậu nào dám cóc cheng nhảy nhót công khai. Từ năm 1986 đến nay, nhờ công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, cùng với nhiều lễ nghi truyền thống được phục hồi như xuân tế lẫn thu tế đình làng, cầu ngư, cúng tổ ngành nghề, v.v., thì tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo lại sửa am, lập miếu, thoải mái chầu văn, ốp đồng.
Thiên Tiên Thánh giáo thường được xã hội gọi “đạo nhảy vọt”, còn giới nghiên cứu lại gọi “tín ngưỡng tứ phủ” vì hàng tín đồ quan niệm rằng tiên, thánh, thần ở 4 cõi: thượng tiên, trung thiên, thượng ngàn, thuỷ phủ. Cũng theo họ, cả 4 cõi kia liên kết nhau chi phối cõi người. Và cõi nào cũng được cơ cấu tương tự một triều đình quân chủ chuyên chế có quyền lực vạn năng, gồm: đế vương, thánh mẫu, chư tiên, hoàng tử, công chúa, khâm sai, giám sát, thập nhị triều quận, thập nhị triều cô, ngũ hổ đại tướng, âm binh bộ hạ, v.v. Tất nhiên, bà chúa Liễu và bà chúa Ngọc ngự trị cõi thượng thiên chót vót. Ngoài ra, Thiên Tiên Thánh giáo còn thờ Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, thờ cả Quan Công cùng Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lẫn Đức Thánh Trần tức Hưng Đạo đại vương!
Khi hầu giá, xác đồng nhập vai một vị nào đấy cả nam lẫn nữ thuộc “tứ phủ công đồng”. Đàn bà con gái thì Mộc Tinh thánh nữ, Ngũ Hành tiên nương, Đào Huê công chúa, cô Năm Ngoại Càn, v.v. Đàn ông con trai thì Linh Hầu thái tử, Sơn Tiêu Độc Cước, quan Lớn Tuần Tranh, Bô Bô động chủ, v.v. Nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét khá chí lý trong Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam (NXB Hiện Đại, Sài Gòn, 1972): “Lên đồng là một hiện tượng hoá thân, người phụ nữ Việt mượn đồng bóng để thể hiện những nguyện vọng thầm kín của mình. Ai cũng biết trong dĩ vãng, người đàn bà Việt Nam chịu thua thiệt đủ điều. Lên đồng giúp họ một ảo tưởng ăn chơi như ông hoàng bà chúa. Khi bóng cô bóng cậu nhập vào người lên đồng thì cuộc sống thần tiên bắt đầu.”
Quả là hàng tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo đều có đủ nam nữ, song rõ ràng phái yếu chiếm số lượng đông hơn hẳn. Cũng cần thêm rằng tuy có nhiều điểm khác biệt về nghi thức, hiện tượng ốp đồng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác trên hoàn cầu.
Tôi tò mò muốn ốp đồng thử một phen cho biết. Nhờ quen với tay chủ am nọ nơi xã Thuỷ Biều, ngoại thành Huế, tôi được trùm khăn ngồi trước án thờ nghi ngút khói nhang trong lúc cung văn chơi “liên khúc” từ Xuân phong, Long hổ, Lưu thủy, Hành vân, sang Cổ bản, Đăng đàn cung, Phú lục, rồi Tẩu mã. Lạ thay! Thiên hạ chỉ ngồi tí tì ti liền “nhập” ì xèo, còn cái thằng tôi cứ “trơ như đá, vững như đồng”, nóng bức và ngột ngạt tưởng chịu hết xiết! Tay chủ am giải thích:
- Chậc… Mạng anh không có “chân lính”. Chịu thôi!
Tôi cũng lấy làm lạ vì rất hiếm thấy ông đồng bà cốt “giáng lâm” vỗ ngực xưng danh nhị vị thánh mẫu tối cao là Liễu Hạnh và Thiên Y A Na. Họ sợ hãi hay khiêm cung nhỉ?
Được biết trong quá khứ, dù mang quốc tịch Chiêm Thành hay Đại Nam, Mẫu đều đã thị hiện trên núi Ngọc Trản thuộc làng Hải Cát ven bờ sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía thượng lưu. Tại đó có điện Hòn Chén thờ Mẫu cùng chư vị, xuân thu nhị kỳ thường niên đều long trọng tổ chức đại lễ hội.
Núi Ngọc huyền bí
Lênh đênh theo thuyền rồng ngược dòng Hương, tôi đã đến núi Ngọc. Cũng có thể tới đây bằng đường bộ băng qua Kim Long, Hương Hồ, Ngọc Hồ.Núi nguyên tên Ngọc Trản, gọi nôm na là Hòn Chén. Dân gian kể rằng do biến âm từ Hoàn Chén, bởi vua Minh Mạng từng đến đây và lỡ tay đánh rơi chén bằng đá quý xuống sông Hương, tưởng chẳng cách gì lấy lại được, bỗng một con rùa to lớn nổi lên, miệng ngậm chén ngọc trả lại nhà vua.
Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi nhận một tên khác là núi Hương Uyển và viết: “Mạch núi do các núi ở phía tây bắc trùng trùng điệp điệp, như rồng đi hổ phục, chạy dài chênh chếch về phía nam, đến phía tây sông Hương thì dừng lại, nổi vọt lên một ngọn vừa tròn vừa đẹp như hình cái chén nên gọi tên ấy. Sườn núi có đền thiêng. Chân núi kề vực sông, nước rất trong ngọt, người ta phải gọi là nước Ngọc Trản và thường lấy dâng ngự dụng.”
Trong sách Nguyễn triều cố sự (Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1956), Bửu Kế lưu ý thuyết cho rằng tên Ngọc Trản chỉ là một lối dùng mỹ từ mà thôi, vì bên kia có địa danh Ngọc Hồ / bầu ngọc thì bên này có Ngọc Trản / chén ngọc để được cân đối.
Tương truyền bà chúa Ngọc lẫn bà chúa Liễu từng giáng hạ nơi đây nên dân làng Hải Cát dựng đền thờ phụng và tôn sùng mẫu như đấng khai canh. Có lẽ tiền thân của đền là điểm thờ nữ thần Po Nagar của cư dân Chăm bản địa rồi được người Kinh kế tục cúng bái. Dần dần, các chúa Nguyễn phong tặng sắc thần và chính thức hoá việc thờ cúng. Đến năm Nhâm Thìn 1832, niên hiệu Minh Mạng thứ XIII, nhà vua đã cho trùng tu, mở rộng ngôi đền. Đó là đền Hàm Long hoặc đền Ngọc Trản. Một năm sau khi lên ngôi, Bính Tuất 1886, vua Đồng Khánh đổi tên thành điện Huệ Nam.
Dân chài quanh vùng nói rằng khúc sông ngay trước điện Hòn Chén sâu nhất dòng Hương, thợ lặn khoẻ mấy cũng không tài nào mò tới đáy. Nhiều kẻ tin rằng thánh mẫu Thoải (tức bà Thuỷ, tương truyền là con của Long Vương ở hồ Động Đình, có đền thờ chính ở Tuyên Quang) chuyên trị vì nước ấy. Đại Nam nhất thống chí chép rằng tại đây “có con rùa lớn bằng tấm chiếu, mỗi khi nổi lên tất có sóng dữ, người ta trông thấy gọi là sứ giả của Hà Bá”. Nghe đồn con rùa quý hiếm kia hiện vẫn còn và được các đệ tử của mẫu kính cẩn gọi “cố trạnh”.
Thuở sinh thời, ba tôi có kể một giai thoại về khúc sông này. Rằng xưa, thuyền đò ngang qua đấy thì ai nấy đều phải im lặng thắp nhang tỏ lòng thành kính. Chỉ cần một người nẩy suy nghĩ xúc phạm mẫu là thuyền đắm ngay tức khắc, do đó nạn nhân chết đuối tại chỗ ngày càng như rạ. Biết chuyện, vua Tự Đức ngự giá lên điện Hòn Chén, đeo vào tay mẫu chuỗi hạt bồ đề, rồi lệnh: “Thôi hí! Tu đi!”. Từ đó, tai nạn không còn.
Điều kỳ lạ là thái độ hết mực tôn sùng Mẫu của vua Đồng Khánh mà sử sách vẫn thường nhắc. Theo nguyên tắc xưa, khi đã lên ngôi thiên tử, vị vua nào cũng đứng trên mọi bậc thánh thần. Riêng vua Đồng Khánh tự nhận đồ đệ của Mẫu, lễ phép thưa Mẫu bằng “chị”, và đưa cả lễ hội thường niên điện Hòn Chén vào hàng quốc lễ. Vì sao?
Cảnh Tông Thuần hoàng đế, tức vua Đồng Khánh, vn xuất thân là công tử Ưng Thị, con trưởng của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và Thái vương phi Bùi Thị Thanh. Năm Ất Sửu 1865, mới 2 tuổi, ngài đã được vua Tự Đức chọn làm dưỡng tử. Đến giai đoạn trưởng thành, gặp thời kỳ lịch sử éo le, ngài chờ đợi mãi vẫn chưa được nối ngôi, bèn nhờ mẹ ruột lên điện Hòn Chén cầu đảo. Trong một buổi hầu đồng, Mẫu phán: năm Ất Dậu 1885, ngài sẽ toại nguyện, song chỉ ngất ngưởng cửu trùng hơn 3 năm thôi, đến cuối năm Mậu Tý 1889 thì ngài thăng hà! Nếu thực tế Mẫu đã tiên tri như thế, rõ xứng danh Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Ứng Diệu Thông Mặc Tưởng Trang Huy Ngọc Trản Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần đúng y thần hiệu mà vua Đồng Khánh ngay sau khi tức vị đã tôn phong Mẫu. Vua còn sắc phê: “Phong cảnh Ngọc Trản thực là chốn tiên nữ linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ hình thể như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền Ngọc Trản nhờ đắc linh khí, các phúc thần đầy quyền uy ngự trị cứu người độ đời, giúp dân giữ nước. Vậy trẫm cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam (nghĩa là ban ân huệ cho nước Nam và vua Nam) để biểu hiện ơn nước trong muôn một”. (Đại Nam thực lục chính biên – Đệ lục kỷ). Theo Nguyễn triều cố sự (sđd) thì chính vua Đồng Khánh thân hành trông nom việc tái thiết điện Huệ Nam khang trang đồng thời với việc xây Tư lăng gần núi Thiên Thai ở phía bên kia sông Hương. Bởi tin tưởng tuyệt đối vào lời tiên đoán của mẫu nên nhà vua phải sớm lo liệu nơi an nghỉ cuối cùng cho bản thân. Năm Đinh Hợi 1888, mẹ ruột cùng em trai Ưng Đậu và em gái Như Cư của vua Đồng Khánh còn đúc đại hồng chung dâng cúng Mẫu ở điện Huệ Nam nữa.
Vua và cả hoàng thân quốc thích đã vậy thì hàng ngũ quan lại triều thần cùng đông đảo nhân dân cả nước càng sùng tín Mẫu; càng tin rằng núi Ngọc chính là thánh địa để cúng cầu, hầu lễ, hành hương. Mặc dù Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo chính thức thành lập vào năm 1965, trụ sở đặt tại 252 đường Chi Lăng, TP. Huế, song có thể khẳng định tín ngưỡng này hưng thịnh nhất lại là cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nhiều vị bô lão bảo:
- Hồi đó, mỗi lần trẩy hội điện Hòn Chén, khách thập phương dồn về kín kịt cả khúc sông Hương suốt một tuần liền, tưng bừng náo nhiệt khôn tả.
Tưởng cũng nên biết thêm: giai đoạn ấy, nước ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, thiên tai và dịch bệnh xảy ra liên tục, dân chúng nghèo khốn và lạc hậu luôn rơi vào trạng thái bất an nên hằng trông chờ sự phù trợ từ cõi vô hình. Còn theo BAVH, “những người Tây cứng đầu” dám táo tợn gọi điện Hòn Chén là “la Pagode de la Sorcière / ngôi chùa của mụ phù thuỷ”, cớ sao họ vẫn béo tốt phây phây?
Ngồi trước mũi thuyền rồng giữa dòng Hương, hoặc leo lên đồi Vọng Cảnh bên hữu ngạn, tôi cũng như nhiều du khách thảy đều thừa nhận rằng phong cảnh quanh núi Ngọc hữu tình và hùng vĩ làm sao. Đúng như mấy vần thơ chữ Hán của Nguyễn Đức Quân treo trong nội điện đã mô tả:
Đệ lâm bích thuỷ, long lai viễn,
Nhất vọng thanh sơn, hổ cứ hùng.
Phan Thuận An, trong sách Kiến trúc cố đô Huế (NXB Thuận Hoá, Huế, 1995), dịch:
Bên dòng nước biếc như rồng lượn,
Ở chốn non xanh tựa cọp ngồi.
Toàn bộ các công trình kiến trúc xinh xắn của điện Hòn Chén đều toạ lạc lưng chừng sườn đông nam núi Ngọc. Trung tâm là Minh Kính Đài có diện tích mặt bằng 255m², được chia làm 3 cung. Cao nhất là Minh Kính cao đài đệ nhất cung, còn gọi Thượng cung hay Thượng điện, dùng để thờ thánh mẫu Thiên Y A Na, thánh mẫu Vân Hương và… vua Đồng Khánh cùng một số thánh thần thượng đẳng khác. Kế tiếp là Minh Kính trung đài đệ nhị cung, còn gọi Cung Hội đồng, thờ Phật và hàng chục thần thánh, dùng làm nơi thiết trí loạt tự khí dùng để rước sắc. Sau rốt là Minh Kính tiểu đài đệ tam cung, còn gọi Tiền điện, là chỗ đặt trống chuông, là nơi cử hành tế lễ. Nội thất Minh Kính Đài thuộc diện “tuyệt đối trang nghiêm, bất khả xâm phạm”, nên không phải ai ai cũng được vãng lai dịp đại lễ hội, kể cả đông đảo tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo.
Nhờ sự giúp đỡ sốt sắng của các nhân viên bảo vệ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế – cơ quan hiện đang giữ nhiệm vụ quản lý và duy tu điện Hòn Chén – nên ngay kỳ thu tế, tôi được lọt vào Minh Kính Đài để “xem tận mắt, sờ tận tay” nhiều đồ tự khí được chế tác tự xửa xưa: hàng loạt bài vị và tượng thần thánh cùng cờ quạt, tàn lọng, phụng liễn, long đình. Trên Thượng điện có cái mão chạm trổ cửu long bằng vàng ngọc rất cầu kỳ, đang được thờ trong hộp kính. Một nhân viên bảo vệ giới thiệu với tôi rằng đó là mão của vua Đồng Khánh lưu lại. Nhìn quanh, tôi còn thấy nhiều di vật của vị vua nổi tiếng “thích chuyện huyền bí và hết sức tôn sùng Đức Thiên Y A Na tại điện Hòn Chén” (theo Nguyễn Phúc tộc thế phả – NXB Thuận Hoá, Huế, 1995, trang 377). Đó là những bức hoành, câu đối, thơ phú do vua ngự bút tôn vinh Mẫu; và một số tranh ảnh do ngài thành tâm cúng dường. Tôi hết sức lạ mắt trước những đao kiếm sơn son thếp vàng cùng các đồ thờ dành cho lễ rước sắc: nào kiệu, nào ngai, nào võng song loan. Hầu hết cổ vật ở đây được trưng bày rất bề bộn nhưng lại gây hiếu kỳ cho bất kỳ ai có dịp mục kích.
Bên phải Minh Kính Đài là nhà Quan Cư, viện Trinh Cát, chùa Thánh. Bên trái là dinh Ngũ Hành tiên nương, bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban tức Thần Hổ. Lại có miếu thờ Quan Thánh Đế Quân và miếu thờ vị tiền nhân họ Lê khai canh làng Hải Cát. Rải rác còn có một số am và bệ thờ nhỏ, như am cô Ngọc Lan, am Trung Thiên. Dưới chân núi, sát bờ sông, có miếu Thuỷ Phủ thờ Thuỷ Long tôn thần.
Du khách ghé Huế, thăm viếng Kinh thành, cung điện, chùa chiền, lăng tẩm, v.v., thảy đều bắt gặp con rồng xuất hiện với tần số cao trong các hoạ tiết trang trí nội ngoại thất. Ghé điện Hòn Chén sẽ thấy khác. Ở đây, chim phượng hoàng lại chiếm ưu thế. Bờ nóc, bờ quyết Minh Kính Đài cùng các viện, dinh, am, miếu, và nhiều hiện vật tại khu di tích này đều được đắp, khắc, hoặc vẽ phượng hoàng vì loài chim này tượng trưng cho phái nữ. Phải thôi, nơi thờ Mẫu mà lị! Nếu leo lên đỉnh núi Ngọc, khách sẽ thấy một ngọn núi uy nghi vươn lên cách đó không xa. Được xem là chủ sơn của đất Phú Xuân, ngọn núi cao 427m ấy cũng mang tên loài chim phượng hoàng: núi Kim Phụng.
Điện Hòn Chén là 1 trong 16 công trình kiến trúc triều Nguyễn ở Huế được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới vào ngày 11-12-1993. Điện Hòn Chén cũng được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT ban hành ngày 26-9-1998.
Khi ông đồng bà cốt hành hương
Tháng bảy vía cha, tháng ba vía mẹ. Con nhang đệ tử mọi miền đều nhắc nhau thế để nhớ 2 kỳ đại lễ hành hương về điện Hòn Chén hằng năm. Có thể suốt 4 mùa, do bận mưu sinh, họ không tới phổ hầu giá được, nhưng nhất thiết 2 vía trọng này thì chẳng bỏ qua.Thật ra, theo bản 51 lễ vía thường niên do Tổng hội Thiên Tiên Thánh giáo quy định thì ngày 2 tháng 3 âm lịch là vía huý nhật, ngày 5 và 6 tháng 3 âm lịch là vía sinh nhật thánh mẫu Vân Hương tức bà chúa Liễu. Còn 2 ngày tốt thượng tuần tháng 7 âm lịch lại là rước sắc nữ thần Thiên Y A Na đến đình làng Hải Cát làm lễ thu tế. Trước kia, khách trẩy hội điện Hòn Chén dịp tháng 7 nghìn nghịt từ 5 ngày đến 1 tuần liền; nay chỉ còn 3 ngày: mùng 8 tới mùng 10.
Ông Lê Văn Ngộ – phó ban tổ chức đại lễ thu tế điện Hòn Chén – cho tôi biết:
- Ban bảo trợ điện Huệ Nam đứng ra xin tổ chức lễ hội truyền thống này dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, sự giúp đỡ của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Dịp lễ năm nay, hàng ngũ tín đồ gần xa đăng ký về dự gồm 31 bằng án và 35 châu án. Còn số lượng cụ thể bao nhiêu lượt người thì chúng tôi không tài nào nắm chính xác nổi!
Bằng án là thuyền kết đôi kết ba. Châu án là thuyền đơn. Trên thuyền có lập bàn thờ Mẫu và chư vị. Trước thuyền, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thuỷ Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hoá Điện, Sòng Sơn Vọng Từ. Khá nhiều am phổ từ Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Đăklăk, Lâm Đồng. Cũng thấy am phổ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Hầu như toàn bộ thuyền rồng du lịch sông Hương đều được thuê mướn suốt 3 ngày đêm. Không đủ thuyền rồng thì người ta thuê cả đò chở cát sạn hoặc đò chài lưới để kết bằng án, châu án.
Từ trung tâm thành Huế, các bằng án và châu án treo cờ xí, giăng đèn đóm, nổ máy bơi ngược dòng Hương lên điện Hòn Chén. Trên mỗi chiếc, con nhang đệ tử luân phiên cúng bái và hầu giá trong lời ca tiếng nhạc của cung văn được khuếch đại âm lượng qua dàn thiết bị điện tử. Người ta đua nhau tung vàng mã xuống mặt nước, ban đêm còn thả thêm hoa đăng. Con sông vốn dĩ tĩnh lặng nay bỗng sôi động hẳn với muôn hồng ngàn tía và thập cẩm âm thanh.
Tôi thử đếm cả dãy bằng án, châu án đậu san sát mép sông quanh chân núi Ngọc, đã thấy vượt quá số đăng ký chính thức. Tính bình quân mỗi chiếc chứa 25 người thì lượng ông đồng bà cốt trẩy hội đã xấp xỉ 3.000 người. Lại còn hàng trăm đò nghe chở con nhang đệ tử cặp kè theo các bằng án, châu án. Ấy là chưa kể lớp lớp du khách dồn về theo đường thuỷ lẫn đường bộ. Ước tính không dưới 1 vạn lượt người đến điện Hòn Chén trong đại lễ hội này. Như nhiều danh thắng khác, mỗi người cứ đặt chân vào cổng điện đều phải mua vé tham quan. Gía mỗi vé hiện nay (Canh Dần 2010): khách nước ngoài 20.000 đồng, khách trong nước 10.000 đồng. Chà chà, phen này Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế “trúng quả đại chang” nhé!
Như đã nói, đại đa số đệ tử của Mẫu thuộc giới thợ thuyền hoặc tiểu thương mà chiếm tỉ lệ cao luôn là phái nữ. Trong đội ngũ cô Năm cô Ba lụa là son phấn, không ít nàng trẻ đẹp hệt người mẫu thời trang. Qua tìm hiểu, tôi được biết một số trường hợp con nhang cả nữ lẫn nam thuộc nếp nhà khá giả, có kẻ là học sinh, sinh viên, thậm chí giáo viên. Đặc biệt, rất dễ nhận ra sự hiện diện của một số ca sĩ cùng diễn viên sân khấu và điện ảnh thuộc hàng “sao” nữa!
Tôi ngạc nhiên vô cùng khi bất ngờ thấy một ông đồng áo khăn đỏ choét, hú hét om sòm, và ngoáy tít đại đao. Ngại mình nhìn nhầm, tôi cố nhận diện thật kỹ. Đúng rồi! Trúng ngay chóc! Không ai khác, đích thị Phó Giám đốc một cơ sở tư doanh ở TP.HCM. Hễ có dịp, gã này luôn rôm rả nói chuyện bài trừ… mê tín dị đoan! Thật hết biết!
Lễ chính là rước sắc thánh mẫu Thiên Y A Na từ Minh Kính Đài lên đình làng Hải Cát bằng đường thuỷ. Một đám rước chưa từng thấy. Đầy đủ hoa hương, chuông trống, cờ quạt, kiếm cung, tiền hô hậu ủng. Dẫn đầu là thần Hổ với các ông Bảy, ông Chín Thượng Ngàn.
Lần nữa, tôi gặp may: được quá giang ngay trên bằng án chính cung nghinh Mẫu. Thuyền đến đâu đều thấy trên bờ, dưới nước, lớp lớp trẻ già chấp tay vái lạy theo rần rần.
Một thể nữ mắt phượng, mày ngài, đứng hầu kiệu, bỗng dưng khều tay tôi. Nàng chúm chím cười và nói:
- Số anh sướng lắm, luôn được Mẫu đoái thương!
Đôi điều thiển nghĩ
Đình làng Hải Cát cũng nằm ven tả ngạn dòng Hương, cách điện Hòn Chén chừng 2km về phía thượng nguồn. Lúc cả đoàn cung nghinh Mẫu vượt sóng nước tới nơi thì trời vừa sụp tối. Người ta thắp điện đèn sáng rực, long trọng thỉnh Mẫu vào chính điện để tiến hành lễ thu tế, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, nhà nhà sung túc.Và suốt đêm ấy, trên hàng chục bằng án lẫn châu án đỗ dài trước bến đình, các đồng cô bóng cậu lại cóc cheng nhảy vọt phép phù, mệt thì thay nhau nghỉ ngơi, ăn uống. Mai lại rước Mẫu hồi loan, trở về núi Ngọc.
Đêm ấy, lang thang với vài đồng nghiệp trên bãi sông trước đình làng Hải Cát, nhiều điều liên quan Thiên Tiên Thánh giáo, gọi gọn là đạo Mẫu, khiến tôi băn khoăn suy nghĩ.
Trẩy hội điện Hòn Chén và xuân tế lẫn thu tế đình làng Hải Cát quả là phong tục cổ truyền mang đậm bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương vùng Huế nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung. Tương tự loạt lễ hội ở đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), đền Bảo Hà (Lào Cai), đền Đuông (Vĩnh Phúc), đền Bà Đế (Hải Phòng), đền Sinh và đền Hoá (Hải Dương), đền Mẫu (Hưng Yên), phủ Tây Hồ (Hà Nội), phủ Dầy (Nam Định), đền Sòng (Thanh Hoá), đền Cờn (Nghệ An), tháp Bà (Khánh Hoà), núi Bà Đen (Tây Ninh), miếu Bà Chúa Xứ (An Giang), v.v. Xét nghi thức hành lễ liên quan những di tích ấy, rõ ràng đồng bóng đóng vai trò chủ đạo. Gắn chặt với đồng bóng đích thị chầu văn / hát văn / hát bóng, một hình thức lễ nhạc dân gian rất lý thú với nhịp ngoại / đảo phách thể hiện qua lưu không / nhạc không lời và 13 điệu / lối hát: bỉ, miễu, thổng, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm, dồn. Tham dự Liên hoan Giọng hát vàng ASEAN 2008, NSƯT Hồng Ngát trình diễn hát văn Hầu xá thượng và đoạt Huy chương vàng quá xứng đáng.
Tuy nhiên, đồng bóng lại là hủ tục, là mê tín quàng xiên! Trong thời đại phát triển khoa học kỹ thuật ngày nay, hỏi còn gì lạc hậu cho bằng việc phòng và chữa bệnh theo liệu pháp nhảy lom xom, dán bùa chú, uống tàn nhang nước thải? Còn gì mê lầm cho bằng kiểu trấn an tâm lý theo lối “thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay” cực kỳ phung phí?
Dĩ nhiên, muốn hạn chế và dần dần xoá bỏ tệ mê tín đã hằn sâu vào nếp nghĩ dân chúng tự bao đời, không thể áp dụng cứng nhắc các biện pháp hành chính cực đoan, mà phải bằng hệ thống tác động lâu dài toàn diện, như ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh từng đề xuất trong chuyên luận Tín ngưỡng dân gian Huế (sđd). Báo chí cùng các thể loại văn học nghệ thuật chắc chắn đã, đang, và sẽ góp phần hữu hiệu trong nỗ lực trường chinh đầy gian khó này.
Một mai, đời sống vật chất lẫn tinh thần của toàn xã hội được nâng cao, tri thức khoa học tiên tiến được phổ biến sâu rộng và cập nhật đến tận thôn cùng xóm vắng. Lúc ấy, con người tự giải phóng mình khỏi “vòng kim cô” hủ tục; đồng thời biết trân trọng kế thừa, nỗ lực phát huy những phong tục dân tộc truyền thống với tinh thần văn hoá và nhân bản.
Đã đăng:
* Thế Giới Mới 320 (11-1-1998) & 321 (18-1-1998)
* Kiến Thức Ngày Nay 706 (20-3-2010) & 707 (1-4-2010)
Đã in trong sách Huế chừ của Phanxipăng (NXB Thanh Niên, 2000)

Nguồn trích đăng: http://chimvie3.free.fr/43/phanxipn_dongbong.htm


Phường Đúc Đồng- Thừa Thiên Huế



Cách đây vài thế kỷ, nơi đó là một công xưởng đúc đồng lớn, hoạt động rộn ràng một thời, cung cấp cho đàng trong và triều đình nhà Nguyễn những sản phẩm bằng đồng quan trọng như binh khí, đồ lễ nghi, sinh hoạt…Còn nay, Phường Đúc chỉ còn quần tụ trong năm xóm nhỏ với những tên gọi riêng: Giang Đình, Giang Tiền, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Trường Đồng mà người vùng này vẫn quen gọi là năm dãy thợ đúc.


Từ thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục đã từng nhắc nhở đến người Kinh (Kinh Nhơn) và người địa phương (Bổn Bộ) với những sản phẩm bằng đồng khéo tay. Thời bấy giờ, thợ giỏi ở khắp nơi được tập trung về phủ Chúa thành các đội lính thợ trong các ty, cục và cùng làm việc trong một công trường chung (Trường Đồng). Chính vì sự hình thành không từ nhu cầu có tính chất nội tại của một làng xã nông nghiệp mà tính phường hội ở đây không quá khắy khe như những nơi khác. Từ dòng họ Nguyễn đầu tiên đến đây vốn gốc gác ở Bắc Ninh mà ông Nguyễn Văn Lương là ông tổ khai nghiệp, rất nhiều người ngoại tộc đã trở thành rể các chủ lò họ Nguyễn và được truyền nghề như họ Tống, họ Lê, họ Huỳnh…Lớp hậu duệ này đã trở thành những truyền nhân xứng đáng, góp phần làm nên nét đẹp của một làng nghề.


Phường Đúc hiện nay có trên 50 lò với các sản phẩm rất đa dạng: từ đồ lễ nghi như tượng, tráp, quả…cho đến đồ gia dụng như ống bút, bình hoa, xoong, nồi, chảo…Hiện nay đa phần trong số họ tập trung vào việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nghi lễ. Những bàn tay vàng như nghệ nhân Nguyễn Văn Sinh, Nguyễn văn thoạn đã từng chỉ huy nhiều tốp thợ làm nên những công trình lớn như Đại Hồng Chung (chuông lớn), tượng phật, tượng lãnh tụ, doanh nhân, các tác phẩm nghệ thuật…sử dụng đến 4-5 tấn đồng, nổi tiếng từ Bắc đến Nam. Lớp thợ trẻ không kém tài hoa như Nguyễn Văn Tuệ, Tống Viết Tuấn, Nguyễn Văn Viện có thể tạo mẫu hoặc tạo nên những sản phẩm mang phong cách riêng biệt, giành nhiều giải thưởng trong các hội thi toàn quốc.


So với các làng nghề khác ở Huế, Phường Đúc hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt nghề nhộn nhịp nhất. Nét đáng quý là quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ gần như nguyên vẹn. Ngoài việc thay chiếc bệ tạo gió thủ công bằng động cơ thổi khi nấu nguyên liệu, quy trình còn lại hầu như đều làm bằng tay.


Theo dõi quá trình hình thành từ khối đất sét khô cứng với mớ nguyên liệu đồng nát ngổn ngang cho đến lúc sản phẩm được đánh bóng để có thể rời lò đúc và được mang đi khắp nơi, chúng ta mới thấy người thợ đúc đã “mang nặng đẻ đau” ra nó như thế nào.


Từ động tác sú đất, nặn khuôn, giáp khuôn, chèn khuôn, bố khuôn để đưa vào lò cho đến công việc nung khuôn- pha chế hợp kim- nấu chảy nguyên liệu rồi ra cơi, rót khuôn, làm nguội, đánh bóng, nhuộm sản phẩm, đó là một quá trình đòi hỏi không chỉ lao lực mà còn thử thách trí tuệ và tài năng của người thợ. Sản phẩm trọi (hoàn hảo) không chỉ mang ý nghĩa lành lặn và giống như đúc với bản rập (mẫu) về mặt ngoại hình mà còn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn về chất lượng khác. Chẳng hạn, để tạo sự lan toả của một tiếng ngân, âm vang tiếng hát của thành Huế trong câu ca dao:


“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, Canh gà Thọ Xương”


Người thợ đúc Huế đã phải đứng trước thử thách lớn về mặt kỹ thuật. Đảm bảo được sự nguyên vẹn đối với sản phẩm có kích thước lớn là một khó khăn đã đành, tỉ lệ hợp lý giữa thiếc (Sn), chì (Pb), kẽm (Zn), Antimon…trong đồng là cả một bài toán không đơn giản. Chiếc chuông muốn ngân xa thì đồng phải già (hàm lượng thiếc trong đồng phải cao) nhưng đồng già lại đồng nghĩa với hiện tượng dễ vỡ khi va chạm (gõ chuông cũng là một sự va chạm). Điều đó thể hiện trong câu ca dao:


“Chuông già động đến chuông kêu
Anh già giọng nói, em xiêu tấm lòng”


Những tác phẩm bằng đồng tiêu biểu còn lại trên đất Huế ngày nay như vạc đồng, cửu đỉnh, đại hồng chung ở danh lam Thiên Mụ, khánh, tượng hay chín khẩu thần công trước Hoàng Thành Huế… là niềm kiêu hãnh khôn cùng của những người thợ đúc nơi đây.


Đứng trước những tác phẩm bằng đồng đa dạng và tinh xảo của những người thợ đúc Huế, không ai trong chúng ta lại có thể nghĩ rằng đời sống phần lớn trong số họ vẫn còn khó khăn. Từ sự hạn chế về thông tin thị trường và thiếu sự tiếp cận rộng rãi với khách du lịch trong và ngoài nước, sản phẩm của họ không dễ dàng tìm được đầu ra, đôi khi phải bán với giá không tương xứng với công sức đầu tư.


Một thành phố đang chọn hướng phát triển dựa trên ngành công nghiệp không khói như ở Huế, việc ưu tiên phát triển hàng thủ công mỹ nghệ là đặc biệt quan trọng. Với bề dày lịch sử và những tác phẩm bất hủ vượt thời đại của mình, Phường Đúc hiện nay ở Huế xứng đáng là một địa chỉ thú vị cho khách du lịch và những nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự thừa nhận cũng như tiếp nhận nồng nhiệt từ khách hàng chính là nguồn động viên tích cực cho việc nâng cao tay nghề, tạo sự hưng phấn cũng như lòng tự hào về công việc cùa những người thợ đúc đồng Huế.
Việt Báo(Theo website nhavui.com.vn)


 

Phường đúc đồng Huế - làng nghề truyến thống nổi tiếng



Phường nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách thành phố Huế khoảng 3km về phía tây nam, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một làng nghề nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc đồng này gồm 5 xóm là: Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.
Vào thời Chúa Nguyễn, những người thợ giỏi đến từ nhiều nơi được tập trung làm việc trong những công tượng của Chúa gọi là Trường Đồng. Từ dòng họ Nguyễn đầu tiên đến đây vốn gốc gác ở Bắc Ninh mà ông Nguyễn Văn Lương là ông tổ khai nghiệp, rất nhiều người ngoại tộc đã trở thành rể các chủ lò họ Nguyễn và được truyền nghề như họ Tống, họ Lê, họ Huỳnh… Lớp hậu duệ này đã trở thành những truyền nhân xứng đáng, góp phần làm nên nét đẹp của một làng nghề.
Hiện nay, dòng họ Nguyễn vẫn được xem là dòng họ gắn với nghề lâu nhất với 14 đời làm nghề đúc đồng.



Những người thợ tài hoa phường đúc đã để lại cho cố đô Huế các tác phẩm danh tiếng như Đại Hồng Chung, chùa Thiên Mụ; những chiếc vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Đại Nội; Cửu vị thần công đặt trước Ngọ Môn và đặc biệt là Cửu Đỉnh - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi. Đó là những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước.
Ngày nay tại phường đúc có tới 60 lò đúc với khoảng 150 người làm nghề này. Ngoài các sản phẩm thông thường như đúc Đại Hồng Chung, lư hương, các mặt hàng mỹ nghệ, các cơ sở đúc đồng ở phường đúc còn có thể sản xuất những chi tiết máy dùng trong công nghiệp và những linh kiện có tính chính xác cao.
So với các làng nghề khác ở Huế, Phường Đúc hiện nay là một trong những nơi sinh hoạt nghề nhộn nhịp nhất. Nét đáng quý là quá trình kỹ thuật truyền thống vẫn được những người thợ ở đây gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Bóng "ma Hời" nơi tháp cổ


Bóng
Một góc khu tháp của Phật viện Đồng Dương
Với những cứ liệu lịch sử qua nghiên cứu khảo cổ của các nhà khảo cổ học người Pháp đầu thế kỷ 20 đã khẳng định, khu phật viện Đồng Dương chỉ là một kiến trúc Chăm Pa làm nơi thờ cúng.
Kể từ khi đế chế Chăm Pa suy tàn đã để lại bao nhiêu câu chuyện huyền hoặc mà mỗi câu chuyện đều khiến người đương thời tò mò muốn biết và giải mã. Thế nhưng, mãi mãi những bí ẩn nơi tháp cổ vẫn là bí mật với hậu thế. Tất cả đều chôn chặt vào lòng đất lạnh với bao truyền thuyết mang màu sắc liêu trai...
Tháp cổ và bóng "ma Hời"
Những ngày còn bé, tôi cùng đám bạn học kéo nhau lên khu tháp cổ để hái sim và chơi trốn tìm. Thời của những năm 70 của thế kỷ trước, Phật viện Đồng Dương là khu rừng bí ẩn với lũ trẻ chúng tôi. Nhưng với người lớn thì khu tháp cổ là nơi mưu sinh từ rà tìm phế liệu chiến tranh đến việc đào vàng, tìm gạch xây nhà.
Trong tâm trí trẻ con chúng tôi thời đó, Phật viện Đồng Dương ngoài những bức tượng đã rêu phong không dám đụng đến là những bức tường gạch ẩn mình dưới rặng cây cần phải tránh xa. Chỉ có vùng đồi rộng lớn với cơ man nào là sim bầu, chà là chín mọng luôn mời gọi là có quyền hái ăn nhưng không được mang về nhà.
Bóng
Làng Đồng Dương, nơi tồn tại di tích Phật viện với nhiều huyền thoại
Đó là luật bất thành văn của cha mẹ khi những đứa trẻ nếu trót tìm đến vùng tháp cổ. Với chúng tôi, mỗi lần lén tìm đến, ngoài ăn no sim bầu, chà là chín mọng đen rủ nơi gốc vẫn nhớ là không hái mang về nhà. Nếu mang về là bị cha mẹ đánh đòn ngay, vì lo sợ "ma Hời" theo về nhà.
Trong tâm trí non nớt của mình, mãi đến bây giờ câu chuyện những bóng "ma Hời" nơi tháp cổ Đồng Dương vào những đêm đen vẫn còn là nỗi ám ảnh. Những người già trong làng quanh tháp thường kể vào những đêm không trăng, hàng đoàn người không đầu hiện lên than khóc, khiến khu tháp cổ Đồng Dương đối với chúng tôi càng thêm kỳ bí hoang đường.
Ông Trà Tấn Đường, người làng Đồng Dương, hậu duệ của người Chăm nơi tháp cổ đã từng kể cho tôi nghe nhiều chuyện hoang đường về những bóng "ma Hời". Ngày đó ông là người già nhất làng còn nhớ chuyện về khu tháp cổ và những chuyện bí mật mà chỉ có ông mới hiểu tận tường.
Bây giờ ông đã là người thiên cổ về với cát bụi, và những câu chuyện ông kể với tôi thuở còn thơ vẫn đong đầy bao nuối tiếc về một thời huy hoàng của đế chế Chăm Pa xưa.
Bóng
Một góc khu tháp của Phật viện Đồng Dương nằm chìm giữa rừng cây keo
Ngoài những bóng "ma Hời" nơi tháp cổ, những trận đánh ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ mà những người từng tham gia kể lại những ngày sau giải phóng khiến khu tháp cổ là nơi vật vờ những hồn ma vong trận.
Ông Nguyễn Quang Mới, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định (cũ) những năm sau giải phóng nhớ lại trận chiến đẫm máu tại làng Đồng Dương giữa ta và địch vào tháng 12-1965. Câu chuyện chỉ còn là trong trí nhớ, không được ghi vào lịch sử, bởi sự thật quá kinh hoàng mà ông Mới bảo là khúc tráng ca đẫm máu trong cuộc chiến sinh tử.
Đó là chuyện hai bên dàn binh chuẩn bị đánh nhau để chiếm khu tháp cổ Đồng Dương, lực lượng quân giải phóng đào hầm nguỵ trang ẩn nấp chờ lệnh khai hoả. Nhưng không may bọn thám báo phát hiện và cắt đường dây điện báo từ sở chỉ huy kết nối với lực lượng chiến đấu tiền phương đặt tại khu vực ao Vuông cách tháp cổ khoảng 500 m đường chim bay.
Bóng
Khu tháp sáng của Phật viện đang được chống chằng sơ sài và có nguy cơ đổ sập
Không nhận được lệnh khai hoả đánh đoàn xe tăng của địch vì đường dây bị cắt, lực lượng bộ đội nằm yên dưới hầm chờ lệnh.
Lúc đó xe tăng Mỹ bắt đầu càn nát khu vực bộ đội ẩn nấp. Vì biết trước nơi phục kích, nên quân Mỹ đã cho xe tăng càn nát cả khu vực, và cả một trung đội của ta đã hy sinh.
Nhiều trận đánh kinh hoàng giữa quân giải phóng và quân Mỹ vào khu tháp cổ Đồng Dương đã khiến nơi này thành bãi chiến trường suốt nhiều năm với bom, pháo đã biến khu tháp cổ thành bình địa. Vì vậy, khu tháp cổ Phật viện Đồng Dương trở thành nơi hoang phế với những câu chuyện hãi hùng, liêu trai...
Cuộc tìm kiếm kho vàng Hời
Đối với trẻ con, khu tháp cổ Phật viện Đồng Dương mãi mãi là những bí ẩn và nỗi kinh hoàng từ những câu chuyện kể về bóng ma Hời, về những trận đánh ác liệt mà máu chảy thành suối nơi này.
Bóng
Trụ đá còn sót lại nơi tháp sáng của Phật viện Đồng Dương
Câu hỏi và những giả thiết được đặt ra đối với những kẻ khát thèm kho báu cứ thế được đồn thổi. Những năm sau giải phóng, vào đêm tối, trong khu tháp cổ thoắt ẩn thoắt hiện những bóng người từ nhiều nơi đổ về đào bới, và câu chuyện "ma Hời" luôn được đồn thổi để người chung quanh run sợ không dám đến nơi này giúp những kẻ săn tìm kho báu yên tâm đào bới.
Cuộc tìm kiếm cứ thế tiếp diễn suốt mấy chục năm sau giải phóng, người dân nghèo quanh tháp mang họ Trà (một tộc họ duy nhất được xem là hậu duệ của những người Chăm) thì vô tư lên tháp cổ đào gạch đưa về xây nhà.
Việc đào gạch chỉ là cái cớ, bởi cái điều người ta thi nhau đào bới trong khu Phật viện Đồng Dương với mục đích tìm kiếm kho báu vàng Hời và những cổ vật.
Bóng
Nhiều tảng đá nằm chìm dưới cây rừng bị đất đá vùi lấp do nạn đào tìm cổ vật và săn tìm vàng
Rồi công cuộc dựng xây của thời đổi công vào Hợp tác xã, nhiều công trình dân sinh, trụ sở hợp tác xã thời đó cũng được địa phương huy động sức dân lên tháp cổ lấy gạch về xây dựng. Tháp cổ ngày càng lụi tàn bởi chiến tranh và bàn tay tàn phá của con người với lòng tham đi tìm kho báu.
Ông Trà Tấn Dự, một cư dân ở làng Đồng Dương kể lại rằng, ngày còn nhỏ ông lên tháp cổ để chơi, tháp vẫn còn một phần nguyên vẹn, mặc dù bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Sau giải phóng, người dân trong làng lên đào lấy gạch về xây nhà.
Chuyện đào gạch từ tháp cổ về xây nhà thời sau giải phóng được lưu truyền là chỉ có con cháu mang họ Trà mới sử dụng được gạch Chăm lấy nơi tháp cổ và không được mang đi nơi khác. Nếu không phải là con cháu họ Trà, mà lấy gạch Chăm nơi tháp về xây nhà thì bị đau ốm. Chính vì vậy người dân ngoài họ Trà không ai dám đến lấy gạch.
Nhưng sau đó chính quyền địa phương lấy gạch về xây dựng trường học, hợp tác xã. Rồi nhiều người không mang họ Trà vẫn vô tư lên tháp cổ đào bới chẳng thấy ai đau ốm. Thế là người dân ùn ùn kéo nhau về tháp cổ đào bới tìm gạch và tìm cổ vật, săn vàng Hời.
Bóng
Gạch Chăm nơi tháp cổ được người dân đào đưa về xây lò nấu đường
Đỉnh điểm của cuộc đào bới băm nát tháp cổ diễn ra vào năm 1978, khi một nhóm người đào bới trong khu tháp đã phát hiện một tượng đồng. Chính quyền địa phương lập tức lên tịch thu. Nhưng chuyện đồn thổi lan nhanh rằng họ đã đào được tượng đồng đen giá trị quí hơn vàng.
Hai quả lựu trên hai bàn tay của bức tượng được người đào bới thu giữ. May nhờ công an xã đến tịch thu và cất giữ tại xã đến nay như một báu vật.
Tin đồn ngày càng lan nhanh đã khiến nhiều tốp người từ các nơi đổ về lén lút đào bới kiếm tìm nơi tháp cổ vào ban đêm. Thời đó, chính quyền địa phương lo chuyện bảo vệ an ninh trật tự và lo cái ăn, chẳng ai quan tâm đến chuyện đào bới nơi tháp cổ.
Vì vậy, cuộc kiếm tìm đồ cổ, kho báu vàng Hời cứ thế tiếp diễn hết năm này qua năm khác. Khi cả khu tháp cổ gần như bị xoá sổ, những người tìm kiếm bắt đầu mở rộng công cuộc săn tìm ra khu vực xung quanh tháp trong bán kính khoảng 1 km đường chim bay.
Những năm 80 của thế kỷ trước, những người tìm vàng đã phát hiện nhiều bãi vàng dọc sông Ly Ly, suối Ruột Gà. Đặc biệt là bãi vàng trên đỉnh núi Ngang. Những người tìm vàng đã đào đãi và tìm thấy những hạt vàng, đồ trang sức của người Chăm xưa và người ta gọi loại vàng tìm được là vàng Hời.
Ông Trần Hoàng, một thợ kim hoàn nổi tiếng tại Thăng Bình đã từng có một thời thu mua vàng Hời cho biết tuổi vàng Hời rất thấp, nên giá trị không cao. Bên cạnh đó, quan niệm buôn bán vàng Hời gặp xui xẻo nên rất ít người muốn mua loại vàng này.
Theo Vũ Trung (Vietnamnet)

 

Trận Kinh thành Huế 1885

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Trận Kinh thành Huế 1885
Một phần của Chiến tranh Pháp-Nguyễn
Ngomon2.jpg






.
Thời gian 4 tháng 7 - 5 tháng 7 năm 1885
Địa điểm Huế, Việt Nam
Kết quả Quân đội Pháp chiến thắng
Tham chiến
Flag of Vietnam (1802-78).gif Nhà Nguyễn Cờ Pháp Quân đội Pháp
Chỉ huy
Flag of Vietnam (1802-78).gif Vua Hàm Nghi
Flag of Vietnam (1802-78).gif Tôn Thất Thuyết
Flag of Vietnam (1802-78).gif Trần Xuân Soạn
Flag of Vietnam (1802-78).gif Tôn Thất Lệ
Cờ Pháp De Courcy
Lực lượng
12.000-20.000 quân
1.100 khẩu pháo
1.400 quân
17 khẩu pháo
Tổn thất
1.200-1.500 chết
812 khẩu pháo
16.000 súng trường
Bị thương không rõ[1]
16 chết
80 bị thương[2]
.
Trận kinh thành Huế năm 1885 là trận tập kích của quân triều đình nhà Nguyễn vào lực lượng Pháp do Tôn Thất Thuyết chỉ huy.

Mục lục

Hoàn cảnh lịch sử

Bắc Kỳ sau 1884 có thể coi là bị lọt hết vào bàn tay của quân đội viễn chinh Pháp.
Tại Huế, triều đình cũng chia ra 2 phe: phe chủ chiến có hai ông Tôn Thất ThuyếtNguyễn Văn Tường, phe chủ hòa (còn được gọi là "chủ hàng") có Trần Tiễn Thành, Nguyễn Hữu Độ, Gia Hưng quận vương... Với danh nghĩa Phụ chính đại thần, hai ông Thuyết, Tường, nắm hết quyền hành và ra mặt triệt hạ hết các nhân vật của phe chủ hòa và huy động việc kháng chiến từ Trung ra Bắc. Khâm sai Hoàng Kế Viêm trở ra hoạt động tại Sơn Tây, Trương Quang ĐảnBắc Ninh, Tạ HiệnNam Định, Phạm Vũ Mẫn, Nguyễn Thiện Thuật ở các tỉnh khác. Các ông này đều là các quan văn võ cao cấp của triều đình, hưởng ứng lời hịch Cần Vương. Bị Pháp phản đối nhiều lần lại thêm thất trận nặng nề nên lúc này ông Tường phải ngoại giao khéo léo với người Pháp để ông Thuyết ngầm tổ chức kháng chiến. Ở Trung, đoàn quân Phấn Nghĩa có hàng vạn người được bí mật sửa soạn chờ ngày tổng phản công. Tại Tân Sở, phe kháng chiến xây dựng một chiến khu với mục đích bên trong tiếp ứng cho Quảng Bình, Quảng Trị, phía ngoài có thể liên lạc với các miền thượng du Thanh Nghệ và có đường rút sang LàoXiêm La. Quân đội đóng ở đây có hơn một ngàn với hơn 20 đại pháo. Chiến khu này xét ra là con đường lùi của phe chủ chiến một khi cuộc đánh úp đồn Mang Cá của họ bị thất bại. Tôn Thất Thuyết cũng cho chôn giấu ở đây một nửa ngân khố của triều đình, gồm 300.000 lạng vàng, để chuẩn bị khả năng chiến đấu lâu dài.
Vua Kiến Phúc ở ngôi được hơn 6 tháng thì lâm bệnh qua đời ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884) nên em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi đó mới 12 tuổi, lên ngôi, lấy niên hiệu Hàm Nghi. Để đánh dấu những biến cố trên đây, sĩ phu Việt Nam đă có hai câu thơ:
Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường
Khâm sứ Rheinart trách cứ rằng việc đặt vua Hàm Nghi lên ngôi không có xin phép nước Pháp và đại tá Guerrier đem 600 quân cùng một đội pháo binh từ Bắc vào Huế để thị uy. Quân Pháp do thiếu tá Guerrier chỉ huy được lệnh chiếm đồn Mang Cá. Sau đó ông Rheinart và Guerrier sang làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi rồi mới rút binh sĩ về Hà Nội.
Bấy giờ, phái chủ chiến ở Huế vì tương quan lực lượng yếu hơn, nên phải chịu chấp nhận. Mặt khác họ cũng lo tổ chức việc bố phòng để chuẩn bị cho trận chiến đấu sắp đến. Thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết cho đặt 300 khẩu thần công lên mặt thành; dựng các tấm thuẫn đan bằng mây tre và bọc hai lớp da trâu để cản bớt sức công phá của đại bác địch trên mặt thành. Mặt khác, ông đã cho vận chuyển khí giới, lương thực ra Tân Sở (Quảng Trị) là hậu cứ của triều đình.

Kinh thành Huế
Theo người Pháp thì có thể rối loạn to về phía triều đình Việt Nam sau khi Hòa ước Thiên Tân ký vào ngày 27 tháng 4 năm 1885, tức năm Quang Tự thứ 11 (Ất Dậu), giữa Patenôtre đại diện Pháp và Lý Hồng Chương đại diện Thanh triều, Pháp liền dốc toàn lực để tiêu diệt cuộc kháng cự của Cần Vương mà thái độ giờ phút đó rất khả nghi và quan ngại.
Về phía triều định Huế, lợi dụng quân Pháp vừa thua trận ở Lạng Sơn; triều đình gửi công hàm cho Pháp yêu cầu họ rút quân ra khỏi Mang Cá, đồng thời phản đối việc quan lại bị bắt ở Bắc Kỳ, phản đối việc khám xét tàu thuyền và đòi trả lại tiền thuế cho khai thác mỏ và buôn thuốc phiện... Các yêu cầu đó, cùng với việc bố trí phòng thủ, khiến cho Pháp quyết định tiến vào đánh chiếm kinh đô Huế, mục đích là để tiêu diệt cho bằng được nhóm chủ chiến đang nắm ảnh hưởng lớn tại triều đình..
Ngày 21 tháng 5 năm 1885, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp chỉ thị cho Lemaitre- Khâm sứ Pháp ở Huế:
”Không thể không trừng phạt hành vi của viên Thượng thư Bộ Binh nước Nam. Ông cho triều đình nước ấy biết rằng chúng ta không chịu để cho ông Thuyết ở chưc Phụ chánh lâu hơn nữa. Ông phải đòi người ta bãi chức ông ấy và đưa đi xa...”.
Cuối tháng 5 năm 1885, tướng De Courcy được bổ làm Toàn quyền chính trị và quân sự tại Bắc và Trung Kỳ. Vừa đến Việt Nam, ông ta tuyên bố: ”Cái gút thắt của vấn đề Việt Nam là ở Huế...”. Ngày 18 tháng 4 năm Ất Dậu (tức 12 tháng 5 năm 1885), tướng De Courcy vừa sang tới Bắc Kỳ đã vào ngay Huế bàn việc giao thiệp giữa ông với Nam triều. Ngày 2 tháng 7 năm 1885, De Courcy đến Huế, cùng đạo quân gồm 1 tiểu đoàn lính Phi châu dưới quyền chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Metziuyer, trong đó có 16 sĩ quan và 870 binh lính; 1 đơn vị đặc nhiệm lấy từ tiểu đoàn quân sơn cước do Boines chỉ huy, gồm 3 sĩ quan và 157 lính. Tổng cộng có 19 sĩ quan và 1024 binh lính.
Viên tướng Pháp yêu cầu Nam triều ra lệnh cho sĩ phu và dân chúng tuân phục hoàn toàn chính thể bảo hộ. Để đáp lại việc Tôn Thất Thuyết cho chĩa đại bác từ Đại Nội vào đồn Mang Cá, phía Pháp cho thiếu tá Pernot dẫn quân tuần tiễu quanh Đại Nội. Người thay Rheinard (lúc đó vẫn chỉ là một quan chức nhỏ) là Lemaire, cựu công sứ Pháp tại Thượng Hải thuyết phục được Tôn Thất Thuyết rút đại bác khỏi các vị trí bố phòng nhắm vào quân Pháp. Nhưng phía Pháp không biết được rằng Tôn Thất Thuyết sau khi rút đại bác ra đã bí mật cho chở chúng lên căn cứ Tân Sở.[3]
De Courcy có ý nhân dịp này bắt Tôn Thất Thuyết ngay giữa cuộc đàm phán, do ông này là linh hồn của phe chủ chiến. Thuyết biết mưu này liền cáo ốm không sang và để Nguyễn Văn Tường cùng Phạm Thận Duật sang gặp De Courcy. Theo đại úy Gosselin, nhược điểm lớn nhất của De Courcy là việc ông này hoàn toàn mù quáng về tình hình Việt Nam. Ông cứ tưởng triều đình và dân chúng An Nam khiếp nhược trước sức mạnh của Pháp, và đề nghị với Paris giải quyết tình hình bằng vũ lực.[4]
Khi hiệp thương với Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật, tướng De Courcy đã yêu cầu chỉ khi nào Tôn Thất Thuyết lành bệnh thì mới định ngày vào gặp vua, đồng thời cử bác sĩ Maugin sang chữa bệnh cho ông, đòi ông Thuyết nếu ốm thì nằm cáng mà sang sứ quán Pháp nhưng Thuyết không chịu. Ngoài ra, Pháp còn đặt điều kiện là khi phái đoàn vào đến Hoàng thành, vua Hàm Nghi phải bước xuống ngai vàng đích thân ra đón. Ông ta còn đòi tất cả nhân viên trong phái đoàn của Pháp, phải được đi vào Đại Nội bằng của chính Ngọ Môn chứ không chịu đi một mình. De Courcy khước từ quà tặng của vua Hàm Nghi, và tuyên bố "nếu các người muốn yên ổn, thì trong 3 ngày phải nộp 200.000 thỏi vàng, 200.000 thỏi bạc và 200.000 francs". Sự ngạo mạn và lăng nhục của phía Pháp khiến phe chủ chiến tức giận và quyết định ra tay trước

Diễn biến trận đánh


Binh lính thời nhà Nguyễn
Ngày 4 tháng 7 (tức 22 tháng 5 âm lịch), Tôn Thất Thuyết lệnh cho binh sĩ đặt đại bác hướng về phía tòa Khâm Sứ và đồn Mang Cá là hai địa điểm đóng quân của địch. Gần tối, Trần Xuân Soạn lần lượt cho đóng hết các cửa thành và đặt thêm súng thần công ở phía trên. Đêm đó, Tôn Thất Thuyết bí mật chia quân ở các dinh vệ làm hai đạo; một đạo giao cho em là Tôn Thất Lệ chỉ huy, nửa đêm dùng đò vượt sông Hương, sang hợp cùng với quân của Đề đốc thủy sư và Hiệp Lý đánh úp Tòa Khâm Sứ. Ngay trong đêm, họ đã phối hợp cùng 5.000 thủy binh của triều đình ở các trại dọc bờ sông để nổ súng tấn công. Pháo binh ở đông nam kinh thành Huế cũng nổ súng yểm trợ cho đội quân này.
Tôn Thất Thuyết cùng Trần Xuân Soạn ở bên này sông, sẽ chỉ huy đánh vào Trấn Bình đài; nhằm tiêu diệt đội quân tiếp viện của Pháp mới từ miền Bắc vào đang trú đóng ở đây. Ông còn cử một toán quân mai phục ở cầu Thanh Long, đề phòng Đại tá Pernot là người chỉ huy đội quân ở Mang Cá và các sĩ quan thuộc hạ ở Tòa Khâm Sứ về, qua cầu này thì đánh úp ngay[5]. Tôn Thất Thuyết chỉ huy đội quân thứ ba, đóng ở Hậu Bộ phía sau Đại nội vừa làm nhiệm vụ trợ chiến vừa làm dự bị.
Đêm 4, sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885, trong khi người Pháp khao thưởng quân đội thì vào một giờ sáng Thuyết và Soạn cho bắn một phát đại bác làm hiệu lệnh để nhất tề tấn công vào Trấn Bình Đài, trong khi đó, bên kia sông, Tôn Thất Lệ chỉ huy quân cũng đồng loạt tấn công vào Tòa Khâm Sứ và Sứ quán Pháp. Tiếng đại bác vang động khắp kinh thành.

Kinh thành Huế
Quân Pháp bị bất ngờ nhưng vẫn giữ thế thủ để chờ buổi sáng. Họ ẩn núp trong trại không chịu ra ngoài trong khi đại bác quân Nguyễn bắn sập mái nhà và lầu tòa Khâm Sứ. Còn phía đồn Mang Cá thì thậm chí Trần Xuân Soạn đã dùng cả tù nhân được sung binh đi phóng hỏa trại quân Pháp. Quân Nam hò reo và liên tục bắn súng. Nhà cửa trong Tòa khâm sứ cháy tứ tung, khói lửa bốc lên ngùn ngụt, thiêu cháy nhiều trại lính, chuồng ngựa. Quân Nam quyết tràn vào chiếm Tòa, một toán quân Pháp do trung úy Boucher nổ súng chống cự, ngăn chặn quân Nam tràn vào. Lính Pháp đang ngủ, chợt thức dậy, kẻ bị bắn, kẻ bị chết cháy, số bị thương khá nhiều. Một số sóng sót chạy ra vơ lấy súng ống, mình trần như nhộng, nhiều người không kịp mặc áo. Họ được lệnh tập trung ở một địa điểm xa tầm đạn của quân Nam. Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá cách xa 2500m và ngăn cách bằng dòng Sông Hương, vì thế họ không thể cứu viện lẫn nhau.
Về tình hình ở Tòa khâm sứ vào đêm hôm đó, A.Delvaux (ngoại vụ Pais) đã viết trên BAVH- 1916 như sau (BAVH 1916, sdd tr 76):
"Một trong những phát đạn đại bác bắn từ ổ pháo phía Đông đã làm thủng mái và nền nhà của nhà Phái bộ (tức Tòa Khâm sứ).
Các trại lính của đại đội 27 và 30 của Tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến bị cháy cùng một lúc với chỗ để đồ đạc của Phái bộ và các nhà hậu cần. Binh lính chạy đến bức tường bằng cửa phía trước của tòa nhà đối diện với trại binh. Ông De Courcy chỉ huy 160 người, bố trí cứ một cửa sổ hai người, biến ngôi nhà thành một pháo đài. Hàng loạt đạn súng trường bắn ra nhưng quan trọng nhất là sáu cỗ đại bác ở góc đông của Kinh thành đã cầm chân 1500 quân tấn công không có nhiều súng ống và ở cự ly xa. Cũng may là căn nhà để điện thoại ở cách xa nhà phái bộ 300m không bị đạn, nhờ vậy mà ông tướng (tức De Courcy) có thể liên lạc với đồn Thuận An. Ông tướng bị kẹt trong gian nhà chính giữa rất lo cho số phận của đồn Mang Cá. Đến sáng thì khẩu đội pháo gồm hai khẩu đại bác hướng nòng về phía Tây nhà phái bộ đã bị một trung đội thủy quân lục chiến tiến đánh tập hậu và chiếm được..."
Khi mặt trời hé mọc, quân Pháp phản công. Họ chở súng lên đài và nóc tàu bắn qua hạ được quân Nguyễn rất nhiều, Hoàng thành và cung điện nhiều nơi bị phá hủy. Pháo hạm Javelin cấp tập bắn dọn đường cho bộ binh Pháp phản công. Dưới sự chỉ huy của Pernot, quân Pháp chia quân làm 3 cánh để tiến vào kinh thành. Họ xung phong từng đợt một, chiếm lĩnh các vị trí cửa chắn then chốt, để tràn vào các cửa Đông Ba, Thượng Tứ, Chánh Đông, Chánh Tây, An Hòa… Một toán từ Cửa Trài phá cầu Thanh Long, vượt sông Ngự Hà tiến vào Lục Bộ, cố tấn công cửa Hiển Nhơn để mở đường vào Đại Nội. Toán quân thứ hai vượt Cầu Kho, tấn công quân Nam đang tử thủ ở vườn Thượng Uyển, đồng thời cũng để tiếp ứng cho toán quân đang tìm cách phá vỡ cửa Hiển Nhơn (cửa phía Đông vào Đại Nội).
Bị bất ngờ phản công, ban đầu quân Nam chống cự rất anh dũng, bắn thủng ruột thiếu úy Pellicot. Các vọng lâu được sử dụng làm pháo đài, trên thành, quân Nam bắn xuống xối xả. Quân Pháp đánh vào một pháo đài có chứa thuốc súng, nhưng pháo đài bốc cháy, một toán quân Phi và một chỉ huy bị nổ tung, chết cháy ngay tại trận.
Về bên phía Tòa Sứ, đoàn quân của Cheroutre cũng tiến sang... Họ cố tràn lên, nhưng bị quân Nam nổ súng chặn lại. Trung úy Lacroix bị thương; thiếu úy Heitschell khi sắp qua cầu thì một thùng thuốc súng phát nổ, bị chết cháy tại chỗ. Cuối cùng, quân Pháp cũng tiến được vào thành, cùng lúc đó, quân của Bornes và Sajot cũng vừa tiến vào
Trước sự phản công của quân Pháp, quân triều đình không giữ được thành, cả hai đạo quân của triều đình ở bên trong và bên ngoài chống không nổi, tan vỡ, tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba. Tại đây đã họ bị toán quân của Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. Cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra: hơn 1.500 người dân và binh lính triều đình đã ngã xuống trong đêm hôm đó vì bị trúng đạn của Pháp, hay một số do chen lấn, giẫm đạp lên nhau khi cố vượt ra khỏi Kinh thành. Hầu như không có gia đình nào không có người bị tử nạn trong đêm binh biến này.
Quân Pháp tiến được vào thành, họ hạ cờ triều đình Huế xuống, treo cờ tam tài lên kỳ đài. Sau đó, họ tiếp tục tiến vào Đại Nội, rồi ra sức đốt phá, hãm hiếp, giết chóc, cướp bóc không từ một ai. Một toán quân Pháp đốt trụi trụ sở Bộ Lại, Bộ Binh và các kho thuốc súng. Quân Pháp chia nhau chiếm giữ các kho tàng, cung điện, thu được nhiều vàng bạc và số tiền hơn một triệu quan, là số tiền mà triều đình không kịp mang đi... Trưa hôm đó, họ chia nhau đi đốt hoặc vùi lấp những thi hài của quân và dân Nam chết trong trận đánh.
Nguyễn Văn Tường thấy thế nguy liền vào Nội yêu cầu nhà vua xuất cung. Hữu quân Hồ Văn Hiển phò giá, đưa Hoàng gia ra cửa tây nam. Từ Dũ thái hậu ủy Tường ở lại lo việc giảng hòa, Thuyết chạy kịp theo, còn chừng trăm người.

Kết cục

Theo báo cáo của tướng De Courcy sáng ngày 5 tháng 7 cho Toàn quyền Đông Dương:
"Huế, ngày 5/7 vào lúc 3 giờ sáng. Phái bộ và Mang Cá bị bất ngờ tấn công bởi toàn bộ binh lực của Kinh thành. Toàn thể khu vực của Thủy Quân lục chiến bằng nhà tranh xung quanh Phái bộ đều bị đạn pháo và người đốt cháy. Tòa nhà phái bộ nguyên vẹn. Không có tổn thất gì đáng kể. Không có tin tức gì về Mang Cá là nơi đóng quân của tiểu đoàn 3 lính Phi châu. Kinh thành bị bốc cháy nhiều nơi; súng lớn và súng nhỏ nổ nhiều. Tôi nhìn theo hướng của hỏa lực, tôi chắc rằng địch đã bị đẩy lui. Tôi bảo vệ được căn nhà tranh đặt điện thoại. Tôi đã ra lệnh cho Hải Phòng đưa quân đóng ở đó vào. Tôi không thấy có gì đáng lo ngại.
De Courcy
Huế, ngày 5 tháng 7 vào lúc 11 giờ sáng".
"Kinh thành đã nằm trong tay chúng tôi với 1100 cỗ đại bác.
Quân đội chiến đấu tuyệt vời, đầy tin tưởng. Các thiệt hại khá lớn.
Quân Annam tấn công lúc 1 giờ sáng cùng một lúc về phía khu vực trong Kinh Thành, nơi chúng tôi đóng, và về phía khu vực Phái bộ (tức đồn Mang Cá).
Những kẻ tấn công với hơn 30.000 người, lúc đầu đã đốt cháy chỗ đóng quân bằng nhà tranh ở Mang Cá, và chỗ đóng quân Thủy quân lục chiến ở khu vực Phái bộ.
Tất cả trang thiết bị đều bị cháy trụi, nhưng cứu được đạn dược và lương thực. Ngôi nhà phái bộ mang nhiều vết đạn pháo.
Tôi đang tổ chức phòng thủ để đẩy lùi đợt tấn công có thể xảy ra vào tối mai, tối thiểu cũng nhằm vào Phái bộ.
Không có gì phải lo ngại. Điều binh có trật tự để củng cố đồn.
De Courcy"
Kiểm điểm lại trận đánh tại Kinh thành đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), thất bại hoàn toàn về phía triều đình Huế. Pháp chỉ chết có 16 người, bị thương 80 người, còn quân Nam chết đến 1.200-1.500 người. Quân Pháp khi chiếm được kho vũ khí thu được 812 súng thần công, 16.000 súng hỏa mai, khí giới, lương thực mất đến hàng triệu bạc. Dù đã chuẩn bị khá cẩn thận trong việc tấn công đồn địch, nhưng vì thiếu thông tin liên lạc, nhất là khi phải đánh đột kích trong đêm tối, hơn nữa vũ khí yếu kém, không có sức công phá lớn và không thể bắn được tầm xa nên quân Nam đã thua trận. Quân Pháp chiếm được một số lớn của cải mà triều đình chưa kịp chuyển đi, gồm 2.6 tấn vàng và 30 tấn bạc, trong số này chỉ có một phần rất nhỏ sau này được hoàn lại cho triều đình Huế. Còn lại, số 700.000 lạng bạc phải được 5 lính Pháp đóng hòm trong 5 ngày mới xong và chở về Pháp.[6]
Sáng ngày 23, vua Hàm Nghi rút lui khỏi Huế, xa giá nghỉ ở Trường Thi một lát rồi lên đường đi Quảng Trị. Nguyễn Văn Tường được lệnh ở lại thu xếp mọi việc. [7] Trưa hôm ấy, ông nhờ giám mục Caspard đưa ra gặp thống tướng De Courcy, ông Tường được đến trú tại Thương bạc viện và bị đại úy Schmitz coi giữ. Pháp buộc ông ta nội hai tháng phải thu xếp cho yên mọi việc. Ông Tường gửi sớ ra Quảng Trị xin rước Tam cung (bà Từ Dũ Thái hoàng thái hậu, mẹ đức Dực Tông, bà Hoàng thái hậu là vợ đức Dực Tông và là mẹ nuôi ông Dục Đức, Kiến PhúcĐồng Khánh.
Trong khi đó, Thuyết đem vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) người Pháp treo giải 2000 lạng bạc cái đầu của ông Thuyết và ai bắt được vua Hàm Nghi thì được thưởng 500 lạng.
Từ Dũ thái hậu viết thư mấy lần khuyên cháu trở về nhưng vô hiệu. Từ Trung ra Bắc, phong trào Cần Vương bắt đầu. Sau biến cố này, mọi việc trong triều do khâm sứ Pháp điều khiển hết. Giữa hôm vua Đồng Khánh bước lên ngai vàng thì Tôn Thất Thuyết tung ra bài hịch Cần Vương. Sau đó hai tháng người Pháp cách chức Nguyễn Văn Tường đày đi Haiti, lập vua Đồng Khánh lên ngôi ngày 14 tháng 9 năm 1885.
Kể từ đó về sau, ngày 23 tháng 5 âm lịch trở thành ngày giỗ lớn hàng năm của người dân Huế. Năm 1894, bộ Lễ đã cho xây về phía trước Hoàng thành một cái Đàn gọi là Đàn Âm Hồn, đàn có diện tích 1500m2; gần cửa Quảng Đức, là địa điểm mà Tôn Thất Thuyết đã trực tiếp chỉ huy quân triều đình đánh vào đồn Mang Cá, nhưng nay không còn dấu tích. Quan Đề đốc Hộ Thành được cử đến làm chủ tế hàng năm. Hiện nay, trong khu vực Thành Nội Huế (tại ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn) vẫn còn miếu Âm Hồn để tưởng niệm những người chết trong cơn binh lửa.

Chú thích

  1. ^ Lê Minh Quốc, Danh nhân Quân sự Việt Nam, NXB Trẻ, tập 2 tr 53
  2. ^ Phạm Văn Sơn, Việt Sử Toàn Thư, 1961 tr 468
  3. ^ Chapuis, tr. 18
  4. ^ Chapuis, tr. 19
  5. ^ Theo Phan Trần Chúc, trong “Vua Hàm Nghi”, thì tất cả sự chuẩn bị đó của phái chủ chiến đều bị mật thám và Giám mục Caspar ở Kim Long báo cho De Courcy biết.
  6. ^ Chapuis, tr. 20
  7. ^ Tài liệu của giáo sĩ Delvaux viết trong bài La prise de Huế của tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Huế

Tham khảo

  • Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn 1961
  • Danh nhân Quân sự Việt Nam - Lê Minh Quốc tập 2 - NXB Trẻ
  • Oscar Chapuis (2000). The last emperors of Vietnam. Greenwood Publishing Group, Inc. ISBN 1053-1866.


Sự kiện Tết Mậu Thân

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Tết Mậu Thân
Một phần của Chiến tranh Việt nam
Tet-Offensive-Map.jpg


Bản đồ các cuộc tấn công trong sự kiện Mậu Thân.
.
Thời gian Đợt 1: 30-1 đến 28-3, Đợt 2: 5-5 đến 15-6, Đợt 3: 17-8 đến 30-9 năm 1968
Địa điểm Nam Việt Nam
Kết quả Quân đội Hoa KỳQuân lực Việt Nam Cộng hòa giành thắng lợi chiến thuật
Giải phóng quân Miền Nam giành thắng lợi chiến lược:
  • Chiến lược Chiến tranh cục bộ của Hoa Kỳ phá sản.
  • Hoa Kỳ đơn phương xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc.
  • Hoa Kỳ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Paris.
Tham chiến
Flag of South Vietnam.svg Việt Nam Cộng hòa,
Flag of the United States.svg Hoa Kỳ,
Flag of South Korea (bordered).svg Hàn Quốc,
Flag of New Zealand.svg New Zealand,
Flag of Australia.svg Úc
FNL Flag.svg Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam,
Flag of Vietnam.svg Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Chỉ huy
Flag of the United States.svg William Westmoreland Flag of Vietnam.svg Lê Duẩn
FNL Flag.svg Hoàng Văn Thái (chỉ huy chung lực lượng QGP trên toàn miền Nam)
Lực lượng
1.333.546 năm 1967[1][2] Theo công bố của quân Giải phóng miền Nam: 277.000[3]
Việt Nam Cộng Hòa ước tính là 323.000 người, trong đó có 130.000 chủ lực và 160.000 du kích.[4]
Bộ tư lệnh hành quân Mỹ (MACV) ước tính con số 330.000. CIA và Bộ ngoại giao Mỹ ước tính lực lượng quân Giải phóng trong khoảng từ 435.000 đến 595.000. [5]
Tổn thất
Theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (tính trong cả năm 1968):
630.000 chết và bị thương
13.000 xe cơ giới
1000 tàu chiến
700 kho đạn
15.000 đồn bót[6] Theo Hoa Kỳ, VNCH và đồng minh (tính trong cả năm 1968):
Hoa Kỳ: 16.511 chết, 87.388 bị thương
VNCH: 28.800 chết, 172.512 bị thương[7].
Tổng: 45.311 chết, 259.900 bị thương, hàng ngàn mất tích (chưa kể thương vong của Đồng minh Hoa Kỳ).
Theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (chỉ tính trong đợt 1):
150.000 bị loại khỏi vòng chiến (có 43.000 lính Mỹ)[8]
Theo Hoa Kỳ, VNCH và đồng minh (chỉ tính trong đợt 1):
Hoa Kỳ và đồng minh: 4.124 chết, 19.295 bị thương, 604 mất tích
VNCH:4.954 chết, 15.917 bị thương, 926 mất tích
Tổng: 9.078 chết, 35.212 bị thương, 1530 mất tích. 552 máy bay bị phá hủy hoặc hư hỏng. [9]
Khoảng 75.000 tính đến tháng 8/1968[10]
111.514 thương vong tính trong cả năm 1968[11]
.
Sự kiện Tết Mậu Thân là cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của Quân Giải phóng miền Nam trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một sự kiện gây chấn động lớn trên thế giới và là chủ đề gây nhiều tranh luận nhất; nó còn có một vai trò và hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam.
Ba năm sau khi tham chiến trực tiếp, quân đội Mỹ đã ngăn chặn Việt Nam Cộng hòa sụp đổ trong tay quân Giải phóng miền Nam, nhưng quân Mỹ không thể bình định được miền Nam. Nắm được điểm yếu của phía Mỹ là quân đội của họ đã bị sa lầy không thể rút quân về nước, đồng thời dư luận của cả nhân dân và chính giới tại Mỹ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn và phong trào phản chiến ngày càng lên mạnh khi quân đội tham chiến quá lâu tại nước ngoài, phía quân Giải phóng hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn "Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" (Lê Duẩn) để tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.

Mục lục

Hoàn cảnh ra đời

Năm 1965, với việc đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước phụ thuộc vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Với chiến lược Chiến tranh cục bộ, sử dụng hai gọng kìm “tìm - diệt” và "bình định nông thôn", Mỹ tuyên bố sẽ tiêu diệt quân Giải phóng miền Nam trong vòng 18 tháng.[12]
Hầu hết các loại vũ khí trang bị cho quân Mỹ dùng trong chiến tranh đều là những loại mới, như súng trường M-16, đại bác M107 175mm, xe tăng kiểu mới M48 Patton đến máy bay trinh sát điện tử, máy bay F-111, B-52; từ quả mìn mỏng “cây nhiệt đới”, máy dò điện tử đến máy phát nhiễu cực mạnh, bom vô tuyến, bom điều khiển bằng lade, bom napan và chất độc hoá học, v.v… Ở thời kỳ đỉnh cao 1968 -1969, Mỹ huy động đến miền Nam Việt Nam 24 tiểu đoàn thiết giáp (2.750 chiếc, trong đó có 950 xe tăng) và 83 tiểu đoàn pháo binh với 1412 khẩu pháo. Tướng William Westmoreland “tin tưởng rằng nước Mỹ chưa hề cho ra trận một lực lượng tinh nhuệ, thiện chiến hơn lực lượng ở Việt Nam trong những năm 1966-1969”.[13]
Nhưng với hàng ngàn cuộc hành quân lớn nhỏ trên khắp chiến trường miền Nam, mà đỉnh cao là hai cuộc phản công chiến lược quy mô lớn vào mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân Mỹ vẫn không đạt mục tiêu đáng kể nào. Không thể tiêu diệt bộ chỉ huy cũng như các đơn vị lớn nào của quân Giải phóng, mục tiêu bình định sau 18 tháng cuối cùng vẫn dậm chân tại chỗ.[14]
Cũng từ những thất bại về quân sự trên chiến trường, sự nghi ngờ về kết quả các cuộc ném bom miền Bắc và tăng quân Mỹ vào miền Nam trong nhân dân và Quốc hội Mỹ cũng tăng lên. Nhiều nghị sĩ ở Thượng nghị viện và Hạ nghị viện Mỹ đã nhận thấy “tương lai không thể lường được của một cuộc chiến tranh hiện đang có tác động làm rã rời ý chí nhân dân Mỹ” [15]
Nước Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh không có đường ra, chưa biết bao giờ kết thúc. Chính phủ Mỹ không con cách nào ngoài việc tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự. Đến cuối 1967, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 quân và 68.800 quân của các nước phụ thuộc Mỹ. Nếu kể cả khoảng hơn 20 vạn quân đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan, Nhật Bản, Philíppin, Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6, đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Tổng cộng Mỹ đã huy động 70% lục quân, 60% không quân, 40% hải quân, 60% lực lượng lính thuỷ đánh bộ toàn nước Mỹ. Số quân Mỹ huy động lúc cao nhất bằng tổng số lục quân của 5 nước: Anh, Úc, CanadaTây Ban Nha cộng lại. Năm 1967, quân đội VNCH có 552.000 quân, đến cuối năm 1968 cũng đã tăng lên 555.000 quân.[16][17]
Nếu chi phí cho cuộc chiến tranh Việt Nam 1965-1966 là 4,7 tỉ đôla, thì năm 1967 đã tăng lên 30 tỉ, gấp 1,5 lần Mỹ đã chi cho cuộc chiến tranh Triều Tiên trong ba năm. Do chi phí lớn cho cuộc chiến tranh, nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy thoái, thâm hụt ngân sách 4 tỉ đôla, giá cả tăng vọt, lạm phát không kiểm soát được. Ngày 15-4-1967, tại Oasinhtơn, khoảng 40.000 người, có cả những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Tháng 10-1967, nhiều cuộc biểu tình của nhân dân Mỹ chống chiến tranh lan rộng toàn nước Mỹ nhằm mục tiêu: đòi chăm lo tình cảnh cho người nghèo và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ phải lo đối phó với những khó khăn lớn về quân sự, chính trị và tài chính không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trong nước Mỹ.[18]
Tuy vậy, do tương quan lực lượng quá chênh lệch (quân Giải phóng chỉ có hơn 280.000 quân và vẫn chưa có xe tăng, đại bác), quân Giải phóng chỉ có thể đánh tiêu diệt, tiêu hao sinh lực Mỹ ở quy mô nhỏ. Thương vong trong 2 năm 1966-67 tăng cao, khả năng tiếp tế đạn dược cũng dần hạn chế. Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam cuối năm 1967 cũng ra thông báo: "Cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta sẽ còn phải diễn ra rất lâu dài và gian khổ"[cần dẫn nguồn]
Xác định rằng không thể giành thắng lợi quyết định bằng những cách đánh thông thường, Bộ chính trị cho rằng phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ, làm cho Mỹ hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam bằng vũ khí và bom đạn..[18]

Kế hoạch của VNDCCH

Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chủ trương: "Nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, buộc Mỹ phải thua."
Tháng 7 và tháng 8-1967, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6 và chỉ thị của Quân ủy Trung ương.
Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng gợi ý cho “Tổ kế hoạch” do Cục trưởng Cục Tác chiến Lê Ngọc Hiền phụ trách là nên nghĩ đến kế hoạch và cách đánh khác cách đánh “truyền thống” mà lâu nay quân Giải phóng vẫn làm, thì mới có thể giành thắng lợi quyết định. Trong khi “Tổ kế hoạch” còn đang suy nghĩ tìm cách đánh mới, thì TBT Lê Duẩn khi trao đổi với Quân uỷ Trung ương về kế hoạch chiến lược năm 1968 đã đề xuất giải pháp đánh thẳng vào sào huyệt địch trong các thành phố, thị xã. Ý kiến của Lê Duẩn được Quân uỷ Trung ương và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tán thành và trở thành ý định quyết tâm chiến lược năm 1968: chuyển hướng tiến công chiến lược chủ yếu từ rừng núi, nông thôn vào đô thị - nhất là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Tổng bí thư Lê Duẩn nói: “Mỹ không còn con đường nào khác là phát huy sức mạnh quân sự. Đối phó với âm mưu này của Mỹ, ta phải đưa hoạt động quân sự lên một bước mới, đến mức Mỹ không chịu nổi và phải chấp nhận thất bại về quân sự, cô lập về chính trị. Nếu ta thực hiện được, Mỹ sẽ phải rút khỏi miền Nam"[19]
Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh bị sa sút, nên phải gác lại công việc và đi Trung Quốc chữa bệnh. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm, uy thế to lớn trong Đảng Lao động và nhân dân, mọi quyết sách lớn vẫn phải được phê duyệt bởi chủ tịch. Do vậy Hồ Chủ tịch đã có một chuyến về nước ngắn để nghe Quân ủy Trung ương trình bày kế hoạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý những điểm sau: 1. Dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, nhưng cần xem báo cáo của Quân ủy có chủ quan không 2. Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài. 3. Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn như mặt hậu cần bảo đảm. 4. Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân. 5. Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích. 6. Phải làm sao ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được lâu dài (nghĩa là có khả năng thực hiện một cuộc chiến tranh lâu dài)[20]
Tháng 10-1967, trong các ngày từ 20 đến 24, Bộ Chính trị họp Bàn về kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 – 1968. Tham gia hội nghị này có Uỷ viên Bộ Chính trị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ. Tuy nhiên cả 3 nhân vật quan trọng nhất là Hồ Chí Minh, Lê DuẩnVõ Nguyên Giáp đều vắng mặt do phải đi chữa bệnh ở nước ngoài.
Bộ Chính trị đề ra ba mức trường hợp:[18]
- Một là, giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, ý chí xâm lược của Mỹ bị đè bẹp, phải chấp nhận thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của VNDCCH.
- Hai là, giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng Mỹ vẫn còn lực lượng, dựa vào các căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn - nhất là Sài Gòn để tiếp tục chiến tranh.
- Ba là, Mỹ tăng cường lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia, buộc quân Giải phóng phải lui về thế thủ, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua về chính trị.
Về sách lược: Bộ Chính trị đề ra tập trung mũi nhọn đấu tranh nhằm phân hoá, chia rẽ và cô lập Mỹ và chế độ Sài Gòn của Thiệu-Kỳ. Tiếp tục phổ biến thực hiện cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lập mặt trận thứ hai (chuẩn bị người cụ thể trước), tiến tới lập chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo, binh lính Sài Gòn đoàn kết với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trung lập Mỹ, đánh đổ Thiệu - Kỳ, thương lượng với miền Bắc. Lập Chính phủ liên hiệp ba thành phần lấy Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm nòng cốt. Các sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị: cần tính đến các “yếu tố chính trị – cuộc bầu cử tổng thống Việt Nam Cộng hòa vào tháng Chín năm 1967 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 1968.
Về ngoại giao: nhằm phục vụ cho công kích và khởi nghĩa, Bộ Chính trị nêu rõ là phải tranh thủ cao độ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình Liên Xô - Trung Quốc đang có chia rẽ sâu sắc, Bộ Chính trị chủ trương giữ quan hệ tốt với cả 2 nước, tránh việc quá nghiêng về 1 bên sẽ làm xấu quan hệ với nước còn lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp
Qua thực tế chiến trường, những ý đồ chiến lược đã dần dần hình thành, từng bước trở thành những quyết sách: Tổng tiến công và nổi dậy, đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong các thành phố và thị xã. Từ Kế hoạch chiến lược năm 1968 do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị, hai cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10 và tháng 12-1967 đã ra nghị quyết và trở thành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.[21]
Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân uỷ Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Cụ thể là: cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và các thành phố lớn. Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, trước Tết Mậu Thân 10 ngày, quân Giải phóng sẽ nổ súng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh để buộc Mỹ phải chú ý tập trung điều lực lượng chủ lực ra phía bắc đối phó, tạo điều kiện để giữ bí mật hướng trọng điểm và tiếp tục chuẩn bị.[22]
Lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng như ở Việt Nam, theo nghệ thuật “truyền thống” thì giai đoạn kết thúc chiến tranh, thông thường một trong các bên tham chiến thực hiện đòn đánh tiêu diệt chiến dịch lớn hoặc đánh tiêu diệt chiến lược lực lượng quân sự, chính trị đối phương, buộc chúng phải chịu thua. Tuy nhiên so sánh tương quan quân Giải phóng và quân Mỹ về quân số, vũ khí trang bị, sức cơ động và tính hiện đại đều thua kém nhiều lần, nên việc đánh tiêu diệt chiến dịch, chiến lược đối với quân viễn chinh Mỹ là điều gần như không thể thực hiện được. Do đó Bộ chính trị chủ trương: "Phải tìm cách đánh mới khác cách đánh truyền thống là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ bằng phương pháp tổng tiến công đồng loạt đánh vào các trung tâm đầu não chính trị, quân sự ở các thành phố, thị xã. Tiến công vào các thành phố, thị xã sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng, làm rung chuyển nước Mỹ. Qua đó, ta chứng minh cho Mỹ thấy chúng không thể thắng trong cuộc chiến tranh này, chúng đang đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, do đó phải tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược, rút ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam."[23]

Diễn biến

Sự chuẩn bị của quân Giải phóng

Trong hai năm 1967, 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong, hải quân ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn và biển cả chi viện cho chiến trường miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và 42.619.081 đôla, cộng với 122.885 tấn vật chất do Trung Quốc chi viện quá cảnh qua cảng Xihanúcvin (trong ba năm 1966, 1967, 1968).[24]

1 trung đội quân chủ lực của QĐNDVN năm 1968
Năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho Trị - Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ, nâng tổng số Quân giải phóng miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (không kể dân quân, du kích, tự vệ)[25]
Phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, quân Giải phóng đã huy động được lực lượng lớn nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền Đông tham gia phục vụ cho tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô cất giấu trước và cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra, và xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Lực lượng quần chúng kết hợp với các đơn vị vận tải đã chuyển được hàng trăm tấn hàng từ vùng Mỏ Vẹt xuống vùng tây nam Sài Gòn. Quân Giải phóng đã huy động hàng trăm xe bò chở hàng từ Mỏ Vẹt xuống Hóc Môn, Gò Vấp. Huyện Đức Hoà có phong trào xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Trước Tết, mỗi gia đình để sẵn năm lon gạo đón chủ lực, sau đó, cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần (do Hội phụ nữ phát động).[26]
Các huyện đều thành lập đội cung cấp chuyên lo việc huy động lương thực, thực phẩm trong nhân dân phục vụ tổng tiến công và nổi dậy. Mỗi xã có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương. Các nhà đều đào sẵn hầm để nuôi giấu thương binh hoặc chôn giấu vũ khí. Ở Trảng Bàng, gia đình bà Nguyên (Má Bảy) đào hầm chôn tới 45 tấn vũ khí tại một vị trí chỉ cách đồn của Mỹ 1 km.
Đến đầu 1968, trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, quân Giải phóng đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi lõm có nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân.[27]
Do trong tháng 1 năm 1968 ngày dương lịch sát ngày âm lịch: ngày 29 (tháng 1) dương lịch là ngày 30 (tháng chạp) âm lịch và có sự lệch nhau một ngày của Tết hai miền nên có sự hiểu không nhất quán trong các cấp chỉ huy chiến trường của quân Giải phóng về thời điểm tiến công (ngày N): là ngày theo âm lịch hay theo dương lịch, là theo lịch miền Bắc hay lịch miền Nam. Sự thiếu nhất quán này đã làm cuộc tiến công ở các địa bàn Quân khu 5 Quân Giải phóng đã nổ ra sớm hơn một ngày so với các địa phương khác trên toàn miền Nam.[28] Tuy vậy tính bất ngờ của Mậu Thân vẫn được bảo đảm.
Mặc dù phía Mỹ cũng đã đưa ra một số dự đoán về cuộc tấn công này có thể diễn ra trước tết hoặc sau tết, và sẽ diễn ra ở phía bắc miền Nam Việt Nam (khu vực Quảng Trị). Nhưng trên thực tế nó nổ ra ngay đúng trong dịp tết, và diễn ra đồng loạt ở khắp miền Nam. Vì vậy phía Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa đều bị bất ngờ cả về thời gian lẫn quy mô của cuộc tiến công này. Đây là một thất bại lớn về mặt tình báo mà sẽ khiến chính phủ Mỹ nếm trái đắng trước dư luận trong trận đánh được coi là "bước ngoặt của cuộc chiến".[27]

Chiến sự Đợt 1


Binh sĩ VNCH và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong trận chiến Mậu Thân
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968 (Ngày mồng một Tết Mậu Thân). Từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau các lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quân lỵ, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn. Hiệu lệnh mở màn là bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà.
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.
Đêm 30-1-1968 (đêm 29 rạng ngày 30 tết): Các lực lượng vũ trang ở khu 5 và Tây Nguyên tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào các tỉnh lỵ, thị trấn căn cứ Mỹ - VNCH; Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 VNCH ở Đà Nẵng, Hội An, sân bay đà Nẵng, sân bay Non Nước, Nha Trang, Đắc Lắc, Plây cu, Quy Nhơn (Bình Định).
31-1-1968 (Đêm 30 rạng mồng 1 Tết): Tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Phong Định, Vĩnh Long, Cần Thơ.
1-2-1968 (Đêm 1 rạng ngày 2 Tết): Các lực lượng vũ trang tiếp tục đánh vào các tỉnh lỵ khác: Kiến Hoà, Định Tường, Gò Công, Kiên Giang, Vĩnh Bình, Bình Dương, Tuy Hoà, Biên Hoà, Tuyên Đức, Châu Đốc, An Xuyên.
Để tăng tính bất ngờ, thời điểm cuộc tấn công diễn ra đúng vào giao thừa, thời điểm mà quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lơi lỏng phòng bị, nhiều lính đang nghỉ về quê ăn Tết.

Tại Sài Gòn

Ngay đêm tiến công đầu tiên tại Sài Gòn các đội biệt động cảm tử của Giải phóng quân đã nhằm vào các mục tiêu khó tin nhất: Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, đài phát thanh, bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Sau đó quân tiếp ứng thẩm thấu vào thành phố tiếp quản các mục tiêu và tham gia chiến đấu. Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Cuộc tiến công cho thấy sự bất lực của hệ thống tình báo của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã không tiên liệu được khả năng, tính chất cũng như thời điểm, quy mô của sự kiện mặc dù có sự khập khiễng về ngày giờ tiến công của quân Giải phóng ở các địa phương.
Tại khu vực Bộ Tổng tham mưu QLVNCH và sân bay Tân Sơn Nhất, cụm biệt động 2 (gồm các đội 6, 7, 9) do Đỗ Tấn Phong chỉ huy đánh vào cổng 5 Bộ Tổng tham mưu và cổng Phi Long (sân bay Tân Sơn Nhất). Sau ít phút tiến công, đội chiếm được cả hai cổng. Song do lực lượng ít, Tiểu đoàn 267 (phân khu 2) và Trung đoàn 16 (Phân khu 1) bị lạc không đến kịp như dự kiến, quân Mỹ-VNCH phản kích quyết liệt, cụm biệt động không lọt được vào bên trong. Sau gần một ngày, dựa vào các toà nhà dọc phố Trương Quốc Dung, cụm biệt động đánh trả quân Mỹ quyết liệt, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều lính Mỹ và VNCH, bắn cháy hai xe bọc thép. Đến 14 giờ ngày 30-1-1968, bị tổn thất và hết đạn, những người còn lại của cụm biệt động buộc phải rút lui.

Một góc Sài gòn với những cột khói
Tại Đài phát thanh Sài Gòn, Đội biệt động số 4 (cụm 1) do Nguyễn Văn Tăng chỉ huy, sau ba phút chiến đấu đã chiếm được đài, loại khỏi vòng chiến đấu một trung đội cảnh sát dã chiến bảo vệ. Nhưng nhân viên kỹ thuật và bộ phận chính trị phụ trách phát thanh đã bị ngăn chặn ở Phú Thọ Hoà không đến kịp nên ý đồ sử dụng Đài phát thanh làm công cụ tuyên truyền, gây tiếng vang dư luận không thực hiện được. Nhận rõ vị trí quan trọng của Đài phát thanh, ngay sau khi đài bị mất, quân Mỹ đã dùng cả trực thăng vũ trang, xe tăng yểm trợ nhanh chóng tổ chức lực lượng phản kích. Chỉ 15 phút sau khi biệt động nổ súng, quân Mỹ đã bao vây toàn khu vực. Tiểu đoàn 3 Dĩ An (Phân khu 5) không đến chi viện kịp như đã hiệp đồng. Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt, những chiến sĩ biệt động còn sống sót quyết định cảm tử, dùng bộc phá phá hỏng một góc Đài phát thanh. Lực lượng biệt động thương vong gần hết (chỉ còn hai nữ phục vụ viên).

Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ khi đang bị biệt động Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam đột kích.
Ở Toà đại sứ Mỹ, lúc 2 giờ 30 phút ngày 30-1-1968, 17 chiến sĩ Đội biệt động số 11 do Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy dùng xe du lịch có hoả lực B-40 yểm trợ đột nhập thẳng cổng Toà đại sứ. Sau khi diệt 4 quân cảnh Mỹ gác ở cổng, biệt động dùng thuốc nổ phá huỷ tường tiến đánh vào bên trong, chiếm gần hết tầng 1 phát triển lên tầng 2 và 3 Toà đại sứ. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải bắt sống Đại sứ Bunker, nhưng các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ đã lén đưa được Bunker rời khỏi biệt thự bằng một chiếc xe bọc thép sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác.
Chỉ 20 phút sau khi Đại sứ quán bị đánh, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện, nhưng bị biệt động bắn chặn nên không vào được cổng chính. 7 giờ sáng ngày 30-1-1968, một trung đội quân cảnh Mỹ lọt được vào cổng chính. Cuộc chiến đấu trong sứ quán diễn ra quyết liệt.
9 giờ sáng ngày 30-1-1968, quân Mỹ đổ được một bộ phận lực lượng Sư đoàn dù 101 xuống sân thượng Toà đại sứ. Lực lượng tăng viện của quân Giải phóng không đến được như kế hoạch hiệp đồng. Các biệt động quân Đội 11 dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh Toà đại sứ Mỹ kết thúc, trong 17 người của đội biệt động có 16 người thiệt mạng, chỉ còn đội trưởng Ngô Thành Vân bị thương ngất đi và bị bắt. Quân Mỹ cũng thiệt hại nặng: 5 lính chết tại chỗ, 17 chết sau khi đến bệnh viện và 124 bị thương.
Việc quân Giải phóng đánh chiếm và trụ lại trong Toà đại sứ Mỹ tới hơn sáu giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. 9 giờ 30 phút sáng ngày 30-1-1968, Westmoreland có mặt ở Đại sứ quán chứng kiến “khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể sự tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi”[29]. Westmoreland báo cáo với Johnson rằng, Mỹ đã làm chủ tình hình, nhưng tổng thống Mỹ đã nói chua chát: “Việt cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi”.
Tại dinh Độc Lập, khoảng 1h30 mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động số 5 do Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) chỉ huy gồm 15 người trên ba xe tải nhỏ và hai chiếc Honda (trong đó có 1 nữ chiến sĩ 19 tuổi Vũ Minh Nghĩa) xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200 kg có nhiệm vụ phá cổng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng nhưng không nổ. 5 chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào trong dinh. Lính gác cổng bắn trả dữ dội, 5 người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị đội biệt động tiêu diệt. Gần sáng, không thấy quân chi viện, 8 người còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của quân đội Mỹ nhưng mất thêm một người. Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng những lỗ hổng trên tường do đạn bắn, 7 người dìu nhau thoát ra đường Thủ Khoa Huân. Đến sáng tổ bị bao vây, còn quả lựu đạn cuối cùng rút chốt nhưng không nổ, 7 người bị bắt[30]
Tại Bộ Tư lệnh Hải quân, 16 chiến sĩ Đội biệt động số 3 (Cụm 1) do Trần Văn Lém (Bảy Lốp) chỉ huy dùng hai xe du lịch đưa lực lượng đến trước mục tiêu lúc 2 giờ 50 phút ngày 30-1-1968. Sau khi diệt hai lính gác ở đầu cầu Cửu Long, biệt động đánh bộc phá mở cửa và đột nhập vào bên trong, nhưng bị hoả lực ngăn chặn mạnh, không phát triển được. Các chiến sĩ biệt động chiến đấu cho đến khi hy sinh gần hết, chỉ còn hai người về được căn cứ và Phân khu 4.
Như vậy ở nội thành Sài Gòn, lực lượng biệt động thuộc Phân khu 6 trong ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968 (theo lịch miền Nam - tức 30-1-1968) đã tiến công 6/9 mục tiêu chủ yếu. Mặc dù chiến đấu rất dũng cảm, song do chiến đấu đơn độc, các lực lượng tăng cường không đến kịp theo kế hoạch, nên chỉ chiếm được Đài phát thanh và Toà đại sứ, giữ trong thời gian ngắn, các mục tiêu khác không vào được bên trong. Đa số các đội biệt động tham gia tác chiến bị tổn thất nặng.
Trong lúc đó, những trận tiến công của các sư đoàn chủ lực miền Đông và lực lượng vũ trang các huyện ngoại thành không tăng viện được cho nội thành Sài Gòn - Gia Định. Bộ đội chủ lực không tiến được vào nội đô; đặc công, biệt động và các đơn vị mũi nhọn tác chiến bên trong trở thành đơn độc, lực lượng bị tiêu hao đến 80%, một số đơn vị chiến đấu hy sinh đến người cuối cùng, cơ sở nội thành bộc lộ và tổn thất nặng, lương thực cất giấu bí mật đã hết. Vì thế, các đơn vị chiến đấu trong nội thành được lệnh rút ra vùng ven củng cố. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở trọng điểm Sài Gòn - Gia Định cao điểm 1 giảm dần và kết thúc.
Đến ngày 17-2, thì tại Sài Gòn - Gia Định, cao điểm 2 của cuộc tổng tiến công bắt đầu. Chủ trương của quân Giải phóng trong cao điểm 2 là: dùng pháo kích là chính, kết hợp với tiến công một vài mục tiêu nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng quân Sài Gòn, làm cho địch mất sức phản kích và khả năng phòng giữ, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ. Thực hiện chủ trương này, đêm 17-2-1968, trung đoàn 96 và 208 ĐKB pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, căn cứ Sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ ở Phú Lợi. Kết quả theo bình luận của Hãng tin Anh BBC sáng 18-2, ở căn cứ Phú Lợi, “có ít nhất 400 người thương vong, nhiều kho tàng, máy bay bị phá huỷ”. Đài này còn bình luận: “Đây là trận đánh khá trúng đích của Việt cộng”. Với sân bay Tân Sơn Nhất “hoả tiễn rơi đúng phòng chờ đợi đang chật ních khách. Trong số 88 quân nhân Mỹ thuộc lực lượng tuần giang Cửu Long chờ máy bay về Mỹ, số đông bị chết, sáu máy bay bị phá huỷ”[31]

Tại Huế

Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đây là thành phố lớn thứ ba của miền Nam (sau Sài Gòn và Đà Nẵng). Lực lượng Mỹ và VNCH ở đây khá mạnh, toàn mặt trận Huế có khoảng 25.000 đến 30.000 quân (nòng cốt là Sư đoàn 1 bộ binh).
2 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu địch ở khu Tam giác, khu Phan Sào Nam, Phú Bài, Động Toàn, Đông Ba, mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng ta trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu trong và ngoại thành Huế.

Súng không giật 106mm của Mỹ bắn đạn đinh có sức sát thương hàng loạt rất cao
Đại đội 1 (Tiểu đoàn 12 đặc công) và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh vào Mang Cá. Do không nắm chắc địa hình, các đơn vị phải dùng sức mạnh để đột phá vào cổng chính. Trận đánh ác liệt kéo dài, thương vong mỗi lúc một tăng. Đến 11 giờ trưa, toàn bộ lực lượng đặc công phải rút ra. Trận đánh vào Mang Cá chấm dứt.
Trong lúc đánh Mang Cá thì Đại đội 2 (Tiểu đoàn 12 đặc công) phối hợp với Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6) đánh chiếm sân bay Tây Lộc. Được cơ sở bên trong hỗ trợ, một bộ phận đánh sân bay bí mật đột nhập qua cổng Thuỷ Quan, nhanh chóng theo sông Ngự Hà vào chiếm góc tây nam sân bay (gồm khu nhà lính bảo vệ và một phần khu vực để máy bay), phá hỏng 20 máy bay và một số xe quân sự.
Tại khu Đại Nội, Cột Cờ, 2 giờ 40 phút ngày 30-1-1968, Đại đội 4 đột phá cửa Hữu, dùng một mũi thọc sâu nhanh chóng chiếm khu Cột Cờ lúc 4 giờ 30 phút. Còn lại đại bộ phận của Đại đội 4 cùng Đại đội 3 theo đường Yết Kiêu, Lê Huân đánh vào khu Đại Nội. Đến 5 giờ sáng quân Giải phóng chiếm toàn bộ khu Đại Nội, diệt một đại đội thám báo và 130 cảnh sát. 8 giờ sáng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên trên cột cờ báo hiệu đã làm chủ trung tâm thành phố Huế. Đến ngày 1-2, phần lớn Huế với 90% dân chúng đã nằm trong tay lực lượng quân Giải phóng.

Thủy quân lục chiến Mỹ được xe tăng M48 Patton yểm trợ tấn công vào Huế
Nhìn chung, trong những ngày đầu tổng tiến công và nổi dậy ở thành phố Huế, quân Giải phóng đánh chiếm được một số mục tiêu chủ yếu, đồng thời phát động quần chúng nổi dậy giành được chính quyền ở nhiều nơi. Mặt trận Liên minh dân tộc, dân chủ và hoà bình thành phố ra đời, tiếp đó Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên - Huế được thành lập. Đó là một thắng lợi chính trị to lớn. Hãng tin Pháp AFP ngày 7-2-1968 đã bình luận: “Sau một đêm đánh nhau, Việt cộng đã kiểm soát 90% dân chúng thành phố Huế. Ngay sáng hôm sau, bộ máy hoạt động và cổ động chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã bắt tay vào làm việc. Rõ ràng họ có một tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này vì họ có thể huy động rất nhiều người ra làm việc cho họ”. Còn Hãng tin Anh Roitơ (cũng ngày 7-2-l968) thì viết: “Sau 5 ngày đánh nhau ác liệt giành giật từng ngôi nhà, quân Việt cộng vẫn chiếm hơn một nửa thành phố Huế và quân đồng minh tiến dần từng bước một cách vất vả. Các nhà quân sự ở đây cảm thấy rằng quân Việt cộng chứng tỏ là họ có thể vào và ra Huế bất cứ khi nào họ muốn. Cho đến nay không có dấu hiệu nào tỏ ra là họ có ý định rút lui”.
Sau những thất bại ban đầu, từ ngày 8-2-1968, quân Mỹ bắt đầu phản kích dữ dội. Mỹ huy động cả lực lượng tổng dự bị từ Sài Gòn ra (Chiến đoàn A thuỷ quân lục chiến VNCH) và từ Vùng I chiến thuật tới. Ngày 11-2, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 5) thuỷ quân lục chiến Mỹ cũng được tăng cường cho khu Tam giác, đưa tổng số quân ở đây lên 16 tiểu đoàn, khoảng gần 15.000 quân cả Mỹ lẫn VNCH.
Từ ngày 9-2 đến ngày 12-2, quân Giải phóng phải liên tục bị phản kích. Không còn khả năng tiến công, quân Giải phóng chuyển sang tổ chức phòng ngự, ngăn chặn phản kích quyết liệt đồng loạt trên bốn cổng thành (cửa Chánh Tây, cửa Hữu, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba) và từ quốc lộ 1 vào An Hoà.
Ngày 16 và 17-2, quân Mỹ lại tổ chức phản kích dữ dội và chiếm được cả Đông Ba. Ngày 18-2, quân Mỹ chiếm cổng Thuỷ Quan, uy hiếp cửa Hữu, cửa An Hoàcửa Thượng Tứ. Tình hình xấu đi rõ rệt. Mỹ đã tăng cường cho khu Mang Cá và Đông Ba một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến để cùng lực lượng từ bên ngoài bao vây tiêu diệt quân Giải phóng đang giữ phần còn lại ở tả ngạn thành phố. Lực lượng quân Giải phóng bị đẩy lùi dần vào trong thành nội.
Chính vào thời điểm này, Mỹ ồ ạt tăng quân lên 23 tiểu đoàn (11 tiểu đoàn trong thành phố, 12 tiểu đoàn ở vòng ngoài) nhằm giải toả cho thành Huế. Sức ép của quân Mỹ ngày càng tăng. Trước tình hình đó, để bảo toàn lực lượng, tránh bị bao vây ngày 22-2-1968, Khu uỷ Trị - Thiên và chỉ huy mặt trận Huế quyết định rút toàn bộ lực lượng ra ngoài thành phố.

Một góc thành phố Huế bị tàn phá trơ trụi
Sau 25 ngày chiến đấu, quân Mỹ và Đồng minh có hơn 4.400 thương vong, quân Giải phóng cũng có hơn 4.000 thương vong. Tuy tổn thất lớn và phải rút lui, song với việc giữ được thành phố 25 ngày, quân Giải phóng tại Huế đã tạo thành công lớn nhất và giữ được thành phố lâu nhất so với các thành phố khác, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung về chính trị của tổng tiến công và nổi dậy trên toàn Miền.
Bên cạnh tác động chính trị là tác động tâm lý. Để tiêu diệt quân Giải phóng trong đô thị, quân Mỹ dùng pháo hạm và máy bay ném bom bắn phá suốt ngày đêm. Các loại vũ khí có sức sát thương hàng loạt như pháo không giật 107mm bắn đạn tạo mưa đinh, bom napalm, đạn pháo tăng, súng phun lửa... được sử dụng tối đa. Bên cạnh việc giúp tiêu diệt đối phương, những vũ khí này cũng gây tác hại rất lớn cho dân thường. Theo thống kê, sau 25 ngày chiến sự, 80% nhà cửa ở Huế đã bị bom đạn phá hủy, hàng ngàn thường dân cũng chết trong các cuộc giao tranh.[32]. Những hình ảnh tàn phá ghê gớm tại Huế được trình chiếu đã góp phần lớn nhất thúc đẩy tâm lý phản chiến của dân chúng Mỹ.

Đánh giá về đợt 1

Quân Giải phóng đã đạt được những thành công sau:
  • Giữ được bí mật bất ngờ về mục tiêu và thời điểm tiến công: 10 ngày trước, hai sư đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có hành động nghi binh bằng cách tấn công căn cứ của lính thuỷ đánh bộ Mỹ tại Khe Sanh làm bộ chỉ huy Mỹ tập trung tâm trí và binh lực lên miền núi Quảng Trị để tránh một trận Điện Biên Phủ mới[33]. Việc lực lượng quân Giải phóng tiến công vào các đô thị không hề được lường trước làm cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hoàn toàn bất ngờ khi một bộ phận sĩ quan và binh lính (kể cả Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) đang về quê nghỉ Tết Nguyên đán.
  • Gây cho đối phương bất ngờ về quy mô tiến công: cuộc tiến công làm sửng sốt mọi người khi mà đồng loạt tại tất cả các đô thị cùng diễn ra các trận đánh quyết liệt trong gần một tháng (chỉ riêng đợt 1) và điều bất ngờ này cho thấy 3 năm tìm-diệt của quân đội Hoa Kỳ chỉ đạt được hiệu quả thấp. Để khuếch đại tiếng vang đến mức tối đa, các lãnh đạo của phía quân Giải phóng đã lựa chọn phương án mạo hiểm nhất là đánh thẳng vào hậu phương của địch, và đã tạo ra tiếng vang lớn.
  • Chiếm được một số thị xã thành phố, gây thiệt hại đáng kể cho đối phương và qua đó tác động mạnh vào nhân tâm nước Mỹ: từng dãy phố bị ném bom napal và nã pháo, quân hai bên đánh nhau quyết liệt ngay trước máy quay, thậm chí từ binh bị hành quyết ngay trên phố (Xem Sự kiện Nguyễn Ngọc Loan)... Những điều này được truyền thông nhanh chóng, gây ấn tượng rất lớn lên tâm lý dư luận thế giới[34].
  • Tại nông thôn, quân Giải phóng đã phá thêm 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã mới với hơn một triệu dân.[35] Về mặt tác chiến trong số các đô thị, quân Giải phóng đã phá hủy được 1/3 vật tư chiến tranh, loại khỏi vòng chiến hàng vạn quân Mỹ. Họ thành công nhất tại cố đô Huế (Xem Trận Mậu Thân tại Huế). Họ chiếm giữ thành phố lâu tới 25 ngày, buộc thủy quân lục chiến Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa phải đánh nhau ác liệt giành giật từng khu nhà đoạn phố.

Quân Mỹ thương vong trong trận Mậu Thân
Tuy nhiên qua đợt 1, bên cạnh những thành công, quân Giải phóng cũng phạm phải những sai lầm trong tác chiến:
Trong việc lập kế hoạch cho cuộc tổng tiến công, quân Giải phóng đã có những đánh giá không đúng với thực tế tình hình và duy ý chí: họ hy vọng cùng với tiến công quân sự đánh vào các đô thị, họ có thể phát động dân chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa đánh sụp chính quyền Việt Nam Cộng hòa và đặt Mỹ trước tình thế phải đi đến quyết định ra đi khỏi chiến tranh. Kế hoạch trên dựa trên nhận định thấp về khả năng của quân Mỹ và Việt Nam Cộng hoà và đánh giá quá cao khả năng của họ, nên trong thực tế quân Giải phóng đã bị thương vong lớn mà không phát động được tổng khởi nghĩa của người dân ở thành thị (trừ ở một số nơi như Huế); chính quyền Việt Nam Cộng hoà ở các đô thị vẫn đứng vững.

Xác quân Giải phóng trong Trận Mậu Thân
Một đặc điểm nữa của việc lập kế hoạch tiến công Mậu Thân 1968 là các cấp chỉ huy chiến đấu của quân Giải phóng đã không tách bạch đâu là mục tiêu chính trị thực chất của cuộc tiến công (đánh lớn gây tiếng vang hướng tới dư luận và chính giới Mỹ để buộc đối phương xuống thang, đàm phán), đâu là mục tiêu được phổ biến rộng rãi trong quân sĩ để cổ vũ khí thế chiến đấu (đánh dứt điểm đối phương).[cần dẫn nguồn]. Các cán bộ chiến trường khi lập kế hoạch tác chiến cũng tin tưởng vào quyết tâm đánh dứt điểm của cấp trên nên họ lập kế hoạch và tiến hành đánh theo kiểu trận đánh cuối cùng, không lập sẵn kế hoạch phòng thủ và rút lui, dẫn tới việc tác chiến bị lâm vào bị động đối phó.
Điều tai hại nữa cho quân Giải phóng là họ đã không linh hoạt thay đổi tuỳ theo tình hình. Khi đợt tấn công đầu tiên kết thúc, họ đã phát động tiếp đợt 2 vào tháng 5, đợt 3 vào tháng 8 khi mà kế hoạch đã bị lộ và đối phương đã đề phòng và chuẩn bị đón đánh, làm cho thiệt hại của Giải phóng quân càng lớn.
Loạt bài
Chiến tranh Việt Nam
Giai đoạn 1954–1959
Thuyết Domino
Hoa Kỳ can thiệp
Miền Bắc – Miền Nam
Giai đoạn 1960–1965
Diễn biến Quốc tế – Miền Nam
Kế hoạch Staley-Taylor
Chiến tranh đặc biệt
Đảo chính Chính phủ Ngô Đình Diệm
Giai đoạn 1965–1968
Miền Bắc
Chiến dịch:
Sự kiện Vịnh Bắc Bộ
Mũi Tên Xuyên –Sấm Rền
Miền Nam
Chiến tranh cục bộ
Chiến dịch:
Các chiến dịch Tìm-Diệt
Phượng Hoàng –Tết Mậu Thân, 1968
Diễn biến Quốc tế
Giai đoạn 1968–1972
Diễn biến Quốc tế
Việt Nam hóa chiến tranh
Hội nghị Paris
Hiệp định Paris
Chiến dịch:
Lam Sơn 719 – Chiến cục năm 1972 –
Hè 1972 –Linebacker –Linebacker II
Giai đoạn 1973–1975
Chiến dịch:
Xuân 1975
Phước Long
Tây Nguyên   -Huế - Đà Nẵng
Phan Rang - Xuân Lộc
Hồ Chí Minh
Trường Sa và các đảo trên Biển Đông
Sự kiện 30 tháng 4, 1975
Hậu quả chiến tranh
Chất độc da cam
Thuyền nhân
sửatiêu bản

Đánh giá các sai lầm của quân Giải phóng trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân, báo Quân đội Nhân dân đã liệt kê các điểm như: đánh giá sai về tương quan lực lượng giữa hai bên dẫn đến việc đề ra mục tiêu tổng tấn công giành chính quyền một cách chủ quan, không kịp thời chuyển hướng hoạt động quân sự khi tình hình đã thay đổi.[36]

Chiến sự Đợt 2

Sau khi William Westmoreland bị cách chức, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc giao cho Abram làm Tư lệnh lực lượng đồng minh Mỹ ở Nam Việt Nam. Để thực hiện chiến lược “quét và giữ” có hiệu quả, giữa tháng 4-1968, Clípphớt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Nam Việt Nam thực thi ba biện pháp cấp bách: một là, ra sức xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc ở trong và xung quanh các thành phố, các căn cứ, các tiểu khu, chi khu quân sự các điểm chốt trên các trục đường giao thông. Hai là, lập những vành đai đủ sức ngăn chặn các cuộc tiến công mới của quân Gải phóng. Đẩy chiến tranh ra xa các thành phố, thị xã quan trọng có ý nghĩa chiến lược. Ba là, mở các cuộc hành quân càn quét (kể cả các cuộc hành quân cảnh sát) để giải toả các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn triệt để Quân giải phóng tiến công.
Song song với đó, Tổng thống Mỹ Johnsơn, Đại sứ Bunker ra sức tuyên truyền cứu vớt hình ảnh chính trị trong dư luận Mỹ và thế giới đang lên án mạnh mẽ. Các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ và Sài Gòn ngày đêm phát đi những tuyên bố của những nhà lãnh đạo Mỹ rằng: “Việt cộng và quân Bắc Việt Nam đã bị Mỹ và đồng minh truy kích; quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đã nắm quyền chủ động chiến trường; Việt cộng đã đuối sức, hết hơi, v.v… để xoa dịu làn sóng đấu tranh của nhân dân Mỹ và những chất vấn của Quốc hội Hoa Kỳ, đồng thời trấn an tinh thần cho quân đội, chính quyền Sài Gòn.
Trước tình hình trên, ngày 24-4-1968, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp phân tích, đánh giá tình hình và kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quyết định tổng tiến công và nổi dậy đợt 2.
Cuối tháng 3-1968, sau khi sơ bộ kiểm điểm đợt 1 tiến công vào Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục và Quân uỷ Miền cử đại diện ra Hà Nội báo cáo về đề nghị cho chiến trường miền Đông Nam Bộ tiếp tục mở đợt 2 đánh vào Sài Gòn với lý do “yếu tố bất ngờ vẫn còn, mặc dù địch đã co về phòng giữ nội thành và vùng ven, nhưng chúng còn nhiều sơ hở, đợt 1 ta mới sử dụng bộ phận đặc công, một số đội biệt động, du kích mật và quần chúng. Các tiểu đoàn mũi nhọn, các trung đoàn khu vực, các sư đoàn chủ lực cơ động vẫn còn sung sức, quyết tâm lập công cao... Nếu ta khắc phục được khuyết điểm trong đợt 1 thì sức đột kích trong đợt 2 sẽ mạnh hơn nhiều và sẽ là một bất ngờ mới đối với địch”[37]
Cùng thời gian này, để mở rộng mặt trận dân tộc đoàn kết chống Mỹ trong các tầng lớp nhân dân ở khắp các đô thị, ngày 20 và 21-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam ra đời từ trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tổ chức Đại hội bầu ra Uỷ ban Trung ương Liên minh do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 5-5-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 trên toàn Miền đã nổ ra. Trong tuần lễ đầu tổng tiến công và nổi dậy (từ ngày 5 đến 12-5), quân Giải phóng đánh trúng 89 thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ căn cứ địch từ Trị - Thiên đến Cà Mau, từ đồng bằng ven biển đến Tây Nguyên.
Trên chiến trường trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, từ hướng tiến công chủ yếu phía tây thành phố, Trung đoàn 2 gồm các tiểu đoàn 267, 269, Tiểu đoàn 6 Bình Tân do Trung đoàn trưởng Võ Văn Hoàng chỉ huy tiến công cụm rađa Phú Lâm, phát triển vào Cầu Tre, tập kích đánh thiệt hại một tiểu đoàn biệt động quân, phát triển đánh chiếm khu vực đường Minh Phụng và Bình Thới.
Trong hai ngày 7 và 8-5, đại bộ phận Trung đoàn 2 đã bám trụ chiếm lĩnh hai nhà cao tầng ở ngã tư đường Minh Phụng khống chế các điểm xuất phát tiến công của quân Mỹ từ Bình Thới xuống đến Duy Linh. Quân MỸ-VNCH cho hàng chục lần chiếc máy bay A-37 ném bom bắn phá hai nhà cao tầng gây nhiều đám cháy. Hai tiểu đoàn biệt động quân được hàng chục xe tăng M-41 yểm trợ phản kích quyết liệt hòng đẩy quân Giải phóng ra khỏi ngã tư. Trận đánh trên đường Minh Phụng kéo dài gần một tuần (từ ngày 5 đến ngày 10-5), sau đó Trung đoàn 2 được lệnh chia thành hai hướng. Một tiểu đoàn cơ động về hướng bắc đánh địch ở khu vực nghĩa trang Phú Thọ. Hai tiểu đoàn còn lại tiến xuống phía nam Cầu Gỗ đánh chiếm khu vực Bình Tiên.
Cũng thời điểm trên, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 9) lực lượng phối thuộc của Phân khu 2, sau khi đột phá qua một số tuyến ngăn chặn vòng ngoài đã tiến công khu vực ngã tư Bảy Hiền và một số mục tiêu xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Tại khu nghĩa địa Pháp, quân dù (lực lượng dự bị chiến lược VNCH) từ trong sân bay đánh tràn ra quyết ngăn chặn lực lượng quân Giải phóng đang phát triển. Một trận đánh ác liệt đã xảy ra ở khu mả Xây. Qua hai ngày chiến đấu (ngày 5 và 6-5) 2 bên đều thiệt hại đáng kể. Ngày 7-5, trung đoàn 1 được lệnh của Phân khu 2 lui về phía tây Bà Quẹo, tổ chức phòng ngự đánh phản kích.

Một lính Mỹ bị thương tại Sài Gòn vào tháng 5
Phân khu 1 đảm nhiệm hướng tây bắc, được Trung đoàn 16 chủ lực Miền hỗ trợ, tiến công sân bay Tân Sơn Nhất và một số mục tiêu xung quanh Bộ Tổng tham mưu VNCH. Nhưng trong quá trình hành quân vào nội đô, Trung đoàn 16 và các tiểu đoàn độc lập của Phân khu 1 liên tục đụng đầu với các tiểu đoàn dù 1, 5, 7 VNCH. Quân Giải phóng phải tổ chức phòng ngự ở An Phú Đông, Tân Thới Hiệp từ ngày 4 đến ngày 7-5. Ngày 8-5, để cải thiện vị trí đứng chân, các lực lượng Phân khu 1 và phối thuộc tập kích cụm xe cơ giới ở Tân Thới ĐôngTân Thới Trung, phá hỏng 50 xe các loại, diệt và làm bị thương 230 lính.
Cùng thời gian, hàng chục trận địa pháo hoả tiễn tiếp tục pháo kích căn cứ Đồng Dù, sân bay Tân Sơn Nhất, Tân Cảng, kho Long Bình... phá huỷ nhiều kho tàng quân sự Mỹ.
Giai đoạn 1 của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 trong nội đô đến ngày 12-5 tạm thời lắng xuống. Hầu hết các lực lượng chủ lực quân Giải phóng được lệnh rút ra vùng ven để củng cố tổ chức, vừa đánh địch càn quét vừa làm công tác chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn 2. Những vấn đề nổi bật của giai đoạn 1 là, các phân khu thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ trên giao, diệt được khá nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh đói phương. Tuy nhiên, qua giai đoạn 1 hoạt động tác chiến trong thành phố, nhìn chung các phân khu còn bộc lộ nhiều hạn chế về chỉ huy và điều hành lực lượng. Một số phân khu hoạt động ở hướng tây và nam vào được khu vực trên giao, nhưng lại không bám trụ được lâu dài do bị thương vong nhiều. Một số phân khu hoạt động ở hướng bắc và đông chỉ vào được cửa ngõ nội đô, chỉ tác chiến ở những mục tiêu thứ yếu.
Ngày 24-5-1968, quân Giải phóng thực hiện một loạt trận tiến công mới vào các mục tiêu quan trọng trong nội đô. Để mở rộng hoạt động quân sự, phân tán sự đối phó của đối phương ở hướng đông bắc, ngày 26-5, Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho các đơn vị đang hoạt động ở hướng tây và nam khẩn trương đưa lực lượng mở các đợt tiến công vào nội đô. Phối hợp với bộ binh chiến đấu ở nội đô, các đơn vị pháo binh từ vùng ven liên tiếp bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, bến cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân VNCH, Toà đô chính, Sứ quán Mỹ, gây nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần.
Tại Chiến trường Khu V, Sư đoàn 3 bộ binh (thiếu một trung đoàn) của quân khu bám trụ ở Bình Định được lực lượng vũ trang tỉnh, huyện hỗ trợ, cùng một lúc tiến công tám mục tiêu trên đường số 1, đoạn từ cầu Ông Diệu đến huyện lỵ Phù Mỹ, nhằm kéo Lữ đoàn dù 178 Mỹ ra giải toả để tiêu diệt... Khoảng 23 giờ đêm ngày 6-5, một đoàn xe chạy từ Phù Mỹ ra, lọt vào trận địa phục kích của Sư đoàn 3, bị bắn cháy 32 chiếc, hơn 100 lính trên xe bị diệt. Cùng thời gian, Tiểu đoàn 53 tổ chức đánh quân Mỹ đổ bộ đường không xuống thôn Tường Lâm, Mỹ Trung (Hoài Ân), loại khỏi vòng chiến đấu 130 lính Mỹ, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Ngày 24-5, một đoàn xe 26 chiếc chở quân Mỹ, được một chi đoàn thiết giáp hỗ trợ tiến vào xã Mỹ Trinh, bị bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương chặn đánh diệt 16 chiếc.
Đầu tháng 6-1968, Tiểu đoàn 40 đặc công tỉnh tập kích diệt hai đại đội Mỹ ở gò Ông Thường, xã Hoài Thanh và cầu Ông Tú, xã Hoài Châu. Giữa tháng 7, Tiểu đoàn 53 phục kích trên quốc lộ 1 đoạn Tam Quan đi Chợ Cát, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 lính Mỹ - VNCH, bắn cháy 15 xe (có 4 xe bọc thép), 2 máy bay, 2 pháo 105 mm. Đặc công Đ10 tập kích cứ điểm tháp Bánh Ít, diệt 30 lính, đánh sập 8 lô cốt đốt cháy 2 kho xăng. Giữa tháng 6, Tiểu đoàn 50 được bộ đội địa phương huyện và du kích phối hợp, chặn đánh một tiểu đoàn Nam Triều Tiên càn quét xã Cát Thắng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 lính.

Căn cứ Khâm Đức bị quân Giải phóng tiêu diệt trong trận đánh từ 10 đến 12-5
Nổi bật nhất trong chiến sự đợt 2 ở Khu V là Trận Khâm Đức, 2 trung đoàn của Sư đoàn 2 sau 2 ngày tiến công liên tục từ 10 đến 12-5 đã tiêu diệt hoàn toàn trại quân sự Khâm Đức do gần 1.000 lính Mỹ và 500 lính VNCH trấn giữ, diệt gần 800 lính, bắt sống 104 lính và bắn rơi 9 máy bay.
Ở mặt trận bắc Tây Nguyên đầu tháng 4-1968, Sư đoàn 1 từ hướng đường 18 - Plây Cần hành quân sang hướng tây Kon Tum đánh quân Mỹ nống ra các khu vực Chư Tang Kra, Chư Mo, Chư Tô Bla, Chư Ben... Nổi bật nhất là những trận đánh cắt giao thông trên các mạng đường quốc lộ, tỉnh lộ ba tỉnh. Sáng ngày 9-5, một đoàn xe cơ giới Mỹ chạy trên đường 14 (Plâycu - Kon Tum) bị lực lượng vũ trang Gia Lai phục kích diệt tám chiếc. Ngày 28-5, Trung đoàn 95 đánh đoàn xe quân sự Mỹ trên đường 19 (An Khê - Măng Giang) diệt 20 chiếc (có 5 xe tăng, xe bọc thép). Nửa tháng sau cũng trên đoạn đèo này, Trung đoàn 95 phục kích diệt 25 xe, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 lính. Tổng kết lại, Suốt trong hai tháng 5 và 6, với các hình thức tác chiến phục kích, tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt, Sư đoàn 1 đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.160 lính, bắn rơi 72 máy bay, phá huỷ 42 xe quân sự.
Cuộc tổng tiến công giai đoạn hai đợt 2 kéo dài đến ngày 13-6 kết thúc. Với tinh thần “đợt sau cao hơn đợt trước”, các tiểu đoàn “cảm tử” của quân Giải phóng đã gây nhiều bất ngờ về chiến thuật và khả năng chiến đấu thọc sâu trong thành phố, tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho quân Mỹ-VNCH. Mặc dù vậy, các đơn vị bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương phải chiến đấu trong khi yếu tố bí mật không còn, đối phương tăng cường triển khai đối phó, hầu hết các cuộc hành quân tiếp cận đều bị ngăn chặn, nhiều đơn vị không đến được mục tiêu trên giao.

Chiến sự Đợt 3

Sau 2 đợt của cuộc tổng tiến công, song song với việc tìm cách làm “yên lòng” dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, tại miền Nam Việt Nam, Mỹ tìm mọi cách tăng cường sức mạnh quân sự hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Một mặt, Mỹ ráo riết thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc” ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn, ra sức bắt lính, đôn quân, tiếp tục chiến tranh. Chỉ tính từ ngày 19- 6-1968, khi Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tổng động viên đến cuối năm 1968, chính quyền Sài Gòn chẳng những bù đắp đủ cho số quân đã mất, mà còn nâng tổng quân số từ 552.000 (11 sư đoàn, 11 trung đoàn) trong năm 1967 lên 555.000 (12 sư đoàn, 9 trung đoàn) vào cuối tháng 12-1968.
Cùng với gia tăng quân ngụy, Mỹ đã chuyên chở một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh hiện đại vào Nam Việt Nam để bù đắp số mất mát, hư hỏng qua hai đợt tổng tiến công và nổi dậy, đồng thời thay thế một số chủng loại vũ khí cũ bằng vũ khí hiện đại hơn. Đến cuối năm 1968, tại Nam Việt Nam đã có 535.000 lính Mỹ và 65.791 lính thuộc quân đội các nước phụ thuộc Mỹ, được biên chế trong 9 sư đoàn, 5 lữ đoàn quân Mỹ, 2 sư đoàn và 3 trung đoàn quân các nước phụ thuộc.
Về phía quân Giải phóng miền Nam, qua hai đợt tổng tiến công liên tục Tết và tháng 5 lực lượng và vũ khí, đạn dược đã bị tổn thất lớn, chưa kịp bổ sung. Bên cạnh đó, lực lượng bí mật ém trong nội thành và phần lớn cơ sở - nơi cất giấu vũ khí, trang bị, chỗ đứng chân, nơi xuất phát tiến công cho các đợt tiến công tiếp sau đã bị lộ, bị đánh phá mất gần hết. Tại Sài Gòn, mặc dù thời cơ đã mất, nhưng “Không khí tổng công kích - tổng khởi nghĩa vẫn còn, nhưng có kèm theo tâm lý cay cú ở một số đồng chí muốn tấn công vào Sài Gòn như hai đợt trước”[38]. Ở mặt trận Quảng - Đà (Khu V) và một số mặt trận khác, do còn giữ được thế và lực còn mạnh, nên Bộ Tư lệnh Khu V đã đề nghị Trung ương cho mở tiếp đợt 3 tổng tiến công và nổi dậy[39]. Ngược lại, cũng có nhiều nơi xin tạm dừng tiến công để xốc lại đội hình, bổ sung, củng cố lực lượng, vũ khí trang bị
Nhằm thống nhất chủ trương hoạt động trên chiến trường, ngày 24 và 25-7-1968, Thường trực Quân uỷ Trung ương, gồm: Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Trần Quý Hai họp bàn kế hoạch hoạt động trong Đông - Xuân (1968 - 1969). Ngoài ra, Thường trực Quân uỷ Trung ương còn mời thêm Hoàng Anh, Lê Trọng Tấn, Trần Sâm, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Đôn... cùng tham dự cuộc họp.
Bộ Chính trị xác định: "Để tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam trong năm 1968, cần phải cố gắng diệt cho được 70 - 80% lực lượng dự bị chiến lược của Mỹ - ngụy". Đánh mạnh vào Sài Gòn, còn ở Đà Nẵng thì tuỳ theo khả năng mà đánh ở quy mô thích hợp. Song, dù thế nào cũng phải đẩy mạnh hoạt động ở nông thôn để tạo điều kiện cho đánh lâu dài. Đồng thời, đưa lực lượng dự bị chiến lược vào đứng chân ở Tây Nguyên chờ thời cơ. Để tránh bị bất ngờ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị: phải có phương án dự kiến thời cơ đến trước trong kế hoạch hoạt động Đông - Xuân. Mục tiêu của đợt 3 Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 vẫn được Bộ Chính trị xác định: chiến trường Sài Gòn, Gia Định và miền Đông Nam Bộ, Khu V là hướng phối hợp, trọng điểm là Quảng Đà. Thời gian nổ súng được ấn định vào ngày 17-8, kết thúc vào ngày 28-9-1968.
Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, mặc dù yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, song lực lượng pháo binh, đặc công, biệt động đã phối hợp đồng loạt tiến công trên 27 thành phố và thị xã, hơn 100 thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, 47 sân bay các loại, 3 tổng kho hàng hoá quân sự 6 bộ tư lệnh cấp sư đoàn của Mỹ và Sài Gòn.
Trên địa bàn Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau khi chống trả với đợt Tổng tiến công và nổi dậy tháng 5, Mỹ đã tập trung 38 tiểu đoàn Mỹ, 4 tiểu đoàn quân các nước phụ thuộc Mỹ và 61 tiểu đoàn chủ lực VNCH, tổng cộng 90.000 quân cùng lực lượng địa phương tại chỗ tổ chức hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, với chiều sâu khoảng 100 km, chia làm ba tuyến. Đứng trước tình hình này, Bộ Chính trị chấp nhận: trong đợt 3, trọng tâm tiến công được chuyển ra vòng ngoài, hướng chủ yếu là địa bàn hai tỉnh Tây NinhBình Long, các địa bàn còn lại là hướng phối hợp. Riêng với nội đô Sài Gòn - Gia Định và các thành phố, thị xã khác chủ yếu sử dụng lực lượng pháo binh và biệt động, đặc công bí mật luồn sâu tập kích vào các mục tiêu quan trọng, gây mất ổn định trong các cơ quan chỉ huy đầu não của Mỹ - ngụy; đồng thời, đưa cán bộ thâm nhập vào nội thành củng cố, ráp nối lại các cơ sở cũ, xây dựng thêm các cơ sở mới, từng bước củng cố lại phong trào.
Ngày 17-8-1968, chiến dịch chính thức mở màn. Tại hướng chủ yếu, các trận tiến công của quân Giải phóng diễn ra như ý định và phát triển tốt. Điển hình là ngay trong đêm 17, Trung đoàn 3 (thiếu một tiểu đoàn) thuộc Sư đoàn 9 bất ngờ tập kích cụm cứ điểm Trà Phí, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 400 lính Mỹ, phá huỷ, phá hỏng 31 xe cơ giới các loại và 6 khẩu pháo. Trên trục đường số 22, Trung đoàn 33 (Sư đoàn 5) tổ chức phục kích đánh ba trận liên tục đạt kết quả tốt; trong đó nổi bật nhất là trận ngày 19-8, Trung đoàn diệt một tiểu đoàn bộ binh cơ giới và phá 57 xe bọc thép Mỹ.
Tiếp đó, đêm 21-8, cùng lúc Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9) tập kích căn cứ Mỹ tại Trà Phí lần thứ hai, loại khỏi vòng chiến đấu một tiểu đoàn bộ binh cơ giới, phá huỷ, phá hỏng 96 xe quân sự các loại, 14 khẩu pháo và bắn rơi 4 máy bay lên thẳng của Mỹ; Trung đoàn 5 (Sư đoàn 5) tập kích cụm cứ điểm Chà Là lần thứ nhất, diệt hàng trăm Mỹ, bắn cháy, phá hỏng 140 xe quân sự các loại và 13 khẩu pháo, bắn rơi 1 máy bay.

Một chiếc RF-4C bị phá hủy tại sân bay
Trên đà thắng lợi, đêm 22 rạng ngày 23-8, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 33, Sư đoàn 5) tập kích cụm xe quân sự Mỹ ở suối Ông Hùng, phá huỷ 60 xe quân sự, bắn rơi 4 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm lính. Ngày 2-8, Trung đoàn 88 (thiếu một tiểu đoàn) tổ chức phục kích trên đường 22 (đoạn từ Đá Hàng đến Vên Vên thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) đánh thiệt hại nặng một đoàn xe cơ giới 147 chiếc (trong đó có 33 xe tăngxe bọc thép, 15 xe Jeép), loại khỏi vòng chiến đấu 400 lính.
Cũng trong khoảng thời gian trên, trên hướng thứ yếu chiến dịch ở tỉnh Bình Long, các đơn vị của Sư đoàn bộ binh 7 đã tiến công Chi khu quân sự Lộc Ninh. Mỹ đưa Trung đoàn 11 thiết giáp và một bộ phận quân của Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ đến ứng cứu, giải toả. Do vậy, Sư đoàn 7 phải cùng lúc vừa tổ chức tiến công chi khu, vừa đánh quân địch đến ứng cứu, giải toả, chưa tiêu diệt được mục tiêu đặt ra là Chi khu quân sự Lộc Ninh.
Sau một thời gian liên tục chiến đấu, đêm 31-8, quân Giải phóng quyết định kết thúc bước 1 chiến dịch trên cả hai hướng. Mỗi trung đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn để tổ chức “đợt hoạt động đệm”, đại bộ phận còn lại rút ra phía sau củng cố, chấn chỉnh, bổ sung quân số, trang bị, vũ khí đạn dược, chuẩn bị cho đợt 2 chiến dịch.
Ngày 12-9, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) tập kích cụm quân Mỹ tại Lâm Vồ lần thứ hai, làm thiệt hại nặng một tiểu đoàn bộ binh cơ giới hỗn hợp, phá huỷ, phá hỏng 58 xe quân sự (trong đó có 39 xe bọc thép), 14 khẩu súng cối, bắn rơi 7 máy bay. Cùng ngày, trên mặt trận đường 22, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 5) tổ chức phục kích và đánh phản kích, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 350 lính, 46 xe quân sự các loại, bắn rơi 6 máy bay lên thẳng.
Tại thị xã Tây Ninh, ngay từ đêm 10-9, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, các đội biệt động, đặc công, trinh sát Miền và Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 2) đã đồng loạt nổ súng tiến công tiêu diệt một số mục tiêu quan trọng trong nội và ngoại thị, gây sự hoang mang dao động mạnh về tinh thần trong nội bộ quân VNCH ở tỉnh Tây Ninh.
Sau gần 20 ngày liên tục giữ thế chủ động bằng các chiến thuật: phục kích, tập kích, đánh bồi, đánh nhồi vào các cụm quân, tiêu hao, tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, hoàn thành cơ bản các mục tiêu chiến dịch đặt ra, ngày 28-9-1968, quân Giải phóng đã chủ động kết thúc đợt 2, cũng là kết thúc toàn bộ chiến dịch. Tổng kết thành quả giành được sau 43 ngày đêm chiến đấu liên tục của chiến dịch Tây Ninh - Bình Long (từ ngày 17-8 đến 28-9-1968), các sư đoàn 5, 7, 9 chủ lực Miền và du kích Tây Ninh, Bình Long đã đánh 315 trận (có 53 trận cấp tiểu đoàn, 16 trận cấp trung đoàn), loại khỏi vòng chiến đấu 13 tiểu đoàn, 55 đại đội, tiêu hao nặng 7 tiểu đoàn thuộc các sư đoàn 1 và 25 bộ binh cơ giới Mỹ, một số đơn vị thuộc lực lượng tổng trù bị chiến lược VNCH và nhiều đơn vị biệt kích, bảo an tại chỗ; loại khỏi vòng chiến đấu 18.406 lính, phá huỷ 1.507 xe quân sự, 112 máy bay, 107 khẩu pháo, thu được 24 máy vô tuyến điện, 282 súng các loại.
Song những thắng lợi trong đợt 3 ở miền Đông cũng không làm thay đổi được tình hình nhiều, vì lực lượng quân Giải phóng bị tổn thất nặng. Cuối năm 1968, sau ba đợt tiến công liên tục quân số, vũ khí đạn dược đã cạn kiệt, những bộ phận còn lại của các đơn vị được lệnh rút lên các căn cứ để củng cố và bổ sung quân số. Nhưng để lên được căn cứ, cán bộ và chiến sĩ phải tiếp tục đột phá mở đường qua các tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn từ xa của Mỹ với chiều sâu hàng trăm km của quân Mỹ, nên lực lượng lại tiếp tục bị tiêu hao thêm.
Nhìn lại diễn biến và kết quả của đợt 2 và đợt 3 Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Trung ương Đảng Lao động nhận định: “Chúng ta đã mắc một số khuyết điểm, chủ quan trong việc đánh giá tình hình cho nên đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó nhất là không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời”[40], nên để mất đất, mất dân, lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng và vật chất chiến tranh bị tổn thất nghiêm trọng, gây những khó khăn rất lớn cho phong trào đấu tranh năm 1969; song, thắng lợi trong đợt 2 và 3 tổng tiến công và nổi dậy cũng rất lớn, ta không chỉ tiêu diệt được một lực lượng chiến lược của Mỹ - ngụy, mà điều quan trọng là ta đã đánh bồi liên tiếp, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong bốn thành viên chính thức tham gia hoà đàm tại Pari. Những thắng lợi này góp phần cho ta thế mạnh chủ động đấu tranh ở Hội nghị Pari."

Kết quả

Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã dẫn đến các kết quả chính trị và quân sự cho cả thời kỳ 1969-1971.

Về chiến thuật


Tướng cảnh sát miền Nam Nguyễn Ngọc Loan (1930 - 1998) bắn chết tù binh trên đường phố
Trong 3 đợt của cuộc tấn công, quân Giải phóng đã gây cho Mỹ và đồng minh những thiệt hại lớn. Theo các thông cáo chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì trong cả năm 1968 họ đã loại ra khỏi vòng chiến 630.000 quân đối phương cả Mỹ-VNCH lẫn đồng minh, 13.000 xe cơ giới, 1.000 tàu chiến, 700 kho đạn, 15.000 đồn bót; trong đó riêng 2 tháng đợt 1 đã diệt được 147 ngàn quân đối phương[41]. Tài liệu Hoa Kỳ xác nhận tổn thất trong đợt 1 là hơn 48.500 quân và 552 máy bay bị phá hủy, và năm 1968 trở thành năm đẫm máu nhất đối với quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam với 16.511 lính chết và 87.388 bị thương chưa kể mất tích[42]. Đối với quân lực VNCH thì đây là năm đẫm máu thứ 2 (chỉ sau năm 1972) với 28.800 thiệt mạng và 172.512 bị thương chưa kể mất tích[43]. Nhiều đơn vị tinh nhuệ của quân đội này phải mất 1 năm để tái huấn luyện bổ sung tổn thất. Như vậy tổng thương vong của quân đội Mỹ và đồng minh trong năm 1968 là khoảng 310 ngàn, năm thương vong cao nhất trong toàn cuộc chiến.
Tuy nhiên, để đạt kết quả trên, quân Giải phóng cũng chịu thương vong hơn 11 vạn người. Tuy về số học là nhỏ hơn đối phương, nhưng đối với họ, mức tổn thất này nghiêm trọng hơn. Bởi họ bị quân Mỹ và đồng minh vượt trội về quân số (1,2 triệu so với chưa đầy 300 ngàn), do đó tỷ lệ thương vong của họ lớn hơn (hơn 1/3 quân số so với 1/5 của đối phương). Về tổn thất vũ khí cũng tương tự, tổn thất của Mỹ lớn hơn nhiều về giá trị nhưng có thể được bổ sung nhanh chóng từ kho vũ khí khổng lồ của họ, trong khi quân Giải phóng chỉ trông chờ vào những chuyến hàng tiếp tế đầy khó khăn từ miền Bắc.
Sau tổng tiến công Mậu Thân, vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam bị thu hẹp. Quân Giải phóng bị đẩy ra xa và suy yếu trầm trọng: các đơn vị quân sự suy yếu, các lực lượng chính trị bị lộ và bị triệt phá gần hết, thương vong cao hơn hẳn các năm trước, phải đến năm 1970 lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Trong năm 1969, quân đội của họ mất thế đứng chân tại nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, phải rút về miền nông thôn, rừng núi hoặc phải sang ẩn tránh tại các vùng bên kia biên giới LàoCampuchia. Do khó khăn về tiếp tế, đã có ý kiến trong giới lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam và ở Hà Nội đề nghị giải tán các đơn vị cỡ sư đoàn, quay về lối đánh cấp trung đoàn trở xuống.
Chiến trường miền Nam trở nên yên tĩnh. Trong các năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến đầu 1970, là thời gian Quân lực Việt Nam Cộng hòa chủ động tiến công tìm diệt quân Giải phóng, thực hiện chiến dịch Phượng Hoàng, nhằm bình định và triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ở nông thôn và thành thị. Vai trò của đấu tranh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam từ nay suy giảm đi nhiều vì các hệ thống cơ sở chính trị của họ bị phá và với sự ác liệt không khoan nhượng của chiến tranh ở giai đoạn này không cho phép dân chúng tụ tập trên chiến trường để yêu sách chính trị.[cần dẫn nguồn] Từ đó trở đi vai trò của quân chủ lực chính quy mang tính chất quyết định, vai trò của quân du kích chỉ còn là thứ yếu.
FNL Flag.svgQuân giải phóng miền Nam thiệt hại trong năm 1968[44]    
Chết 44.824
Bị thương 61.267
Mất tích 4.511
Bị bắt 912
Lạc 1.265
Đào ngũ 10.899
Đầu hàng 416
Tổng (không tính đào ngũ) 113.295
Đó là cơ sở để các tướng lĩnh Mỹ và chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân Giải phóng đã thất bại. 40 năm sau sự kiện Tết Mậu Thân, tướng Lê Khả Phiêu lúc đó là chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, đơn vị chủ lực đánh vào thành Huế và giữ Huế 25 ngày, hồi tưởng: Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng tôi ở chiến trường lao đao mất 2 năm rưỡi, đến năm 1972 ta mới có được những chuyền biến tích cực. Vinh quang có thật, tinh thần chiến đấu thì anh dũng tuyệt vời, nhưng đúng là có khó khăn. Giữ được Huế 25 ngày như thế đã là "ghê" lắm rồi. Khi rút ra ngoài, cả trung đoàn chỉ còn đúng 5 cân gạo. [45].

Về chiến lược, Chính trị và ngoại giao

Trong các đợt cao trào, lực lượng vũ trang tại chỗ Quân giải phóng miền Nam cũng đã phát động nổi dậy tại nhiều nơi, giáng một đòn nặng vào hệ thống chính quyền cơ sở VNCH ở nông thôn. Trong đợt Tết, phối hợp với đòn tiến công quân sự đánh vào các đô thị, Quân giải phóng đã tổ chức nổi dậy và kiểm soát thêm 1.600.000 dân, 100 xã, hơn 600 ấp chiến lược, dinh điền. Chương trình “bình định” của Hoa Kỳ tan vỡ từng mảng. Văn phòng hệ thống phân tích tình hình thuộc Lầu Năm Góc thì đánh giá: “Cuộc tiến công (Tết) hình như đã vĩnh viễn giết chết chương trình (bình định)”. Chiến lược chiến tranh cục bộ của Hoa Kỳ đã phá sản sau đợt tấn công Tết.
Thành công của Tết Mậu Thân đã giáng một đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn cả ở thành thị lẫn nông thôn, khiến cho giới lãnh đạo cao cấp Hoa Kỳ phải bàng hoàng, sửng sốt. Robert Kennedy - thượng nghị sĩ em trai cố TT Mỹ đã phải thốt lên rằng: Tại sao nửa triệu lính Mỹ, có 70 vạn lính Nam Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công. Bộ Quốc phòng Mỹ khi tổng kết chiến tranh Việt Nam đã thừa nhận: “Nhờ nghiên cứu các phương pháp và thói quen có thể dự đoán được của Mỹ mà đối phương đã vạch ra kế hoạch nghi binh và phân tán chiến lược của họ. Trái lại sự hiểu biết của Mỹ về đường lối chiến lược của địch là nông cạn và chủ quan hơn”[46]
Cuộc tổng tiến công đã làm dư luận Mỹ thấy rằng việc đưa quân tham chiến với nỗ lực cao đã làm căng thẳng trong xã hội Mỹ, phúc lợi giảm sút, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội... mà vẫn không dứt điểm được đối phương, và trong tương lai chiến tranh không biết sẽ kéo dài đến bao giờ. Điều này đưa đến kết luận là Hoa Kỳ không thể thắng được trong cuộc chiến này. Sau này, trong hồi ký, Johnson xác nhận Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là “một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”, “cố gắng của đối phương đã gây ra một hậu quả tác động xấu đến một số người trong và ngoài Chính phủ”, nhân dân Mỹ và một số nhân vật trong chính quyền bắt đầu nghĩ rằng chúng ta đã thất bại”
Quy mô của cuộc tiến công làm dư luận Hoa Kỳ mất kiên nhẫn và tin tưởng với giới quân sự, họ đòi chấm dứt chiến tranh mang quân về nước. Một mặt họ thiếu niềm tin vào hiệu quả của quân đội, mặt khác các hành động bạo liệt mất nhân tính được trình chiếu trên TV đánh vào lương tâm công chúng (Xem Thảm sát Mỹ Lai, Thảm sát do đơn vị Lực lượng Mãnh Hổ). Người dân Mĩ đòi hỏi phải chấm dứt chiến tranh ngay lập tức bởi họ coi chiến tranh là bẩn thỉu. Sau này, ngoại trưởng Henry Kissingger thừa nhận: “Các thế hệ tương lai có thể khó hình dung được cơn biến động trong nước mà chiến tranh Việt Nam gây ra... Chính cơ cấu của chính phủ đã bị tan rã. Ngành hành pháp bị choáng váng. Cuối cùng, con em của họ và con em bạn bè của họ đã tham gia các cuộc biểu tình... Sự kiệt sức là dấu ấn của tất cả chúng tôi. Tôi phải đi từ nhà tôi, vây quanh là đám người phản đối, đến tầng dưới của Nhà Trắng để được ngủ đôi chút”[47]
Các chính trị gia trong Quốc hội Hoa Kỳ gây sức ép lên chính phủ đòi xem xét lại cam kết chiến tranh, đòi hủy bỏ uỷ quyền cho chính phủ tiến hành chiến tranh không cần phê chuẩn, thúc ép giải quyết chiến tranh bằng thương lượng. Ngay các nhà lãnh đạo chính phủ Hoa Kỳ cũng chia rẽ trong quan điểm sẽ làm gì tiếp theo. Các cố vấn hàng đầu của tổng thống và ngay Tổng thống Lyndon B. Johnson thoái chí đi đến kết luận không thể tăng quân thêm nữa theo yêu cầu của giới quân sự mà phải xuống thang, đàm phán. Giới lãnh đạo Mỹ công nhận: Tết Mậu Thân 1968 đã đặt họ “trước một bước rẽ trên đường đi, và các giải pháp để lựa chọn đã phơi bày trong một thực tế tàn nhẫn”[48].
Với sức ép của Tết Mậu Thân, cùng với việc thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Mỹ còn cách chức Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đưa Abram lên thay (9-3-l968). Đồng thời, Johnson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Cũng từ sau Mậu Thân trở đi, quyền lực tiến hành chiến tranh của Tổng thống Hoa Kỳ càng ngày càng bị hạn chế bởi Quốc hội và dư luận trong nước và quốc tế. Sự rút quân viễn chinh Mỹ về nước là không thể đảo ngược, Chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn mới mà chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa phải tự bảo vệ lấy mình - Việt Nam hóa chiến tranh là không thể tránh khỏi.
Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới. Tổng thống Richard M. Nixon, thắng cử vì hứa sẽ chấm dứt chiến tranh, tuyên bố sẽ dần rút quân về nước và đàm phán với phía VNDCCH. Vấn đề của Hoa Kỳ bây giờ không còn là tìm cách chiến thắng cuộc chiến nữa mà là rút ra như thế nào.
Tất cả những điều trên đã tạo cơ sở cho VNDCCH và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam khẳng định rằng: họ đã đạt được mục tiêu của cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, cho dù với giá hy sinh cực kỳ to lớn. Một chiến thắng như vậy không còn trong phạm trù chiến thuật, mà mang tầm vóc thắng lợi chiến lược, nó tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý xã hội nước Mỹ. Đây là thắng lợi mang tính chiến lược của họ: Hoa Kỳ buộc phải xuống thang và bắt đầu rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam suy yếu thì sẽ hồi phục lại, còn Hoa Kỳ một khi đã ra đi thì khó mà trở lại được.
Về sự kiện Tết Mậu Thân, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, tháng 10-1973, đã kết luận: "Mặc dù có những khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đánh với đối tượng là một siêu cường có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh nhất trên thế giới thì không dễ gì chiến thắng mà ít tổn thất. Đó là sự hy sinh, tổn thất cần thiết để dẫn đến hoà bình. Ta có khuyết điểm, sai lầm, nhưng cái chính và điều quan trọng là ta đã chiến thắng". Bộ Chính trị kết luận: Tết Mậu Thân thắng rất lớn, không phải chỉ ở chiến thuật mà nhất là đã đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh.. [49]
Các nhà sử học phương Tây cũng đánh giá rất cao vai trò bước ngoặt của cuộc Tổng tấn công trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhà sử học Merle L. Pribbenow nhận định: "Cuộc tấn công Tết Mậu Thân có lẽ là sự kiện có sức nảy nở lớn nhất trong lịch sử cuộc chiến dài dặc của Mỹ tại Việt Nam. Đây là một thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến, một thời điểm kể từ đó không có đường lùi nữa. Chiến lược gia quân sự Trung Quốc cổ đại Tôn Tử viết: Nước lũ cuốn trôi cả đá gạch, đó là nhờ thế nước lũ; Chim ưng vồ mồi xé nát con mồi, đó là nhờ thế tiết nhanh chớp nhoáng. Trong quyết định tung cuộc Tổng tiến công Tết, quân Giải phóng đã làm theo lời chỉ dạy của Tôn Tử. Họ đã sử dụng sự “biến hóa”, và “thế tiết” của họ là hoàn hảo."[50]

Mặt trận ngoại giao, thành quả phối hợp với chính trị-quân sự trong năm 1968

Hiệp định Paris 1973|Hiệp định Paris
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Johnson phải tuyên bố: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận đàm phán với VNDCCH. Đây là bước nhượng bộ rất lớn của Mỹ bởi trước đó, họ luôn duy trì quan điểm cứng rắn: VNDCCH phải ngừng chiến đấu, rút quân Giải phóng miền Nam khỏi miền Nam Việt Nam thì mới có đàm phán hòa bình.
Cuối cùng, 2 bên lấy Pari làm địa điểm họp chính thức. Phiên họp đầu tiên được hai bên ấn định vào ngày 10-5-1968, phía VNDCCH cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, Hà Văn Lâu làm Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hoa Kỳ cử Hariman và C.Vasner làm Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ. Hình thức họp là 4 bên tham gia: VNDCCH - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - Hoa Kỳ - VNCH. Đây lại là bước nhượng bộ nữa của Mỹ bởi trước đó họ từ chối công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và coi VNCH là "chính phủ duy nhất của miền Nam Việt Nam". Tuy vậy, dù có 4 bên nhưng thực tế các phiên họp kín chỉ có 2 đoàn vốn thực sự nắm quyền điều khiển cuộc chiến là VNDCCH và Hoa Kỳ được tham dự.

Hiệp Định Paris, thành quả của chiến dịch Tết 1968
Ngày 3-6-1968, Nguyễn Duy Trinh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ thị cho đoàn ở Pari: “Tiếp tục làm tốt việc đấu tranh công khai và chuẩn bị lúc nào thuận lợi thì vừa nói chuyện công khai vừa nói chuyện hậu trường”
Trong quá trình diễn biến các cuộc nói chuyện ở Pari, phía Mỹ đã thường xuyên thông báo tình hình cho chính quyền Sài Gòn, và Nguyễn Văn Thiệu luôn tỏ ra chấp nhận lập trường của phía Mỹ. Nhưng khi đạt được sự dàn xếp giữa Oasinhtơn và Hà Nội thì lại nảy sinh sự bất hoà giữa Mỹ và Sài Gòn. Ngày 29-10-1968, Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn báo cáo về Mỹ cho biết Nguyễn Văn Thiệu không chấp nhận tham gia vào các cuộc thương lượng tại Pari với lý do: Thiệu còn phải xin ý kiến Quốc hội; không muốn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được coi là một bên; cần giải quyết xong mọi thủ tục rồi mới họp. Mặc cho VNCH phản đối, nửa đêm ngày 30-10, Trưởng và Phó đoàn Mỹ đến nơi ở của đoàn VNDCCH tại Pari để thông báo sẽ công bố lệnh chấm dứt ném bom tối 31-10, vào 7 giờ hay 8 giờ, giờ Oasinhtơn ngày 31-10-1968.
Trải qua 28 phiên họp chính thức, 21 cuộc gặp riêng, bí mật, kiên quyết giữ đúng nguyên tắc, VNDCCH đã đạt được hai yêu cầu cơ bản:
  • Buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà;
  • Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong một hội nghị bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn).
Nhân dịp này, ngày 3-11-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ rất ngoan cố và xảo quyệt. Chúng nói “hoà bình”, “thương lượng” nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng... Vì vậy nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc”[51]

Chú thích

  1. ^ Tổng 1.333.546 gồm
    Hoa Kỳ 497.498, Nam Hàn 48.839, Úc 6.579, Thái Lan 2.242, Philippines 2.021, New Zealand 534, Tây Ban Nha 13,
    chủ lực Quân lực Việt Nam Cộng hòa 634.475, bán quân sự 141.345.
    Nguồn:Tình hình quân sự năm 1967 của Võ Phòng, Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, Hồ sơ 16.105, phòng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa, hiện lưu tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II
  2. ^ Con số khác là khoảng 1.2 triệu. Hoang Ngoc Lung, The General Offensives McLean VA: General Research Corporation, 1978, trang 8.
  3. ^ Theo Tài liệu số 790, Trung tâm lưu trữ, Bộ Quốc phòng Việt Nam, chủ lực Quân Giải phóng có 220.000, bộ đội địa phương có 57.000, tổng cộng 277.000.
  4. ^ Hoang, p. 10.
  5. ^ Clark Dougan & Stephen Weiss, Nineteen Sixty-Eight, Boston: Boston Publishing Compnay, 1983, p. 184.
  6. ^ Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng võ trang Giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968- Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 NXB Chính trị Quốc gia
  7. ^ http://www.rjsmith.com/kia_tbl.html
  8. ^ Sách Giáo Khoa lớp 12 tr 145
  9. ^ Tổng công kích, Tổng nổi dậy Tết mậu thân 68 - Cơ sở phát hành Đại Nam, trang 35
  10. ^ Includes casualties incurred during the "Border Battles", Tet Mau Than, and the second and third phases of the offensive. General Tran Van Tra claimed that from January through August 1968 the offensive had cost the communists more than 75.000 dead and wounded. This is probably a low estimate. Tran Van Tra, Tet, in Jayne S. Warner and Luu Doan Huynh, eds., The Vietnam War: Vietnamese and American Perspectives. Armonk NY: M.E. Sharpe, 1993, pgs. 49 & 50.
  11. ^ Tổng thương vong trong cả năm 1968: 44.842 chết, 61.267 bị thương. Số người tử trận tính theo vùng: Đường 9:3.994, Trị Thiên: 4.862, Đồng bằng khu 5:10.732, Tây Nguyên:3.436, Khu 6: 1.254, Khu 10: 440, Đông Nam Bộ: 14.121, Khu 8: 2.484, Khu 9: 3.501.
    Nguồn: Cục tác chiến, số 124/TGi, hồ sơ 1.103 (11-2-1969)
  12. ^ Đánh bại “Chiến tranh đặc biệt”, làm phá sản kế hoạch bình định, gom dân
  13. ^ William Westmoreland: Tường trình của một quân nhân, Garden City, N.Y.: Doubleday, 1976. P.129
  14. ^ http://www1.chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/cpcacthoiky/1955_1975/02_3.html
  15. ^ Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Việt Nam thông tấn xã phát hành, Hà Nội, 1971, t.2, tr.126.
  16. ^ http://www.globalsecurity.org/military/ops/vietnam2-escalation.htm
  17. ^ http://faculty.smu.edu/dsimon/Change-Viet2.html
  18. ^ a b c Lịch sử quân sự Việt Nam. Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia 2005. Tập 11, trang 205-207
  19. ^ Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000.
  20. ^ Cục Tác chiến, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000
  21. ^ Trích Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12-1967 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 1-1968, thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
  22. ^ http://vov.vn/Home/Phan-II-Cuoc-tien-cong-va-noi-day-Tet-Mau-Than-1968/20081/77799.vov
  23. ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập V: Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 45
  24. ^ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập V: Tổng tiến công và nổi dậy 1968, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 48
  25. ^ Về quân số: theo tài liệu lưu trữ K4 - Bộ Quốc phòng, số 791. - Về vật chất: theo thống kê của Tổng cục Hậu cần. - Về tiền: theo tài liệu Vụ I của Nhà nước.
  26. ^ Tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968
  27. ^ a b Suy nghĩ về chiến thắng trong Tết Mậu Thân 1968
  28. ^ Khu 5 và Tây Nguyên tiến công vào đêm ngày 30-1 tức đêm 29 Tết, sớm hơn 1 ngày so với các vùng khác
  29. ^ Westmoreland: Một quân nhân tường trình, tr. 177
  30. ^ http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/04/nu-biet-dong-sai-gon-duy-nhat-danh-dinh-doc-lap/
  31. ^ Phan Hàm: Trong cuộc đối đầu thế kỷ, Sđd, tr. 320.
  32. ^ Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, t.1, tr. 287
  33. ^ McNamara Argument Without End
  34. ^ Braestrup, Peter, Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington. Boulder CO: Westview Press, 1977. ISBN 0-89158-012-3
  35. ^ http://www.chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/cpcacthoiky/1955_1975/02_3.html
  36. ^ Nguyễn Thế Vỵ, Mậu Thân 1968 - bài học về sự vận dụng đường lối quân sự của Đảng trong tác chiến, Báo Quân đội Nhân dân, 29/05/2008. Kiểm tra ngày 09-09-2010
  37. ^ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Sđd, tr. 117, 118.
  38. ^ Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.532.
  39. ^ Thượng tướng Lê Ngọc Hiền: Ghi nhớ về xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch thực hiện đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968, in trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Sđd, tr. 198.
  40. ^ Nghị quyết Trung ương lần thứ 21 (tháng 7-1973)
  41. ^ Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng võ trang Giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968- Lịch sử Kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 NXB Chính trị Quốc gia
  42. ^ http://www.rjsmith.com/kia_tbl.html
  43. ^ http://www.rjsmith.com/kia_tbl.html
  44. ^ Tết Mậu Thân 68, bước ngoặc lớn của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước-Hồ Khang p362
  45. ^ Rút khỏi Huế là quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp của tôi
  46. ^ Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thư viện Trung ương quân đội dịch, Hà Nội, 1982, tr. 6, 7
  47. ^ Henry Kítxinhgiơ: Hồi ký những năm tháng ở Nhà Trắng, bản tiếng Việt, Thư viện Trung ương quân đội dịch, 1982, tr. 190.
  48. ^ Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về chiến tranh Việt Nam, t.2, tr. 47, 50, 243.
  49. ^ Kết luận của Bộ Chính trị họp ngày 23-4-1994, số 215 - BBK/BCT.
  50. ^ Merle L. Pribbenow II – Tướng Giáp và tiến trình của kế hoạch Tết Mậu Thân (1968). Journal of Vietnamese Studies, Volume 3, Number 2, Summer 2008
  51. ^ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 12, 407

Tài liệu tham khảo

Xem thêm

Liên kết ngoài

Không có nhận xét nào: