Trang Chủ, Dấu Chân lãng tử,

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN (Phần cuối))



CAFE VIỆT DU HÝ - CAFE THIÊN THẦN (Phần cuối)

   

HOÀNG THIÊN LÃNG TỬ - NGỌ MÔN HUẾ - 1974


 


 


LỜI MỜI CHỦ NHÂN
"CAFE VƯỜN HOÀNG"

  

 Về miền Phú Lãng - Bắc Ninh
Nghe câu Quan họ, chút tình đợi mong
Kìa Khu Sinh Thái mênh mông
Tâm Linh Vạn Phúc gieo trồng thiện duyên
Vườn Hoàng ươm hạt diệu huyền
Thiên Thai trần mộng đoàn viên sơn hà
Chim oanh hót trên đồng xa
Sáo diều dậy khắp la đà thoảng qua
Nắng mai vui đón khách nhà
Sương giăng khắp nẻo như là dệt tơ

Mặc lan thoảng nhẹ tình thơ
Trăm giò Hồ Điệp hương chờ sắc mong
Ao sen, vườn táo, ngõ hồng
Đến đây hoa cỏ sắc hương dạt dào

Chén trà mạn, bồ câu chào
Ngọt môi, ấm dạ bắc cầu tri âm
Phin cafe giọt ân cần
Tình nồng đằm thắm ấm dần tim cô
Chủ nhân lam biếc nghinh chờ
Hoàng Thiên Lãng Tử hồn thơ điệp trùng

Ai mặc khách, ai yên hùng
Xin mời ghé bến Tương Phùng dạo chơi
Viễn du năm tháng đầy vơi
Trăng, mây, sông, núi - đất trời thương mong!

HTLT Thân đề 
HOÀNG VIÊN QUÁN,
Bắc Ninh, Mùa Trăng tròn tháng Tư Nhâm Thìn - 2012


 


 

 

 Tranh Thư pháp: NGÂN VỌNG TỚI VÔ BỜ



BẾN BỜ TRẦN GIAN

Từ bờ cõi hoang vu cô độc
Chân ngựa về với cỏ úa, sương khô
Rồi nằm lại! Ôi ngàn năm dáng vẻ
Của niềm thương ngân vọng tới vô bờ!

HTLT Thi đề

TRƯỜNG TRUNG HỌC BỒ ĐỀ HỮU NGẠN
(TRƯỜNG PTCS HÒA BÌNH)

Tôi thi đỗ vào Trường Quốc Học, học được một năm thì sự kiện 1975 xảy ra, các hệ thống giáo dục cũ bắt buộc phải thay đổi toàn bộ. 
Ngày tựu trường của học sinh được phân lớp lại, quy theo nơi trú ngụ của học sinh từng khu vực để phân về các trường cơ sở. Nhiều học sinh bất mãn về chuyện này, tỏ ra thờ ơ hoặc chán nản bỏ học. Sự xáo trộn này là điều tất nhiên sau một cuộc cách mạng xã hội.


Trường Quốc Học và Trường Đồng Khánh là một trong những biểu tượng hứa hẹn tương lai trong lòng những đứa trẻ của Huế khi bước vào ngưỡng cửa trung học thời điểm trước 1975. Như "miền Đất Hứa" của tuổi thơ tôi, khi thi đỗ vào Trường Quốc Học, đó là niềm tự hào của cả nhà và cả lũ bạn ngây ngô của tôi. Nên việc chuyển đổi trường, nói chung tất cả học sinh Quốc Học hồi đó đều bất mãn và đành bất lực chịu trận. 

Trong hệ thống đổi mới của ngành giáo dục hồi đó, từ cấp tiểu học đến trung học gồm: Trường Phổ thông Cơ sở Cấp 1: từ lớp 1 đến lớp 5, Trường Phổ thông Cơ sở Cấp 2: từ lớp 6 đến lớp 9, Trường Phổ thông Cơ sở Cấp 3: từ lớp 10 đến lớp 12. Trường Quốc Học được chuyển đổi thành Trường PTCS Cấp 3 Quốc Học. Khi biết mình phải rời khỏi mái trường thân yêu tôi đành tự hứa với chính mình, hẹn 3 năm sau tôi sẽ quay lại hỡi tường rêu gạch đỏ, hỡi phượng vĩ, anh đào.

Lúc đầu tôi được đưa về một cơ sở trường Dòng (Trường PTCS Cấp 2 Vĩnh Lợi) ở đường Nguyễn Huệ bên kia đường là Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - Huế. Sau khoảng hai tháng lại thuyên chuyển về Trường Hòa Bình ở Xóm Chuối (nay là thuộc Phường Phú Hội, Tp. Huế).
Nói đủ là Trường Phổ thông Cơ sở Cấp 2 Hòa Bình, tên trước đây là Trường Trung học Tư thục Bồ Đề Hữu Ngạn, thuộc hệ thống trường đào tạo của Ngành Giáo dục Phật giáo (GHPGVNTN) miền Nam trước 1975.

Trường có khuôn viên nhỏ bé rộng chưa đến một héc ta, có hai mặt đường nhựa gồm cổng chính và cổng phụ, trước cổng chính có trồng một cây bồ đề và hai hàng phượng vỹ. Kiến trúc trường theo kiểu hiện đại (thời đó), gồm hai nhà cấp 3, một dãy nhà trệt dùng làm Văn phòng của Ban Giám Hiệu, một dãy nhà hai tầng dùng làm lớp học, bên kia đường sau tòa nhà này thấp thoáng một ngôi "Niệm Phật Đường" (chùa dành cho cư sĩ tại gia), thỉnh thoảng nghe tiếng chuông ngân mỗi khi có lễ lược. Phía trước dãy nhà hai tầng là sân chào cờ và nhà xe lợp tole. 
Bên hông văn phòng Ban Giám Hiệu là vườn hoa bé nhỏ. Trường đơn sơ chỉ có thế!
Dù chỉ học ở trường này có 3 năm nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ và để lại những ký ức thật đẹp cho tôi qua những chặng đường gian nan khốn khó của cả thầy lẫn trò, giai đoạn chuyển tiếp của thời cuộc. Ở đó tôi gặp những nhân vật: Thầy Trần Minh Giám làm Hiệu trưởng, thầy Nguyễn Xuân Lai dạy môn Toán kiêm môn Hóa, thầy Nguyễn Văn Minh dạy môn Văn, thầy Nguyễn Sĩ Thiều dạy môn Sử Địa, cô Nguyễn Thị Kim Cúc dạy môn Tiếng Anh, cô Phan Thị Ngọc Thanh dạy Sinh vật, thầy Hoàng văn Thể dạy Hội Họa, ... mỗi người mỗi yếu tố, mỗi tính cách, có ảnh hưởng nhất định trong tâm hồn tuổi thơ thế hệ của tôi, phần nào ảnh hưởng, hình thành nên con đường sự nghiệp sau này.  

Cô bé Thiên Thần xuất hiện ở đây, trong một quán nước trong hẽm nhỏ ở Xóm Chuối, ngay bên cạnh trường học.

(còn tiếp)


 






PHỤ LỤC:

Hệ thống các trường Bồ đề

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trường Bồ đề là một hệ thống giáo dục tư thục của Phật giáo Việt Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất điều hành thời Việt Nam Cộng hòa. Trường Bồ đề dựa trên căn bản giáo dục trẻ em không chỉ về mặt kiến thức mà cả mặt tâm linh theo triết lý Phật giáo. Tuy có dạy một số giờ giáo lý nhưng chương trình học trong các trường Bồ đề vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục đã đề ra, giống như trong các cơ sở giáo dục công lập và tư thục khác.[1]

Lịch sử

Ngôi trường Bồ đề đầu tiên thành hình vào năm 1952Huế do Hội Tăng già Trung Việt tổ chức.[2] Sang thời Việt Nam Cộng hòa, những tổ chức cư sĩ Phật giáo cũng đã theo đó đóng góp gây dựng lên nhiều cơ sở khắp miền Nam Việt Nam. Năm 1963, miền Nam đã có 163 trường Bồ đề.[3] Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập thì Hiến chương 1964 của Giáo hội gom các trường Bồ đề lại và đặt dưới sự điều hành của Vụ Giáo dục thuộc Tổng vụ Văn hóa và Giáo dục, Viện Hóa Đạo.
Tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ đề, trong đó có 65 trường trung học. Tổng số học sinh là 58.466.[4]
Sau năm 1975, dưới chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, toàn thể hệ thống giáo dục này bị giải thể khi tất cả những cơ sở giáo dục tư thục đều phải ngưng hoạt động.

Nhân vật liên quan

Tham khảo và Chú thích



Quốc Học Huế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Trường Trung học phổ thông chuyên Quốc Học - Huế


Năm thành lập 1896
Loại hình Trung học phổ thông
Hiệu trưởng Nguyễn Phước Bửu Tuấn
Địa chỉ 12 Đường Lê Lợi
Thành phố Huế
Nước Việt Nam
Điện thoại +84-054-3823234
Email quochoc@dng.vnn.vn
Website http://thpt-quochochue-tthue.edu.vn

Lầu chuông - Cổng trường Quốc Học
Quốc Học là một ngôi trường nổi tiếng ở cố đô Huế, Việt Nam. Trường được thành lập vào ngày 23 tháng 10 năm 1896 theo chỉ dụ của vua Thành Thái giao cho ông Ngô Đình Khả làm trưởng giáo và được Toàn quyền Đông Dương ký quyết định ngày 18 tháng 11 năm 1896.
Trường đã đổi tên qua nhiều thời kỳ: École Primaire Supérieure (tức Trường Cao đẳng Tiểu học) nhưng thường gọi là Quốc Học (1896-1936), Trường Trung học Khải Định (1936-1954), Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956), và được trở về với tên gốc vào năm 1956 cho đến nay. Tên lúc mới thành lập là "Pháp tự Quốc học Trường môn", đến nay vẫn còn bảng ghi tên đó được lưu tại nhà lưu niệm của trường.
Quốc Học là trường trung học đệ nhất cấp đầu tiên ở Huế. Ngay từ lúc sáng lập, giáo trình được dạy bằng tiếng Việt cùng với tiếng Pháp.[1] Hiện nay, trường được chính phủ Việt Nam chọn để xây dựng thành một trong ba trường phổ thông trung học chất lượng cao của Việt Nam (cùng với Trường Lê Hồng Phong tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Chu Văn An tại Hà Nội).
Ngoài các hoạt động dạy và học, học sinh Quốc Học Huế cũng tổ chức và tham gia rất nhiều hoạt động bổ ích khác, điển hình như chương trình Tiếp Lửa Tài Năng. Các dịp kỷ niệm thành lập trường luôn là dịp kỷ niệm lớn để ôn lại lịch sử, để các thế hệ học sinh đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm, vốn sống cũng như những lời khuyên bổ ích cho các thế hệ học sinh sau này. Dịp kỷ niệm gần đây nhất của trường là dịp tròn 115 năm từ ngày thành lập, tổ chức vào ngày 23 tháng 10 năm 2011.

Mục lục

Lịch sử

Quốc Học được thành lập trên nền của Dinh Thủy sư (nơi huấn luyện binh lính đường thủy của quân đội triều Nguyễn), ban đầu trường được xây dựng theo kiểu cũ, nhà tranh vách đất, tổng cộng có 3 tòa nhà. Địa điểm của trường nằm xoay ra đường Jules Ferry (sau năm 1955 là đường Lê Lợi). Công trình kiến trúc được xây dựng theo kiểu Pháp vào đầu thế kỷ 20.

Pháp tự Quốc học Đường (1896-1915)

Lúc mới lập, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường với mục đích giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữchữ Nho ở bậc tiểu học. Trưởng giáo đầu tiên tức hiệu trưởng là Ngô Đình Khả; phụ tá trưởng giáo là Nguyễn Văn Mại.

Collège Quốc học (1915-1936)


Đài tưởng niệm chiến sĩ Trận Vong thường gọi là "Bia Quốc Học" nằm đối diện với cổng trường
Khi chuyển thành trường trung học với bốn lớp đệ thất (lớp 6), đệ lục (lớp 7), đệ ngũ (lớp 8), và đệ tứ (lớp 9) thì trường cũng đổi tên thành Collège Quốc học.[2] Cũng vào thời điểm đó những tòa nhà dùng làm trường sở được xây cất lại bằng gạch ngói.[3]

Lycée Khải Định (1936-1955)

Năm 1936, trường mở rộng và thêm các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11), và đệ nhất (lớp 12) dưới tên Lycée Khải Định.[4]

Trường Trung học Ngô Đình Diệm (1955-1956)

Sang thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, Trường mang tên tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng chỉ được một năm thì đổi lại tên cũ là Quốc học nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường.

Những nhân vật liên quan


Tượng Nguyễn Tất Thành ở giữa sân trường
Quốc Học Huế là ngôi trường đào tạo rất nhiều học sinh ưu tú và sau này là những lãnh tụ nổi tiếng của Việt Nam như: Nguyễn Sinh Cung (sau là Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Nguyễn Sinh Cung học ở Quốc Học vào năm 1908, tham gia nhiều vào các phong trào của sinh viên và học sinh chống Pháp vào thời gian đó. Tháng 9 năm 1989, trong sân trường có đặt bức tượng Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) bằng thạch cao ở giữa sân trường; bức tượng hiện nay đã được phủ đồng.
Một số cựu học sinh khác: Ngô Đình Diệm (sau là tổng thống Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam), Trần Phú (sau là tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam), Hà Huy Tập (sau là tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam), Phạm Văn Đồng (sau là thủ tướng), Võ Nguyên Giáp (sau là đại tướng), Nguyễn Chí Diểu (bí thư Thành uỷ Sài Gòn), Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (nhà lý luận Marxist) và nhiều nhà khoa học, văn hóa, nhà văn, nhà thơ như: Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Võ Liêm Sơn, Lê Văn Miến, Hoàng Ngọc Cang, Lê Trí Viễn, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà sử học Đào Duy Anh, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết...
Trường có rất nhiều học sinh đoạt giải cao ở trong các kỳ thi trong nước và quốc tế như: Hồ Đình Duẩn (giải Ba kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 1978), Lê Bá Khánh Trình (vô địch kỳ thi Toán quốc tế năm 1979), Hồ Ngọc Hân (vô địch Chung kết năm của chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2009), Đinh Anh Minh (Huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 41 tại Croatia tháng 07/2010), v.v... Nhiều giáo sư đầu ngành đã từng giảng dạy ở đây như Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Lân. Bên cạnh truyền thống dạy và học, Quốc Học Huế còn là nơi xuất phát các cuộc đấu tranh chính trị với tên tuổi các thầy giáo Hoàng Thông, Lê Văn Miến, Võ Liêm Sơn, v.v...

Chú thích

  1. ^ Lê Xuân Khoa. tr 422
  2. ^ Hà Thúc Ký. tr 18
  3. ^ Khám phá Huế, Trường Quốc Học
  4. ^ Hà Thúc Ký. tr 18

Tham khảo

  • Hà Thúc Ký. Sống còn với Dân tộc, hồi ký chính trị. ?: Phương Nghi, 2009.
  • Lê Xuân Khoa. Việt Nam 1945-1995, Tập I. Bethesda, MD: Tiên Rồng, 2004
  • Mục từ "Quốc Học (trường)" trong Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế (phần viết về di tích và danh thắng), tr.725-726, NXB. Thuận Hoá, 2000.

 Vài nét về Cố Nhà giáo Lê Mộng Đào (1919-2006) 

 
 Quỹ Hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào được thành lập trên cơ sở tâm nguyện của Cố Nhà giáo Lê Mộng Đào - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bồ Đề (Thừa Thiên Huế). Thực hiện tâm nguyện tốt đẹp này và với tấm lòng cùng thành ý, gia đình, các con và học trò của Thầy Lê Mộng Đào cùng với CBCNV Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã thành lập Quỹ Hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào.

-  Ngày 8/4/2008, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp giấy phép cho Quỹ hoạt động theo quyết định số 1570/QĐ/UBND.

-  Tháng 10 năm 2010, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trao tặng cho Quỹ Hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào với thành tích tham gia tích cực chương trình khuyến học, khuyến tài.


Vài nét về Cố Nhà giáo Lê Mộng Đào (1919-2006)

Từ đầu thập niên 50, ông là người hiệu trưởng đầu tiên của hệ thống Trường Bồ Đề (Thừa Thiên Huế).

Là người có công trong việc mở đầu và góp phần phát triển hệ thống giáo dục trường Bồ Đề ở khắp các tỉnh, thành tại miền Nam trước 1975.Trong giáo dục đào tạo, ông được nhiều thế hệ học trò kính trọng và yêu mến.

“Một người Thầy cao quý tình Lam
Sống vì Đạo, chẳng màng chi danh lợi”

Đầu thập niên 1960, ông đưa vợ con chuyển vào Sài Gòn sinh sống và trong những năm đầu lập nghiệp, mưu sinh tại đây với muôn vàn khó khăn. Nhưng ông cùng vợ - bà Trần Thị Tuyết – vẫn luôn sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ người khốn khó hơn mình. Và đó cũng là đạo lý sâu sắc và tài sản quý báu mà trong suốt cuộc đời ông bà luôn răn dạy và để lại cho các con, các cháu và các thế hệ học trò: Sống Hướng thiện, Nhân ái, Vị tha, Trọng nghĩa tình.

Ông bà Lê Mộng Đào nguyên là Cố vấn sáng lập của Quỹ Giáo dục Huế Hiếu học, cũng là người đầu tiên ký sổ vàng tặng 10 triệu đồng cho quỹ, tạo thuận duyên cho quỹ được nhiều nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài ủng hộ, cùng chung sức chung lòng, cho đến nay đạt được con số hàng tỉ đồng để giúp đỡ cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học của tỉnh nhà.

Tấm gương và đạo đức sáng ngời của ông luôn được các thế hệ học trò, con cháu và mọi người noi gương học tập.

“Nghĩa đời, nghĩa Phật đều trọn vẹn, Ông để lại tấm gương cho con cháu và thế hệ mai sau”.

Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

“Lời niệm ân hoàn thành viên mãn
 Di chúc Thầy theo hạnh nguyện từ bi
 Niềm mong ước đã thành hiện thực
Trải khắp nơi chan chứa thuở đi về”.

Học trò Nguyên Thọ - Bùi Công Toa


BIẾN ĐỔI VĂN HÓA HUẾ TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA

                                                                                             Nguyễn Quang Trung Tiến

       Văn hóa Huế hình thành và phát triển trong những điều kiện khá đặc biệt của tiến trình lịch sử dân tộc từ thế kỷ XIV, nhất là giai đoạn thế kỷ XVII-thế kỷ XX, khi Huế trở thành trung tâm chính trị của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn kể từ năm 1636, nơi đóng đô của triều Quang Trung-Cảnh Thịnh thời Tây Sơn (1788-1801), kinh đô nước Việt Nam thời các vua Nguyễn (1802-1885), nơi đứng chân của bộ máy chính quyền Trung ương Nam triều và Toà Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp thời thuộc địa (1885-1945).
Nhìn tổng thể, văn hóa Huế là sự hài hòa giữa văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; vừa tiếp nối bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt lại vừa có sự tương tác với những yếu tố văn hóa Chăm và các dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme ở miền Trung; là văn hóa chứa đựng sự tương tác và hội tụ giữa tín ngưỡng dân gian và các triết lý tôn giáo khác như Nho, Phật, Lão; là văn hóa mang đậm yếu tố bình dân quyện lẫn chất cung đình quý tộc kiêu sa... Nhìn chung, cốt lõi văn hóa Huế là văn hóa Việt Nam, nhưng được biểu hiện bằng sắc thái riêng của vùng đất kinh đô gần với đương đại nhất.
       Trong diễn trình lịch sử-văn hóa Huế, đô thị hoá trở thành hiện tượng xã hội kể từ cuối thế kỷ XIX, “gắn liền quá trình dịch cư từ nông thôn ra thành thị, sự dịch chuyển nghề nghiệp theo hướng phi nông nghiệp, sự lấn lướt của các ngành nghề dịch vụ, sự gia tăng nhanh chóng số lượng và quy mô các tụ điểm kinh tế - dân cư, sự quản lý xã hội theo mô hình tổ chức hành chính khác với nông thôn”.
Chợ Đông Ba xưa
          Đến nay, văn hóa Huế đã có nhiều biến đổi so với quá khứ bởi nhiều nguyên nhân, trong đó quá trình đô thị hóa là một tác nhân quan trọng. Sự thích nghi với hoàn cảnh mới là một thói quen khá phổ biến trong ứng xử văn hóa của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung; song “cơn lốc” đô thị hóa khiến sự ứng xử đó không diễn ra theo theo lối thường tình. Kết quả là văn hóa Huế phai nhạt dần “tinh túy” của nó; những cái được chú trọng nuôi dưỡng, phục hồi thì nặng về hình thức nên cũng không thể nào bảo tồn nguyên vẹn và phát huy hết giá trị của nó.
          Vậy quá trình đô thị hóa đã có những tác động cụ thể gì dẫn đến sự biến đổi của văn hóa Huế? Đó là câu hỏi mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp khi đưa ra một số vấn đề liên quan đến thực tiễn đang diễn ra ở Huế.
          Ở đây, chúng tôi không có tham vọng, và cũng không đủ sức đề cập toàn bộ những biến đổi của văn hóa Huế, mà chỉ xin nói đến một số cảm nhận của bản thân về vấn đề này. Đó là sự biến đổi của cộng đồng dân cư, của tổng thể cảnh quan văn hóa vật thể, của một số ứng xử văn hóa phi vật thể.
Chùa Thiên Mụ xưa
          Trước hết, cộng đồng cư dân sinh sống tại Huế, vốn là tác nhân của những hoạt động sáng tạo và nuôi dưỡng văn hóa Huế đã có sự thay đổi rất lớn qua quá trình đô thị hóa. Sự nhập cư của nhiều luồng di dân liên tục qua các thời điểm lịch sử, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, đã khiến dân số đô thị Huế gia tăng, dẫn đến tỉ lệ dân bản địa ngày càng bé lại và bị trộn lẫn trong tổng thể cư dân đô thị; nên chủ thể tiếp nối và bảo lưu yếu tố văn hóa Huế một cách tự nhiên không còn mang tính cộng đồng cao như trước, chỗ dựa của văn hóa truyền thống Huế dĩ nhiên vì thế bị giảm sút đáng kể.
          Lượng dân nhập cư ngày càng nhiều, càng kích thích quan hệ tương tác văn hóa diễn ra nhanh hơn, và biến đổi văn hóa trở thành nhu cầu thường xuyên hơn cho cấu trúc cộng đồng dân cư mới ở cả hai khía cạnh văn hóa vật thể lẫn phi vật thể.
Đơn cử như lối kiến trúc và cách bài thiết nội thất nhà ở truyền thống của Huế ngày càng biến dạng, nhường chỗ cho kiến trúc và lối bài thiết mới, hiện đại, hoặc phù hợp tâm lý của gia chủ nhập cư, bất chấp những giá trị đã định hình về một ngôi nhà Huế đặc trưng. Điều nầy dẫn đến sự phá vỡ tổng thể không gian nhà ở truyền thống của Huế, khiến nhà kiểu Huế vẫn còn nhưng không phổ biến, và chỉ như những chứng tích một thời còn lại, hơn là mạch sống vẫn đang tiếp diễn trong nền văn hóa Huế.
          Bên cạnh đó, tính thực dụng và nhu cầu về nhà ở, sinh kế của cộng đồng dân cư mới đã thúc đẩy nhiều gia đình ở Huế phá bỏ không gian cư trú truyền thống để chuyển đổi theo mục tiêu mới. Kết quả là nhà rường các loại ở nhiều nơi bị dẹp bỏ dần, nhà vườn thì bị cắt xén chia lô bán đất xây nhà; đến mức hiện nay muốn tìm một nhà vườn Huế thật tiêu biểu cũng không hề là chuyện dễ dàng-không những với khách du lịch, mà còn với chính cả người ở Huế có nhu cầu tham quan.
         Cũng do quá trình đô thị hóa, giá trị của quần thể kiến trúc cố đô Huế bị xâm hại nghiêm trọng và rất khó khắc phục. Những phủ đệ bị lấn chiếm hoặc bị “chia của” làm vỡ cảnh quan kiến trúc, mất đi giá trị nghệ thuật và lịch sử. Công trình phòng thành Huế bị các dãy phố ở Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Tăng Bạt Hổ che khuất tầm nhìn từ bên ngoài; nên chỉ còn trông thấy từng đoạn tường thành, từng cái cổng thành, mà không thấy hết được sự hoành tráng, dáng vẻ sừng sững của tổng thể cả tòa thành thời trung cổ bên dòng sông thơ mộng từ xa, như hình ảnh mà nó đã xác lập trong quá khứ đối với quần thể kiến trúc ở Huế.
          Quần thể kiến trúc truyền thống bị xâm hại, nên không gian kiến trúc đô thị Huế cũng biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Các công trình kiến trúc hiện đại ngày càng đan xen, chia vụn những kiến trúc cổ của Huế, nhất là khu vực thành nội; khiến tổng thể kiến trúc đô thị Huế mất luôn sự hài hòa đầy cá tính vốn có trong quá khứ với bờ bắc cổ kính, bờ nam hiện đại hợp thành cảnh đẹp cho đôi bờ sông Hương và mấy nhịp cầu Trường Tiền trước đây. Văn hóa vật thể và cảnh quan của Huế vì thế đã giảm mất một phần giá trị.
          Quá trình đô thị hóa đã tạo động lực thu hút luồng di dân từ ngoại tỉnh, kể cả cư dân các huyện trong tỉnh, nhập cư trở thành “dân Huế”. Trong quá trình sinh sống, bộ phận nầy tuy có chịu ảnh hưởng của văn hóa tại chỗ, nhưng vẫn luôn mang trong lòng những thói quen, cảm nhận và lối ứng xử của văn hóa gốc. Kết quả là sự tương tác, pha trộn văn hóa tất yếu phải diễn ra cùng với quá trình cộng cư, làm biến đổi văn hóa Huế theo từng cấp độ và khía cạnh biểu hiện khác nhau.
          Ngôn ngữ, cách ứng xử, lối giao tiếp, thói quen và quan niệm thẩm mỹ... của dân bản địa có tác động đến nếp sống và suy nghĩ của những người nhập cư, nhưng không trọn vẹn, dẫn đến những biểu hiện tiếp thu văn hóa Huế khác tinh thần truyền thống.
                                                                             Ngọ Môn
         Minh họa rõ nét nhất là Lễ cúng 23 tháng 5 âm lịch trước đây phổ biến trong mọi gia đình tại Huế, với ý nghĩa kỷ niệm ngày mất nước, thất thủ Kinh đô, và tưởng nhớ đến sự hy sinh của quân và dân tại Huế trong cuộc thảm sát do Pháp gây ra trong ngày hôm đó (23 tháng 5 Ất Dậu, tức 5-7-1885); thì nay không khí lễ cúng ấy không còn rộn ràng như trước. Nguyên do vì dân nhập cư không tiếp nhận hoặc ít tiếp nhận, và chủ yếu chỉ còn những gia đình sống lâu tại Huế duy trì, mà ý nghĩa xác thực của lễ cúng cũng không còn được lưu giữ, thậm chí còn bị một bộ phận cư dân hiểu theo kiểu cúng cầu an, cầu tài lộc cho mình. Như vậy, sự kiện và nội dung văn hóa nầy của Huế đã bị phai nhạt dần, mất đi tinh thần và không khí đặc trưng của nó, lễ cúng không còn là sự quan tâm chung của toàn cộng đồng.
         Cộng đồng dân cư càng đa dạng, thì việc nuôi dưỡng truyền thống văn hóa vốn có trở nên khó khăn, do thiếu sự đồng nhất trong lối sống và cảm nhận của cộng đồng. Vì vậy, sự nhận thức và việc đề xuất biện pháp duy trì, phát triển bản sắc tốt đẹp của văn hóa Huế sẽ được thể hiện qua nhiều lăng kính khác nhau, tác động mang lại cũng không dễ đạt đến mức độ tích cực cần thiết cho sự tồn tại của những nội dung văn hóa truyền thống.
         Chẳng hạn, trong biểu diễn ca Huế, người ta dễ dàng quên mất vai trò của môi trường, không gian mà nó cần để tồn tại, tâm tư tình cảm của người thể hiện lời ca, cảm xúc của người thưởng thức, và không khí thể hiện có phù hợp với văn hóa hay không? Chính quá trình đô thị hóa và những nhu cầu nảy sinh trong quá trình đó đã góp phần đóng khung thể loại ca Huế, buộc nó phải sống trong không khí biểu diễn mang tính dịch vụ, người diễn xuất thường thiếu xúc cảm và ít trải lòng với nội dung của lời ca tiếng hát, khách thưởng thức nếu không phải người sành ca Huế thì cũng chỉ hiểu đó như là một thể loại ca nhạc đặc trưng bất kỳ nào đó ở địa phương.
                                                                               Đại Nội
          Hay trong ngôn ngữ của người Huế, có lúc người ta muốn xướng ngôn viên của Đài Truyền hình Huế uốn lưỡi để tránh những từ phát âm theo tiếng Huế (do phát âm bị sai so với âm chuẩn của quốc gia), nhưng quên mất rằng phương ngữ chính là một phần để làm nên đặc trưng của văn hóa địa phương. Thử hỏi có người dân Nam Bộ nào muốn nói từ “jà” (và) là “và” hay không?
          Hoặc trong các nghi lễ cưới xin, chính sự chuyên nghiệp hóa của các hoạt động dịch vụ xã hội và sự dễ dãi của người tham gia, mà các đám cưới truyền thống dần trở nên hiếm hoi; còn người dự đám cưới bị xói mòn vào công thức “ăn tiệc nhà hàng, nghe hát karaoké” ồn ào, âm thanh ầm ĩ hết sức nhàm chán và mang tính “nghĩa vụ”. 
          Mặt khác, văn hóa Huế vốn hình thành và phát triển từ những đặc thù của lịch sử, là cái rốn xứ Thuận Hoá, trung tâm của Đàng Trong, và sau là Kinh đô cả nước trong nhiều thế kỷ; do vậy, tính cách văn hóa Huế tuy thể hiện sự đa dạng sắc thái, nhưng thiên về chất quý phái, sang trọng, cầu kỳ, nhất là trong các lĩnh vực kiến trúc, y phục, ngôn ngữ, giao tiếp, lối sống, sinh hoạt... Thế nhưng, đã từ lâu Huế không còn giữ vị thế trung tâm của cả nước, chất trưởng giả trong văn hóa Huế ngày xưa giờ đã mất sự hậu thuẫn về mặt xã hội, không còn đất để bám trụ; trong khi đó cơn lốc đô thị hóa nổi lên từng ngày, nên sự tiện lợi và tính thực dụng đã góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh thái độ và tác phong sống cho thích hợp với thời đại, là nguồn cơn dẫn đến những đổi thay trong lề thói sinh hoạt văn hóa của người Huế.
          Tóm lại, đã có nhiều đổi thay trong tiến trình văn hóa Huế cho đến hôm nay. Tác nhân của sự thay đổi xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng trong đó, quá trình đô thị hóa đem đến nhiều tác động nhất. Sự biến đổi văn hóa diễn ra theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, song điều quan trọng cần lưu tâm là những đặc trưng của văn hóa truyền thống Huế trong cơn lốc đô thị hóa rất dễ bị biến dạng do những trở ngại khó vượt qua.
          Vấn đề đặt ra là chúng ta ủng hộ sự biến đổi hay cố gắng giữ nguyên vẹn những yếu tố văn hóa Huế đặc trưng? Trong đời sống của đô thị hiện đại, liệu có thể nuôi sống thói quen văn hóa, nếp sống văn hóa và bảo lưu văn hóa truyền thống một cách thuận lợi hay không? Việc cố gắng xóa bỏ những biểu hiện văn hóa bị xếp vào diện “tiêu cực” có phải là một giải pháp cần tiến hành triệt để? Những điều chỉnh được cho là hợp lý liệu có khiến cho văn hóa Huế không còn giữ lại được những yếu tố nguyên sơ ban đầu?
          Tất cả những vấn đề nêu trên không đơn giản đối với các nhà quản lý văn hóa ở đô thị Huế, bởi mỗi quyết định liên quan đến điều chỉnh văn hóa ít nhiều đều có phản ứng văn hóa nẩy sinh; đó là chưa kể chướng ngại nằm ngay cả trong chính mỗi cá thể làm nên cộng đồng dân cư Huế trong hiện tại.                            
                                                                                           
                                                                                             Huế, tháng 6/2010
                                                                                                                                                                                                                                                    NQTT


Cư dân vạn đò Huế


KHÉP LẠI TRANG SỬ
 CƯ DÂN VẠN ĐÒ HUẾ
Nguyễn Quang Trung Tiến

Trong nhiều thế kỷ liên tiếp, Huế được chọn làm thủ phủ Xứ Đàng Trong của Việt Nam thời các chúa Nguyễn (1636-1785), là kinh đô của Việt Nam dưới hai vương triều Tây Sơn và Nguyễn (1786-1945), nên mạng lưới sông ngòi ở khu vực này hết sức đặc biệt, bao gồm cả sông tự nhiên và sông đào được kết nối với nhau, tạo nên ”Hộ thành hà” để bảo vệ Kinh thành Huế.

Bản đồ vị trí các vạn đò ở Huế giai đoạn 1970-2008
1.Tân Lập, 2.Phú Tiền, 3.Lợi Nông, 4.Trường Độ, 5.Lợi Thành, 6.An Hội,
7.Phủ Cam, 8.Tân Bửu, 9.Lanh Canh, 10.Trọng Đức, 11.Ngư Hộ
Hệ thống sông ngòi ở Huế lấy Kinh thành làm trung tâm, mặt phía nam có dòng sông Hương che chở, ba phía còn lại gồm sông đào Kẻ Vạn ở phía tây nối vuông góc thông với sông Hương, sông đào An Hoà ở phía bắc nối vuông góc thông với sông Kẻ Vạn, sông đào Đông Ba ở mặt phía đông nối thông và vuông góc với sông An Hòa lẫn sông Hương. Bốn con sông giao nhau theo hình vuông, ôm lấy bốn phía Kinh thành Huế, hòa quyện với các con sông nhỏ ở quanh khu vực Huế là sông Bạch Yến, sông Lợi Nông[1] sông Bình Lục, sông Bồ và tất cả nối với hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rồi đổ ra biển.
Do đặc điểm vừa là trung tâm của cả nước, vừa có lắm sông ngòi; nên trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư tại Huế, các vạn đò lênh đênh trên những dòng sông chảy quanh Huế là một tập hợp dân cư có nhiều nguồn gốc xuất thân và thành phần xã hội khác nhau, thời điểm nhập cư khác nhau. Họ hợp thành một cộng đồng xã hội có nếp sống đặc trưng của cư dân sông nước vùng đô thị, đồng thời có những nét khác biệt trong sinh hoạt văn hóa-xã hội so với cư dân trên đất liền.
1. Lịch sử hình thành và không gian phân bố các vạn đò ở Huế
Lịch sử hình thành cư dân vạn đò ở Huế
Từ đầu thế kỷ XIV, mặc dầu còn là miền biên viễn xa xôi của nước Đại Việt, nhưng ở Hóa Châu đã diễn ra quá trình tụ cư lập nghiệp của nhiều nhóm cư dân. Cho đến giữa thế kỷ XVI, sau hàng loạt các cuộc di dân từ phía bắc vào hoặc được bổ sung tại chỗ từ nhiều nguồn khác nhau, ở lưu vực các dòng sông quanh Huế đã có con người tụ cư khá đông đảo cả trên bộ lẫn trên mặt nước (cư dân thủy diện). Dân cư vùng này đa phần có nguồn gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, như Dương Văn An trong Ô châu cận lục viết năm 1553 mô tả là ”tiếng nói hơi giống miền Hoan-Ái”. Họ có thể là dân chài lưới phía bắc di cư vào theo đường biển và cả đường bộ; là cư dân trên bộ do nghèo đói xuống nước làm ăn; là lính mãn hạn hay tù phạm hết hạn lưu đày tìm kế mưu sinh trên sông nước.[2]
Do cuộc sống lênh đênh rày đây mai đó, thường xuyên ”theo đuôi con cá”, ít có chữ nghĩa, lại lên bộ xuống nước bất chừng; nên cư dân sông nước ít nhớ rõ nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên xa xưa của mình, và rất khó giữ được sự ổn định lâu bền của cộng đồng. Đến cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX, khi Huế trở thành kinh đô, nhà nước phong kiến đã biên chế cư dân thủy diện thành từng ”vạn” để dễ quản lý, và các vạn đò trên sông nước ở khu vực Huế cũng được thành lập.[3]
Vào giữa thế kỷ XIX, dưới triều vua Tự Đức (1848-1883), tổng Võng Nhi  thuộc huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên được thành lập trên cơ sở 13 làng cư dân thủy diện, không có địa phận trên đất liền.[4] Năm 1886, dưới triều vua Đồng Khánh, các đơn vị cư dân thủy diện thuộc tổng Võng Nhi đã tăng lên 16 thôn, ấp, giáp,[5] bao gồm các vạn đò trên đầm phá và cả ở những con sông quanh Huế.
Vạn Lanh Canh đang đánh cá trên sông Hương (Ảnh tư liệu đầu thế kỷ XX)
Thời Pháp thuộc, khi thị xã Huế ra đời (1899), và kể cả khi được nâng cấp lên thành phố Huế (1929), cư dân thủy diện vẫn thuộc quyền quản lý của huyện Hương Thủy. Sau khi giành được độc lập, đầu năm 1946, dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, thành phố Huế được mở rộng hơn trước. Vùng đất Kinh thành Huế của triều đình nhà Nguyễn và một phần đất thuộc các huyện Phú Vang, Hương Thuỷ của tỉnh Thừa Thiên bắt đầu được sáp nhập vào thành phố Huế. Lúc này thành phố Huế được chia làm 8 khu phố trực thuộc, gọi tên theo số thứ tự từ 1 đến 8; trong đó khu phố 8 gồm vùng vạn đò thủy diện trên sông Hương và các sông lân cận thuộc phạm vi quản lý của thành phố, trải từ cầu Dã Viên về cầu Bao Vinh, đến chợ Vĩ Dạ và bao quanh cồn Hến.[6] Đây là lần đầu tiên dân vạn đò khu vực Huế nằm trong sự quản lý hành chính trực tiếp của thành phố Huế.
Kể từ tháng 2-1947, khi người Pháp quay trở lại chiếm đóng Huế, lúc đầu Pháp đặt hai nha Bang tá ở Gia Hội và An Cựu để phụ trách vấn đề an ninh ở Huế, nhưng đến 29-4-1949 thì bãi bỏ. Ngày 11-10-1950 Phủ Thủ hiến Trung Việt lại ra nghị định tái lập hai nha Bang tá Gia Hội và An Cựu, đồng thời lập thêm một nha ở khu vực Thành Nội. Ngày 13-11-1951, Phủ Thủ hiến Trung Việt ra nghị định bãi bỏ các Nha Bang tá, thành lập tại Huế hai Quận cảnh sát ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hương, phạm vi kiểm soát của Quận cảnh sát Tả ngạn gồm 17 phường và 10 vạn đò (An Hội, Tân Bửu, Lợi Thành, Tân Lập, Trường Độ, Phủ Cam, Phú Tiền, Ngư Hộ, Lanh Canh, Lợi Nông).[7]
Vạn Phủ Cam trên sông Đông Ba- 1920 (Ảnh tư liệu)
Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam-Bắc. Theo tinh thần tờ Dụ số 57A ngày 24-10-1956 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, thị xã Huế là đơn vị hành chính ngang cấp với tỉnh Thừa Thiên, tuy tỉnh lị Thừa Thiên đặt ở Huế. Thị xã Huế được tổ chức lại, với các đơn vị hành chính cấp cơ sở là phường và vạn, gồm 22 phường và 11 vạn đò.[8] Đến lúc này, khu vực sông nước bao gồm sông Hương và các sông đào trong thị xã Huế có 11 vạn đò, gồm: Phú Tiền, Tân Lập, Lanh Canh, Trường Độ, Trọng Đức, An Hội, Tân Bửu, Ngư Hộ, Lợi Thành, Phủ Cam, Lợi Nông.[9]
Căn cứ vào nghị định 357-DUHC/NC/ND ngày 15-6-1967 ấn định quy chế tổ chức đơn vị hành chính khu phố tại thị xã, chiểu theo nghị định thành lập 3 quận tại thị xã Huế, căn cứ vào biên bản của Hội đồng thị xã Huế số 398-TX/HCTQ ngày 18-02-1966 và đề nghị của Thị trưởng thị xã Huế; ngày 04-5-1968, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ra nghị định số 319-BNV/NC/19 chuyển đơn vị hành chính cấp cơ sở ở thị xã Huế từ 33 phường-vạn trở thành 10 khu phố. Các phường- vạn được biên chế thành 31 khóm trực thuộc các khu phố. Đến đây, hành chính đô thị Huế được tổ chức thành 3 cấp là thị xã, quận, khu phố; gồm 3 quận, với 10 khu phố cai quản 31 khóm. Vì vậy, 11 vạn đò ở Huế được đổi tên thành 11 khóm là Phú Tiền, Tân Lập, Lanh Canh, Trường Độ, Trọng Đức, An Hội, Tân Bửu, Ngư Hộ, Lợi Thành, Lợi Nông, Phủ Cam; lập thành khu phố Phú An thuộc Quận Nhì.[10]
Ngày 22-8-1972, Bộ Nội vụ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ra nghị định 553/BNV/HCDP/26-X cải danh các khu phố thành phường, nên khu phố Phú An gồm 11 vạn đò được gọi là phường Phú An. Dân số vạn đò phường Phú An ở Huế sinh sống trong gần 2.000 chiếc đò vào năm 1972 là 18.921 ng­ười, chiếm 9,58% trong tổng số dân toàn thị xã Huế là 197.530 ng­ười.[11]
Sau tháng 3-1975, đô thị Huế phát triển với tư cách là thành phố tỉnh lị của tỉnh Thừa Thiên. Thực hiện chủ trương điều chỉnh các đơn vị hành chính phù hợp với hoàn cảnh mới, thành phố Huế tiến hành xoá bỏ đơn vị cấp quận, đổi tên phường thành khu phố, hình thành 11 khu phố trực thuộc thành phố. Phường Phú An gồm 11 vạn đò lại được gọi là khu phố Phú An. Nhưng từ tháng 9-1976, Nghị định 164-CP ngày 18-9-1976 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đổi tên các khu phố ở vùng mới giải phóng thành phường, nên 11 khu phố của thành phố Huế trở thành 11 phường. Khu phố Phú An gồm 11 vạn đò trở lại tên gọi là phường Phú An. Đến 11-3-1979, phường Phú An bị giải thể, 11 vạn đò của cư dân thủy diện nhập vào phường Phú Cát của thành phố Huế.[12] Từ đó, cư dân vạn đò ở Huế chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị hành chính cấp phường ở trên đất liền.
Năm 1979, thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới, một số dân vạn đò đ­ược chuyển lên phía thượng nguồn sông Hương, sinh sống ở Lư­ơng Miêu, Bình Điền thuộc huyện Hương Trà. Trong những năm 1983-1995, chính sách định c­ư của Nhà nước cũng đã giúp một số l­ượng lớn dân vạn đò ở Huế rời thuyền lên bộ, sinh sống ở các khu định cư tại các phường Tr­ường An, Ph­ước Vĩnh, Kim Long, Phú Hậu thuộc thành phố Huế. Đến năm 1995, c­ư dân vạn đò ở Huế vẫn còn 887 hộ với 6.278 ngư­ời sống trên mặt nước.[13]
Năm 2004, thành phố Huế đã có dự án tái định cư và ổn định cuộc sống cho dân vạn đò. Ngày 22-1-2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra văn bản số 117/TTg/KTTH đồng ý cho phép Ủy ban Nhân nhân tỉnh Thừa Thiên Huế được tạm ứng từ vốn ngân sách Trung ương để triển khai dự án.
Vạn Đò ở ngã ba Cồn Hến
Vạn Trọng Đức và vạn Ngư Hộ ở ngã ba Cồn Hến trên sông Hương
(Nguồn: www.donghuongtth.com, 2009)
Từ năm 2008, thành phố Huế triển khai thực hiện dự án đưa toàn bộ dân vạn đò sống lênh đênh trên các dòng sông ở thành phố lên định cư trên bộ, với số lượng 1.069 hộ dân vạn đò và khoảng 7.000 khẩu.[14] Dân vạn đò ở Huế lần lượt được bố trí sinh sống tại các khu định cư ở xã Phú Mậu thuộc huyện Phú Vang, ở các phường Hương Sơ và Phú Hậu thuộc thành phố Huế. Tính đến tháng 12-2010, về cơ bản chính quyền địa phương đã hoàn thành định cư cho dân vạn đò ở Huế. Số ít các hộ vạn đò còn lại đang được bố trí tiếp tục định cư trong thời gian tới.
Không gian phân bố các vạn đò ở Huế
Mỗi vạn đò ở Huế vốn là một cộng đồng cư dân hành nghề chài lưới hoặc khai thác cát sạn trên sông, có bến đò chính của vạn và cùng có các sinh hoạt gắn liền sông n­ước; mỗi vạn có khoảng 25-30 đò, hay còn gọi là ”nôốc” (thuyền), tương đương với một thôn, xóm trên bộ.
Tên gọi các vạn hoặc gắn liền với nghề nghiệp chính của vạn (như vạn Lanh Canh xuất phát từ việc ngư dân gõ vào các tròng đánh cá nhỏ lúc hành nghề để lùa cá vào lưới, tạo nên tiếng lanh canh), hoặc lấy tên địa danh xuất phát của vạn (như Phủ Cam, Lợi Nông), hoặc lấy tên gốc của vạn cũ (như vạn Trọng Đức lấy tên gốc vạn Trọng Đức ở Ngã Ba Sòng ngoài Quảng Trị).
Cộng đồng cư dân vạn đò ở khu vực Huế có một quá trình hình thành lâu dài và hết sức phức tạp. Sự tồn tại của cộng đồng này là hệ quả từ diễn trình di dân và những thay đổi liên tục của bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở Huế suốt nhiều thế kỷ. Vì thế, không gian phân bố của cư dân vạn đò cũng có sự biến đổi không ngừng.
Tùy theo đặc điểm nghề nghiệp, tôn giáo tín ngưỡng, quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân gia đình của từng vạn, mà đò của các thành viên trong vạn có khi quây quần cắm sào đậu cạnh nhau, có khi ở cách nhau chừng vài cây số. Ranh giới giữa các vạn cũng không có sự phân biệt rõ ràng như trên đất liền. Chỉ từ sau năm 1979, khi Nhà nước đặt cư dân vạn đò dưới sự quản lý hành chính của cấp phường xã trên bộ, thì giới hạn giữa các vạn đò mới theo ranh giới hành chính cụ thể trên bộ.
Không gian phân bố các vạn đò ở Huế trong khoảng thời gian 1970-2008 về cơ bản như sau (xếp theo thứ tự từ thượng nguồn xuống hạ nguồn):
TT
Tên vạn
Địa điểm quần tụ chính của vạn
Nghề nghiệp chính
01
Tân Lập
Trên sông Hương, gần cầu Bạch Hổ; và trên sông Kẻ Vạn
Khai thác cát sạn làm vật liệu xây dựng; đánh bắt cá; buôn bán, làm thuê
02
Phú Tiền
Trên sông Hương, dưới vạn Tân Lập
Đánh bắt cá; khai thác cát sạn; buôn bán, làm thuê
03
Lợi Nông
Trên sông Hương, dưới vạn Phú Tiền
Đánh bắt cá; khai thác cát sạn
04
Trường Độ
Trên sông Hương, giữa vạn Phú Tiền và cầu Phú Xuân (cầu Mới)
Cho thuê đò; đánh bắt cá
05
Lợi Thành
Trên sông Hương, cạnh chợ Đông Ba
Đánh bắt cá; buôn bán, bốc vác thuê
06
An Hội
Trên sông Đông Ba, từ cầu Gia Hội đến gần cầu Đông Ba
Cho thuê đò; vận chuyển tre, nứa, gỗ; buôn bán, làm thuê
07
Phủ Cam
Trên sông Đông Ba, dưới vạn An Hội, gần cầu Đông Ba
Đánh bắt cá; vận chuyển tre, nứa, gỗ; buôn bán, làm thuê
08
Tân Bửu
Trên sông Đông Ba, dưới vạn Phủ Cam; và ở Bến Me trên sông Hương
Đánh bắt cá; buôn bán, làm thuê
09
Lanh Canh
Trên sông Hương, dưới vạn Lợi Thành, gần Đập Đá
Đánh bắt cá
10
Trọng Đức
Trên sông Hương, cạnh vạn Lanh Canh, đầu Cồn Hến, phía phường Vỹ Dạ
Đánh bắt cá; buôn bán, làm thuê
11
Ngư Hộ
Trên sông Hương, cạnh vạn Trọng Đức, đầu Cồn Hến phía Bãi Dâu
Đánh bắt cá
(Vị trí phân bố các vạn đò ở khu vực Huế trong giai đoạn 1970-2008 xin xem cụ thể trên bản đồ minh họa kèm theo trong bài viết)
2. Đời sống và sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng của cư dân vạn đò ở Huế
Đò vừa là phương tiện di chuyển, phương tiện hành nghề trên sông nước; vừa là nơi cư trú của dân vạn. Mỗi đò là một hộ gia đình, trung bình khoảng 10-12 khẩu, nhưng rất nhiều hộ vạn đò có trên 15 khẩu, do có hai hoặc ba thế hệ, thậm chí là bốn thế hệ chung sống trên một con đò. Chỉ với những hộ khá giả thì cặp vợ chồng mới cưới được mẹ cha sắm sửa cho một con đò, một chiếc "troòng" để ra riêng, sống tự lực cánh sinh.
Vạn đò trên sông Đông Ba- 2008
Mỗi chiếc đò dài trung bình 12 mét, chiều ngang rộng chừng 2,5 mét, được đóng bằng các vật liệu chính là tre, gỗ, hoặc nhôm, tôn, sắt. Phần đầu khoang đò là nơi đặt bàn thờ và các vật có giá trị nhất của gia đình; phần giữa khoang đò là nơi ăn ngủ và tiếp khách; phần sau khoang đò đặt bếp nấu ăn và là nơi sinh hoạt của phụ nữ, trẻ con. Đa phần các con đò đều nghèo nàn, bẩn thỉu, rách nát và mất vệ sinh; nhưng đó là một đặc trưng văn hóa vật chất của cư dân vạn đò ở Huế.
Cư dân vạn đò sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu là lao động chân tay như đánh bắt cá, chèo đò đưa khách sang sông, kinh doanh dịch vụ cho thuê thuyền du lịch, vận chuyển tre nứa, khai thác cát sạn làm vật liệu xây dựng để bán, lặn thuê tìm đồ vật dưới nước, lặn vớt xác người chết trôi, đạp xích lô hoặc chạy xe ôm trên bộ, bốc vác hoặc làm thuê trong các chợ, buôn bán hàng rong, đi lượm ve chai. Trẻ em vạn đò thì có cả nghề bán vé số, bán kem, bán bánh mì dạo, đánh giày, đi ăn xin. Thậm chí, một số cô gái vạn đò còn kiêm nghề bán phấn buôn hương; một số trẻ em chuyên làm nghề móc túi, trộm cắp. Nhìn chung, cuộc sống của dân vạn đò hết sức lam lũ, làm không đủ sống, con cái thất học và bị ném vào cuộc mưu sinh từ rất sớm.
Không những vậy, vì sống trong những con đò trên sông nước, nên vào mùa mưa lụt, nước sông Hương dâng cao, dân vạn đò phải neo đò vào những gốc cây, gầm cầu hay những công trình lớn như đình, chùa để chống chọi với bão lụt, rất nguy hiểm đến tính mạng trước thiên tai ngày càng dữ dội.
Do nguồn gốc hình thành cộng đồng cư dân thủy diện ở khu vực Huế hết sức phức tạp và liên tục biến động qua các thời kỳ lịch sử, nên họ có đời sống gia đình, cộng đồng xã hội, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng riêng, mang đậm dấu ấn sông nước so với cư dân sống trên bộ.
Tín ngưỡng của dân vạn đò ở Huế về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng tín ngưỡng cư dân nông nghiệp vùng Huế, kết hợp với đạo thờ cúng tổ tiên hoặc các tôn giáo lớn như Phật giáo. Đại đa số dân vạn đò ở Huế theo Phật giáo,[15] nhưng đều có sự pha trộn với Tiên Thiên thánh giáo. Chất sông nước thể hiện rõ nhất trong tín ngưỡng của cư dân vạn đò là thờ Mẫu Thủy (còn gọi là Mẫu Thoải,[16] hay Bà Thủy), tức là thờ Mẹ Nước.
Vị trí bàn thờ gia đình của cư dân vạn đò thường ở đầu khoang đò, phổ biến là bàn thờ Phật ở phía trước và các vị Thuỷ thần ở phía sau, trên có lễ vật như bánh và hoa quả. Mỗi vạn đều có những am, miếu thờ của vạn trên những cồn nhỏ trên sông hoặc ven bờ để thờ Mẫu Thủy, Hà bá và các loại thủy thần khác.
Tín ng­­­ưỡng thờ Mẫu phổ biến ở nhiều cộng đồng dân cư tại Việt Nam. Trong Tứ phủ Công đồng, Mẫu Thuỷ là Mẫu thứ ba, đ­ược quan niệm là hóa thân của vị thần âm tính và các dạng nữ nhân đư­­­ợc tôn vinh là thần nư­­ớc.[17] Mẫu Thuỷ được cộng đồng c­­ư dân vạn đò coi là nữ thần chính bảo trợ cho cuộc mưu sinh trên sông nước của mình. Dân vạn đò thờ Mẫu Thuỷ thường xuyên trong đời sống tín ngưỡng của gia đình và tổ chức cúng Mẫu Thủy vào các dịp lễ hội chung của cộng đồng nh­­­ư cúng năm mới, cúng mở cửa nước…
Vạn Lanh Canh trên sông Hương- 2008 (Ảnh tư liệu)
Việc thờ Mẫu trên đất liền và trên sông nư­ớc có điểm khác nhau. C­­­ư dân trên đất liền quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”; còn c­­­ư dân sông nư­­­ớc ngoài việc thờ Hà bá còn thờ Mẫu Thủy và kết hợp với một số các vị thần khác. Đặc biệt, việc thờ Mẫu Thủy của dân vạn đò ở khu vực Huế còn chịu ảnh hư­ởng của tục thờ Nữ thần Thiên Y A Na của dân tộc Chăm.[18]
Thờ Mẫu là tín ngưỡng thờ thần, gắn liền các thần tích, thần điện. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cùng với sự giao thoa, tương tác văn hoá, tín ngưỡng thờ Mẫu đã dung nạp, điều hoà với các hiện tượng văn hoá của địa phương hay dân tộc. Vì thế, trong các nghi lễ cúng Mẫu ở Huế diễn ra hàng năm vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch, thì nghi lễ chính được tổ chức tại điện Hòn Chén bên dòng sông Hương thường tập trung đông đảo các tín đồ tại Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, sinh sống trên đất liền hay trên sông nước.
Lễ cúng Mẫu diễn ra trong hai ngày, với những chiếc đò/thuyền được kết lại thành những chiếc “bằng” lớn, mỗi vạn đò có từ 1 đến 2 chiếc ”bằng”, trên đó người ta dùng đồ hàng mả dựng lên những lầu các, cung điện, miếu mạo được trang hoàng sặc sỡ bằng nhiều màu nóng (đỏ, vàng, hồng), mục đích vừa để thể hiện lòng thành của tín đồ với Mẫu, vừa tạo sự chú ý cho những đám rước xung quanh. Mỗi ”bằng” có một đội hầu văn để phục vụ việc nghi lễ.
Ngoài thờ cúng Mẫu Thủy, cư dân vạn đò còn thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng trong năm, như:
- Lễ cúng đầu năm mới, là lễ cúng trong những ngày đầu năm âm lịch, căn cứ vào tuổi tác, căn mạng để chọn ngày giờ và hư­ớng xuất hành cho từng hộ, từng chiếc đò (với lễ vật đơn giản như­ cau trầu, đồ hàng mả);
- Lễ cúng đầu năm của chu kỳ đánh bắt, là lễ cầu ngư­ đầu năm với mục đích cầu thần linh phù hộ đ­ược may mắn, phát tài, phát lộc khi hành nghề, bình an trong cuộc sống (lễ vật khá hậu gồm gà trống, trái cây, bánh kẹo, hai mâm cá thịt, cau trầu, rượu, hương hoa, đồ hàng mả).
- Lễ tế Thành Hoàng, cũng là lễ cầu an và cầu siêu trong vạn, tổ chức tại đình vạn vào ngày Rằm, kéo dài sang đến ngày 16, vào tháng Hai âm lịch hàng năm. Lễ vật cúng tế gồm cả heo và bò cùng nhiều vật phẩm. Lễ tế còn có cả hội đua ghe (đua trải) để tranh tài giữa các vạn đò với nhau.
- Lễ cúng ông tổ nghề đánh bắt cá (đối với cư­ dân làm nghề cá, được tổ chức từ 2 đến 4 năm một lần);
- Lễ cúng Tam phủ, là lễ lớn nhất của c­ư dân vạn đò, mang tính cộng đồng rất cao, do vạn hoặc trong từng dòng họ cúng, khoảng 3 đến 4 năm tổ chức một lần, (lễ vật có heo, gà, giấy hàng mã);
- Lễ cúng nước, để tạ ơn thủy thần và mong được bình yên, tương tự lễ cúng đất trên bộ;
- Lễ cúng Rằm tháng Bảy âm lịch (lập bàn thờ Phật ở tr­ước, các vị Thủy thần ở phía sau, bàn thờ bày hoa quả, bánh ngọt);
- Lễ cúng thuyền và ngư­ cụ vào dịp cuối năm âm lịch (tùy theo điều kiện kinh tế của hộ gia đình mà lễ cúng có quy mô lớn hay nhỏ, lễ vật có cau trầu, r­ượu, h­ương hoa);
- Lễ làm chay cầu an trong họ, được tổ chức 12 năm một lần, nhằm cầu mong những người trong họ đã chết oan hay chết vào những ngày trùng được siêu thoát, và cầu an trong họ. Bàn thờ gồm có Hà bá, Thổ thần và chư thần khác cùng những hình nộm thế mạng cho người chết.[19]
Am thờ Mẫu Thủy và các thủy thần được tích hợp của vạn đò bên bờ sông Đông Ba năm 2010
(Nguồn: webcache.googleusercontent.com)
Cùng với những lễ cúng kể trên, cư dân vạn đò ở Huế còn thực hiện những kiêng kỵ liên quan đến sinh hoạt và nghề nghiệp của mình, như:
- Không đóng đò/thuyền bằng gỗ lim (vì lim là gỗ linh, thường được dùng làm đình, miếu thờ, nên không thể làm đò để ở vì tránh sự dơ dáy);
- Khi hành nghề, không đ­ược để người lạ lên đò;
- Khi đánh bắt cá, không được gọi thẳng tên Hà bá, tên con rái cá ở dư­ới nước và các con hổ, mèo, khỉ ở trên cạn (mà phải gọi một cách cung kính, như con rái cá thì gọi là Ông Rái);[20]
- Người trên đò không đư­ợc bư­ớc qua dây dợ giăng trên đò, qua các đồ hành nghề đánh bắt cá hay khai thác cát sạn;
- Trẻ em của dân vạn đò nếu rơi xuống nước chết đuối, hoặc người lạ bị chết đuối, thì không được cứu ngay mà chỉ cắm cây sào làm dấu để khi nạn nhân đã chết thực sự mới lặn xuống vớt xác (kiêng kỵ này là do dân vạn đò sợ bị thần Hà bá trả thù; bởi cứu một mạng thì bản thân phải đền một mạng, hoặc sẽ bị quỷ thần gây xui xẻo lúc hành nghề).
Mẫu Thủy (Tranh thờ của làng Sình ở Huế)
3. Quan hệ xã hội giữa cư dân vạn đò với đất liền
Trong quan niệm của người Huế trên đất liền, cư dân vạn đò là tầng lớp dân cư nghèo khổ, ít học và phức tạp, đáng khinh bỉ nhất. Dân vạn đò vì sự khinh miệt đó nên cũng thường sống khép kín và thiếu cởi mở trong tiếp xúc đối với dân trên bộ. Vì vậy, người trên bộ thường gọi cư dân vạn đò bằng một từ miệt thị là “nôốc” (nôốc cũng là đò). Thậm chí, từ “nôốc” dần dần trở thành một danh từ dùng để miệt thị người quê mùa, dốt nát hay không biết cách ăn mặc tử tế, không biết chọn màu sắc trang phục phù hợp...
Cách ăn nói của cư dân vạn đò cũng thường khác người Huế sống trên đất liền, với một giọng nói có âm nặng hơn, nhiều ngôn từ mang tính nông thôn hơn, ngôn ngữ thường cục mịch, ít trau chuốt hơn. Đặc biệt, dân vạn đò thường nói ngọng nhiều phụ âm, như “tr” thành “t”, “nh” thành “dz”, “d” thành “đ” (ví dụ “cây tre” thì nói là “cây te”; “cái nhà” thì nói là “cái dzà”; “dưới” thành “đưới”). Do đó, cư dân vạn đò cũng thường bị người trên bộ coi khinh, xem họ là hạng người ăn nói kiểu “quê mùa”, “nôốc”.
Đối với phụ nữ vạn đò ở Huế, ngoài nghề đánh cá, làm thuê, bán hàng rong hay lượm ve chai, nhiều chị em do thất nghiệp hoặc cùng đường nên kiêm thêm cả nghề mại dâm. Họ dùng chính con đò của mình, hoặc của chủ chứa là người trong vạn đò để hành nghề. Vì thế, người trên bộ thường gọi một cách khinh bỉ phụ nữ vạn đò bán phấn buôn hương là “đĩ đò”.
Trong quan hệ hôn nhân gia đình, sự phân biệt đẳng cấp xã hội giữa trên bộ và dưới đò vẫn tồn tại khá nặng nề. Dân vạn đò phần lớn chỉ yêu nhau và cưới nhau; rất ít trường hợp diễn ra hôn nhân giữa người trên bộ và người dưới nước, vì tâm lý phổ biến vẫn rất ngại lấy người dưới “nôốc” làm vợ hoặc làm chồng. Nhiều trường hợp người trên bộ lấy người dưới vạn đò đã bị chính gia đình, dòng họ ngăn cản hoặc chòm xóm xì xào, coi khinh.
Xóm vạn ở Bao Vinh-2009
Không chỉ vậy, ngay cả trẻ em dân vạn đò đi học trong các trường học thuộc cộng đồng cư dân trên bộ cũng phải gánh chịu sự khinh miệt là “trò dưới nôốc”. Hoặc khi dân vạn đò chuyển lên sống ở khu định cư trên bộ, thì người trên bộ thường không muốn ở chung khu vực với cư dân có nguồn gốc dưới vạn đò.
Do trình độ thấp kém và điều kiện làm ăn sinh sống thiếu thốn, vốn liếng của nả không bao lăm; vì thế dân vạn đò thường sắm vai đầy tớ trong nhà của gia chủ, cu li ngoài bến bãi thương trường, buôn thúng bán mẹt và làm các dịch vụ rẻ tiền ngoài xã hội, lang thang thu nhặt phế liệu ve chai, và lắm lúc trở thành trộm cắp. Rất ít người xuất thân là dân vạn đò thành đạt về học thức hay trở thành nhà kinh doanh lớn, được xã hội nể trọng.
Ngay cả khi chết, dân vạn đò cũng không có đất để mai táng, không có nghĩa địa của dòng họ hay của vạn đò; vì cư dân trên bộ không cho phép dân vạn đò chôn cất người thân trên địa phận của họ. Chính vì thế, dân vạn đò thường phải chạy tiền mua đất ở nghĩa trang để chôn cất. Còn trong trường hợp quá nghèo túng không có tiền mua đất, thì dân vạn đò thường tìm một khoảnh đất hoang vắng bên bờ sông, nhất là những gò bãi phía thượng nguồn, để chôn cất trộm. Đó cũng là lý do khiến dân vạn đò ít nhớ gốc gác quê hương của mình, quên luôn mồ mả của ông bà tổ tiên xa xưa.
4. Lời kết
Cư dân vạn đò khu vực Huế có một lịch sử hình thành lâu đời và nguồn gốc xuất thân hết sức phức tạp. Cộng đồng xã hội này có hoàn cảnh sống đặc thù của cư dân sông nước vùng đô thị, tồn tại và gắn bó với đô thị Huế trong suốt tiến trình lịch sử của vùng đất.
Tập quán và sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng của cư dân vạn đò khu vực Huế có những nét rất riêng, độc đáo. Vì thế, các vạn đò đã góp thêm những mảng màu đa sắc trên sông nước, tạo thành nét đặc trưng của vùng đất xứ Huế yên bình và thơ mộng, với nhịp chảy tĩnh lặng của dòng Hương và những con đò trên sông như bức tranh thiên nhiên hữu tình của vùng đất cố đô.
Trong quan hệ với người trên bộ, từ xưa đến nay cư dân vạn đò khu vực Huế vẫn luôn có một khoảng cách chưa thể vượt qua để tiến tới hòa nhập thực sự thành một khối thống nhất với cư dân đất liền. Muốn rút ngắn và khỏa lấp được khoảng cách đó, có lẽ việc bố trí định cư trên bộ và sự quan tâm nâng cao trình độ dân trí, cải thiện công ăn việc làm cho cư dân vạn đò mới chính là giải pháp hữu hiệu giúp cộng đồng này hòa nhập xã hội một cách bền vững.
Dĩ nhiên, với nguồn gốc hình thành phức tạp và có bề dày tồn tại mấy trăm năm trong lịch sử, không dễ một sớm một chiều đã có thể nhanh chóng tạo ra sự hòa nhập tự nhiên cho cư dân vạn đò ở khu vực Huế. Nhưng với cách làm đúng hướng hiện nay của chính quyền ở địa phương, sự hậu thuẫn của các tổ chức nhân đạo phi chính phủ và xu thế chung của xã hội, chắc chắn khoảng cách về tâm lý và nếp sinh hoạt giữa dân vạn đò với cư dân trên bộ ở Huế sẽ dần được xóa nhòa theo bước thời gian và nhịp sống của thời hiện đại.
Cuộc định cư trên bộ cho cư dân vạn đò ở Huế đang dần đi đến hồi kết. Tuy phía trước vẫn còn lắm gian nan trắc trở, như sự bố trí nhân khẩu trong từng căn hộ theo đầu hộ khẩu đã gây ra những điều bất cập về chỗ ở và thiếu tính nhân văn, việc giải quyết công ăn việc làm cho dân định cư chưa thấu đáo, cũng như chất lượng các khu định cư vẫn chưa bắt kịp sự mong đợi của xã hội; nhưng trang sử về cư dân vạn đò ở Huế xem như đã được khép lại, và hình ảnh của những vạn đò trên sông Hương đã dần khỏa lấp vào ký ức của người dân địa phương cũng như những ai đã từng đến Huế.
                                                                                   Huế, tháng 4 năm 2011
              NQTT



[1] Sông Lợi Nông còn có các tên gọi khác là Bến Ngự, Phủ Cam, An Cựu.
[2] Nguyễn Quang Trung Tiến (2005), “Quá trình tụ cư khai phá mặt nước của cư dân đầm phá Hóa Châu-Thừa Thiên Huế”, Cố đô Huế xưa và nay, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 85-86.
[3] Nguyễn Quang Trung Tiến (2005), Sách đã dẫn, tr. 89-90.
[4] Nguyễn Quang Trung Tiến (1995), Ngư nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 118-119.
[5] Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2009), Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Dân cư-Hành chính, Bản báo cáo nghiệm thu chính thức, Huế, thì dưới triều vua Đồng Khánh tổng Võng Nhi đã tăng lên 16 đơn vị dân cư thủy diện, gồm các thôn Quảng Tế, Trung An, Phụ Quảng, Chánh Quảng, Nghĩa Quán, Hòa Xuân, Trọng Đức, An Thôn, An Thôn Thượng, Kinh Dân, Giang Hồ; ấp Tân Thủy; các giáp Miêu Nha Thượng, Miêu Nha Hạ, Miêu Nha Trung, Miêu Nha Đông.   
[6] Thành uỷ Huế (1995), Sơ thảo lịch sử Đảng bộ thành phố Huế 1945- 1975, Tập II, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 26.
[7] Thành uỷ Huế (1995), Sách đã dẫn, trang 26.
[8] Nguyễn Quang Trung Tiến (2001), “Từ các cuộc cải tổ đơn vị hành chính ở Huế, nghĩ về sự phát triển bền vững đô thị Huế”, Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 46, tr. 61.
[9] Nguyễn Quang Trung Tiến (2009),Biến đổi địa giới hành chính đô thị Huế trong hai thế kỷ XIX-XX”, Thay đổi của văn hoá truyền thống ở Thừa Thiên Huế- Tiếp cận từ Nhân loại học và Sử học từ trong và ngoài nước (Song ngữ Nhật-Việt), Viện Nghiên cứu Văn hoá châu Á, Đại học Toyo xuất bản, Tokyo, Nhật Bản, tr. 410-411.
[10] Nguyễn Quang Trung Tiến (1999), “Về cuộc cải tổ hành chính đô thị Huế thời kỳ 1965- 1968”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2, tr. 135-136.
[11] Dẫn theo tài liệu thống kê của Phan Hoàng Quý (1992) “Những con đò trên sông Hương”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ,  Ban Khoa học và Kỹ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, số 1, tr. 62, 63 và 69.
[12] Nguyễn Quang Trung Tiến (2009), Sách đã dẫn, tr. 416.
[13] Số liệu lấy theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Huế năm 1995.
[14] Nguồn: www.tintuc.xalo.vn.
[15] Theo Phan Hoàng Quý (1999), “Sinh hoạt những vạn đò trên sông Hương trước 1975”, Nghiên cứu Huế, Tập Một, Trung tâm Nghiên cứu Huế, Huế, trang 138, thì vào năm 1970, 11 vạn đò thuộc khu vực Huế có 1.709 hộ gia đình, nhưng chỉ có 5 hộ theo Thiên chúa giáo, còn lại theo Phật giáo.
[16] Mẫu Thủy gọi theo tiếng Quảng Đông ở Trung Quốc là Mẫu Thoải.
[17] Tứ phủ Công đồng thờ Mẫu thượng Thiên, Mẫu thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ và Mẫu Địa. Trong tòa Thánh Mẫu trên điện thờ, Mẫu Thuỷ là pho tượng mặc áo choàng màu trắng.
[18] Thể hiện rõ nét nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân Huế tại điện Hòn Chén.
[19] Phan Hoàng Quý (1999), Sách đã dẫn, trang 141.

[20] Trong đạo thờ Mẫu còn thờ Ngũ Hổ và Ông Lốt (Rắn) ở hạ ban phía duới điện thờ Mẫu. Trong quan niệm dân gian, Hổ là vị chúa cai quản vùng rừng núi, còn Rắn là vị thần ở sông nước, nên kiêng gọi thẳng tên.


Lễ hội ngư dân đầm phá Thừa Thiên Huế

Lễ  hội dân gian của một cộng đồng người bất kỳ nào đó bao giờ cũng xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng đặc trưng của họ. Nguồn gốc tín ngưỡng của lễ hội dân gian không cho phép chúng ta tách biệt rạch ròi thành hai phần tín ngưỡng và lễ hội khi nghiên cứu chúng.

Vạn đò ở cửa sông Lợi Nông
Đối với khu vực cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế, ngoài những quan niệm tín ngưỡng và lễ hội mang đặc trưng chung của cộng đồng dân tộc Việt, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra những đặc thù của cư dân sinh sống trên mặt nước bao la của đầm phá. Nó phản ánh rõ thế giới quan và nhân sinh quan của con nguời ở đây dưới hình thức bình dị, mộc mạc và rất đời thường.
Tín ngưỡng và lễ hội dân gian cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế rất đa dạng và cực kỳ phức tạp, dưới đây là những biểu hiện mang tính phổ quát của khu cực cư dân này.

Quan niệm linh hồn và lễ cúng cô hồn

Thuyết linh hồn là hình thức tín ngưỡng sơ khai nguyên thuỷ, phản ánh nhận thức của con người trước sức mạnh to lớn của tự nhiêm và xã hội. Quan niệm linh hồn hầu như phổ biến ở khắp tất cả các cộng đồng người, và tồn tại dai dẳng trong đời sống tâm linh của họ.
Quan niệm lễ hội dân gian của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế gắn liền với những đối tượng quen thuộc ở loài cá là cá voi và cá vược, và lẽ tất nhiên là ngay chính bản thân của con người. Linh hồn là cái bất biến, tồn tại vĩnh viễn sau khi thân xác bị thiêu huỷ. Linh hồn của một con người khi đã chết thì hoặc là lên trời, hoặc là đoạ xuống địa ngục tuỳ theo âm đức của từng người. Quan niệm của cư dân đầm phá cũng cho rằng con người có đến ba hồn và bảy vía (nếu là nam) hoặc chín vía (nếu là nữ). Cái chết của con người là do hiện tượng hồn lìa khỏi xác, vì vậy khi gặp những tai biến bất ngờ như trúng gió bất tỉnh, bị ngã xuống nước tắt thở... thì người ta đều hô hoán để gọi linh hồn quay trở về nhập vào thể xác nhằm trả lại cuộc sống cho những người bị nạn.
Từ quan niệm linh hồn đó, cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế thường xây dựng các am, cảnh nhỏ nằm rải rác ven bờ đầm để thờ cúng các loại âm linh cô hồn bị chết trên sông nước. Hàng tháng vào các ngày sóc, vọng (mồng một và rằm âm lịch), ngư dân thường mang hương hoa lễ vật đến những nơi đó để cúng bái, có khi là những vắt cơm nhỏ, những hạt nổ đủ màu, giấy tiền vàng bạc (đồ hàng mã) và hương đèn; có khi họ chỉ thắp hương và khấn vái chứ không có vật phẩm. Lễ vật cúng xong được ngư dân đem thả trên những chiếc bè nhỏ trôi dạt trên sông nước, với ý nghĩa phân phát cho những vong linh cô hồn lang thang không nhà không cửa, không ai thờ cúng, chia nhau hưởng thụ rồi không quấy nhiễu đến công việc hành nghề của họ.
Việc thờ cúng của cư dân đầm phá xuất phát từ quan niệm có linh hồn. Lệ cúng cô hồn từ mục đích ban đầu là “giúp đỡ” những linh hồn trôi dạt lang thang không người thờ phụng, đã được kết hợp thêm mục đích thứ hai là cầu mong các cô hồn uẩn tử đừng quậy phá để công việc hành nghề của ngư dân tiến hành tốt đẹp.

Lễ cúng thờ tổ tiên

Việc chôn cất người chết ở cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế quả là một vấn đề hết sức khó khăn. Suốt một đời chỉ chuyên gắn bó cuộc sống với con thuyền, nhưng đến lúc chết lại không có phần đất chôn cất, nên họ phải trình xin hoặc mua ở các làng nông nghiệp ven bờ.
Việc xin phép hoặc mua một chỗ đất cho người chết tại các làng ven bờ không phải lúc nào cũng thuận lợi, chính vì vậy cư dân đầm phá thường không có nghĩa địa chung của dòng họ như cư dân nông nghiệp. Hơn nữa, cuộc sống chài lưới quanh năm suốt tháng theo đuôi con cá, cái chết lại xảy đến trong nhiều tình huống khó đoán định, nên chết ở chỗ nào người ta thường tìm đất ở chỗ đó để mai táng. Sự phân tán mồ mả của người thân trong gia đình, dòng họ là nguyên nhân làm cho con cháu những thế hệ sau hoàn toàn quên hẳn nơi chôn cất của tổ tiên.
Tuy nhiên, cũng như đại đa số dân cư Việt ở trên toàn quốc, cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế vẫn thờ cúng tổ tiên của mình, ngay trên phương tiện cư trú và hành nghề, đó là con đò. Trong các con đò cư trú của các gia đình ngư dân, chỗ trang trọng kín đáo nhất ở mũi đò, chính là nơi đặt bát hương thờ cúng ông bà tổ tiên của họ. Ngư dân luôn luôn quan niệm rằng tuy đã chết nhưng linh hồn của những người chết vẫn còn thương nhớ con cháu, và thường xuyên về thăm nom, phù hộ cho họ được gặp những điều tốt lành. Mặt khác việc thờ cúng ông bà tổ tiên còn thể hiện sự nhớ ơn của con cháu đối với những tiền nhân đã khuất bóng.
Lễ cúng tổ tiên ông bà của các gia đình, dòng họ ngư dân đầm phá được thực hiện vào ngày tròn năm của các kỳ giỗ, chạp tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Và trong các dịp cúng tế quan trọng khác như lễ mở cửa nước, lễ cúng rào..., ngư dân vẫn thường dâng cúng vật thực và hương khói trên bàn thờ tiên tổ một cách chu đáo, đúng như câu tục ngữ ở vùng đầm phá Thừa Thiên Huế hay nói là: ”Câu cá mại cũng vái tiên sư”.
Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt, nó thể hiện đạo lý làm người với quan niệm ”cây có cội, nước có nguồn” khá rõ nét. Đối với cư dân đầm phá, những lần cúng tế tổ tiên là dịp nhận mặt họ hàng thân thích giữa các thế hệ, cố kết mối quan hệ thân tộc trong dòng họ, củng cố thêm mối đoàn kết gắn bó cùng nhau khai thác mặt nước để sinh tồn.

Lễ tế đình vạn

Tế đình vạn là một sinh hoạt lễ hội tương đối phổ biến ở cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế, nhất là tại các khu vực đầm phá thuộc huyện Phú Lộc.
Mỗi vạn chài vùng đầm phá thường có một ngôi đình riêng của vạn, dùng làm nơi tế tự các tổ tiên của những dòng họ trong vạn, hoặc những người có nhiều công đức với vạn chài của họ. Đất dùng để dựng dình vạn có thể do xin được  của làng trên bờ, có thể là do mua lại của làng.
Đình vạn thường không lớn, cũng không phải là trung tâm sinh hoạt văn hoá-xã hội của ngư dân như đình làng của cư dân nông nghiệp. Quy mô và cấu trúc của đình vạn như một cái am lớn của cư dân làm nghề nông, và nó được xem là điểm mốc xác định khu vực cư trú của một vạn chài trên phá.
Lễ tế đình vạn được tổ chức hàng năm vào tháng hai và tháng tám âm lịch, gọi là xuân tế và thu tế. Cứ mỗi lần tế đình vạn, ngư dân trong vạn dù hành nghề ở đâu cũng cố gắng kéo về tụ tập để chung sức lo việc cúng tế. Khác với tế đình làng ở làng nông nghiệp là dựa vào kinh phí trích từ ruộng làng, cư dân đầm phá tiến hành tế đình lại trông cậy vào sự đóng góp của các thành viên của vạn. Việc thu tiền quyên góp để tế đình vạn thường do các ông xâu, ông trùm của vạn đảm trách.
Một buổi tế đình vạn của cư dân đầm phá về cơ bản cũng tương tự như một buổi tế đình của các làng nông nghiệp. Người Hội chủ của vạn đứng ra điều hành, chủ trì việc lễ tế, khấn vái tổ tiên các họ, các bậc khuất mặt có công đức với vạn, để cầu mong cho toàn vạn được may mắn, yên lành, làm ăn thuận lợi... Kết thúc cuộc tế đình vạn là sự họp mặt để ăn uống, vui chơi của toàn vạn, nhưng không phải ở đình vạn mà ở các con đò đậu sát vào nhau trên mặt nước.
Có thể nói đình vạn của cư dân đầm phá chỉ là nơi thực hiện những nghi lễ mang tính cộng đồng, là nơi cất giữ những bản vạn phổ của vạn. Nó không đảm nhận chức năng là pháp đình hương thôn, là trung tâm sinh hoạt văn hoá như các đình làng nông nghiệp. Mọi sinh hoạt chính của cư dân đầm phá đều diễn ra trên những con đò của họ. Nhưng dẫu sao các dịp tế đình vạn cũng là cơ hội cho các thành viên của vạn tề tựu đông đủ, thắt chặt lại mối dây liên hệ cộng đồng vốn rất mong manh, do tình trạng phân tán để theo đuôi con cá của từng gia đình nay đây mai đó trên đầm phá bao la rộng lớn ở Thừa Thiên Huế.

Lễ cúng Sơn thần-Thuỷ thần

Một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian phổ biến ở người dân chài vùng đầm phá Thừa Thiên Huế là thờ cúng Thuỷ thần và Sơn thần.


Kỳ bí Tam Giang
Cuộc sống của người ngư dân gắn liền với mặt nước mênh mông của đầm phá, nơi chứa đựng nhiều bí ẩn của thế giới tự nhiên mà con người chưa thể nhận thức hết được. Con người vẫn luôn bé nhỏ trước sóng nước bao la được bao bọc chung quanh bởi các dãy núi hùng vĩ từ Trường Sơn đâm ra biển. Khung cảnh đầm phá hết sức kỳ ảo, thơ mộng vào những lúc thời tiết tốt đẹp. Song đến lúc trái gió trở trời, khung cảnh ấy lại trở nên hung hãn, dữ dằn đối với con người, sẵn sàng nhấn chìm con người xuống tận đáy nước quen thuộc của mình.
Trong những lúc mưa bão giông tố, ngồi trong lòng một con thuyền bé nhỏ giữa đầm phá mênh mông, ngư dân từ xưa đã nghĩ đến một thế lực siêu nhiên có quyền pháp ghê gớm, một loại thần linh với đầy đủ uy lực trong việc trừng phạt hoặc che chở cho con người qua cơn hoạn nạn. Từ việc tưởng tượng hoá thế lực siêu nhiên, ngư dân đầm phá đi đến chỗ thờ cúng Sơn thần-Thuỷ thần với mục đích cầu an cho cuộc sống bản thân và gia đình, cầu mong thánh thần che chở để thoát khỏi những cơn nguy hiểm luôn đe doạ đến tính mạng và mơ ước được thần linh phù hộ cho công việc hành nghề đánh bắt của mình được may mắn.
Sự tôn thờ Thuỷ thần-Sơn thần của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế không chỉ tồn tại trong tâm tưởng của họ, mà được biểu hiện cụ thể bằng việc xây dựng các ngôi miếu ven bờ đầm phá. Những miếu thờ Thuỷ thần-Sơn thần của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế còn tồn tại cho đến ngày nay như miếu La Khê giữa đầm Đả, miếu Cầu Hai nằm ở bên bờ Đá Bạc thuộc huyện Phú Lộc...
Lễ cúng bái Thuỷ thần-Sơn thần thường được tổ chức vào tháng ba và tháng bảy âm lịch, song kỳ thực quanh năm suốt tháng ngư dân vẫn luôn hương hoa thờ cúng không dứt. Lễ cúng Thuỷ thần-Sơn thần không giới hạn vào một hình thức tế lễ nào cả, bởi vì có thể là cả vạn chài, có thể là chỉ từng gia đình ngư dân tiến hành. Tất cả những cuộc cúng bái Thuỷ thần-Sơn thần đều nhằm mục đích cầu khẩn sự che chở từ phía thần linh đối với con người, cầu mong thần linh giúp đỡ con người trong quá trình sinh sống và hành nghề đánh bắt trên mặt nước của đầm phá.

Thờ cúng cá voi và cá vược

Cũng như ngư dân các làng đánh cá biển, cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế rất phổ biến tục thờ cúng cá Ông (tức cá voi), nhất là khu vực cửa phá đổ ra biển. Theo lời kể của nhiều ngư dân đầm phá, thuở xa xưa cá voi đã từng trôi dạt vào khu vực đầm phá, cư dân ở đây tiến hành mai táng một cách trang trọng không khác gì cư dân biển, và họ vẫn thờ cúng rất chu đáo.
Mặc dù trong thực tế hiếm có trường hợp cá voi trôi vào phá, nhưng từ trong tiềm thức cư dân đầm phá, cá voi vẫn là một loại cá biển linh chuyên giúp đỡ người bị nạn, vì vậy họ sùng bái không kém gì dân biển.
Tuy nhiên, nếu như thờ cúng cá Ông chỉ là một tục lệ có tính chất kế thừa từ đời này sang đời khác, hoặc do ảnh hưởng từ cư dân nghề biển, thì việc kiêng cử bắt cá vược và lễ cúng cá vược lại là đặc trưng nổi bật của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế.
Cá vược là một loài cá khá to mà cư dân đầm phá tuyệt đối không bao giờ cố ý tìm bắt. Ngư dân đầm phá quan niệm cá vược là một cái gì đó bất khả xâm phạm, nếu đụng vào cá vược thì chắc chắn phải gánh chịu những hậu quả rủi ro, tai hại vô cùng, không sao lường trước. Do vậy trong cuộc đời hành nghề trên phá, ngư dân bao giờ cũng mong ước mình không đánh bắt nhằm cá vược.
Trong trường hợp chẳng may cá vược đóng lưới, ngư dân đành phải gỡ ra đem về, nhưng không bao giờ bán cho người khác mà giữ lại để ăn thịt. Và đồng thời ngay sau đó họ phải bày biện lễ vật để van xin, cầu khấn tại nơi cá vược bị mắc lưới của họ. Lễ cúng cá vược có thể có nhiều ít vật phẩm tuỳ theo gia chủ, nhưng có một loại luôn luôn phải có trong lễ cúng, đó là hình ảnh những con cá vược bằng giấy vàng bạc (đồ thợ mã). Sau khi lễ cúng hoàn tất, những con cá vược bằng giấy vàng bạc được thả xuống nước trôi đi tứ phía, và lúc ấy ngư dân mới yên tâm là mình đã trả lại linh hồn cho con cá vược, khỏi lo bị những ám ảnh về mặt tinh thần do đã xúc phạm vật linh của đầm phá.
Cá vược là loại cá linh và thường mang đến những tai hoạ ghê gớm cho người đánh cá theo quan niệm của ngư dân đầm phá Thừa Thiên Huế, vì vậy lễ cúng cá vược bao giờ cũng được tổ chức chu đáo và kính cẩn một khi ngư dân bắt nhằm chúng.

Lễ cầu ngư và hội đua thuyền

Giống như các làng biển, ngư dân đầm phá Thừa Thiên Huế cũng thực hiện lễ cầu ngư vào dịp cầu an đầu năm hoặc những lúc mất mùa.
Tuy nhiên, tại các làng biển ở Thừa Thiên Huế, lễ cầu ngư thường diễn ra ở đình làng với cảnh trình nghề tượng trưng vào dịp cầu an đầu năm, hoặc ở miếu thờ cá Ông vào dịp cầu ngư mùa hè. Còn đối với dân đầm phá, lễ cầu ngư bao giờ cũng thực hiện trên những con thuyền neo đậu trên mặt nước.
Thông thường, lễ cầu ngư của cư dân đầm phá không theo một chu kỳ nhất định nào cả. Năm nào thời tiết không thuận lợi, ngư dân hành nghề không có thu hoạch tốt, nói cách khác là bị mất mùa, thì họ lập tức tiến hành lễ cầu ngư để khắc phục.
Vạn là đơn vị tổ chức lễ cầu ngư trên mặt nước đầm phá, là người đứng ra quyên góp tiền bạc từ các thành viên của vạn để mua sắm vật phẩm tế lễ. Tuỳ theo khả năng quyên góp, ngư dân trong vạn mổ heo, giết gà... để làm lễ cầu ngư cho mình.

Lễ Cầu ngư ở Thuận An
Lễ cầu ngư của dân đầm phá bao giờ cũng có mâm cơm và lễ vật dâng cúng ngay giữa mặt nước. Và trong khi tiến hành cúng bái, người ta đem thả một số cá tôm tươi sống đánh bắt được trước đó (hoặc mua lại từ chợ) xuống lại dưới nước. Việc thả tôm cá sống trở lại đầm phá không hề mang ý nghĩa như lễ phóng sinh theo quan niệm đạo Phật, mà ở đây có mục đích rất rõ ràng là nhằm cầu mong cá tôm sinh sôi nảy nở nhanh chóng và phong phú, để công việc hành nghề đánh bắt của ngư dân gặt hái được kết quả tốt đẹp. Một bên thể hiện lòng từ bi tế độ muôn loài, không sát sanh hại vật, còn một bên nhắm vào mục tiêu giải quyết nạn mất mùa. Như thế, lễ cầu ngư của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế là một biện pháp tinh thần, dùng để khắc phục những hậu quả xấu về nghề nghiệp do từ phía tự nhiên mang lại. Đây chính là đặc trưng lớn của lễ hội cầu ngư ở vùng đầm phá, và trong chừng mực nhất định nó đã khiến cho lễ cầu ngư của cư dân đầm phá có đôi nét khác với lễ cầu ngư của cư dân miền biển.
Lễ cầu ngư đầm phá thường gắn liền với việc tổ chức đua thuyền kéo dài từ hai đến ba ngày. Đua thuyền (ghe) là một sinh hoạt vui vẻ của cư dân đầm phá, nhằm tạo ra khí thế lao động phấn chấn, sung sức cho thanh niên trai tráng và những ai còn đủ sức hoạt động nghề nghiệp trên sóng nước. Chính việc đua thuyền đã làm cho ngày lễ cầu ngư trở thành ngày hội văn hóa có tính chất truyền thống của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế.
Thuyền để đua có thể là thuyền rồng, có thể là những chiếc trải dài khoảng 12 đến 15 mét. Chiếc thuyền đua nào cũng được thiết kế thon, gọn và đằm để có sức cơ động cao và lướt nhanh trên mặt nước. Thuyền đua thường có mỗi chiếc từ 10 đến 15 người tuỳ quy định cụ thể của ban tổ chức, trong đó người chèo lái giữ trách nhiệm quan trọng và ảnh hưởng lớn đến thành công của toàn đội.

Đua thuyền trên phá Tam Giang
Trước ngày đua chính thức, những chiếc thuyền đua vốn được bảo quản cẩn thận ở trên khô được đưa xuống nước. Ngư dân đầm phá khi đưa thuyền đua xuống nước thường tổ chức lễ “tiền hạ thuỷ” nhằm cúng vái trời nước tổ tiên, thánh thần về phù hộ cho con cháu trong dòng họ được nhiều may mắn.
Vào buổi đua thuyền, trên mặt nước đầm phá người ta đã cắm ba cây vè là vè thượng, vè hạ và vè rốn với khoảng cách giữa chúng bằng nhau. Vè rốn cắm chính giữa vè thượng và vè hạ, là khu vực trung tâm để người xem tụ tập quan sát cổ vũ các thuyền đua, là điểm xuất phát và đích đến của những thuyền dự đua. Hàng thuyền đua xếp một dãy theo vị trí phân công của ban tổ chức để chờ hiệu lệnh. Sau khi hồi trống lệnh vừa dứt, những người chèo lái cầm chèo đưa ngang vái chào khán giả, rồi vừa đẩy thuyền rời khỏi chỗ vừa móc bơi chèo vào nọc chèo. Dù phải xếp hàng ở bất kỳ vị trí nào, các thuyền đua đều phải lộn qua vè rốn giống như trình diễn lực lượng của đội đua rồi nhắm hướng vè thượng thẳng tiến. Mỗi lúc lộn vè là một dịp chứng tỏ tài nghệ và kỹ thuật của người cầm chèo lái. Người chèo lái có nhiều kinh nghiệm lộn vè, chém vè thì thuyền đua của họ dễ bứt các thuyền đua khác và có hy vọng chiếm giải hơn.
Ngày trước, giải thưởng dành cho thuyền đua giật giải là mâm trầu rượu, một vài quan tiền, có khi là dải lụa đỏ... Đoạt giải đua thuyền không hề đem lại quyền lợi về mặt vật chất cho vạn của họ, mà chính là đem về cái vinh dự và niềm hãnh diện của một vạn chài.
Đua thuyền của cư dân đầm phá ngày trước được gắn liền với lễ cầu ngư mang đặc trưng riêng của họ. Ngày nay các cuộc đua thuyền trên đầm phá thường được tổ chức vào các ngày như tết cổ truyền của dân tộc, vào những ngày lễ trọng đại của quốc gia, tách xa dần sự gắn bó với lễ cầu ngư có tính chất hoạt động nghề nghiệp của họ.
Dầu sao đi nữa, những cuộc đua thuyền luôn tạo nên bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp và rất lành mạnh cho tất cả mọi giới trên vùng đầm phá. Từ một lễ hội văn hoá truyền thống của cư dân sông nước, đua thuyền có sức hấp dẫn lôi cuốn không những trong nội bộ cư dân thuỷ diện, mà còn lan đến cả các làng nông nghiệp cận cư ven bờ.
Lễ cúng rào (hay lễ cúng nước)
Lễ cúng rào hay có nơi dân đầm phá còn gọi là lễ cúng nước thường được thực hiện tương đối giản dị. Lễ cúng của dân đầm phá cũng tương tự như dân trên bộ làm lễ cúng đất. Mục đích của lễ cúng rào là mong thánh thần che chở để được ăn yên ở yên, cô hồn uổng tử không phá phách, mùa màng được thuận lợi, tôm cá tràn đầy để  việc hành nghề được hanh thông.
Ngư dân đầm phá làm lễ cúng rào theo từng hộ gia đình, một năm một hoặc hai lần vào tháng hai hay tháng tám âm lịch, vật phẩm tuỳ theo khả năng mua sắm của gia chủ chứ không bắt buộc.
Lễ đóng cửa nước (hay lễ tạ đầm, lễ tất niên)
Đối với cư dân đầm phá, lễ đóng cửa nước thường được tổ chức vào những ngày cuối năm giáp tết âm lịch. Có vạn gọi đó là lễ tạ đầm hoặc lễ tất niên.
Lễ đóng cửa nước của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế cũng có ý nghĩa như lễ đóng cửa rừng của dân sơn tràng miền núi. Trong ngày lễ đóng cửa nước, tất cả các thành viên của vạn chài tập họp về địa điểm cư trú của vạn để tham gia tế lễ và chuẩn bị nghỉ ngơi ăn tết.
Hội chủ của vạn là người đứng ra thực hiện các nghi thức tế lễ, thay mặt toàn vạn tạ ơn các vị thánh thần đã giúp đỡ độ trì vạn chài một năm làm ăn bình yên hoặc có nhiều may mắn. Sau cuộc lễ, dân vạn tập trung ăn uống vui vẻ để kết thúc một năm làm lụng vất vả cực nhọc do phải theo đuôi con cá.
Từ sau ngày làm lễ đóng cửa nước, dân vạn không còn đi xa mà chỉ quanh quẩn trong phạm vi cư trú của vạn, chuẩn bị đón chào một năm mới sắp đến.
Lễ mở cửa nước (hay lễ khai niên)
Lễ mở cửa nước được thực hiện vào đầu năm mới, tuỳ theo ngày lành tháng tốt do dân vạn chọn lựa. Nhiều vạn chài cũng cũng gọi lễ mở cửa nước là lễ khai niên, tức lễ cúng năm mới.
Quy mô lễ mở cửa nước thường nhỏ hơn lễ đóng cửa nước, vật phẩm dâng cúng tương đối đơn giản chứ không bày biện linh đình. Thông thường, lễ mở cửa nước có hai mâm cúng tách bạch, gồm một mâm dâng cúng ông bà tổ tiên của gia chủ, một mâm dâng cúng Thuỷ thần, Sơn thần cùng các cô hồn của sông nước. Mục đích của lễ này là cầu mong thánh thần, tổ tiên phù hộ giúp đỡ cho dân vạn gặp may mắn tốt lành trong công việc sinh sống, làm ăn của năm mới. Cúng xong lễ, dân vạn bắt đầu triển khai kế hoạch làm ăn năm mới của mình.
Qua một số lễ hội của cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế, chúng ta dễ dàng nhận thấy khía cạnh nguồn gốc tín ngưỡng lồng trong lễ hội. Hiện tại, tuy niềm tin vào thế lực siêu nhiên đã có phần giảm sút, nhưng cư dân đầm phá vẫn cử hành các lễ hội với ý nguyện cầu mong trời đất, thánh thần, tổ tiên, ông bà luôn phù hộ độ trì cho mình vẹn toàn trong cuộc sống lênh đênh trên mặt nước.
Xu hướng lễ hội cư dân đầm phá hiện nay là giảm dần ý nghĩa tín ngưỡng, bảo lưu ý niệm biết ơn trời đất và những người khuất mặt đã che chở, đùm bọc gia đình, dòng họ, dân vạn... trong cuộc sống vật lộn với sông nước để tồn tại. Uống nước nhớ nguồn là nét đẹp trong đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam; vì vậy, ở góc độ nầy lễ hội dân gian cư dân đầm phá Thừa Thiên Huế mang tính tích cực.
Lễ hội của cư dân đầm phá trong thực tế là những buổi sinh hoạt cộng đồng từ gia đình đến dòng họ lên toàn vạn, và mở ra những quan hệ xã hội lớn hơn nữa. Do vậy, nếu có một tác động nhằm khắc phục những yếu tố dị đoan, lạc hậu, thì lễ hội vùng đầm phá sẽ là những sinh hoạt văn hoá bổ ích cho khu vực cư dân còn gắn liền với cuộc sống sông nước.
                                                                             Nguyễn Quang Trung Tiến


Không có nhận xét nào: